Ý nghĩa Văn hóa - Tâm linh của Lễ Ôc Ombok

GN - Lễ Ôc Ombok, còn gọi là lễ Thvay Preah Khe là một trong các lễ thức quan trọng, tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng Mười, của cộng đồng người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài việc ăn cốm dẹp, cúng trăng, dịp lễ này còn đua ghe ngo, thả đèn gió và thả đèn nước (loi pratip)... Nói chung, chỉnh thể của lễ thức này là một tập hợp đa thành tố mà xu hướng biến đổi chính là càng lúc càng được tích hợp các nội dung của Phật giáo. Sau đây chúng ta sẽ truy cứu một số thành tố chính yếu cấu thành phức thể của lễ hội này.
dua-ghe-ngo.jpg
Đua ghe ngo - một nghi thức của lễ hội nước, thuộc lễ hội Ôc Ombok

1. Nói về cốm

Ôc Ombok, tiếng Khmer có nghĩa là “Đút cốm dẹp”; theo đó, cốm dẹp là lễ vật chính của việc cúng trăng vào rằm tháng Mười âm lịch này. Điều này chỉ ra đây là một lễ thức nông nghiệp, gắn với việc canh tác lúa. Do đó, ngày rằm tháng Mười là khoảng thời gian lúa/nếp đã cứng hạt, sắp đến mùa thu hoạch. Về thời tiết lúc ấy là cuối mùa mưa.

Theo lịch Khmer, Ôc Ombok được tổ chức nhằm vào ngày rằm tháng Katik và như vậy, lễ này nằm trong khung cảnh chung của lịch lễ năm - bao gồm lễ thức nông nghiệp lẫn các lễ thức Phật giáo. Tổng quát là, các tuần trăng của lịch Khmer đều được đặt tên theo tiếng Sanskrit. Theo lịch hiện hành, lấy tháng Chet làm tháng Giêng thì tháng Katik (30 tháng Mười – Tháng Mười Một dương lịch) là tháng thứ tám. Song vào thời xưa, thế kỷ XIII chẳng hạn, theo Châu Đạt Quan trong Châu Lạp phong thổ ký, thì bấy giờ, người Khmer ăn Tết (Vào Năm Mới) vào tuần trăng thứ hai của tháng Katik và nếu theo cách hiểu hiện nay, thì Vào Năm Mới sẽ là những ngày đầu tháng Masir (29 tháng Mười Một – tháng Mười Hai dương lịch). Dẫn ra điều này để chỉ ra rằng Ôc Ombok (rằm tháng Katik) ngày xưa vốn là rằm tháng Chạp (lịch cổ Khmer, thế kỷ XIII) và Tết Khmer bấy giờ tổ chức vào hạ tuần tháng Katik, cuối mùa mưa là lễ thức mừng lúa mới, tổ chức sau mùa gặt hàng năm, khác với Tết Chôl Chhnăm Thmây bây giờ: tổ chức vào đầu mùa mưa, bắt đầu xuống đồng. Nói cách khác, Tết Khmer cổ là “lễ hội thượng điền” và Tết sau này là “lễ hội hạ điền”; theo đó, Ôc Ombok là lễ Ăn Cốm dẹp khi lúa/nếp vừa cứng hạt/chín tới; trước Tết - khi lúa/nếp đã thu hoạch.

