Trách nhiệm của vị trụ trì trong việc định hướng tu tập và hoằng hóa trước thời duyên

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
NSGN - Đối với người tu, việc quan trọng là phải thực hiện cho tốt tôn chỉ, những điều trưởng dưỡng, un đúc tinh thần phạm hạnh của một vị Tỳ-kheo, phải có tố chất cầu học cầu tu.

Vị trụ trì có chức năng chăm sóc cho Tăng, Ni trong trú xứ mà mình có duyên đảm nhận, giúp Tăng chúng thuận duyên tu học; hướng dẫn tín đồ tu tập đúng Chánh pháp qua biểu hiện của hành động (thân), lời nói (khẩu) và tư duy (ý).

Để cho Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử thực hành đúng Chánh pháp của Đức Phật, đặc biệt là đúng theo đường lối, tôn chỉ của Tổ thầy thì trước hết vị trụ trì cần phải làm gương, tức biểu hiện thân giáo trong đời sống theo tinh thần “giới luật Phật chế” và “ lục hòa công trụ”, ngang qua cách thức sinh hoạt, tu tập của mình để giáo hoá, nhiếp phục nhân sinh.

1. Trang nghiêm phẩm hạnh ngang qua việc nhiếp phục thân - khẩu - ý

Đối với người xuất gia, việc trau dồi tư cách đạo đức, phẩm hạnh trang nghiêm ngay trong đời sống thường nhật là điều rất cần thiết, bởi đây là việc trọng yếu của người tu học Phật. Chính sự trang nghiêm phẩm hạnh thông qua việc thanh lọc, phát triển nội tâm thanh tịnh, đạo đức hiền lương trong đời sống tu hành chính là món quà vô giá mà chư Tăng, Ni trao tặng cho cuộc đời, qua đó làm phát khởi tâm lành cho cư gia bá tánh hữu duyên mỗi khi được diện kiến. Điều này đã được Đức Phật nhấn mạnh trong kinh Mã ấp, số 182, kinh Trung A-hàm như sau:

Thế nào là pháp như thật Sa-môn và pháp như Phạm chí?

Thân hành thanh tịnh; khẩu hành thanh tịnh; ý hành thanh tịnh… chánh đại quang minh, khéo léo giữ gìn, không có tỳ vết. Nhân nơi thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh… này mà vẫn không tự đề cao, không khinh chê người, không ô uế, không vấn đục, được các vị Phạm hạnh có trí khen ngợi. Nếu các ngươi nghĩ rằng, ‘Ta thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, điều cần làm ta đã làm xong, không cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa, không còn gì phải làm thêm’, này Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi biết, không để các ngươi mong cầu nghĩa của Sa-môn mà lạc lối mất nghĩa của Sa-môn”.

Giữ tam nghiệp trong sạch chính là việc trau dồi thân khẩu ý mỗi ngày trở nên hiền thiện và trong sáng hơn. Nếu chuyên tâm thực hành như vậy trong một thời gian dài thì chắc chắn tam nghiệp sẽ dần đươc chuyển hóa, thanh lọc, không còn những cấu uế, được an lạc, và không còn phiền não khổ đau chi phối: “Người tâm ý an tịnh/ Lời an, nghiệp cũng an/ Chánh trí chơn giải thoát/ Tịnh lạc là vị ấy”.(Pháp cú 96)

2. Thực hiện lời Phật dạy là lấy “giới - định - tuệ” làm nền tảng căn bản tu tập

Người tu tập đúng Chánh pháp tất nhiên sẽ có đời sống an lạc và hạnh phúc, do sự tu tập giới và thiền định mang lại. Nhờ thực tập giới và định, làm cho trí tuệ phát sinh, nên tâm vắng lặng các phiền não khổ đau, không còn bị các dục làm cho say đắm hay quay cuồng theo trần thế. Khi tâm định tĩnh người tu mới làm chủ được tam nghiệp, dừng gây tạo nghiệp tội và tiến dần đến sự giác ngộ giải thoát. Chư Phật khi xưa và các vị Tổ sư tiền hiền đã thương tưởng mà phác thảo con đường tu tập giới - định - tuệ cho chúng ta, bởi vì suy cho cùng lời Phật dạy thì rất nhiều trong Tam tạng Thánh điển, nhưng chỉ có ba phần căn bản là giới, định, tuệ. Ba môn này gọi là Tam giải thoát. Điều này được Thiền sư Trần Thái Tông dạy rõ trong Khoá hư lục rằng: nếu ai nương theo giới - định - tuệ mà tu, tức là đi đường tắt của chư Phật, thì sớm muộn gì cũng sẽ được giải thoát sinh tử:

