Tôi là bà mẹ đơn thân, nuôi con một mình, mà bây giờ nuôi con nhỏ tốn kém nhiều lắm, đâu phải chỉ là một ngày một buổi đâu nên tôi phải đi làm, đi đóng phim, xuất hiện trở lại để kiếm tiền nuôi con chứ! Hơn nữa đó là cái nghiệp của tôi, sao mà dứt bỏ được!" - Diễn viên điện ảnh Việt Trinh chia sẻ về sự xuất hiện trở lại của mình sau nhiều năm vắng bóng.
Những nguyên tắc khắt khe của đạo diễn Việt Trinh
- Sau hàng loạt vai diễn từng tạo dấu ấn trong làng điện ảnh Việt những năm 90, chị có kỳ vọng vào nhân vật Xuân Đào (Những đóa hoa tình yêu – đạo diễn Lê Cung Bắc, vừa khởi quay đầu tháng 8) của lần trở lại này?
- Trước đây khi đến với điện ảnh, thật sự tôi cũng chẳng nghĩ đó sẽ là những vai diễn để đời của mình đâu, chỉ thấy nhân vật hay nên nhận và cố gắng đóng cho tốt. Một bộ phim đến được với khán giả, được công chúng yêu mến thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố lắm chứ không phải đơn giản chỉ vì một cá nhân nào! Nếu bộ phim thành công thì không chỉ người diễn viên mà đạo diễn, quay phim, nhà biên kịch… cũng nổi tiếng.
Tôi đã đọc và cảm thấy rất thích kịch bản phim Những đóa hoa tình yêu chứ không phải chỉ vì mối quan hệ với chú Lê Cung Bắc mà tôi nhận lời đâu. Còn chuyện kỳ vọng vào một vai diễn để đời thì tôi hoàn toàn không dám! Chỉ hy vọng là mình sẽ đóng thật tốt thôi. Nhân vật người mẹ trong phim khoảng 40, không cách xa với tuổi thật của tôi lắm. Vai diễn cũng khá sang trọng, nhà cao cửa rộng, ngồi lái xe hơi trong khi hồi nào đến giờ những nhân vật của tôi đều là nhà nghèo, quê mùa… (cười).
- Theo tôi được biết, ngoài Những đóa hoa tình yêu thì chị còn đang tất bật chuẩn bị cho bộ phim đầu tay của mình với vai trò đạo diễn, chị có thể chia sẻ về dự án này không?
- Lẽ ra đầu tháng 9 đã khởi động bộ phim rồi nhưng tôi muốn phải thật chỉn chu nên quyết định để chậm lại chút xíu. Kịch bản phim đã gần hoàn thành xong, đang duyệt lại những lời thoại bởi tôi rất là sợ phim thoại nhiều, dài dòng. Đã gọi là điện ảnh thì diễn xuất của diễn viên phải thể hiện được tình cảm, được những điều biên kịch, đạo diễn gửi gắm. Thí dụ như khi xem kịch khán giả chỉ thấy có 3 mặt thôi (không thấy được phía sau người diễn) nên diễn viên kịch phải thoại và hành động nhiều để khán giả ngồi hàng cuối cũng có thể xem được còn điện ảnh phải là 4 mặt, kể cả sau lưng cũng thấy được nên chỉ cần 1 cử chỉ nhếch mắt, đưa tay thì khán giả cũng có thể hiểu được nội tâm nhân vật.
Trong khâu thực hiện bộ phim này sẽ có hai cái mới, thứ nhất là sẽ có một người duyệt khâu thoại, thứ hai là sẽ có riêng một phó đạo diễn lo về diễn xuất của diễn viên. Diễn viên thì phải diễn để cho người ta hiểu chứ nếu mà cứ nói, cứ thoại cho dài dòng thì thôi, khán giả đi nghe radio cho rồi!
- Chị có thể cho biết thêm về tên cũng như cốt truyện của bộ phim này?
- Tác phẩm đầu tay của tôi sẽ là bộ phim truyền hình dài 30 tập với tên gọi Những món nợ đời (biên kịch Châu Thổ). Chuyện phim kể về một đứa bé không được sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ nên bỏ nhà đi lang thang. Từ một đứa ăn cắp vặt đến cướp giật rồi cuộc đời đưa đẩy trở thành giang hồ đâm thuê chém mướn. Tôi rất tâm đắc với vai nam chính của phim, đó là một nhân vật có thật ngoài đời thực, hiện tại anh là một tu sĩ chuyên đẽo tượng Phật bằng gỗ. Dù chưa bao giờ học qua trường lớp nào nhưng anh ấy khéo tay lắm, anh sinh năm 1973, nhỏ hơn tôi một tuổi, hiện anh đang thực hiện 2 tượng Phật lớn nhất Việt Nam. Anh ấy đã trải qua hết những đau đớn tột cùng của cuộc đời nên bây giờ sống lương thiện lắm.
