TT.Thích Thiện Thống giải đáp về hành chánh Giáo hội

GNO - Sáng ngày 8-6, TT.Thích Thiện Thống, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh VP.2 đã chia sẻ với học viên Khóa bồi dưỡng trụ trì 2015 do BTS GHPGVN TP.HCM tổ chức.

Sau lời giới thiệu của HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực BTS PGVN TP.HCM, Phó Thường trực Ban tổ chức, Thượng tọa giảng sư đã khái quát những nét cơ bản nhất về Hiến chương Giáo hội, định nghĩa rõ về hành chánh, cách thức quản lý Giáo hội và những liên đới đến Tăng, Ni và cơ sở tự viện.

ANH QH (9).JPG
TT.Thích Thiện Thống thuyến trình về hành chánh và quản lý Giáo hội

Về bản chất: Hành chánh là nguồn gốc của các mối tương quan giữa người và người, giữa người với cộng đồng. Dần dần nó trở thành quy tắc xử sự mà mỗi con người phải tuân thủ khi giao tiếp với nhau hay giao tiếp với xã hội. Cuối cùng nó trở thành định chế buộc mọi người tuân thủ, nếu không thì bị chế tài.

Về bản thể: Hành chánh là chức năng xã hội, bắt buộc mọi người phải tuân hành, nguyên thủy của hành chánh là nghệ thuật chung sống với nhau. Dần dần nó trở thành kỹ thuật bảo vệ cuộc sống chung, để cuối cùng nó trở thành khoa học bảo vệ an cư lạc nghiệp cho mọi thành viên trong Giáo hội.

Như thế, Hành chánh khi tiếp cận thấy nó có tính cưỡng hành, nhưng mục đích hướng đến của hành chánh là thiết lập một trật tự, sau cùng hành chánh chuyển hoán tính cưỡng hành sang tính qui chuẩn, bảo vệ lợi ích của cá nhân, của tổ chức và của cộng đồng.

Bên cạnh đó Thượng tọa cũng đã giải đáp tường tận những thắc mắc của học viên khóa học nêu ra, nhằm thỏa mãn phần nào nhu cầu của người học.

ANH QH (4).JPG
Chư Tăng Ni tham gia Khóa bồi dưỡng trụ trì 2015

Bạch Thượng tọa, hiện nay con có một miếng đất 5.000 m2 ở một khu dân cư mới chưa có chùa, con muốn xây dựng lập chùa trên diện tích này để phát triển đạo pháp. Xin Thượng tọa hướng dẫn để việc lập thủ tục đúng hành chánh Giáo hội?

TT.Thích Thiện Thống: Theo điều 19 đến 25 của Nội quy ban Tăng sự T.Ư có dùng khái niệm về vùng kinh tế mới, vùng giãn dân (chưa có chùa), muốn lập chùa mới thì phải do BTS GHPGVN cấp tỉnh thành phố trực thuộc T.Ư, đăng ký thành lập tự viện mới với UBND tỉnh thành nơi đó.

Nhưng, thực tế hiện nay cho thấy, việc thành lập cơ sở mới hầu hết đều do Tăng, Ni trực tiếp đi làm. BTS các tỉnh, thành vì thương Tăng Ni nên thường đáp ứng nhu cầu, đó là về thủ tục của Giáo hội. Còn thủ tục của Luật đất đai mới, Thông tư hướng dẫn; Nghị định 92 có những thủ tục khác nhau theo Pháp luật.

Vì thế, Giáo hội tỉnh, thành phải công bố một tiêu chí cho Tăng, Ni biết rõ. Sau đó hướng dẫn Tăng Ni tiến hành các thủ tục theo quy định của Luật đất đai và Nghị định 92. Khi đưa ra tiêu chí cần nắm rõ, tự viện thành lập thì Tăng Ni được bổ nhiệm trụ trì, Giáo hội quản lý. Vì thế cần tuân thủ Nội quy Ban Tăng sự, Pháp luật nhà nước.

Kính bạch Thượng tọa, hiện nay ở một số tỉnh thành phía Bắc có hiện tượng gia đình trị trong bộ máy lãnh đạo Giáo hội từ tỉnh đến địa phương. Những chùa nào không cùng quan điểm sẽ bị cô lập mọi sinh hoạt Phật giáo, thậm chí bị tịch thu chùa. Đối với sự việc này,  GHPGVN sẽ xử lý ra sao?