Nói chung, các cư dân nông nghiệp chuyên canh lúa nước luôn tiến hành một loạt lễ thức theo tiến trình phát triển của cây lúa, nông lịch luôn đi kèm một lịch lễ thức tương ứng: 1) Lúa/nếp vừa chín tới: cúng/ăn cốm; 2) Gặt lúa xong: Cúng cơm mới; 3) Đưa lúa vào kho: Lễ Mừng lúa mới (nhiều tộc người là Tết) với các lễ vật chế biến từ gạo/nếp (xôi, bánh tét/chưng, bánh dầy, bánh phồng...). Dữ liệu của nhà dân tộc học Từ Chi nói về “cơm chul” (cơm chùn), lễ vật trong dịp Ăn cơm mới của người Mường, đã hé mở cho chúng ta nguồn gốc nguyên ủy của cốm: lúa gặt ướt sũng, không có thời gian để phơi khô mới có thể xay giã làm lễ vật cúng vì lệ phải cúng ngay mọi người mới được phép bắt tay gặt lúa. Chỉ còn một cách là đem rang (có hạt nổ bung ra như bỏng/nổ) rồi giã nhẹ để tách vỏ. Gạo lúa rang đó nấu thành cơm chùn để cúng (1). Lúa/nếp rang giã thành cốm là một cách. Cách khác: lúa/nếp rang bung ra, miền Bắc gọi là “bỏng” thì Trung Bộ gọi là “nổ”, trộn đường sên đóng thành bánh: bánh nổ (riêng Quảng Nam gọi là “cốm”). Bánh nổ là lễ vật Tết truyền thống của xứ này và “nổ” là lễ vật cúng Việc lề của nhiều dòng họ ở Nam Bộ... Nói chung, cốm/bỏng/nổ là lễ vật chính của các lễ nghi nông nghiệp và sau đó, thấy ở việc cúng vong hồn, nhất là các vong hồn cô độc/cô hồn của các cộng đồng cư dân canh tác lúa nước.

Giống như bánh mì/lúa mì ở châu Âu, gạo là thức ăn chính ở châu Á, theo đó nó cũng mang ý nghĩa tượng trưng và thuộc về nghi lễ. Nó cũng được “thánh thể hóa” như trong văn hóa Cơ Đốc, khi cơm/gạo được coi là “Hạt ngọc của Trời” và có nguồn gốc thiêng liêng, có linh hồn (Thần Hồn lúa Khmer: Niêng prôlưng srâu)... Lúa gạo là của cải, là cảnh sung túc do Trời ban và là sự tinh khiết nguyên sơ. Cốm làm từ nếp, một thứ gạo có phẩm chất cao, hàm chứa tất cả các ý nghĩa biểu trưng thiêng liêng đó.

2. Nói về trăng

Lịch Khmer là âm-dương lịch, tức dựa trên sự chuyển động của mặt trăng, nhưng có điều chỉnh để tương hợp với năm mặt trời bằng cách thêm một số ngày, hoặc một tháng nhuần váo tháng asâth. Các hora (nhà chiêm tinh) tính toán tháng 30 hay 31 ngày, gọi tên theo các ký hiệu của hoàng đạo. Nhưng dân chúng không tuân theo điều này mà thường theo tuần trăng, dựa trên lịch tôn giáo. Mỗi tháng trăng thay đổi từ tháng 30 ngày hoặc 29 ngày. Các tháng đủ 30 ngày gọi là “tháng cái” và các tháng thiếu 29 ngày gọi là “tháng đực”. Mỗi tháng chia làm hai tuần trăng: thượng tuần bắt đầu từ ngày có trăng non đến lúc trăng tròn gọi là khnơt; hạ tuần bắt đầu từ ngày hôm sau ngày trăng tròn kéo dài 14 hay 15 ngày kế tiếp, gọi là ronôc. Các ngày từ 1 đến 15 gọi là kớt (mọc) và gọi là “rôc” (tàn) chỉ những ngày hạ tuần, tức có 15 ngày trăng sáng và 15 ngày trăng lu. Ngày thứ 8 và ngày thứ 15 trăng tròn, ngày thứ 8 và ngày cuối cùng trăng khuyết là ngày thiêng (thngai sel)... Nói chung, mặt trăng là đối tượng luôn được lưu ý để tính ngày/ làm lịch và như vậy trong tâm thức chung, mặt trăng là biểu hiện cho thời gian mà ngày ngày ai cũng lưu tâm đến hình tướng và sự vận động của nó.

