GN - Trong thế giới động vật, rắn là một loài bò sát không chân, di chuyển nhanh nhạy, bắt mồi như chớp; hiền lành như rắn nước, cực độc như rắn hổ mây, nhỏ xíu như con liu điu, to xác như con mãng xà... Loài rắn rất đa dạng, khoảng gần năm trăm loài, trong đó khoảng 250 loài cắn có thể làm chết người. Từ thời xa xưa, không biết vì sao loài người gán cho rắn bao nhiêu là “tai tiếng”, nói về cái gì ác độc, xấu xa.
Nhiều thành ngữ đến nay vẫn còn sử dụng: “Khẩu Phật tâm xà”, ý nói lời nói có vẻ hiền lương mà tâm địa thì độc ác. “Khẩu xà tâm Phật”, ý nói miệng nói dường như thô bạo nhưng tâm lại hiền lương. Người độc ác thì bị mắng: “gian manh xảo quyệt như loài rắn độc”; người phụ nữ đôi khi cũng bị gán với loài này “đồ đàn bà rắn độc”...
Ảnh: Internet
Ngay cả trong chuyện “Vàng hay rắn độc” kể lại trong một lần đi khất thực, Phật cùng chúng đệ tử, trong đó có A Nan. Tôn giả A Nan thấy bên bờ có một chĩnh vàng. Đức Phật dừng lại và hỏi với A Nan rằng: “Này, A Nan, con có thấy đây là một loài rắn độc không?”. Tôn giả A Nan cung kính bạch với Đức Thế Tôn rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, đó thật là một loài rắn độc, đáng sợ hãi”. Phật và cả Tăng chúng tiếp tục đi. Một người nông dân nghe thấy tưởng rắn độc thật, tò mò chạy đến xem thì thấy cả một chĩnh vàng, ông ta lóa cả mắt. Người nông dân cười, cho rằng Phật và các vị Tăng không biết giá trị của vàng. Ông liền mang về mua đất, mua sắm các vật dụng để xài, cuộc sống theo đó cũng đổi khác. Thiên hạ xầm xì, tiếng đồn đến tai quan. Quan xét điều tra, biết được chĩnh vàng có nguồn gốc trộm cắp từ cung vua. Người nông dân bị ghép tội chết.
Thế nhưng, trong chuyện dân gian, chuyện cổ tích, chuyện dã sử và cả chuyện hiện đại cũng đề cập không ít những chuyện về rắn có tâm linh, biết cách ứng xử như người, biết đền ơn báo oán, biết lắng nghe kinh kệ.
Truyện cổ tích có chuyện “Cứu vật vật trả ơn, cứu nhơn nhơn trả oán” (Cổ tích Việt
Chuyện ngày nay, là chuyện có thực, vào thập niên 40 của thế kỷ 20 (những năm 1940), tại chùa Tra Am, xã Hương Khê, tỉnh Thừa Thiên Huế, vào những ngày rằm, ba mươi, mùng một, khi các sư thầy gõ mõ, tụng kinh, có hai con rắn to, dài gần 2m, một con dài, một con cụt hơn “rủ” nhau bò vào chính điện, nằm khoanh tròn nghe các thầy tụng kinh, không gây hại ai. Các thầy thấy lạ, ban đầu cũng sợ, sau rồi quen dần. Nghe hết thời kinh, cả hai cùng bò vào hốc cây, hang đá sau chùa. Cặp rắn này tu tại chùa nhiều năm. Sau do chiến tranh, các thầy không thấy cặp rắn này vào chùa nghe kinh nữa. Nhiều cụ già lớn tuổi còn nhắc lại cặp rắn tu hành này cho du khách đến chùa, chỉ chỗ hốc cây hang đá nơi cặp rắn sinh sống.
Qua những mẩu chuyện trên, ta thấy, rắn là một loài vật, một động vật mà giáo lý nhà Phật xếp vào hàng súc sinh trong lục đạo (thiên, nhơn, a-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục) mà còn có thiên hướng tu hành. Nay ta được thân người, mà như Phật dạy muốn có thân người là một trong những điều khó được ở đời. Lại có cơ duyên, hiểu biết Phật pháp, sớm hôm cần chuyên công tu học, hành trì giới luật, giữ giới-định-huệ để tăng tiến trong tu hành, có cuộc sống an ổn, tự tại, biết cứu giúp người hoạn nạn, bố thí cho người nghèo khó. Do đó, là người học Phật, cần “thiểu dục, tri túc” (ham ít, biết đủ) thì cuộc sống thanh tịnh. Đây là điều cần thiết để vững bước trên đường tu học vậy.