Giữa tháng 10 bộ phim sẽ được khởi quay. Tôi và ê-kip thực hiện đang trong quá trình tuyển chọn diễn viên, đặc biệt với vai nam chính này tôi thích có một gương mặt mới. Tôi muốn người diễn viên được chọn sau khi thể hiện nhân vật đó xong thì gắn liền tên tuổi với nhân vật luôn. Vai diễn này khó nên đòi hỏi người diễn viên phải thật sự hợp vai cũng như nắm thật chắc đường dây nội tâm nhân vật.
- Chị có tham gia một vai nào trong bộ phim trên?
- Thật sự thì tôi không có thời gian để tham gia một vai nào cả, tôi muốn dành toàn tâm toàn ý cho vai trò đạo diễn. Đây là hoài bão của tôi, tôi đã mơ ước điều này từ rất lâu rồi. Điều đặc biệt nữa là trong phim tôi không bao giờ cho nhắc thoại, tôi rất ghét điều đó, tâm lý vừa diễn vừa nghe nhắc thoại làm tôi rất khó chịu, làm sao có thể tập trung diễn xuất với đồng nghiệp được. Diễn viên phải thuộc thoại, thuộc đường dây cốt truyện trước khi ra hiện trường, còn nếu không thì tôi sẽ ngưng quay. Họ phải học thuộc thoại thì mới quay tiếp, bằng không tôi sẽ dừng mọi thứ lại dù mình là người chịu thiệt hại.
Vui như lần đầu tiên đến với điện ảnh
- Chị có thể chia sẻ những cảm xúc của chị khi lần đầu tiên thực hiện vai trò đạo diễn?
- Cảm giác giống như là tôi chuẩn bị đóng vai diễn đầu tiên của cuộc đời vậy đó (vai Oanh trong phim Ngọc trong đá – PV)! Tôi vui mừng lắm nhưng tự thấy áp lực cũng nhiều, cũng rất hồi hộp vì vai diễn thì chỉ có một mình tôi thôi còn đạo diễn là tổng thể, không còn là chuyện riêng của mình nữa mà là chuyện chung của rất nhiều người. Người ta thường nói tác phẩm đầu tiên là tác phẩm đánh dấu cuộc đời mình, mình có thành công trong sự nghiệp hay không cũng căn cứ vào cái đầu tiên ấy!
- Đến với nghề đạo diễn, chị đã học qua một vài khóa huấn luyện nào chưa hay chỉ là tự phát?
- Tôi không học một khóa chính quy nào như ở Việt Nam mà học một khóa ngắn hạn 6 tháng ở nước ngoài. Ở đó được tiếp cận nhiều cái mới, hiện đại lắm. Về đây tôi thấy có nhiều cái mà mình chưa cập nhật được hết nhưng thiết nghĩ có học nhiều đến đâu mà không biết vận dụng thì cũng công cốc! Vì vậy tôi sẽ nỗ lực hết mình cho dự án đầy tâm huyết này. Tôi đang làm những điều tốt nhất cho sản phẩm đầu tay của mình.
- Bắt đầu bằng một bộ phim truyền hình, chị có nghĩ rằng mình sẽ lấn sang sang điện ảnh không?
- Tôi thích làm những bộ phim nhiều tập nhẹ nhàng tình cảm mang nhiều giá trị nhân văn thôi chứ chưa dám nghĩ đến việc đạo diễn một bộ phim điện ảnh đúng nghĩa đâu. Bên cạnh đó tôi cũng đưa vào phim thông điệp của Phật giáo là luật nhân quả nhưng sẽ ở mức độ vừa phải, nhẹ nhàng thôi. Rút kinh nghiệm từ Duyên trần thoát tục mang nặng tính triết lý quá nên rất kén khán giả.
Trở lại để kiếm tiền nuôi con
- Trở lại làng điện ảnh chị cũng khá bận rộn với nhiều công việc, dự án trong khi bé Thiện Nhân còn quá nhỏ, chị có thấy khó khăn trong việc chăm sóc con?
- Bé Thiện Nhân chỉ mới 20 tháng tuổi thôi nhưng tôi muốn tập cho bé tính tự lập. Từ lúc bé mới sinh đến khi 1 tuổi rưỡi là hoàn toàn do một tay tôi lo hết. Nhưng bây giờ tôi nghĩ phải để cho bé quen với nhiều người khác để bé dạn hơn. Quyến luyến mẹ cũng có cái lợi và cái hại, sau này bé ra đường bé rất ngại tiếp xúc với người ngoài và một phần do mẹ âu yếm quá nên đứa trẻ thường ít khi dám tự quyết một điều gì. Có nhiều bạn bè của tôi cưng con quá nên thậm chí khi đi toilet nó cũng bắt mẹ đi theo nữa!
Thứ 2 tôi là bà mẹ đơn thân, nuôi con một mình, mà anh biết rằng bây giờ nuôi con tốn kém lắm, đâu phải chỉ là một ngày một buổi đâu nên tôi phải đi làm để kiếm tiền nuôi con chứ! (cười).
- Như vậy có thể nói rằng Việt Trinh trở lại làm nghệ thuật để kiếm tiền nuôi con?