Trong thần thoại Khmer, mặt trăng được coi là hóa thân của người em út hiếu thảo, đối lập với ba người anh tham ăn hốc uống, sau khi qua đời hóa thân làm mưa, gió và mặt trời - gây ra mưa lụt, gió bão và hạn hán (2). Ở Sự tích Ria-hu (Sự tích nhật thực và nguyệt thực), mặt trăng cũng được coi là hóa thân của người em út hiền lành (3). Nói chung, mặt trăng trong nếp nghĩ của người Khmer là biểu trưng cho sự hiền dịu đem lại nhiều lợi lạc cho con người. Không phải đợi đến sau này, con người nguyên thỉ bằng trực giác đã cảm nhận được quy luật biến đổi thiên thể gọi là mặt trăng này(4). Hàng tháng, trăng trải qua các pha kỳ, trăng thay đổi hình dạng: lớn lên, nhỏ đi... biến mất. Do vậy, trăng biểu tượng cho tính tuần hoàn và đổi mới; và với danh nghĩa kép đó, trăng biểu trưng cho sự biến đổi và sinh trưởng. Chính việc mãi mãi quay về với hình dạng ban đầu đó; tính tuần hoàn bất tận này khiến trăng là thiên thể cầm nhịp tốt nhất cho sự sống. Nó kiểm soát tất cả các bình diện vũ trụ chịu sự chi phối của quy luật tiến triển theo chu kỳ: nước, mưa, cây cối và sự phì nhiêu - kể cả sự tái sinh.

Ý nghĩa biểu tượng của mặt trăng biểu hiện ra trong sự đối sánh với ý nghĩa của mặt trời. Phức hệ biểu tượng của trăng gắn đêm với các yếu tố nước và đất, đối lập với hệ biểu tượng mặt trời gắn ngày, mang yếu tố không khí và lửa cùng các tính chất nóng và khô (5).

Nói chung, các ý nghĩa biểu trưng của trăng có tính chất phổ quát trong nhiều cộng đồng văn hóa nói trên đã chỉ ra ý nghĩa của lễ Cúng Trăng/ Ôc Ombok nói chung, cũng như các hình thức thực hành nghi lễ gián tiếp trong dịp này: thả đèn gió, đua ghe ngo, thả đèn nước (loi pratip)...

3. Nói về thả đèn nước (loi pratip)

Trở lại thời điểm tổ chức lễ Ôc Ombok là rằm tháng 10 ÂL. Đó là thời điểm kết thúc mùa mưa, hay nói đúng hơn là thời điểm giao mùa từ mùa mưa bước sang mùa nắng.

Trong lịch sử người Khmer có hai cái Tết: âm lịch và dương lịch. Rằm tháng 10 là Tết âm lịch, đúng theo nghĩa 24 giờ đêm đó là thời điểm kết thúc một chu kỳ của mặt trăng quay quanh Trái đất (đúng vào 24 giờ bóng trăng nằm ngay thiên đỉnh: trồng một cột trụ thẳng đứng ngoài trời thì lúc đó bóng trăng không xê dịch). Sau thời khắc đó, trăng chuyển sang một chu kỳ/ năm mới. Điều này đã chỉ ra nguồn gốc của lễ Ôc Ombok.

Mùa mưa, trong thực tế đối với người Khmer, được xác định từ Tết Chôl Chhnăm Thmây (giữa tháng 4 dương lịch), song tháng Ba mưa chính thức được xác định là ba tháng nhập hạ của sư sãi, từ lễ Chôl vossa (có nghĩa đen là “vào mùa mưa”: 15-6) đến lễ Chênh vossa (lễ Mãn hạ: 15-9). Lễ Ôc Ombok, dưới cái nhìn 15.10 là thời điểm giao mùa, thì nó  tương liên đến một chùm nghi lễ kiết hạ liên quan tới 3 tháng mưa dầm và lễ hội nước.

