Nhìn lại quá trình hoạt động trong thời gian 5 năm qua trên “vùng đất Bảy Núi”, Hòa thượng cho biết:
Hòa thượng Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang |
- Trong nhiệm kỳ VI (2017 - 2022), Ban Trị sự tỉnh đã đề ra quyết sách phát triển Phật giáo An Giang theo định hướng: đặt lợi ích của Tổ quốc Việt Nam, lợi ích của GHPGVN lên trên hết; nêu cao truyền thống đoàn kết hòa hợp nội bộ, đoàn kết đạo đời, đoàn kết tôn giáo để thực hiện các hoạt động Phật sự; cũng như mục tiêu “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Trách nhiệm” đối với các hoạt động Phật sự.
Từ ý nghĩa đó, qua 5 năm hoạt động, Ban Trị sự cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ được tín nhiệm giao phó, luôn xem chất lượng công tác, hiệu quả công việc là động lực; đoàn kết hòa hợp là nền tảng; nhạy bén trong điều hành và kiên quyết trong giải quyết là chìa khóa thành công. Qua đó cho thấy các hoạt động Phật sự khi triển khai, thực hiện đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các hệ phái, tự viện, Tăng Ni, tín đồ đạo Phật; phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc và Phật giáo Việt Nam, vận dụng và sáng tạo tư tưởng hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam vào các hoạt động Phật sự.
Nhìn chung trong thời gian qua, Ban Trị sự đã hướng dẫn các hệ phái, tự viện, Tăng Ni, tín đồ đạo Phật vừa làm tròn trách nhiệm, bổn phận của người đệ tử Phật, vừa làm tròn trách nhiệm, bổn phận của công dân; luôn cảnh giác và đấu tranh với những cá nhân tiêu cực lợi dụng tôn giáo làm suy giảm sự đoàn kết nội bộ Phật giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xuyên tạc chính sách tôn giáo, dân tộc của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang. Từ đó, Phật giáo An Giang đã góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững GHPGVN, góp phần công sức vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam và quê hương Bác Tôn ngày càng giàu đẹp.
Bước sang một hành trình mới, các hệ phái, tự viện, Tăng Ni, tín đồ đạo Phật tin tưởng rằng Đại hội lần thứ VII (2022 - 2027) sẽ thảo luận và thông qua những mục tiêu, nhiệm vụ ngang tầm thời đại trong 5 năm sắp tới của Phật giáo tỉnh nhà; Đại hội sẽ suy cử Ban Trị sự nhiệm kỳ VII với những thành viên ưu tú, tạo nên một tập thể vững mạnh để tiếp bước tiền nhân, tiếp tục kế thừa và phát huy các Phật sự đã thành tựu thì ngày càng thành tựu hơn nữa, hoạt động hữu hiệu trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.
* Hòa thượng có thể chia sẻ định hướng phát triển của Phật giáo tỉnh nhà trong thời gian tới?
- Để phát triển một cách toàn diện và kết nối với các hệ phái, tự viện, Tăng Ni, tín đồ đạo Phật trong thời gian tới, Ban Trị sự đề ra 8 mục tiêu cho các hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VII (2022 - 2027):
1- Kiên định lý tưởng Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, tuân thủ Giới luật Phật chế, Hiến chương GHPGVN và pháp luật Nhà nước; phát huy trí tuệ tập thể, nêu cao tinh thần đoàn kết hòa hợp trong xây dựng, phát triển bền vững Tổ quốc Việt Nam và GHPGVN.
2- Giữ gìn và phát huy văn hóa Phật giáo đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại, nâng cao đời sống đạo đức trên nền tảng truyền thống Phật giáo Việt Nam.
3- Năng động, đổi mới tư duy và sáng tạo công tác hoằng dương Chánh pháp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về lối sống đạo đức, tinh thần hộ quốc an dân.
4- Nâng cao chất lượng đào tạo, lấy giáo dục tại tự viện làm nền tảng đối với Tăng Ni, tín đồ Phật tử.
5- Giữ vững kỷ cương, kỷ luật, tăng cường kiểm tra, giám sát việc xuất gia tu học tại các tự viện; giải quyết việc lợi dụng hình thức tu sĩ Phật giáo để thực hiện những hành vi gây phản cảm trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín GHPGVN.
6- Tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa các tôn giáo.
7- Từng bước nâng chất lượng hoạt động hành chính đạo theo hướng chuyên môn, chuyên nghiệp.
8- Đẩy mạnh những giải pháp từ những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong các hoạt động Phật sự.
8 mục tiêu với 47 nhiệm vụ nêu trên sẽ là động lực, là sức mạnh để Phật giáo An Giang phát triển về chiều rộng lẫn chiều sâu, các hệ phái đều phát triển. Nói cách khác, không chỉ kết nối trong nội bộ mà BTS còn chú trọng đến kết nối với các tôn giáo để cùng nhau xây dựng và phát triển Tổ quốc Việt Nam thịnh vượng.