- Tôi khẳng định điều đó là đúng. Nhưng nói chung có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định trở lại của tôi chứ không riêng gì việc nuôi con. Ông bà mình thường nói cái nghề là cái nghiệp nên tôi không thể nào bỏ nghề được, tôi còn yêu nó lắm. Có 2 lý do mà tôi không thể phủ nhận: đầu tiên là cái tên Việt Trinh hoàn toàn sống được với nghề mặc dù anh cũng biết là làm phim bây giờ không thể kiếm được nhiều tiền như trước kia nhưng dù sao đó cũng là cái nghiệp của tôi. Thứ nhì là nó cung cấp đủ chi phí cho tôi trang trải cuộc sống.
- Có lần Lý Hùng, nam diễn viên cùng thời với chị chia sẻ rằng anh ấy mong có một dịp để những cái tên như Việt Trinh, Lý Hùng, Diễm Hương, Công Hậu, Thu Hà, Lê Tuấn Anh… hội ngộ trong một bộ phim. Chị nghĩ sao về ý tưởng này?
- Một thời gian cái tên Việt Trinh bị nhàm chán vì phim nào cũng có mặt tôi hết. Thí dụ anh ra rạp phim, thấy cả 3 phim đang chiếu đều có tên tôi trên băng rôn hay sáng, trưa, chiều, tối đều đặn 4 buổi anh coi TV đều thấy Việt Trinh trên đó thì chắc hẳn sẽ nhàm chán lắm. Tôi cũng không làm sao có thể lột xác, thể hiện tốt được các vai diễn được. Những điều ấy cộng với một số việc riêng nên tôi quyết định tạm ngưng. Còn bây giờ tôi trở lại vì tôi tìm thấy nhiều cái mới mẻ trong nghề nghiệp.
Ý tưởng của anh Lý Hùng rất hay, các diễn viên như tôi, chị Diễm Hương, Thu Hà, anh Công Hậu,… một thời là cái tên bảo chứng cho sự thành công của điện ảnh Việt, bây giờ mà gộp lại trong một dự án thì sự tò mò của khán giả chắc hẳn sẽ rất lớn, vì người hâm mộ đều muốn biết bây giờ những diễn viên ấy tụ hội lại sẽ ra sao, như thế nào. Nên bây giờ mà họp lại được trong một bộ phim thì tôi tin rằng sự hấp dẫn rất cao và tôi rất mong điều đó.
Có thể nói rằng nếu Những món nợ đời thành công thì đây cũng là ý tưởng để tôi thực hiện bộ phim tiếp theo. Tôi nghĩ khán giả sẽ ủng hộ rất nhiệt tình.
- Chị là một trong những nghệ sĩ chăm làm từ thiện nhất. Làm việc thiện là một điều tốt nhưng chị nghĩ sao về điều này: Nghệ sĩ thường hay mời phóng viên theo để chụp hình lên báo hay thậm chí có thể nói trắng ra là để PR cho tên tuổi của họ?
- Tôi thấy những người làm từ thiện thường theo 2 cách. Một là làm một cách âm thầm, bản thân tôi thích cũng như ủng hộ cách này hơn. Nói theo đạo Phật là cái phước mình lớn lắm, làm việc thiện mà không nghĩ đến lợi ích thì phước đức sẽ nhân lên rất nhiều. Còn từ thiện mà đi đâu cũng khoe thì phước sẽ bị giảm xuống. Cái phước vô lậu thì con người sẽ không thấy được, khi nó đến thì sẽ may mắn lắm còn phước hữu lậu thì không bằng đâu...
Khi nghệ sĩ làm điều gì đó thì sức lan tỏa trong cộng đồng sẽ rất là mạnh, về mặt từ thiện thì nghệ sĩ nên làm rộng rãi cho nhiều người biết đến để cùng chung tay ủng hộ. Còn chuyện mà anh hỏi thì tôi thấy rằng, cho dù người nghệ sĩ đó muốn đánh bóng tên tuổi bằng việc làm từ thiện thì cũng tốt thôi, vì thông qua báo chí khán giả sẽ biết đến nhiều hơn những nơi cần được giúp đỡ để người dân có thể đóng góp thêm. Tôi nghĩ điều đó cũng bình thường, chỉ cần đừng làm quá phản cảm, đừng PR quá thôi chứ còn những tin bình thường như đoàn nghệ sĩ XYZ đi làm từ thiện ở đâu đó trên báo cũng là chuyện tốt.
Qua đây tôi cũng muốn chia sẻ thêm: Những năm tháng đầu đến với công việc thiện nguyện, ngay cả bản thân tôi cũng chẳng phải là tận tâm đâu mà thật sự tôi làm để cầu mong may mắn cho bản thân mình thôi, cho đi để mong được nhận lại… Nhưng rồi sau đó 5,7 tháng, tôi được tiếp cận nhiều trường hợp đau khổ, xót xa lắm, lúc đó tôi mới thực sự thấy thương họ rồi mới bắt đầu làm từ thiện bằng chính cái tâm. Cho nên tôi mong mọi người cũng nhận ra điều đó, làm việc gì cũng nên xuất phát từ cái tâm của mình.