-Đây là vấn đề tế nhị nhạy cảm nhưng chúng tôi xin trích trong tiêu chí Hiến chương “Những việc gì Giáo hội không cấm, Tăng Ni và Phật tử được thực hiện; Những việc gì Giáo hội chưa quy định, tổ chức Giáo hội không được đặt ra những quy định khác.”

ANH QH (5).JPG

Nhiều câu hỏi trong phần thảo luận giải đáp tại buổi học

ANH QH (8).JPG
HT.Thích Trí Quảng đến tham và sách tấn hội chúng trong giờ học

Trước đây có Thanh Hải tự xưng là vô thượng sư, nay có nhiều vị sư Tây Tạng đến Việt Nam được xưng là Pháp vương, thiết nghĩ đây là tôn danh để xưng tôn Đức Phật, Giáo hội có nhận định gì về cách xưng hô như thế?

-Trước tình hình này, TƯGH đã ban hành một thông tư 339 cuối năm 2014, trong đó có quy định rất rõ. Việc mời Phật giáo các nước bạn vào Việt Nam để giao lưu, trao đổi và học tập là cần thiết nhưng ở thông tư cũng có quy định một điều là khi phiên dịch từ tiếng nước ngoài sang Việt ngữ phải đảm bảo được phong tục, truyền thống danh xưng của Phật giáo Việt Nam.

Như thế, lâu nay chúng ta không thực hiện nghiêm túc trong việc thực hiện các thông tư của Giáo hội. Ở nước họ, họ muốn tôn xưng vị đó là gì chúng ta không can dự, nhưng khi vào Việt Nam phải tôn trọng truyền thống, những nét đẹp văn hóa, danh xưng ngàn đời của Phật giáo Việt Nam.

Với tâm lý hướng ngoại của người Việt Nam, Tăng Ni Việt Nam cũng hướng ngoại, thấy pháp môn lạ lạ ùn ùn đi theo nhưng nếu quay về cội nguồn dân tộc thì có thể nói Việt Nam đã phát triển Mật tông (Kim Cương thừa) từ rất sớm như điển hình là thiền sư Nguyễn Minh Không, Từ Đạo Hạnh.

Cũng trong buổi sáng nay, HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức Khóa bồi dưỡng trụ trì 2015 đã đến thăm và sách tấn học viên trong khóa học.

 

Trả lời PV Giác Ngộ trước buổi thuyết trình, TT.Thích Thiện Thống, Phó Tổng Thư ký HĐTS kiêm Chánh Văn phòng II TƯGH cho biết:

“Cá nhân tôi hy vọng sẽ hệ thống hóa và cung cấp một cách cơ bản, những vấn đề có liên quan đến hành chánh và quản lý Giáo hội. Bởi vì, chức năng và vai trò của vị  trụ trì có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc xương minh Đạo pháp, trang nghiêm Giáo hội.

Bên cạnh đó, người quản lý cơ sở tự viện cũng phải biết giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đạo đức Phật giáo trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay. Ngoài việc thừa hành Phật sự, sinh hoạt của từng tự viện ngày càng phải đi vào nề nếp, kỷ cương theo Giáo luật, Hiến chương GHPGVN và pháp luật Nhà nước.

Lãnh đạo BTS GHPGVN TP.HCM, Ban Tổ chức khóa học cũng như từng vị giảng viên được phân công, chia sẻ tại khóa học đều có chung một niềm tin, đó là khi khóa học kết thúc, các hoạt động Phật sự tại các tự viện trên địa bàn phải đi vào nề nếp hơn.

Bằng cách, các vị trụ trì khi triển khai, thực hiện đều phải tuân thủ theo tinh thần của Hiến chương GHPGVN: “Lý tưởng giác ngộ chân lý, hòa hợp chúng, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý Đức Phật, nhằm phục vụ Dân tộc, Tổ quốc và nhân loại chúng sinh”. Đặc biệt, trong quản lý tự viện cần phải “kính ngưỡng, phụng hành Giáo pháp, Giáo luật Phật chế và tuân thủ pháp luật của nước CHXHCNVN”

 Quảng Hậu ghi

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.