Vu lan bồn, Vu lan bồn hội
Theo Từ điển Phật học(1), Vu lan bồn tiếng Phạn là Ullambana (Hành sự). Còn gọi là Ô lam bà noa. Tàu dịch là Đảo huyền, chỉ nỗi đau khổ cùng cực. Huyền Ứng âm nghĩa, quyển 13 ghi: "Vu lan bồn, là nói sai. Nói đúng là O lam bà noa, dịch là Đảo huyền. Theo phép nước Tây Trúc, vào ngày Tự tứ của các Tăng, đặt cỗ bàn linh đình, dâng cúng Phật và Tăng để cứu cái khổ treo ngược (đảo huyền) của người đã mất. Xưa nói là cái chậu đựng thức ăn, đó là nói sai".
Vu lan bồn hội: Tôn giả Mục Kiền Liên, đệ tử của Đức Phật tu hành đắc đạo, thấy mẹ rơi vào đường quỷ đói (ngạ quỷ), chịu nỗi khổ bị treo ngược (đảo huyền), hỏi Đức Phật cách cứu gỡ. Đức Phật dạy rằng, vào ngày Rằm tháng bảy hàng năm, đem trăm thứ phẩm vật dâng cúng Tam bảo, nhờ vào uy lực của Tam bảo thì sẽ cứu được cha mẹ bảy đời. Ngày hội Vu lan cũng là ngày Phật hoan hỷ. Đây là ngày lành, chư Tăng kết thúc mùa An cư, và là ngày mà chư Tăng, chư Thánh, chư Phật hộ niệm cho các vong linh.
Trung Quốc, từ năm Đại Đồng đời Lương Vũ Đế(2) đã bắt đầu dựng tiệc chay Vu lan bồn.
Vu lan bồn kinh tức kinh Phật thuyết Vu lan bồn, 1 quyển, do Trúc Pháp Hộ đời Tây Tấn(3) dịch. Kinh này do Đức Phật thuyết nhằm khuyên người ta báo hiếu cho ông bà cha mẹ. Kinh này nên tụng trong mùa Vu lan tháng Bảy.
Lễ Vu lan ở Việt Nam thời phong kiến
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn thư, kỷ nhà Lý(4) chép:
1. Mậu Tuất, năm 1118. Mùa thu, tháng Bảy, tiết Trung nguyên, vua Lý Nhân Tông bày cỗ bàn, vì là gặp ngày lễ Vu lan bồn, cầu siêu cho Linh Nhân Hoàng thái hậu.
2. Mậu Thân, năm Thiên Thuận thứ I (1128). Mùa thu, tháng 7, tiết Trung nguyên vua Thần Tông (1128-1138) ngự điện Thiên An, các quan dâng biểu mừng. Vì là ngày lễ Vu lan bồn, báo hiếu cho vua Nhân Tông, nên không đặt lễ yến.
3. Giáp Dần, Thiệu Bình năm thứ I (1434). Mùa thu, tháng 7, ngày 15, vua Lê Thái Tông mở hội Vu lan, tha tù tội nhẹ 50 người, cúng dường các Sư tụng kinh 220 quan tiền.
Châu bản triều Nguyễn, sử liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn(5) cho biết:
Năm Canh Dần (1830) ngày Vu lan - rằm tháng 7, vua Minh Mạng cho mở đại trai đàn ở chùa Thiên Mụ, Huế; cho triệu tập chư Tăng các tỉnh về dự. Sau trai đàn, vua giao cho Bộ Lễ tổ chức sát hạch chư Tăng để cấp độ điệp và giới đao, tuyển chọn được 50 nhà sư.