Phàm tất cả người tu hành đều do hai việc: chần sinh, tử. Bỏ cha mẹ, vợ, con, xuất gia cầu đạo, phụng thờ Đức Phật làm thầy. Noi theo đường tắt của chư Phật, chỉ có kinh mà thôi. Song trong kinh nói ra không ngoài giới, định, tuệ. Luận Giải thoát nói; “Giới, định, tuệ gọi là đạo giải thoát” Giới là nghĩa oai nghi. Định là nghĩa chẳng loạn. Tuệ là nghĩa giác tri. Lấy giới để trừ ác cấu. Lấy định để trừ triền cấu. Lấy tuệ để trừ sử cấu. Cho nên dùng giống thiện này (giới - định - tuệ) mà theo đạo, gọi là: sơ thiện, trung thiện, hậu thiện. Giới là sơ thiện, định là trung thiện, tuệ là hậu thiện. Giới là sơ thiện là nên cử động, vì cử động nên vui, vì vui nên tâm không định. Định là trung thiện là do thân cử động nên dừng, do dừng nên tâm trụ, do tâm trụ nên thấy biết như thật, đây là trung thiện. Tuệ là hậu thiện là, do thấy biết như thật nên chán ghét, do chán ghét nên lìa dục, do lìa dục nên giải thoát, gọi là hậu thiện… (Trích Giới định tuệ luận - Khóa hư lục).

SỨ MẠNG “HOẰNG PHÁP LỢI SINH” CỦA VỊ TRỤ TRÌ TRƯỚC THỜI DUYÊN

Với sứ mạng “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, vị trụ trì cần phải xây dựng cho mình một đời sống chuẩn mực đạo đức, khéo giao tiếp ứng xử, trang nghiêm phẩm hạnh trong chốn thiền môn. Có như thế, vị trụ trì mới nhiếp phục, cảm hoá được Tăng (Ni) chúng và Phật tử. Từ sự cảm hoá đó, hội chúng sẽ đoàn kết hết lòng ủng hộ giúp trụ trì gánh vác, đương đầu những khó khăn để hoàn thành các Phật sự tại trú xứ của mình. Mặt khác, vị trụ trì cần phải tự tích luỹ tâm đức, tự ý thức trách nhiệm, sứ mạng thiêng liêng của một người xuất gia đó là làm thầy Tỳ-kheo – “Sứ giả của Như Lai” làm Phật sự hoằng dương Chánh pháp, đưa Đạo vào Đời.

1. Hoằng pháp ngày nay: Hạnh nguyện khất thực hóa duyên được thay thế bằng tinh thần “thiểu dục tri túc”

Hạnh khất thực là phương tiện của chư Phật để giáo hóa chúng sanh. Thiết nghĩ, nếu duy trì “hạnh khất thực hóa duyên” này thì đó cũng chính là phương tiện thiết thực đưa đạo vào đời vừa gần gũi, bình dị và thân quen, vừa tự độ và độ tha. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan nên việc hoằng pháp qua việc khất thực hóa duyên hiện nay còn rất nhiều hạn chế. Thay vào đó, mỗi vị Tăng, Ni trụ trì và chư Tăng, Ni trụ xứ cần nên thể hiện thân giáo thông qua việc sống “thiểu dục tri túc”. Đây là nét đẹp trong chốn thiền môn. Trong cuộc sống hiện nay, tốc độ phát triển của xã hội nhanh chóng đi lên, vật chất đáp ứng đầy đủ nhu cầu con người nhưng phiền não, khổ đau thì chưa có cách giải quyết. Nếu thực hành đúng lời dạy của Đức Phật về thiểu dục tri túc thì chắc chắn chúng ta sẽ tìm được sự bình an nơi tâm hồn và tự tại giữa cuộc sống, không bị ngũ dục chi phối trong mọi hoàn cảnh.

“Như con ong hút mật, chỉ lấy nhuỵ hoa mà chẳng làm tổn hại hương sắc. Tỳ-kheo cũng vậy, nhận sự cúng dường của người khác đủ trừ đói khát, chẳng được tham cầu nhiều, tổn hại đến lòng lành của người; như kẻ khôn ngoan biết lượng sức con bò kéo, chẳng ép quá nặng khiến phải kiệt sức…”.