Khó thay được làm người!
Khó thay sống an vui!
Khó thay nghe diệu pháp!
Khó thay Phật ra đời!
(Kinh Pháp cú 182)
Nhân dịp xuân Quý Tỵ cũng xin có đôi lời luận về người tuổi Tỵ. Mỗi con vật trong thập nhị chi (mười hai con giáp) ứng vào tuổi con người, tuy không tin dị đoan, nhưng kiểm nghiệm cũng thấy người tuổi Tỵ có những nét rất hay, ứng với những đặc tính của loài rắn.
Trước hết, người tuổi Tỵ thường rất thông minh, nhanh nhạy trong suy nghĩ, sâu sắc trong tính toán. Trước bất kỳ vấn đề gì, người tuổi Tỵ suy nghĩ thật sâu, tính diễn biến sự việc tiếp theo thêm năm bảy bước, thật chắc rồi mới làm, ít khi quyết định vội vàng, bộp chộp. Nên những người tuổi Tỵ thích hợp với ngành kinh doanh, thương mại, nắm bắt thị trường. Tuổi thiếu niên thường gian nan, ra đời sớm, đấu tranh với đời. Nhờ sự khôn lanh mà vượt qua được nhiều cơn nguy khốn. Được học hành, học giỏi nhưng ít đạt được bằng cấp, nhưng ra đời thì lại may mắn có được những tính toán phù hợp, nhờ đó gặt hái thành công. Tình duyên người tuổi Tỵ thường không được ‘xuôi chèo mát mái’, phải nhẫn nhịn mới bảo toàn mái ấm, một số người phải lận đận tình duyên, sau đổ vỡ mới tìm được hạnh phúc chân thật.
Người tuổi Tỵ gây ấn tượng, khôn ngoan, hấp dẫn và khá lãng mạn, hướng về tinh thần nhiều hơn về vật chất, phong cách tao nhã, sang trọng, phù hợp với công việc cần tập trung tinh thần.
Người đàn ông tuổi Tỵ có trí tuệ đặc biệt bẩm sinh, nho nhã, lịch sự, rộng rãi chuyện tiền nong; nhiệt tình, hào phóng, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người; có khát vọng lớn về danh vọng và tiền bạc.
Người phụ nữ tuổi Tỵ thường là mỹ nữ, gương mặt sáng láng và bình thản, an lành, xinh đẹp; tính tự tin, hiền lương, thẳng thắn, trong sáng, thong thả. Tuy nhiên đầu óc luôn suy nghĩ bận rộn. Nữ thường có số đào hoa nhưng lại thường rơi vào tình cảnh đơn lẻ.
Người tuổi Tỵ khi biết đạo cũng tin đạo pháp nhưng vẫn thường dùng lý trí xét đoán giả chơn, hư thực rồi mới tin. Trong làm phước, bố thí cũng biết cân phân nơi nào cần trước, nơi nào thực sự khó khăn, ít khi làm mà không tính. Nhưng đã làm việc thiện lại không cần danh, không phô trương, không khoe khoang để cho nhiều người biết. Đối với bạn đạo thì hết sức quý trọng. Đối với quý Tăng/ Ni thì có giữ một khoảng cách với lòng tôn trọng. Đối với việc thiện thì gặp việc thiện thì làm. Gặp người nghèo khổ, khó khăn thì “giúp cần câu chứ không cho cá”. Tấm lòng người tuổi Tỵ thật rộng rãi, nếu tiếp tục tu học thì tiếp tục hưởng thụ cuộc sống đầy đủ, hưởng phước báu đời trước và cả đời nay, như bài kinh:
Người tạo được thiện nghiệp,
Làm xong không ăn năn,
Hoan hỷ lòng phơi phới,
Hái quả phúc thường hằng.
(Kinh Pháp cú 68)