Tháng 7 năm Ất Mùi (1835), vua Minh Mạng mở đại trai đàn Vu lan rất lớn ở chùa Thiên Mụ. Nhà vua giao cho Hà Tôn Quyền và Hoàng Quýnh chịu trách nhiệm tổ chức, Bùi Văn Huyến làm Đổng lý trai đàn. Trong kỳ "Đám chay lớn" này, Minh Mạng đích thân lên chùa Thiên Mụ dự lễ. Vua làm nhiều bài thơ sai đem dán ở điện Phật và các đàn Thủy lục. Trai đàn đang cử hành được một thất (một tuần lễ), được tin quân triều đình chiếm lại được thành Phiên An (thành Gia Định), vua ra lệnh cho viết linh vị các tướng sĩ và biền binh bị mất trong cuộc đánh dẹp cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, để làm lễ cầu siêu.
Năm Minh Mạng thứ XVIII, Đinh Mùi (1837), lại thiết trai đàn tụng kinh 21 ngày đêm (tam thất) cũng vào tiết Trung nguyên, tức Vu lan rằm tháng 7. Đại trai đàn này được tổ chức rất trọng thể. Những người được nhà vua cử vào Ban tổ chức đã xin vua cho đốt pháo và cấp thêm người phục dịch vì 146 biền binh không đủ.
4. Năm Thiệu Trị thứ I, nhân lễ Vu lan, vua cho mở trai đàn ở chùa Thiên Mụ, chùa Giác Hoàng ở Huế và chùa Quốc Ân khải tường ở Gia Định.
5. Năm Thiệu Trị thứ II, Nhâm Tý (1842), Lý Văn Phức đi sứ nhà Thanh về, có thỉnh được 50 bộ kinh Phật; vào ngày Rằm năm đó vua thiết đại trai đàn, người ta đã soạn 12 bộ kinh để trần thiết ở bàn thờ Phật tại chùa Thiên Mụ.
6. Năm Quý Mão (1843), ngày rằm tháng 7, vua Thiệu Trị mở đàn thủy lục bạt độ ở chùa Thánh Duyên, Huế.
7. Năm Ất Tỵ (1845), năm Thiệu Trị thứ VI, tháng 7, khánh thành chùa Diệu Đế ở Huế, vua cho mở trai đàn bạt độ.
8. Năm Đinh Mùi (1847), vua Thiệu Trị cho mở trai đàn bạt độ ở chùa Thiên Mụ, cầu siêu cho tướng sĩ trận vong trong cuộc chiến tranh ở Trấn Tây Thành (Campuchia).
9. Năm 1848 (Mậu Thân), vua Tự Đức cho mở trai đàn ba thất (ba tuần lễ) ở chùa Thiên Mụ sau khi lễ vinh lăng vua Thiệu Trị.
10. Mậu Dần, năm Tự Đức thứ 31 (1878), vào rằm tháng 7, vua thiết lễ Vu lan bồn rất lớn ở chùa Thiên Mụ. Bộ Lễ tâu vua: "Theo lệ đã đến kỳ mở đại trai đàn để chúc hỗ nhà vua. Tự Đức bảo: "Chúc một người sống lâu không bằng cứu vớt một người chết oan". Sau đó vua ra lệnh triệu tập chư Tăng từ trong Nam ra tới Quảng Bình về kinh đô, lên chùa Thiên Mụ mở hội Vu lan bạt độ và vua ra lệnh cho các quan ở Thừa Thiên lấy ngày Trung nguyên tức ngày rằm tháng 7 năm đó, khai kinh phổ tế các tướng sĩ trận vong khắp cả Trung Nam Bắc kể từ năm Tự Đức Nguyên niên đến lúc đó (1848-1878).
Những chứng cứ trên cho ta thấy, vào buổi đầu thời Phong kiến tập quyền Việt Nam, các vua nhà Lý đã tổ chức lễ Vu lan bồn với ý nghĩa báo hiếu cha mẹ rất rõ. Càng về sau, nhất là trong triều Nguyễn, ý nghĩa này đã mở rộng trong dân gian không những cứu độ cha mẹ, tổ tiên mà còn lan ra tất cả mọi người. Vu lan bồn đã trở thành một đại lễ cầu siêu rộng lớn, có cả chư Tăng, có cả triều đình và cả nhà vua tham dự.
