Chia sẻ với Giác Ngộ về tình yêu lớn của đời mình, Đặng Công Lợi cho biết:
- Tình yêu cây cối trong tôi đến từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, là một sinh viên ngành du lịch, có niềm yêu thích với những vùng đất xinh đẹp trên khắp Việt Nam mình, tôi nhận thấy Việt Nam có những danh thắng thiên nhiên rất hùng vĩ, choáng ngợp - tất cả khơi gợi lên trong tôi tình yêu màu xanh đó.
Sau này, khi đang trong quá trình phục vụ trong quân ngũ, thời gian rảnh tôi thường chăm sóc khu vườn của cơ quan. Những hành động chăm sóc cây xanh đó mang lại cho tôi cảm giác thư thái, dễ chịu. Thật sự, nhìn những mầm cây phát triển, những bông hoa hé nở, trong lòng cảm giác rất vui.
Và có một yếu tố nữa khá đặc biệt, vì nó không đến từ bên ngoài, mà xuất phát từ bên trong, ở vòng tương sinh phong thủy của đất trời, Mộc sinh Hỏa, nên với một người mạng Hỏa, tính tình bất thường như tôi, yếu tố Mộc, hay những hoạt động liên quan tới cây cối, giúp mình điều hòa lại rất nhiều trong cuộc sống.
Theo Đặng Công Lợi, yêu cây là sống thiện, chăm cây có chánh niệm là thiền động - Ảnh: NVCC |
* Thiền sư Nhất Hạnh nói, “Đất Mẹ là vị Bồ-tát”, bạn nghĩ sao về cách gọi này?
- Trong cuộc đời mỗi con người, người mẹ luôn là người dạy cho ta nhiều bài học trong cuộc sống. Người mẹ tảo tần nuôi con bằng bàn tay yêu thương của mình, dạy con những điều đúng và giúp con tránh những điều sai trái. Đất mẹ cũng tựa như vậy. Đất cho con người nơi sinh sống, màu mỡ cho con người nuôi trồng lương thực. Đất mẹ cho chúng ta nhiều cái nhưng cũng dạy chúng biết chịu đựng để mạnh mẽ, và sẵn sàng dạy cho ta những bài học nếu mình có những hành động vượt quá giới hạn.
Tôi rất thích câu nói của thiền sư. Mặt khác, nghĩ rộng ra, mối tương quan giữa con người và thiên nhiên, đất mẹ còn là mối quan hệ nhân quả nữa. Nếu con người có những hành động gây ảnh hưởng không tốt đến thiên nhiên, thì con người cũng sẽ nhận lại những điều không tốt.
* Thấy Lợi chia sẻ rằng, tình yêu cây, sở thích trồng cây, nuôi giữ màu xanh như một cách thiền. Điều này được hiểu như thế nào?
- Trong một cơ may mà tôi biết đến khái niệm “thiền động”. Tức là khi bạn làm một công việc nào đó mà tâm hồn mình cảm thấy thoải mái và không phát sinh những suy nghĩ tiêu cực hoặc thậm chí là khi làm việc nào đó, trong đầu bạn không lấn cấn một suy nghĩ nào khác, thì đó cũng là một cách để thanh lọc tâm trí, tương đương như bạn đang ngồi thiền vậy.
Thực tế, có một điều tôi thấy ưu việt hơn một chút của thiền động đó là khi ta trồng cây, đi rừng, chăm sóc những mầm xanh… một cách chánh niệm lại cho ta sự vận động và sẽ có tác động tốt đến sức khỏe cơ bắp của người thực hành. Ngoài ra, chúng ta còn có rất nhiều những hoạt động có thể mang lại sự thư thả trong đầu óc như là pha cà phê, nấu ăn, chụp hình, làm việc… miễn là bạn thấy đầu óc thanh thản và yêu thích hoạt động đó thì cũng coi như là bạn đang thiền rồi.
Nếu thích, bạn hãy thử “thiền động” nhé!
* Sống gần gũi với thiên nhiên cũng là sống thiện. Lợi có thấy vậy không?