“Người ít ham muốn thì không có tâm siểm khúc để cầu cho được vừa lòng người, lại cũng không bị các căn dắt dẫn. Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không lo sợ chi cả; cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ. Giữ tâm ít ham muốn, ắt được Niết-bàn… Tỳ-kheo các ông! Nếu muốn thoát khỏi mọi khổ não, nên quán xét việc biết đủ. Phép biết đủ chính là chỗ giàu có, vui vẻ, an ổn. Người biết đủ dù nằm trên mặt đất, vẫn thấy yên vui. Người không biết đủ, dù ở trên cảnh trời cũng chưa thỏa ý”.(Kinh Di giáo)

2. Hoằng pháp qua con đường giáo dục (giảng dạy)

Mỗi vị Tăng, Ni trụ trì cần phải đảm nhận vai trò thiêng liêng là một sứ giả của Như Lai. Tại nơi đạo tràng, tự viện, tịnh xá, trong những buổi ngọ trai, hoặc ngày lễ hội…, tuỳ theo hoàn cảnh thực tế và điều kiện cho phép có thể thuyết giảng đôi điều kinh pháp nhằm mục đích giúp cho cư gia bá tánh hữu duyên nhận thức rõ con đường đạo đức, chuyển hóa các pháp bất thiện, hướng dẫn họ tu tập đúng với Chánh pháp của chư Phật, góp phần kiến tạo cõi Tịnh độ ngay tại nhân gian này. Đó tức là hành động thể hiện tinh thần, trách nhiệm hoằng pháp của vị trụ trị đối với nhân sinh, mà cách đây hơn 2.600 năm về trước, khi giáo đoàn Tỳ-kheo của Đức Phật đã vững mạnh, gồm 60 vị A-la-hán, Đức Phật chỉ dạy và nhấn mạnh vai trò của vị Tỳ-kheo trong việc giảng dạy Phật pháp nhằm mục đích vì lòng từ bi với đời, vì sự trường tồn và phát triển của Phật giáo:

“Này các Tỳ-kheo, hãy đi đi, đi khắp nơi vì lợi lạc và hạnh phúc của số đông, vì lòng từ bi đối với cuộc đời, vì lợi lạc và hạnh phúc của chư thiên và loài người. Chớ đi hai người chung đường với nhau. Này các Tỳ-kheo, hãy thuyết giảng giáo pháp cao thượng ở phần đầu, cao thượng ở phần giữa và cao thượng ở phần cuối, cả về ý nghĩa lẫn văn cú. Hãy rao giảng sự toàn hảo viên mãn, đời sống thanh tịnh của trạng thái cao cả. Có những kẻ mà tri óc chỉ bị lu mờ đôi chút bụi bặm, nếu không được nghe pháp thì họ không thể được giải thoát; những kẻ ấy sẽ hiểu pháp”. (Đại phẩm/Mahavagga I, 11)

3. Hoằng pháp qua việc tổ chức các khóa tu

Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó và đồng hành với dân tộc suốt hơn 2.000 năm qua. Do vậy, sự hiện hữu của ngôi già-lam tự viện hiển nhiên đã in đậm trong tâm thức, trở thành mạch sống của dân tộc, được thể hiện qua câu thơ: “Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của tổ tông”. Tại ngôi đạo tràng tịnh xá, vị trụ trì cần nên tổ chức các khoá tu định kỳ (ít nhất một tháng một lần) để hướng dẫn các Phật tử trau dồi trí tuệ, đạo đức, thực tập thiền định, và trải nghiệm đời sống tâm linh nhằm chuyến hóa khổ đau ngay trong kiếp sống hiện tại để được an lạc, hạnh phúc. Đó là hạnh nguyện dấn thân phụng sự đạo pháp, thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo.

Song song đó, vị trụ trì cần nên thiết lập chương trình, nội dung tu học sao cho phù hợp với chủ đề của khóa tu; hình thức, sinh hoạt, độ tuổi tham gia phải phù hợp với tiêu chí khóa tu, cũng như phải biết cách duy trì khóa tu một cách bài bản và khoa học… Tuỳ theo mức độ tu tập, hành trì và khả năng của vị trụ trì, cộng thêm nhu cầu tu học của Phật tử mà từ đó có thể thiết lập các chương trình như sau:

- Giảng dạy tại các trú xứ, già-lam, tự viện, tịnh xá…

- Mở những khóa tu dành cho các Phật tử thanh thiếu niên.