Lễ Vu lan ở Việt Nam thời kỳ chấn hưng Phật giáo
Cách nay 76 năm, ngày 6-11-1934, nhà cầm quyền Bắc kỳ ký Nghị định 4283 cho phép thành lập "Bắc kỳ Phật giáo hội", trụ sở Trung ương lâm thời đặt tại chùa Quán Sứ, số 73 phố Richaud (tức phố Quán Sứ ngày nay).
Theo đề nghị của Hội, từ năm 1938 trở đi, nhà cầm quyền Pháp công nhận ngày rằm tháng 7, lễ Trung nguyên là ngày công lễ chẩn tế của nước ta, cho phép công sở Bắc kỳ, Trung kỳ nghỉ việc buổi chiều hôm ấy.
Báo Đuốc Tuệ - cơ quan hoằng dương Phật pháp của Hội Phật giáo Bắc kỳ - cho biết chương trình lễ Trung nguyên những năm chấn hưng Phật giáo thường diễn ra trong 3 ngày: 13-7 (ngày Khánh đản Đức Đại Thế Chí Bồ tát(6)) đến hết ngày 15-7 âm lịch. Ngoài các nội dung như cúng Phật, lễ Phật, lễ sám, chúc thực… bao giờ cũng có mục tụng kinh đại hội (kinh Pháp Hoa, kinh Địa Tạng, Kinh Dược Sư, kinh Kim Cương…) và diễn thuyết.
Ngày rằm tháng 7, buổi sáng thường làm lễ Tự tứ; buổi chiều mở đàn Mông sơn tụng Địa Tạng hồi hướng. Trước khi tụng kinh, chư Đại đức và hội viên tề tựu đàn ngoài làm lễ chiêu hồn các vong linh rồi rước linh phan vào quy Phật.
Hai năm dưới chế độ Dân chủ Cộng hòa, Phật giáo xứ Bắc vẫn tiến hành lễ Trung nguyên từ 13-7 đến 15-7 âm lịch, chương trình nội dung không có gì thay đổi, chỉ có thời gian từng nội dung được rút ngắn so với trước.
Ở Nam Bộ, tờ Duy Tâm - cơ quan ngôn luận của Hội Lưỡng Xuyên Phật học, số 13 ra tháng 10 năm 1936 tường thuật ngày lễ Vu lan tại chùa Long Hòa, làng Hưng Hòa, quận Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh như sau: "Ngày rằm, mười sáu, mười bảy nhằm ngày Tự tứ Trung nguyên (1,2,3 tháng 9 năm 1936), Ban Tổ chức tất cả các viên quan hương chức và trong bổn đạo chung đậu số tiền để làm việc phúc thiện, thỉnh tất cả tăng già, cư sĩ Hội Lưỡng Xuyên Phật học đến tụng kinh, làm lễ thuyết pháp: đêm thứ nhất, Pháp sư Khánh Anh giảng " Vấn đề Ngũ giới"; đêm thứ nhì Hòa thượng Huệ Quang, Chủ nhiệm tạp chí Duy Tâm giảng vấn đề "Tín, Hành, Nguyện"; qua đêm thứ ba, cư sĩ Trần Văn Giác, Phó Quản lý tạp chí Duy Tâm giảng kinh Địa Tạng phẩm thứ nhất. Hàng trăm người đến nghe đã phát tâm Bồ đề ủng hộ 300 lít gạo, mấy chục cây vải. Hai giờ chiều ngày 17, đăng đàn chẩn tế, mở cuộc bố thí giúp đỡ người nghèo, mỗi người được 5 lít gạo, 4 thước vải. Thật là một hành động phúc thiện đáng khen trong thời buổi khủng hoảng kinh tế tràn khắp thành thị cho chí thôn quê.