Các lễ hội kết thúc mùa mưa diễn ra suốt 6 tuần lễ mãn hạ (Chênh vossa), trùng hợp với các nghi lễ cầu mùa; kết thúc ở ngày cuối cùng lễ Dâng bông (he kathan) và được đánh dấu bởi lễ Cúng Trăng/ Ôc Ombok nhằm tiên đoán về tình hình mưa và gió mùa trong thời gian tới.

Các cuộc thả trôi các loại thuyền bè trên sông rạch, ao hồ được thực hiện vào cuối thời gian lễ cúng vong hồn người chết 15 ngày (16 đến 30/8), gọi là lễ Đặt cơm văt (Phchum bon: còn gọi là lễ Hội linh) theo tập tục là nhằm đưa tiễn các vong hồn bằng các thuyền đồ mã luôn được tổ chức vào dịp Mãn hạ (Chênh vossa) hay rằm tháng Kadêk (15/10 âm lịch): tất thảy, theo tập tục, chúng đều là thành phần của lễ hội ánh sáng, gọi là loi pratip, “thuyền đăng”; hơn nữa, ở một số vùng sông nước, lễ he kathan (dâng bông) cũng được tổ chức vào ban đêm trên những chiếc thuyền đèn đuốc sáng bừng.

Các lễ hội kết thúc mùa mưa như vậy là những lễ hội nước và ánh sáng, có công năng tống tiễn nước/ mùa mưa/ tối tăm và ánh sáng, tạnh ráo đã chiến thắng. Đó là ý nghĩa kép của các lễ hội nước và ánh sáng của các nghi thức trong lễ hội Ôc Ombok. Việc thả đèn gió/lửa lên trời cũng biểu thị cho việc tôn vinh ánh sáng và biểu thị điều mong cầu cốt tử của cộng đồng ở thời khắc thiêng này trong năm. Nói cách khác, lễ Ôc Ombok vừa nhằm cầu mong điều lợi lạc vừa có tính giải trừ các thế lực của bóng tối và mưa đúng vào lúc bóng tối và mưa bị thay thế bởi ánh sáng và khô tạnh.

4. Nói về đua ghe ngo

Tập tục đua ghe ngo vào chiều ngày lễ Ôc Ombok (15-10 âm lịch) tập trung chủ yếu ở cộng đồng người Khmer Sóc Trăng. Có nhiều câu chuyện giải thích về nguồn gốc tập tục này: 1)Đua ghe để biểu dương khả năng thủy chiến; 2) Để tưởng nhờ việc cái răng của Đức Phật được loài Naga (rắn thần; tạm hiểu: Long vương) cất giữ; 3) Phục dựng một sự kiện đã xảy ra trong quá khứ: đưa các nhà sư đi khất thực gặp mưa lũ về chùa... 4) Đặc biệt, ở vùng Sóc Trăng, theo truyền thống việc đua ghe ngo hàng năm tập trung ở kênh Nhu Gia (xã Thạnh Phú, Mỹ Xuyên) và tập tục đua ghe ở đây được giải thích là sự tái hiện lại việc quan quân nhà vua rượt đuổi Niêng Chanh, một tỳ nữ trong cung vua bị vu oan. Khởi đầu, thuyền nàng Niêng Chanh theo dòng sông Basấc (sông Hậu), rồi đến Đại Ngài theo sông nhỏ đi về Sờmo (tức Bãi Xàu ngày nay); kế đó, theo ngã sông Dù Tho chạy ra Vàm Tấn (huyện Long Phú, Sóc Trăng); kết thúc: Niêng Chanh nhảy xuống sông tự tử, thi thể trôi về phía Bạc Liêu, tấp vào vàm sông (vàm sông này do đó có tên là Bêm Niêng Chanh/ Vàm Nàng Chanh; sau đổi tên: Vàm Mỹ Thanh). Dân chúng vớt xác an táng ở Vĩnh Châu. Di tích mộ vẫn còn (6).