- Mở những khóa tu gieo duyên.

- Mở những khóa tu định kỳ như Bát quan trai, niệm Phật, tu thiền, một ngày an lạc…

- Đáp ứng nhu cầu thính giảng tại các nơi khác.

- Tổ chức các buổi pháp thoại công cộng.

Làm được điều này, chúng tôi thiết nghĩ ảnh hưởng Phật pháp sâu rộng trong quần chúng ở tương lai gần sẽ không phải là chuyện ngoài mong đợi.

4. Hoằng pháp bằng con đường văn hóa và ứng dụng công nghệ

Vị trụ trì ngoài khả năng am hiểu nội điển cần phải có những kiến thức cơ bản về lịch sử và đặc tính văn hóa từng vùng miền, nỗ lực trau dồi những kỹ năng như viết lách, sáng tác thơ văn, nghiên cứu dịch thuật các mảng văn học, lịch sử, triết học, văn hóa… Những hoạt động này rất hữu ích và phù hợp, đáp ứng mục tiêu hoằng pháp thời hiện đại. Do vậy, vị trụ trì cần ứng dụng các thiết bị công nghệ hiện đại vào chương trình hoằng pháp của mình thông qua việc đưa các bài viết, các buổi thuyết giảng đăng tải trên các website, facebook, youtube…, hầu đáp ứng nhu cầu tu học ngày một rộng của nhiều tầng lớp trong xã hội.

KẾT LUẬN

Khác với Tăng chúng, vị trụ trì là người có phúc duyên tích tụ nhiều đời, được thầy tổ giao việc. Ý thức điều đó, để làm tốt trách nhiệm và sứ mạng của mình thì vị trụ trì phải đem tinh thần vô ngã của Đức Phật dạy mà ứng xử, đồng thời tự điều nhiếp tâm tánh mình an trú vào Tứ đức Niết-bàn, từ đó tâm mình được yên. Khi tâm yên thì trí sẽ sáng, việc dễ thành tựu, an vui.

Không nên xem trụ trì là chức vụ quyền hành, mà đó là trách nhiệm phải gánh vác để lập công bồi đức, “vui gánh những gánh nặng đang gánh”. Vị trụ trì cũng cần phải tăng trưởng sự tu học, biết lắng nghe và chọn lọc ý kiến để có giải pháp cho việc bảo quản, chăm sóc sự tướng - cảnh quan của ngôi chùa, ngôi tịnh xá trong ý nghĩa kế thừa “tục diệm truyền thông”. Vị trụ trì cũng phải biết thương Tăng, Ni trong trú xứ cũng như Phật tử, tín đồ hữu duyên, biết cách nâng đỡ để cùng thăng tiến trong tu tập và giáo dưỡng trong Chánh pháp.

Vị trụ trì đương nhiên là người cần phải hiểu rõ Hiến chương, các nội quy về Tăng sự cũng như các ban ngành khác của Giáo hội; hiểu và nắm vững pháp luật, pháp lệnh tín ngưỡng - tôn giáo do Nhà nước ban hành bên cạnh nắm vững nếp sinh hoạt của đạo, đó là những yếu tố giúp vị trụ trì làm tốt công việc thiêng liêng mà mình được giao phó.

Vị trụ trì cần chuyên tâm tầm cầu học tập kinh điển và hành trì giáo pháp để hoàn thiện phẩm chất của một vị xuất gia giải thoát. Nếu không làm được như thế thì quả thật là một thiếu sót lớn và xem như nhiệm vụ, sứ mạng của vị trụ trì khó mà hoàn thành. Trong kinh Thừa tự pháp, Trung bộ I Đức Phật đã giáo huấn chư Tỳ-kheo: “Này các Tỳ-kheo, hãy là người thừa tự pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật…”. Sau lời dạy của Đức Phật, Tôn giả Xá Lợi Phất đã triển khai nội dung này với các Tỳ-kheo như sau: Người thừa tự pháp là người tích cực học tập ba đức tính của Bậc Đạo sư:

1. Noi gương Bậc Đạo sư sống hạnh viễn ly;

2. Quyết tâm từ bỏ những pháp nào mà Bậc Đạo sư dạy phải từ bỏ;

3. Không sống quá đầy đủ, không lười biếng, bỏ rơi gánh nặng về đọa lạc và dẫn đầu về sống viễn ly, quyết không bỏ rơi đời sống phạm hạnh.

-------------------

(NSGN 348)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.