* An Giang được mệnh danh là “vùng đất Bảy Núi” huyền thoại với nhiều giá trị tâm linh, có sự cộng sinh của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng. Theo Hòa thượng, điều đó có những thuận lợi và khó khăn gì đối với sự phát triển của Phật giáo tại đây?
- Lịch sử của An Giang cho thấy các tôn giáo luôn đoàn kết, tôn trọng những khác biệt và niềm tin tôn giáo của nhau. Để tiếp bước tiền nhân, Ban Trị sự đã đề ra định hướng hoạt động gồm: thường xuyên trao đổi thông tin giữa Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang với các tôn giáo để nâng cao tinh thần đoàn kết tôn giáo trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; hướng dẫn các Tăng Ni, tín đồ Phật tử luôn tôn trọng các giá trị đạo đức của các tôn giáo để cùng nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; xử lý nghiêm cá nhân Tăng Ni, tín đồ Phật tử có biểu hiện, hành vi, lời nói gây mất đoàn kết tôn giáo.
* Thưa Hòa thượng, con người là luôn là vấn đề căn bản cho mọi phát triển, với tỉnh nhà, Hòa thượng có trăn trở và kỳ vọng gì đối với việc trẻ hóa nhân sự trong nhiệm kỳ mới?
- Vấn đề trẻ hóa nhân sự được Ban Trị sự Phật giáo tỉnh quan tâm từ nhiệm kỳ I, cho nên nhiều Tăng Ni trẻ được giới thiệu tham gia Ban Trị sự theo hướng: vừa tham gia, vừa đào tạo. Do đó, nhân sự Ban Trị sự luôn có tỷ lệ phần trăm tương ứng của 3 thế hệ: Thế hệ giữ mạch phát triển là các bậc tôn túc cao niên, thế hệ thừa hành Phật sự là các vị trung niên, thế hệ tiếp nối sự nghiệp là các Tăng Ni trẻ. Như chúng ta thấy, hiện nay có những vị Hòa thượng trong Ban Trị sự nhưng tham gia từ nhiệm kỳ I khi mới là những vị Tăng Ni còn rất trẻ.
Mỗi nhiệm kỳ, Ban Trị sự đều ưu ái đến Tăng Ni trẻ được đào tạo chính quy, nhất là các Tăng Ni sinh của Trường Trung cấp Phật học tỉnh An Giang, khi được tham gia Ban Trị sự họ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Tôi tin rằng các Tăng Ni trẻ được giới thiệu tham gia Ban Trị sự nhiệm kỳ VII sẽ học tập các vị đi trước về tinh thần trách nhiệm, phấn đấu trong phụng sự đạo pháp và dân tộc để tương lai đều là những lãnh đạo mẫu mực, đủ kinh nghiệm, đủ tài đức để tiếp tục làm cho Phật giáo An Giang phát triển bền vững.
* Trước thềm sự kiện quan trọng là Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh nhà, Hòa thượng có điều gì gửi gắm đến Tăng Ni đối với sự phát triển của Phật giáo tỉnh An Giang?
- Trong pháp giới duyên khởi, tôi nghĩ rằng nếu từng cá nhân Tăng Ni trẻ không giữ được tính kỷ cương, kỷ luật đối với chính mình, lời nói và hành động không đồng nhất thì từng bước xa rời nếp sống văn hóa chuẩn mực trong tu học, sinh hoạt và hành đạo theo lời Phật dạy.
Quá khứ dù rất tốt đẹp, nhưng từng cá nhân chủ quan, duy ý chí, không giữ được tinh thần “Bình thường tâm thị đạo” thì dễ rơi vào trạng thái tâm lý thấy không đúng, suy nghĩ không đúng, nói năng không đúng, việc làm không đúng; thừa hành Phật sự không bằng Lục hòa, Tứ nhiếp pháp và Tứ chánh cần là điều cần nên tỉnh thức (phản quang tự kỷ) để tiếp tục phát huy truyền thống hộ quốc an dân, đoàn kết hòa hợp; giữ vững tư tưởng, phẩm chất, lối sống đạo đức trước xu hướng hội nhập sâu rộng của đất nước, của Giáo hội.
Chân thành cảm ơn Hòa thượng!
Phật giáo tỉnh An Giang hiện nay có 322 cơ sở tự viện, 208 cơ sở Bắc tông, 66 cơ sở Nam tông Khmer, 27 tịnh xá, 21 tịnh thất. Có 13 cơ sở tự viện xây dựng chưa được công nhận, 33 cơ sở tự viện do gia tộc quản lý, 4 cơ sở tự viện bị chiến tranh tàn phá chưa phực hồi.
Trong nhiệm kỳ 2017-2022, có 9 tự viện mới xây dựng được công nhận. Toàn tỉnh có 1.311 Tăng Ni, trong đó Bắc tông 610 vị, chư Tăng Nam tông Khmer có 538 vị, Khất sĩ có 163 vị. Ban Thường trực Ban Trị sự đã bổ nhiệm 66 Tăng Ni, sư sãi trụ trì các tự viện.
Đối với công tác từ thiện, an sinh xã hội, Phật giáo tỉnh An Giang đã đóng góp hơn 147 tỷ đồng.