Nói chung, các câu chuyện suy nguyên về nguồn gốc tập tục đua ghe ngo nói trên đều mang tính suy diễn tư biện, ra đời muộn. Bởi tập tục đua ghe ngo, tập tục đua ghe nói chung là hình thức tranh tài phổ biến khắp nơi, chí ít là khu vực Đông Nam Á và cội nguồn của nó ắt phải truy nguyên về hướng lịch sử - văn hóa xa xưa hơn.

Đua thuyền/ ghe và giã gạo là hai hình thức hoạt động thấy được khắc trên trống đồng Đông Sơn. Điều này đã chỉ ra chiều dài lịch sử của hình thức đua thuyền (và giã gạo/ nếp, giã cốm dẹp...); đồng thời cũng cho thấy cơ tầng văn hóa chung của đua ghe ngo (và giã cốm dẹp) với hình thức đua thuyền/ chải của các cộng đồng khác trong khu vực. Riêng ở xứ ta, tập tục đua thuyền/ ghe/ chải cũng được giải thích bằng nhiều sự tích khác nhau, gắm với sự kiện/ nhân vật truyền thuyết và lịch sử khác nhau (7). Song vấn đề ở đây là ở chỗ “khởi thủy, cũng như mọi hoạt động của con người, trò chơi gắn với cái thiêng, và những trò chơi thế tục nhất, tự phát nhất, không có mục đích tự giác nhất, đều xuất phát từ nguồn gốc đó” (8).

ct51370-1.jpg.ashx.jpg
Ôc Ombok được tổ chức vào ngày rằm tháng Katik - bao gồm lễ thức nông nghiệp lẫn các lễ thức Phật giáo

Cảnh hội hè khắc trên trống đồng Đông Sơn (đua thuyền, giã gạo, trống cồng, “giã” trống đồng...) được nhiều nhà khoa học giải mã khác nhau: lễ nghi tín ngưỡng vật tổ, lễ hiến tế, lễ thờ thần Mặt Trời, nghi lễ quanh cái chết và ý kiến phổ biến đó là ngày hội mùa, ngày hội nước, một dạng thức nghi lễ quan yếu trong năm của các cộng đồng cư dân nông nghiệp (9). Theo đó, trò đua ghe ngo là một nghi thức của lễ hội nước.

Có điều, các tập tục đua thuyền/ chài của các cộng đồng cư dân Trung Bắc phổ biến đảm nhận cả hai chức năng rước nước và đưa nước. Riêng tập tục đua ghe ngo của người Khmer nhằm chức năng đưa nước là chính. Nói cách khác, đua ghe ngo trong lễ Ôc Ombok cũng thống thuộc vào mục đích tống tiễn mùa mưa, cầu mong mùa nước nổi qua mau. Điều đó cũng khá thống nhất với tập tục thả diều diễn ra vào tháng Maksir kế đó (tháng 11, tháng 12 dương lịch). Con diều (khlên) là biểu trưng của nắng hạn, đối lập với rắn (10).

5. Nói về lễ Cúng Trăng Thvay Preah Khe

Nói chung, thời xa xưa cuộc sống của con người sống như là mô phỏng ý đồ của vũ trụ. Ở đó, người ta thể hiện và hình dung những mối quan hệ vô hình mà con người duy trì với tự nhiên và quy luật vận hành của nó qua chu kỳ tứ thời bát tiết. Quy luật vận động của vũ trụ thế nào thì con người dựa hoàn toàn vào quy luật đó và người ta tiến hành toàn bộ từ lao động sản xuất tới sinh hoạt vui chơi, lễ hội theo chu kỳ này. Về sau, các tư trào văn hóa - tôn giáo cùng với những tiến bộ của lịch sử đã càng ngày càng tách dần quy luật của tự nhiên ra khỏi quy luật xã hội mà đặc điểm chung là lễ hội mất dần tính thiêng nguyên gốc, hướng vào các đối tượng thiêng mới và ở xã hội hiện đại, càng lúc lễ hội có thể mất đi tính thiêng gốc, nhưng do yêu cầu cố kết cộng đồng nên lễ hội được duy trì một cách tự giác với những biến thái mới mẻ theo xu hướng tôn vinh một cái thiêng cao cả được cộng đồng đương đại xem trọng. Lễ Ôc Ombok cũng đã đi theo con đường đó.

