Như đã đưa tin, sáng nay, mùng 8 Tết, các nghệ nhân đúc đồng Đông Sơn đã tiến hành đúc chiếc trống đồng Đông Sơn trước thềm điện Kính Thiên trong Thành cổ Hà Nội.


Khâu chuẩn bị khá chu đáo, các nghệ nhân đã ra Hà Nội trước 1 ngày để ghép hoàn thiện giá khung rót đồng, ghép khuôn đúc. 9h30 sáng nay, lễ tổ nghề diễn ra thành kính và ngay sau đó là công đoạn rót đồng vào khuôn.
Ông Hồ Quang Sơn- Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cổ vật Thanh Hóa, cho biết: "Khuôn đúc trống Đồng đã được chuẩn bị kỹ từ trước đó 65 ngày. Phần mang ra Hà Nội để phục vụ Hội xuân Hoàng Thành là phần âm bản và dương bản của khuôn đúc đã hoàn thành và chỉ việc ghép lại, thắt đai định vị rồi rót Đồng vào khuôn".
Chiếc trống Đồng được đúc lần này theo mẫu trống Đồng Ngọc Lũ có đường kính mặt trống là 79cm và cao 61,1 cm hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nhưng nhỏ hơn: đường kính là 60cm và cao 49cm (các nghệ nhân đúc đồng Đông Sơn đã từng đúc chiếc trống có kích thước cao 1,2m, rộng 1,51m).
Anh Thiều Quang Tùng, nghệ nhân đúc Đồng, cho biết: "Nhóm nghệ nhân chúng tôi đã mất gần 7 năm trời tìm hiểu kỹ thuật xử lý hoa văn họa tiết, cách làm khuôn (do không có mẫu khuôn nên chỉ nhìn trống mẫu để suy đoán), cách nấu đồng, rót đồng vào khuôn mới đúc được chiếc trống đầu tiên vào năm 2002.
Ông Trần Quang Dũng- Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ loa-Thành cổ Hà Nội mong muốn thông qua việc tổ chức nghi lễ đúc trống Đồng này, người dân sẽ hiểu thêm về kỹ thuật đúc trống đồng cổ trong khi xem các di vật của Hoàng thành Thăng Long. Đây cũng là cách chúng tôi quảng bá cho khu di tích Hoàng thành khi bộ hồ sơ đề nghị công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới đã được gửi đến UNESCO.
Rất tiếc, lượng khách đến xem đúc trống có thể đếm được vài chục người.






Lớp bavia sau đúc...
