Vượt ngàn cây số...

GN - Hắn là tử tù. Do giây phút bốc đồng, hắn đã đoạt mấy mạng người một lúc. Trả thù. Đó là cách nghĩ của hắn. Hắn thù vì người cha đó không trao cuộc đời con gái ông cho một đứa cù bất cù bơ, không nghề nghiệp, không cửa nhà như hắn.

nhatu.jpg

Cùng phòng giam với hắn là những tay anh chị khét tiếng một thời. Đầu bao giờ cũng lạnh. Hẳn là loại máu của loài lưỡng cư nên tính người trong hắn không thật sự rõ ràng, nhưng hắn cũng biết đau buồn, biết khóc và biết yêu. Biết phấn đấu để được khoan hồng, để lưỡi hái của thần chết không còn dứ dứ quanh cổ hắn. Hắn sợ. Sợ cả giấc ngủ. Bởi trong giấc ngủ thần chết luôn hiện về. Hắn gầy tong, tuy chẳng thiếu ăn bữa nào. Thiếu chăng là chẳng có ai thăm nom an ủi. Nhìn bạn tù luôn được người nhà thăm nom, chăm sóc dù hàng tháng chỉ được gặp một lần. Chỉ thế thôi nhưng hắn cũng thèm đến phát khóc. Hắn chỉ dám viết thư cho mẹ mong bà tha thứ những lỗi lầm mà tuyệt nhiên không nhắc đến chuyện bà có thể sẽ vĩnh viễn không còn nhìn thấy mặt con. Quê hắn nghèo lắm. Nghèo cả lời ăn tiếng nói bởi cái mặc, cái ăn bắt người ta phải đi sớm về khuya, phải làm trên sức mình thì lấy đâu thời gian mà lời qua tiếng lại. Đồng đất bạc màu, sỏi đá, nên manh áo miếng cơm của họ được chắt ra từ con tôm con cá, từ con ốc con cua.

Với tuổi gần đất xa trời, hắn biết mẹ hắn kiếm cái ăn đã khó, lấy đâu ra tiền mà vào nơi cùng cốc thâm sơn này thăm hắn. Đành cam. Chỉ có những giọt nước mắt là hiểu hắn. Đó là những giọt ăn năn chắt ra từ tận đáy lòng. Muộn. Quá muộn nhưng tự an ủi mình mà sống. Những giọt nước mắt ấy lại tuôn trào khi bạn tù của hắn san sẻ, dù chỉ là một miếng ăn ngon. Khi người ta không thể làm chủ được mình thì sự sống là vô nghĩa. Nhưng làm khác cũng không thể, nên chỉ còn cách buông xuôi. Nhiều tháng rồi hắn không lân la đến khu thăm nom nữa, bởi hắn nghĩ chẳng có bạn thân nào còn muốn tri kỷ tri âm với một tử tù. Hắn mon men đến khu sản xuất, nâng niu từng lá rau mà hàng ngày hắn thường chăm bón. Bỗng dưng hắn thích mình được như chiếc lá không lo toan, suy nghĩ gì. Lá sống để cho đời mà chết cũng để cho đời, dù chỉ là một bát canh ngon không hơn không kém. Hắn không dám nghĩ tới mình.

- 4313 đến khu nhà A4 có người thăm nom.

Tai hắn lùng bùng như không nghe thấy. Hắn đứng như trời trồng.

- Nghe rõ không, 4313? - Người quản giáo nhắc lại.

- Có ạ.

Hắn ù chạy thật nhanh tới nhà thăm nuôi. Hắn như chết sững bởi trước mặt hắn là mẹ hắn và thằng bạn nối khố cùng lang thang mưu sinh ngày nào. “Mẹ”. Hắn chỉ thốt lên được thế rồi phủ phục dưới chân bà. Thay lời, họ chỉ còn những giọt nước mắt, những tiếng nấc nghẹn ngào. Du, bạn hắn mắt cũng đỏ hoe.

- Tao gặp bác cách đây dăm bảy cây số. Nằm mệt lả bên đường.

- Không có cậu chắc tôi chết mất - Mẹ hắn hàm ơn.

- Mày…

- Cậu ấy cõng mẹ…

Hắn vái lạy thằng Du như một ân nhân. Giờ thì hắn mới quan sát mẹ hắn. Mẹ tảo tần quá, rách rưới quá. Lưng còng. Mái tóc bạc phơ. Hai bàn chân sưng tấy, rướm máu. Chắc mẹ đã đi bộ một quãng đường dài. Hắn không dám nghĩ là với sức trẻ như hắn, hắn có dám rong ruổi hơn ngàn cây số như thế không.

- Mẹ đã nhận được thư con?

- Không, con à.

- Con gửi lâu rồi mà mẹ.

- Mẹ đi từ khi biết tin con ở nơi này.

- Gần năm rồi mà mẹ.