Khi Phật giáo du nhập vào cộng đồng này, lễ Đút Cốm dẹp/Ôc Ombok có thêm một tên gọi mới là Cúng Trăng (Thvay Preah Khe/chan) với cách cắt nghĩa mới: tưởng nhớ đến Phật, trong tiền kiếp là một con thỏ vị tha, được thần Preah In (Indra/ Đế Thiên/ Đế Thích) vẽ hình lên mặt trăng. Câu chuyện này vốn từ kinh Bổn sanh (Jataka/ Chuyện tiền thân Đức Phật, thuộc bộ (Khuddaka Nikaya/ Kinh Tiểu bộ) (11) được kể lại nhằm suy nguyên “nguồn gốc” của lễ cúng trăng Ôc Ombok này.

Câu chuyện kể liên quan đến việc Tỳ-kheo Bạt-đề nghe theo lời Phật, vào nơi rừng vắng tu thiền và nhanh chóng đắc quả A-la-hán. Do việc các vị Tỳ-kheo khác muốn biết về tiền kiếp của Bạt-đề, Phật đã kể câu chuyện về tiền thân của mình và Bạt-đề.

Phật nói: “Chẳng phải nay Ta mới hóa độ cho Bạt-đề. Trong quá khứ Ta cũng đã từng hóa độ cho người ấy”.

Khi ấy, chư Tỳ-kheo đều thắc mắc muốn được nghe nhân duyên quá khứ Phật hóa độ cho Bạt-đề. Phật liền bảo chư Tỳ-kheo: “Các ông hãy chú tâm lắng nghe, Ta sẽ vì các ông mà phân biệt giảng nói.

“Vào giữa Hiền kiếp này, xứ Ba-la-nại có một vị tiên tu tập trong chốn rừng thâm sâu vắng vẻ, chỉ ăn các thứ trái cây rừng, uống nước suối. Trải qua nhiều năm gặp nắng hạn khô cằn, hoa quả trong rừng chẳng còn cho người ăn no bụng nữa, liền có ý xuống nơi thôn xóm mà khất thực.

“Bấy giờ có vị Bồ-tát hiện thân làm vua loài thỏ ở nơi khu rừng ấy. Vua thỏ dẫn một bầy thỏ đi tìm nước uống, thấy vị tiên đang muốn bỏ rừng xuống xóm thôn khất thực, liền đón lại thưa rằng: “Tôi có lễ cúng dường, sáng sớm ngày mai mong được ngài đến thọ nhận”.

“Khi ấy, vị tiên suy nghĩ rằng: ‘Chắc vua thỏ đã gặp con thú nào bỏ mạng, có thể làm thức ăn cho ta, nên muốn mang đến cúng dường. Vậy ta nên nhận lời’. Nghĩ rồi liền nhận lời.

“Sáng hôm sau, vua thỏ tập trung hết loài thỏ trong rừng lại, cung thỉnh vị tiên ấy đến, rồi đứng trước tất cả mà thuyết pháp cho nghe. Xong rồi, vua thỏ đốt lên một đống lửa to, tự nhảy vào lửa thiêu thân mình để cúng dường thịt cho vị tiên.

“Ngay khi ấy, vị tiên tỉnh ngộ lẽ vô thường, trong lòng vô cùng cảm kích, nói to lên rằng: ‘Đại sư! Sao chỉ trong phút chốc đành bỏ tôi mà đi, khiến tôi chẳng còn được nghe thuyết pháp nữa!’. Nói rồi khóc lóc thảm thiết, nằm lăn lộn trên đất chẳng muốn dậy nữa.

“Bấy giờ cõi đất chấn động, chư thiên rải hoa trời xuống cúng dường, phủ trên xác vua thỏ”.

