GNO - Đôi khi tôi cũng bực dọc vì những lời nói hay hành động trái ý, lẩm cẩm của mẹ…, nhưng rồi nghĩ lại, “đòi hỏi” gì nữa ở cái tuổi ngoài 90. Rồi nghĩ tới cái ngày không còn được bực dọc mà… vui vì còn được mẹ phiền…
Ảnh minh họa
Ở cái tuổi 95 mà mẹ vẫn còn khá minh mẫn, tới lui không cần dìu đỡ… có lẽ cũng thuộc dạng hiếm có trên cõi đời. Mẹ luôn bảo nhờ “Phật độ”, dù hơn 10 năm rồi không được đi chùa vì lý do sức khỏe. Nhưng với mẹ thì ở đâu cũng là chùa, nơi nào cũng có Phật; tâm Bồ-tát vẫn nguyên vẹn trong lòng, lấy bố thí làm niềm vui đạo pháp, tuổi già… Mẹ vẫn còn thuộc làu bài kệ quy y của Tổ Huệ Quang - người ban cho mẹ pháp danh Diệu Tuấn. Cái pháp danh rất “ứng” với mẹ: dịu dàng mà cứng cỏi, mạnh mẽ…
Có hơn 60 năm mẹ làm thân cò nuôi đàn con 10 đứa. 60 năm đó, mẹ chưa hề nghỉ ngơi, chưa một lần than van, phiền hà… Vì với mẹ, con là niềm vui, là hạnh phúc. Hạnh phúc được nhìn con lớn lên từng ngày, được chăm bón từng miếng ăn, giấc ngủ, được con quấy rầy làm phiền, được lo cho con thay bản thân mình…
Nhớ có lần nửa đêm bỗng dưng tôi vừa lạnh vừa sốt. Tôi cố đến bên giường lay nhẹ bàn tay mẹ. Mẹ bật dậy ngay rồi xoa dầu, cạo gió cho tôi. Mẹ làm nhẹ nhàng như sợ đánh thức các anh chị tôi đang say giấc nồng. Còn mẹ gần như thức canh tôi tới sáng, cứ thi thoảng tôi cảm nhận bàn tay mẹ đặt lên trán mình. Ôi, suốt ngày mẹ đã không hề chợp mắt! Có lẽ đó là lần đầu tiên trái tim cậu bé 12 tuổi trong tôi biết rung động về tình thương người mẹ, dù suy nghĩ có vụng về: chỉ có những người mẹ mới không phàn nàn khi ngon giấc đêm về!
Hôm có bà mẹ trẻ là cô giáo dắt theo đứa con trai chừng 3 tuổi đến tiệm tôi in giáo án. Đứa bé này quá “liếng” nên tay chân quấy phá, miệng thì lách tách đủ chuyện, kêu mẹ ngược mẹ xuôi… khiến cô gặp nhiều khó khăn khi thao tác máy vi tính. Ấy thế mà bà mẹ gần như không chút dao động, bình tĩnh trả lời từng câu hỏi có phần ngớ ngẩn của con, kiên nhẫn khuyên con ngồi yên trong lòng, chậm rãi vừa làm vừa trò chuyện với con, vừa chỉnh sửa tài liệu, tốn nhiều thời gian, công sức… Tôi cảm nhận sự kiên nhẫn đó chỉ có ở những người mẹ! Thật tuyệt vời! Tấm lòng người mẹ trẻ phủ mát cả cơn “nóng” trong tôi.
Người ta nói “già như trẻ con”. Mẹ cũng vậy, cũng hỏi đi hỏi lại, cũng năm lần bảy lượt... Ô, ngày bé mình cũng thế mà, mình còn nhớ nhiều lần “mè nheo” mẹ lắm... thế mẹ có phiền, có buồn bực không? Còn mình...
Ngày bé mình hay làm bể ly bể chén, giờ mẹ cũng tay chân run rẩy đổ tháo tùm lum. Ngày xưa mẹ nói lỗi tại mẹ không biết trông con, không lẽ giờ cũng là lỗi mẹ?!
Có lẽ mỗi người có kỷ niệm và “nỗi nhớ” riêng về mẹ mình. Với tôi nỗi nhớ ấy là cái... ngón tay của mẹ. Ngày ấy, mỗi sáng mẹ thường dắt tôi đi chợ. Tay trái mẹ cầm giỏ xách, tay phải mẹ nắm bóp tiền và dương ngón trỏ để tôi nắm lấy. Cái ngón trỏ nhỏ nhắn của mẹ nằm trọn trong lòng bàn tay tôi, ấm áp một cách kỳ lạ. Ngón tay đó, đã nâng niu, dìu dắt tôi suốt quãng đời niên thiếu, đưa tôi vào đời. Ngón tay ấy giờ run rẩy nắm lấy tay tôi, bùi ngùi, xúc cảm, không biêt đến bao giờ...
Cứ mỗi mùa Vu lan được cài lên ngực áo bông hồng màu hồng tôi lại thấy mình diễm phúc. Cứ mỗi mùa Vu lan tôi lại thấy thương mẹ nhiều hơn. Tháng bảy - Mùa hiếu hạnh, mùa nhắc nhớ về mẹ, về công ơn sinh thành, dưỡng dục. “Nhắc nhớ” thôi, chứ tình mẹ, chữ hiếu thì đâu có phạm trù, khái niệm thời gian!
Chuyện xưa lắm rồi, có gần 50 năm. Ngày đó tôi là đứa bé lên 10 cùng nhóm bạn đồng trang lứa quây quần nghe Sư Ông kể chuyện rằng: Đức Phật dạy phước báo cao quý nhất của con người là hiếu kính với cha mẹ, cũng như tội lỗi lớn nhất của con người chính là bất hiếu với đấng sinh thành. Tôi thích cái triết lí rất “đời” đó. Và tôi bén duyên với Phật pháp từ đó - thông qua hình ảnh người mẹ, chữ hiếu...
Cảm ơn Sư Ông với bài học vỡ lòng cao quý đó. Bài học không bao giờ muộn màng, xưa cũ..., hay nói đúng hơn đó là chân lý - là hành trang, đạo hành mà mỗi con người đều phải ấp ủ, nâng niu.
Thế nhé! Hãy vui đi vì còn được mẹ phiền...
Thanh Vân
(TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh)