Một cõi vô ưu

Vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini - The sacred garden) ở Ấn Độ
Vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini - The sacred garden) ở Ấn Độ
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngồi lại nơi đây lắng tâm, hơn 2.500 năm đi qua, mọi vết tích còn lưu lại, được các nhà khảo cổ khai quật xác định. Nếu không định vị trí thì mọi thứ vẫn đó, nhưng mất hẳn trong tâm người.

Bài ca vang vang trong gió hạ:

Từ vườn Lâm-tỳ-ni Đức Thế Tôn đản sanh

Đóa hoa vô ưu tươi nở ngát hương thơm mười phương

Thành Ca-tỳ-la-vệ gió reo vui, trời hửng sáng

Người người hân hoan loan tin vui

Tất-đạt-đa thái tử ra đời.

Vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini - The sacred garden) được Unesco chính thức công nhận là một di sản thế giới vào năm 1997

Vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini - The sacred garden) được Unesco chính thức công nhận là một di sản thế giới vào năm 1997

Lâm-tỳ-ni (Lumbini) nằm trên một ngọn đồi thấp dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn, cách kinh thành Ca-tỳ-la-vệ xưa (nay là Kapilavastu) khoảng 25 cây số về hướng Đông, cách biên giới Ấn - Nepal 36 cây số.

Qua cổng kiểm soát, giày dép để bên ngoài, đi dần vào trong, nhìn thấy một tòa nhà màu trắng.

Tòa nhà trắng
Tòa nhà trắng

Ban đầu nhìn tòa nhà trắng rất lấy làm lạ, vào trong mới biết tòa nhà xây quanh để bảo vệ nền gạch đang khai quật tránh sụp đổ tàn hoại thêm. Vì không được sử dụng camera, nên đoàn không ghi được hình, ký ức thì không vẽ lại được. Cạnh đó có một có một tảng đá tương truyền là dấu chân của thái tử, được bảo vệ trong lồng kính. Trên tường có một bức phù điêu bằng đá nói về sự đản sanh của thái tử. Quan sát phù điêu sẽ thấy hoàng hậu với tay trên nhánh vô ưu và đản sanh thái tử bên hông.

Được ngồi lắng tâm đôi phút, dù xa cách bao lâu, thời gian cách xa cũng dường như chưa có. Nhưng vì sao dấu chân này được bảo trọng như vậy, đáp án lại nằm nơi gốc cây Bồ đề bên dòng sông Ni-liên.

Bên cạnh tòa nhà là trụ đá vua A-dục xây vào năm 249 trước công nguyên.

Trụ đá vua A-dục
Trụ đá vua A-dục

Ngồi lại nơi đây lắng tâm, hơn 2500 năm đi qua, mọi vết tích còn lưu lại, được các nhà khảo cổ khai quật xác định. Nếu không định vị trí thì mọi thứ vẫn đó, nhưng mất hẳn trong tâm người. Hoang mang không biết có chăng một người có mặt trên cuộc đời này, làm thay đổi cái nhìn của nhiều cuộc đời, chỉ với nói một điều mà ai cũng biết “máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn” nhưng lại chừng như ai cũng chưa từng biết.

Gọi là hồi sinh theo dấu chân Phật.

Theo dấu chân Phật...
Theo dấu chân Phật...

Nhìn bên kia hồ là cây Bồ đề, trước kia là cây vô ưu. Tương truyền rằng Hoàng hậu Ma-da tắm dưới ao, và khi lên vịn cây vô ưu, đản sanh thái tử.

Nơi đây không tạc tượng, có lẽ e rằng mất mỹ quan của cảnh trí, nên tượng thái tử đản sảnh, dựng một nơi khác.

Đã đến đây mà không cố gắng đi bộ thêm một khoảng nữa hay sao, thế là đi dưới ánh nắng trưa, đoàn ghi được hình tượng màu hoàng kim thêm chói sáng.

Tôn tượng Đức Phật sơ sinh
Tôn tượng Đức Phật sơ sinh

Thiên thượng thiên hạ,

Duy ngã độc tôn.

Nhất thiết thế gian,

Sinh lão bệnh tử.

Nhiều cách giảng giải, nếu chưa hiểu cũng không sao, những điều ý thức chưa thể tách bạch cứ để cuộc sống với tâm lặng lẽ trả lời. Có cái gì thoát ngoài vòng sanh lão bệnh tử?

Rời vườn Lumbini, đi đến thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu).

Thành Ca-tỳ-la-vệ
Thành Ca-tỳ-la-vệ

Thành Ca-tỳ-la sống yên vui đời tiên vương, người người vui sướng Thích Ca ngài vừa ra đời. Muôn chim hót mừng lá hoa hương ngạt ngào. Muôn hào quang ngời rọi chiếu khắp núi sông. Cây vô ưu đến nay chúng sanh luôn nhắc hoài, nơi Lâm-tỳ-ni còn ghi bao ngày vui.

Thành Ca-tỳ-la-vệ hiện đang khôi phục nền rất nhiều nền gạch vị trí các cung điện... Đi ngang một nơi thấy để hình thái tử đứng trước cửa phòng, thầm từ giã.

Ngày xưa đọc Ánh đạo vàng của bác Võ Đình Cường, đoạn viết về lúc thái tử nghe tiếng: Giờ đã đến! Giờ đã đến!” Ba lần Ngài bước ra, ba lần Ngài trở lại. Nhưng lần sau cùng với vẻ cương quyết, Ngài phủ vạt áo lên đầu, vén rèm bước ra…”.

Những nơi khai quật được nền thành, tuy chưa xác định là đâu, nhưng nơi chốn nào ở đây không vương hình ảnh đó.

Đi dần đến cửa thành Đông, nơi thái tử vượt thành xuất gia. Đứng trên nền gạch đổ nát nhìn về phía Đông, mường tượng như ngựa Kiền Trắc phóng vút qua cửa thành như những bức tranh biết bao người ấp ủ từ bé, một con đường vượt thoát trần lao.

Không đủ thời gian để đến tận dòng Anoma, đứng trên nền thành phóng tầm mắt nhìn về phía chân trời.

"Phía trước toàn một màu xanh đậm của nước và rừng! Cảnh tượng hùng vĩ ở đây làm rợn người yếu vía: Sông A-nô-ma (Anoma) trùng trùng dậy sóng. Điệp điệp bên kia bờ, từng dãy núi chồng dựng lên nhau. Hoang vu, hoang vu vây cùng mọi ngả. Chưa có một vết chân người để lại nơi đây! Từ nay muốn đến những chóp núi nhuộm vàng trong ánh nắng ban mai…".

(Trích Ánh đạo vàng - Võ Đình Cường)

Dòng Anoma sóng nhấp nhô bờ lau xanh,

Nhìn làn nước biếc Thích Ca ngài lòng vững bền,

Thôi con hãy về để ta vui ánh vàng,

Ta đã quyết tìm đạo sáng cứu chúng sanh,

...

Anoma vẫn còn nhớ ghi gương sáng ngời,

Chúng ta giờ đây nguyện theo đức Từ bi.

Từ giã thành Ca-tỳ-la-vệ, bây giờ cũng đi về hướng Đông. Hướng đi đôi khi không quan trọng, mà đáng nói là nơi đến ở hướng nào.

(Trích "Du khảo Thánh tích Ấn Độ" - 2019)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.