- Điều này đúng! Khi ta chăm sóc một cái cây, lâu dần ta nảy sinh tình yêu với nó, muốn nhìn thấy nó phát triển thật tốt, muốn gìn giữ cái cây đó. Khi ta tìm hiểu nhiều hơn, ta biết được rằng cái cây lại mà một mắt xích của hệ sinh thái, một khi ta chăm cây tốt, theo phương pháp thân thiện và hữu cơ thì nó cũng kéo theo sự phát triển của một hệ sinh thái nhỏ xung quanh đó.
Rộng ra, khi ta yêu một cái cây, ta cũng có thể yêu một cánh rừng, yêu thiên nhiên phong phú đang tồn tại trên ngôi nhà chung là trái đất này. Một khi đã yêu thì sẽ muốn bảo vệ và chăm sóc, hướng chúng ta về những điều hiền hòa trong cuộc sống.
* Bạn đã làm gì, sẽ làm gì để sự tử tế với thiên nhiên, đất mẹ, rừng, thành phố… nơi mình sống lan tỏa nhiều hơn?
- Đà Nẵng, thành phố nơi tôi sinh ra và lớn lên đã mang lại cho tôi rất nhiều cảm hứng về lối sống thân thiện với con người và với cả thiên nhiên, môi trường. Để lan tỏa những điều tử tế với môi trường, tôi sẽ tự mình thực hành trước. Cứ kiên trì gieo và gìn giữ màu xanh như vậy, hi vọng những người xung quanh mình sẽ dần dần cảm nhận được và thực hành theo.
Những thực hành đó chỉ đơn giản là cố gắng hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, tái chế những thứ còn có thể, hay xa hơn một chút là cố gắng trồng thêm cây, đóng góp cho thành phố mình sống và những nơi xung quanh mình thêm màu xanh trong lành của cây cối.
Fanpage “Thành phố màu xanh” và một kênh Vlog lan tỏa lối sống xanh, thiện lành, chữa lành thiên nhiên là một hoạt động mở khác, tác động đến nhiều người, nhất là giới trẻ.
* “Thành phố màu xanh” chắc không phải chỉ là một kênh/ mạng xã hội phong trào? Bạn sẽ viết tiếp, viết sâu hơn ý tưởng này như thế nào?
- Tôi xây dựng chiếc page nho nhỏ này với mục đích lưu giữ những hình ảnh về thành phố nơi mình sống; những di sản cổ kính còn sót lại trước tác động mạnh mẽ của sự phát triển đô thị hóa, và những thành phố, những vùng đất mình đã từng ghé qua và để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Bên cạnh đó, page còn là nơi tôi lan tỏa tình yêu với màu xanh thiên nhiên cây cối đến với mọi người. Hy vọng là mình sẽ luôn vững bước với tôn chỉ ban đầu khi sáng tạo nên “nơi chốn” nho nhỏ này (cười).
* Bạn thấy lối sống của người trẻ hiện đại, trong sự tiêu thụ của mình đã “góp phần” làm hại môi trường ra sao?
- Đây cũng chính là điều mà tôi luôn trăn trở. Cuộc sống ngày càng phát triển, con người ngày càng có cuộc sống dư dả hơn và những tiện ích, sản phẩm được sinh ra nhiều hơn để phục vụ cho nhu cầu của con người. Điều này khiến nhu cầu khai thác những tài nguyên hữu hạn ngày càng nhiều. Đến nay, chúng ta cũng phần nào thấy được sự ảnh hưởng của những việc con người làm, tác động tiêu cực lên môi trường và trái đất này rồi.
Người trẻ là những thế hệ rất tiên phong. Tôi rất vui khi cũng đã có nhiều bạn trẻ dần hình thành nên lối sống thân thiện với môi trường. Có thể đơn cử như những người bạn đã cùng tôi thực hành “trồng cây gây rừng”. Tôi tin thế hệ trẻ như mình sẽ giúp cho môi trường của chúng ta cải thiện hơn thông qua nhận thức đúng, hành động kiên trì, truyền thông lan tỏa.
Nếu có một ước muốn, tôi chỉ mong mỗi người cố gắng giảm bớt một chút sự tiện nghi của mình, bớt một tí thôi cũng được, khi ấy môi trường cũng sẽ được cải thiện hơn một tí.