Lễ Vu lan - Rằm tháng Bảy ngày nay
Ngày nay, đối với những người có tín ngưỡng đạo Phật, Vu lan - rằm tháng Bảy là ngày kết thúc 3 tháng An cư kiết hạ của tu sĩ theo truyền thống Đại thừa. Đây là ngày "Giải hạ" tại các chùa hay các "trường hạ" (điểm an cư tập trung), chư Tăng Ni làm lễ "giải hạ". Ngày này, Phật giáo còn gọi là "ngày hoan hỷ", nên Phật tử các chùa thường tổ chức dâng cúng y cho chư Tăng Ni với tâm niệm nhờ chư Tăng Ni chú nguyện để cầu cho cha mẹ hiện còn được bình an, sức khỏe không bệnh tật, nếu đang bệnh thì mau vượt qua cơn nguy biến; cầu cho cha mẹ đã khuất được siêu sinh đến cảnh giới tốt đẹp. Sự cầu nguyện đó không chỉ dành cho cha mẹ đang còn hay đã mất mà còn hướng đến cha mẹ tổ tiên nhiều đời, họ hàng nội ngoại.
Vu lan không chỉ dành cho cha mẹ, những người ruột thịt của mình mà người ta còn nghĩ đến những người đã khuất với quan niệm "thác cũng có cuộc sống như dương thế", ở đó có nhiều người sống vô định, không nơi nương tựa do chết oan uổng, không người thờ tự, quanh năm đói khát... Linh hồn của họ không được siêu thoát, họ được gọi là cô hồn. Theo quan niệm của dân gian Việt Nam, Vu lan là "ngày xá tội vong nhân", cửa địa ngục được mở ra cho họ trở về. Mâm cơm "cúng thí thực" thường có cháo cô hồn, đường, muối, gạo, khoai được soạn bày ngoài trời hay ở hiên nhà, không để trong nhà với tâm niệm cung cấp lương thực để cho các cô hồn được ăn uống.
Từ một nghi lễ Phật giáo, lễ cầu siêu trong mùa Vu lan - rằm tháng 7 đã đi vào cuộc sống của người Việt để tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Đây là đạo lý uống nước nhớ nguồn, một nét đẹp văn hóa giàu tính nhân văn của nhân dân Việt Nam.
Vu lan - Rằm tháng Bảy ngày nay không chỉ là ngày lễ lớn trong đạo Phật mà còn được xã hội hưởng ứng một cách rộng rãi với tính cách là ngày báo hiếu. Trước sự xuống cấp về đạo đức như: Tỷ lệ ly hôn tăng, hiện tượng ngược đãi cha mẹ, số lượng trẻ sa vào các tệ nạn xã hội, bỏ học, nghiện game… bên cạnh việc khơi dậy trong tự thân mỗi con người tình thương nhân loại thông qua ngày lễ Vu lan, cần đem đến ý niệm sâu sắc về một gia đình mà C.Mac xác định "Gia đình là tế bào của xã hội". Vu lan nhắc nhở rằng chúng ta có cha, có mẹ, không chỉ cha mẹ trong hiện tại mà cha mẹ trong nhiều đời. Chúng ta luôn có một gia đình, không ai trong chúng ta cô đơn cả.
Vu lan nhắc nhở chúng ta về hiếu hạnh, phẩm chất cơ bản trong một nhân cách. Và tạo nên mối liên thông trong gia đình, một gia đình lớn. Một người con hiếu đễ, một gia đình hòa thuận, luôn có sự đùm bọc và nâng đỡ với tình thương yêu chính là phương thuốc căn bản để chữa lành các vết thương trong đời sống xã hội(7).
Có lẽ ý nghĩa tâm linh của lễ Vu lan - rằm tháng 7 sẽ được trọn vẹn hơn, cao đẹp hơn khi vào ngày lễ đó chúng ta loại bỏ được tệ đốt vàng mã mà từ năm 1938, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Hội, Tuần phủ hưu trí Trần Văn Đại là Chánh Đại lý Hội Phật giáo tỉnh Hải Dương đã kiên quyết bỏ tục đốt vàng mã trong ngày rằm tháng Bảy tại các chùa trong tỉnh nhà.