>>> Đại nhạc hội Vu lan đồng vọng 1: "Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười"
Nói như vậy bởi đây là lần đầu tiên, một chương trình văn nghệ Phật giáo được đầu tư kỹ lưỡng cả về mặt nghệ thuật, kinh phí, cũng như công sức, được mở rộng đối tượng khán giả không chỉ giới hạn trong cộng đồng Phật giáo.
Họp báo công bố chương trình Vu lan đồng vọng - Ảnh: V.Q.
Sự ra đời của Vu lan đồng vọng
Từ lâu, văn nghệ Phật giáo đã trở thành thông lệ và quen thuộc với người Phật tử thông qua các ngày lễ lớn của đạo Phật như: Phật đản, Vu lan, Phật thành đạo… Nhưng dường như những chương trình này vẫn còn mang tính vi mô, chưa có sức lan tỏa mạnh mẽ, và chỉ giới hạn với đối tượng khán thính giả là Phật tử.
Trong thực tế đó, Vu lan đồng vọng 1 chủ đề “Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười” ra đời với việc tôn vinh các giá trị yêu thương vô bờ bến và không điều kiện của hai đấng sinh thành.
Thông qua nghệ thuật, những người thực hiện chương trình muốn chuyển tải đến tất cả mọi người thông điệp: Hãy làm một điều gì đó dù nhỏ nhưng đem lại tiếng cười, niềm vui cho cha mẹ của chúng ta ngay hiện tại. Đừng để những điều tưởng chừng thật gần gũi và giản dị này trôi qua, lúc đó có ăn năn, hối hận thì cũng chẳng kịp nữa rồi.
Ngoài ý nghĩa nhân văn trên, Vu lan đồng vọng còn hướng tới việc xây dựng một “thương hiệu” riêng của văn nghệ Phật giáo trong tương lai, với chuỗi các chương trình 2, 3, 4… cùng tên gọi, theo như mong ước của TT.Thích Thiện Bảo, Trưởng Ban Văn hóa THPG TP.HCM.
Bà Huỳnh Long Ngọc Diệp - Đại diện cho đơn vị thực hiện chia sẻ tại buổi họp báo vào chiều ngày 22-7 tại Hội trường Báo Giác Ngộ, thì Vu lan đồng vọng ra đời trong quãng thời gian rất ngắn (khoảng 2 tháng để lên ý tưởng và thực hiện), nhưng vẫn hứa hẹn sẽ là một chương trình cực kỳ ý nghĩa và hoành tráng.
Vì là lần đầu tiên tổ chức, thời gian thì không nhiều nên cả ê-kip thực hiện đã phải lao động miệt mài bằng con tim, khối óc… Ngay cả việc đầu tư số tiền lên đến vài tỷ đồng, nhưng thu lại ước tính trên dưới 20% số vốn ban đầu cũng không phải là vấn đề quan trọng, mà quan trọng là có thể cống hiến cho khán giả thưởng lãm một “bữa tiệc” ca, vũ, nhạc thật sự mới mẻ, nhiều sắc thái và giàu cảm xúc.
Đấy cũng là nguồn động lực duy nhất để những người thực hiện có thể xây dựng Vu lan đồng vọng thành một chương trình văn nghệ định kỳ trong những mùa Vu lan sau.
Sức sống mới của văn nghệ Phật giáo
Khi chương trình chưa diễn ra, mà đã gọi Vu lan đồng vọng là “sức sống mới của văn nghệ Phật giáo”, có phải là ngoa ngôn? Nhưng qua thông cáo báo chí, cũng như phần trả lời các câu hỏi từ phía báo giới của Ban tổ chức đã phần nào xác chứng cho nhận định trên là có cơ sở.
Nhìn từ thực tế, văn nghệ Phật giáo từ trước tới nay ít có chương trình nào thực sự mang lại dấu ấn riêng của Phật giáo. Có hay chăng chỉ là những mảng miếng được chắp vá theo tính tự phát, xây dựng theo chiều hướng… “cây nhà lá vườn”.
Vì vậy, đối với khán giả của “mảnh đất” văn nghệ giàu tiềm năng này thì đó vẫn chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu số đông. Được theo dõi và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của một số bà con Phật tử đến thưởng thức, đa số họ đều hào hứng và mong đợi. Nhưng đến khi được “mục sở thị” thì phần nhiều người đều… thoáng chút suy tư, và hỏi tại sao văn nghệ Phật giáo trải qua năm tháng vẫn chưa có sự khởi sắc.
Thường thì, ở những chương trình văn nghệ này, các nghệ sĩ tham gia đều hát những bài… mình có sẵn. Cũng có khi phù hợp với chương trình, nhưng đa phần là chủ đề một đằng, bài hát lại đi một nẻo. Tất cả những “hạt sạn” trên đều xuất phát điểm từ những người thực hiện. “Ừ thì cứ làm cho có, cho xong, miễn có nghệ sĩ biểu diễn là bà con đến xem, vui rồi, có bán vé đâu mà phải lo…”.
Ngoài những phần biểu diễn âm nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng như: Cẩm Vân, Mỹ Linh, Phương Thanh, Quang Linh, Hà Anh Tuấn, Cẩm Ly, Nguyên Vũ, Thanh Ngọc, Sỹ Luân, Quách Tuấn Du… Khán giả đến sân Lan Anh còn được thưởng thức tiết mục “vũ nhạc kịch” mang tên Mục Liên-Thanh Đề, gợi lại ngọn nguồn của lễ hội Vu lan, với sự tham gia của chư Tăng và khoảng 60 diễn viên… |
Còn với Vu lan đồng vọng, những người thực hiện đã làm một cuộc “cải cách” mang tính căn cơ, bởi các nghệ sĩ khi đã nhận lời tham gia chương trình, đều phải “tuân thủ” theo kịch bản của Ban Tổ chức đề ra.
Cùng với điều đó, thì 100% các ca khúc trong chương trình đều được hòa âm, phối khí hoàn toàn mới bởi các nhạc sĩ nổi tiếng của nước ta hiện nay.
Sân khấu Lan Anh cũng sẽ rực rỡ sắc màu bởi hệ thống ánh sáng chuyên nghiệp, cũng như hiệu ứng của màn hình 3D để khán giả có thể thấy được mặt trời mọc ở trên đầu chứ không phải… sau lưng. Đó là khẳng định của tổng đạo diễn Sơn Võ của chương trình này.
Hy vọng, với thông điệp đầy ắp ý nghĩa và đậm tính nhân văn, cũng như việc đầu tư không vì tính chất thương mại của đơn vị thực hiện, Vu lan đồng vọng sẽ là một nét chấm phá, một sức sống mới cho văn nghệ Phật giáo ở hiện tại cũng như tương lai.
Đây cũng là cơ hội để chúng ta có thể thấy được “bước chuyển đổi” đáng kể, công phu và hoành tráng của Đại nhạc hội - Vu lan đồng vọng!
Được biết vé tham dự Đại nhạc hội Vu lan đồng vọng 1 được phát hành từ ngày 15 đến 31-7 với cơ giá từ 50.000 đồng đến 400.000 đồng tại 9 địa điểm sau: 1. Phòng vé Lan Anh (291 Cách Mạng Tháng Tám, Q.10, TP.HCM) 2. Tòa soạn báo Giác Ngộ (85 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM; ĐT: 08.39306982) 3. Chùa Phổ Quang (64/3 Phổ Quang, Q.Tân Bình, TP.HCM, ĐT: 08.38451828) 4. Nhà hàng Việt Chay (chùa Vĩnh Nghiêm, 339
5. Công ty Truyền thông Mani (58 Nhiêu Lộc, P.2, Q.Phú Nhuận, ĐT: 08.35172268) 6. Nhà hàng chay Mandala (110 Sương Nguyệt Ánh, Q.1, ĐT: 08.39260638) 7. Cửa hàng Phật Ngọc 1 (40 Cù Lao, Q.Phú Nhuận, ĐT:08.35172828) 8. Cửa hàng Phật Ngọc 2 (94 Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận, ĐT: 08.39903888) 9. Cửa hàng Phật Ngọc 3 (711 Lê Hồng Phong nối dài, Q.10, ĐT: 08.39797168) |