Mẹ hắn không nói gì, nước mắt lại rơi. Bà muốn giấu con chuyện mình phải lê la đây đó để kiếm miếng cơm, đồng tiền lẻ của khách qua đường cốt vào thăm con thôi, nhưng vì đường sá xa xôi, lòng người lại hẹp nên phải mất ngần ấy thời gian bà mới đến được nơi này. May mà không bệnh hoạn hay tai nạn gì. Có biết bao nhiêu cuộc hành trình gian lao trắc trở trên trần thế này, nhưng chẳng bao giờ ngăn được tình mẹ, dù hành trình đó dẫn đến cái chết bi thương. Mẹ vẫn đến, dù đó là biển đảo xa xôi hay Trường Sơn thâm u mênh mông bát ngát. Cuộc đời là những chuyến đi. Nhưng chuyến đi của mẹ là chuyến đi của định mệnh, của yêu thương, của tình thâm réo gọi, khác hoàn toàn với những chuyến đi khác của trần đời. Chuyến đi ấy đầy ắp nỗi niềm, cầu mong.

- Cha có khỏe không?

- Không được khỏe … - Mẹ hắn thoáng giật mình -  Ông ấy nhớ và thương con lắm.

- Không như ngày con còn ở quê sao?

- Thương cho roi cho vọt con à - Bà lặng lẽ lau những giọt nước mắt rơm rớm trên mắt - Con sẽ nhớ hoài, tiếc hoài nếu một ngày nào đó con không còn được cha nhủ bảo khuyên răn. Bố con mà khỏe thì ông ấy đã đến đây…

Nắng chiều đã ngấp nghé bên ngoài cổng trại, hàng cau lơ thơ bên những tàu lá xác xơ chứng tỏ cái nắng, cái gió nơi này vô cùng khắc nghiệt. Con đường thẳng tắp từ cổng trại đến khu hành chính được trang hoàng cờ và băng-rôn đỏ chói. Sáng nhất và dễ thấy nhất có lẽ là câu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bao hàm gần như trọn vẹn ý nghĩa và công việc của trại đang làm. Nhắc nhớ không chỉ trại viên mà cả người qua đường luôn phải sống đẹp đời, tốt mình. Với mẹ hắn thì hơn thế. Bà nghĩ đến lòng bao dung của Cụ, của chính quyền luôn ân xá cho những tội nhân biết ăn năn hối cải nhân ngày Quốc khánh hàng năm.

Thời gian thăm phạm nhân đã hết khá lâu rồi, anh quản giáo đưa người mẹ sang căn nhà tạm trú qua đêm cho người thân phạm nhân ở xa không có phương tiện đi về.

- Nghe người ta nói có thể gặp được nhau trong căn “nhà hạnh phúc” này đúng không cán bộ?

- Dạ, đúng. Nhưng chỉ áp dụng cho người cải tạo tốt và thời gian thi hành án không còn nhiều.

- Con tôi thì chắc là không thể?

Anh quản giáo không trả lời, nhìn vào mắt mẹ khá lâu. Hình như trong anh đang dâng lên một niềm thương cảm. Hình ảnh người mẹ tiều tụy, rách rưới vượt ngàn cây số bằng đôi chân trần đến thăm con là một tử tù sao mà đau xót thế. Hơn ai hết, anh là người chứng kiến nhiều cuộc hội ngộ và chia ly éo le như thế này. Anh cúi chào mẹ hắn, định rời đi thì bà van nài.

- Cán bộ có thể cho tôi gặp con tôi một lần nữa được không?

- Cháu không thể.

- Chẳng có sao đâu, như khi chiều mẹ con tôi đã gặp ấy.

- Trường hợp của bác là vô cùng đặc biệt và không nhiều ngoại lệ. Chuyện bác vào thăm con bằng cách đi ăn xin đã động lòng trời hay sao ấy…

- Nếu không được thì sáng mai cán bộ ghé lại nơi này giúp tôi một việc cuối cùng rồi thôi.

- Bây giờ có được không?

- Nhưng con tôi không có để nghe lời cuối cùng của cha nó.

Anh quản giáo lại tròn xoe mắt trân trân nhìn bà.

- Cháu xin lỗi. Ngày mai không phải là ngày thăm nuôi.

Tử tù thì làm gì có chuyện thăm nuôi. Anh quản giáo tế nhị không nói ra sợ khơi dậy vết thương lòng của người mẹ tội nghiệp.

- Đành thôi, cha nó à - Người mẹ mắt nhìn xa xăm về phía ráng chiều còn vài tia nắng le lói - Tôi sợ con mất vui…

Bà hơi cúi xuống, lấy trong ngực áo ra gói giấy được bọc ni-lông cẩn thận. Quay qua anh quản giáo, bà cẩn thận từng lời:

- Đây là vật thiêng liêng cuối cùng của gia đình mà tôi có thể mang theo, thay cha nó vào thăm nó. Đó là ba tăm nhang trên bàn thờ cha nó… Ông ấy muốn gặp nó lần cuối…

Rồi như không cầm được nước mắt, bà khóc tức tưởi. Anh quản giáo mắt cũng đỏ hoe. Chưa bao giờ anh chứng kiến được hoàn cảnh bi thương như thế này, dẫu rằng nơi đây không ít cuộc chia ly không có người đưa tiễn. Bỗng dưng anh thấy mình nhỏ bé trước cuộc đời, trước mẹ. Những người mẹ vất vả tảo tần, chịu khó chịu thương luôn hy sinh cho người thân mà không hề nghĩ đến mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.