“Vị tiên không đành lòng ăn thịt vua thỏ, liền thiêu lấy xá-lợi rồi dựng tháp thờ kính, cúng dường”.

Phật bảo chư Tỳ-kheo: “Bồ-tát hiện thân vua thỏ ngày xưa, nay là Ta đây. Vị tiên ngày ấy, nay là Tỳ-kheo Bạt Đề đó. Ngày trước người nhận lời Ta mà đến nghe pháp, nên nay nhờ nhân duyên ấy mà được gặp Ta và xuất gia đắc đạo”.

Các Tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng tin nhận(12).

Dị bản của Phật thoại trên trong văn hóa Khmer kể rằng vị tu tiên chính là thần Preah In/Indra. Thần đã làm phép cho thỏ sống lại và nhón chân vẽ hình thỏ trên mặt trăng cốt để đời đời nhớ đến hành vi vị tha này của vua thỏ, một tiền thân của Đức Phật.

Nói chung, trong ngữ cảnh văn hóa Phật giáo Tiểu thừa, các “văn bản” văn hóa bản địa Khmer đều được cải đổi theo định hướng của tôn giáo toàn dân này. Đặc điểm này thể hiện ở tính chất hỗn dung nhiều nghi thức, tích hợp đa chức năng cho mỗi lễ hội và xu hướng phổ biến là tích hợp những nội dung đạo đức khuyến thiện - thông qua các sự tích suy nguyên về nguồn gốc của lễ hội đó, tức gia tăng nội dung đạo lý vào tín lý cầu mùa của nghi lễ nông nghiệp vốn chủ vào nội dung tôn sùng các sức mạnh vô thức của tự nhiên. Đây là một trường hợp điển hình về sự Phật giáo hóa các dạng thức văn hóa Khmer Nam Bộ. Nói cách khác, đây là một ví dụ cho thấy ảnh hưởng của Phật giáo Tiểu thừa đối với văn hóa Khmer Nam Bộ.

Huỳnh Ngọc Trảng

________________________

1. Trần Từ: Người Mường ở Hòa Bình. Hội KHLS xuất bản, H; 1996, trang 193 (phụ chú P1).

2. Xem Sự tích mưa gió, mặt trời và mặt trăng trong Truyện dân gian Khmer, Hội Văn học Nghệ thuật Cửu Long xuất bản, 1967, tập I, trang 26.

3. Xem Ria-hu hay Sự tích nhật thực nguyệt thực, sđd, tập I, trang 27-32.

4. Traité d’histoire des religion, Paris, 1949; nouvell edition, 1964.

5. Jean Chevalier & Alain Gheerbrant: Từ điển biểu trưng văn hóa thế giới. Bản dịch do Nxb.Đà Nẵng & Trường viết văn Nguyễn Du xb, 1997, tr 936-940.

6. Xem Huỳnh Ngọc Trảng, sđd; tập I, trang 66-72.

7. Xem: Huỳnh Ngọc Trảng (chủ biên): Trò chơi dân gian và truyền thống. Trung tâm Văn hóa TP.HCM xuất bản, 2007, trang 30-31; (và trò đua ghe ở các địa phương, trang 53-451).

8. Jean Chevalier & Alain Gheerbrant, sđd, tr.949.

9. Xem Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh: Trống đồng Đông Sơn. Nxb.KHXH, Hà Nội, 1987, trang 238-239.

10. Xem E. Poreé-Maspero: Étude sur les rites agraires des Cambodgienns. Paris, Mouton & Co. La Haye, 1964, tập II, trang 480-569.

11. Xem Chuyện tiền thân Đức Phật. Tỳ-kheo Thích Minh Châu dịch. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành. 1991, tập 1, trang 90-93.

12. Đoàn Trung Còn- Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải: Một trăm truyện tích nhân duyên Phật giáo [Soạn tập Bách duyên kinh]. Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2011, tr.142-144.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.