Xả bỏ tự ngã để thuyết pháp

GNO - Thuyết pháp là hạnh cao quý của người hoằng pháp, vị sứ giả của Như Lai, mang ánh sáng Chánh pháp rải khắp nhân gian khiến cho muôn người được hưởng cam lồ vị - sống hạnh phúc, chết bình an, hưởng an lạc ở nhàn cảnh hay giải thoát, Niết-bàn. 

ghdql.jpg


Người thuyết pháp không những là các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni mà còn có cả hàng cư sĩ nữa - Ảnh minh họa

Hiện nay, hoạt động thuyết pháp phát triển khá sôi nổi trong và ngoài nước. Người thuyết pháp không những là các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni mà còn có cả hàng cư sĩ nữa. Bên cạnh đó, nhờ vào phương tiện truyền thông hiện đại, những buổi giảng pháp của các pháp sư được ghi âm, thu hình và phát hành khắp nơi, mang lại nhiều lợi ích cho người học đạo tại gia cũng như xuất gia.

Tuy nhiên, để hằng thuận chúng sanh một cách hiệu quả, thì việc thuyết pháp phù hợp với văn hóa địa phương, ngôn ngữ và hoàn cảnh cụ thể của những đối tượng nghe pháp. Thuyết pháp cho người khác đòi hỏi vị pháp sư phải có đầy đủ năm đức tính mà Đức Thích Tôn xác quyết trong Tăng Chi Bộ II như sau:

Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambì, tại vườn Ghosita. Lúc bấy giờ, Tôn giả Udàyi đang ngồi thuyết pháp với hội chúng đông đảo vây quanh. Tôn giả Ànanda thấy vậy bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, Tôn giả Udàyi đang ngồi thuyết pháp với hội chúng đông đảo vây quanh.

Này Ànanda, thật không dễ gì thuyết pháp cho người khác. Để thuyết pháp cho người khác, này Ànanda, sau khi nội tâm an trú được năm pháp, mới nên thuyết pháp cho người khác. Thế nào là năm?

Ta sẽ thuyết pháp theo tuần tự; ta sẽ thuyết pháp với mắt nhìn vào pháp môn; ta sẽ thuyết pháp với lòng từ mẫn; ta sẽ thuyết pháp, không phải vì tài vật; ta sẽ thuyết pháp, không làm thương tổn cho mình và người. Này Ànanda, khi thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy. (Kinh Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Diệu pháp, phần Tôn giả Udàyi) [1].

Pháp sư đầy đủ năm đức này mới có khả năng thuyết pháp. Bài viết này nhấn mạnh ba đức tính sau cùng: Thuyết pháp vì lòng từ mẫn, thuyết pháp không phải vì tài vật, thuyết pháp không làm tổn thương mình và cho người khác.

Thuyết pháp vì lòng từ mẫn là mong muốn người nghe được thông hiểu giáo pháp, có thể ứng dụng lời Phật dạy trong việc tu tập để chuyển hóa khổ đau, và mang lại niềm vui, hướng đến giải thoát. Tất cả vì lợi ích chúng sanh, người thuyết pháp khôn khéo trong việc sử dụng ngôn từ sao cho tránh làm tổn hại hoặc gây hoang mang cho người nghe và tổn hại cho chính pháp sư.

Thật ra nếu vì lợi ích chúng sanh mà thuyết pháp, vị pháp sư sẽ cố gắng hết sức mình tìm phương tiện để đạt được mục đích tối thượng của việc thuyết pháp như sẽ lập ra giáo án và cách dùng ngôn từ thích hợp cho thính giả tùy theo phong tục, trình độ và căn cơ. Tự nhiên một pháp tương tức với bốn pháp còn lại là nhờ quên mình vì người mà thuyết pháp. Làm như vậy chính là xả bỏ tự ngã để thuyết pháp.

Trong các kinh điển Đại thừa, xả bỏ tự ngã thuyết pháp là điều mà Thế Tôn ân cần nhắc nhở cho những pháp sư nhất là trong thời mạt pháp phước mỏng nghiệp dày nhằm tránh tăng thượng mạn khi thuyết pháp. Pháp hội Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ trong Kinh Đại Bảo Tích là một ví dụ điển hình:

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ tiến lên bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Vừa rồi con tuyên nói bí yếu của Đức Như Lai phải chăng không sai trái hủy báng đức Như Lai. Bí yếu của đức Như Lai là huyền diệu, rộng lớn không ngằn mé, thế gian khó tin được. Dầu nói bí yếu của đức Như Lai mà tâm con tự nhớ là trí huệ của đức Như Lai nhập trong thân con, chớ chẳng phải sức của con".

Đức Phật phán: “Đúng như vậy. Như lời của Mật Tích đã nói. Đạo huệ của đức Như Lai nhập vào chỗ nào thì không ai là chẳng được an ổn. Hàng đệ tử Phật ban tuyên kinh điển, đều nương nhờ oai thần của đức Như Lai” [2].

Ngay cả Bồ-tát Nhất Sanh Bổ Xứ như Ngài Kim Cang Lực Sĩ còn xả bỏ tự ngã và nương nhờ đạo huệ và oai thần của đức Như Lai thuyết pháp huống là hạng phàm phu chúng ta. Tương tự như vậy trong nhiều kinh điển đại thừa như kinh Niệm Phật Ba-la-mật, Bồ-tát Phổ Hiền cũng nương vào oai thần của Phật Thích Ca mà tuyên bố Công đức Danh hiệu Phật:

“Này Phật tử! Nay tôi nương thần lực và lòng đại bi vô hạn của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, mà tuyên thuyết Công Đức Bất Khả Xưng Tán của sự chấp trì danh hiệu Phật” [3].

Nếu vì lòng thương và lợi ích chúng sanh mà thuyết pháp và không sanh niệm tham đắm, hợp với đạo lý của chư Phật thì sẽ được các Ngài âm thầm gia hộ để cho người thuyết pháp thuận lợi trong việc lập giáo án, tìm hiểu đối tượng thuyết pháp, cách sử dụng ngôn từ thích hợp vv… nhằm mang đến lợi ích thiết thực cho đối tượng nghe pháp.

Tâm Tịnh cẩn tập

______________________

Nguồn tham khảo:

[1] Lời Phật dạy trong kinh tạng Nikàya, Tập II, VIII. Thuyết pháp & nghe pháp, 9. Năm đức của pháp sư, Quảng Tánh, Nhà xuất bản Hồng Đức (2014).

[2] Kinh Đại Bảo Tích, Tập I, Pháp Hội Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ, HT.Thích Trí Tịnh dịch, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, (1999 - PL.2543).

[3] Kinh Niệm Phật Ba-la-mật, HT.Thích Thiền Tâm, Viện Phật học A Dục ấn tống (1998 - PL.2542).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.