Việt Trinh chuyển tải Phật giáo trong phim “Trót yêu”

GNO - Mừng là phim có cái kết bi nhưng nhẹ nhàng vì được gửi gắm thông điệp: hãy trân quý hiện tại...

1 - "Trót yêu" - bộ phim của đạo diễn Châu Thổ - Việt Trinh, được báo chí nhận định: đánh dấu sự trở lại của "nữ hoàng nước mắt" Việt Trinh, với nhiều lời khen cùng vài góp ý nhẹ.

Mạch phim là câu chuyện gia đình của Huy - Vy và sự chen ngang của Uyên. Tình tiết theo motip của gia đình thời hiện đại: tuy giàu có, thành đạt, được nhiều người ngưỡng mộ nhưng bên trong lại chứa nhiều rạn nứt, luôn đứng trước bờ vực thẳm, nguy cơ đổ vỡ.

Theo đó, Huy là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực giải trí, Vy cũng là một người giỏi kinh doanh, say kiếm tiền... Song, vì sự hăng say bên ngoài xã hội của Vy đã khiến cô càng ngày càng để chồng xa vòng tay mình, trong khi việc chăm con ít nhiều trễ nãi.

1 viettrinh.jpg


Cảnh trong phim: Vy (Việt Trinh đóng) thiền tập khi đang bệnh

Sau 8 năm chung sống, giây phút kỷ niệm ngày cưới - được mọi người chúc tụng, chung vui - thì Huy lại đang mê mẫn trong vòng tay Uyên rồi sau đó mới ngượng ngùng xuất hiện. Những ghen hờn, trách móc, căng thẳng, bực bội... cứ thế tăng lên khiến gia đình ngột ngạt theo ngày tháng, đến mức Huy chỉ về nhà mỗi tháng một vài ngày.

Đàn bà ai không ghen, ai chịu được cảnh đó, nhất là khi bản thân mình cũng không đến nỗi nào. Trong những lúc như vậy, Vy càng đau khổ, càng làm cho cuộc hôn nhân của mình bế tắc thêm.

Nhưng, sau những đau khổ, có thể nói là tới đỉnh điểm - khi bạn mình (Vân) phát hiện, gọi Vy ra Nha Trang chứng kiến sự thật về việc Huy ngoại tình với Uyên - Vy đã trằn trọc, tìm ra một giải pháp mới: không tiếp tục điên lên, không tạo căng thẳng mà tập ngọt ngào, đồng thời mở cho Huy một con đường "giải thoát cho nhau" - bằng hợp đồng một tháng sống như thuở mới cưới.

Hợp đồng ấy được thực thi trong khi cô biết mình bị ung thư máu cùng nung nấu: giữ lại chồng cho mình, giữ lại cha cho Bối Bối (con gái của Huy - Vy).

Cuối cùng, Huy chấp nhận "hợp đồng" của Vy sau khi cô từ chối nhận 1 triệu đô cùng căn biệt thự hai người đang sống - chỉ yêu cầu duy nhất điều kiện "sống như ngày xưa".

30 ngày sống trở lại như thuở ban đầu (đã bị mai một, lãng quên, ức chế... vì không biết gìn giữ, vì mỗi người đều từng chút một đánh rơi hạnh phúc đang có, lao đi tìm thứ hạnh phúc khác ở bên ngoài) - thì tình yêu của hai người sống lại dần dần. Cho đến ngày cuối của hợp đồng, Huy quyết định không thể li dị vợ vì "còn yêu vợ rất nhiều", thẳng thắn nói cho Uyên biết quyết định cuối cùng, thì cũng là ngày Vy hoàn thành mọi việc theo sắp xếp của bản thân: đồng ý li dị, gửi gắm con lại và chọn cách hiến xác cho khoa học bởi ý niệm "một cái chết bắt đầu cho những sự sống mới".

Tình tiết cuối phim khiến người xem bất ngờ, vỡ òa vì cái chết đẹp của Vy, vì giây phút buông xả, tha thứ đầy nhân văn, thấm đẫm tinh thần bi, trí của nhà Phật.

Huy có thể sẽ còn ăn năn, Uyên có thể sẽ còn hối tiếc dài lâu... Nhưng, mỗi người sau những chuyện xảy ra - đã nhận được về cho mình một bài học (tôi nghĩ thế), dù đó là bài học được trả giá đắc - đó là hạnh phúc phải được kiến tạo mỗi ngày, từ tình thương và sự hiểu biết, hạnh phúc không thể nào có được từ sự chiếm lấy hay lòng tham, càng không thể có được khi nó được xây trên nỗi đau của một người thứ ba nào đó.

2 - Xem phim, điều tôi nhận ra chính là mọi thứ tốt, xấu đều có nhân-duyên của nó. Sự rạn nứt của một gia đình, kém vui của một cuộc hôn nhân (vốn từng đẹp) là câu chuyện có xuất phát từ hai người cùng chuỗi sai lầm trong cuộc sống của cả hai (Huy - Vy).

Đó là việc thiếu trân trọng những gì mình có. Đó là sự im lặng đáng sợ trong hôn nhân, lẽ ra luôn cần được làm mới, luôn cần được sẻ chia để nâng đỡ nhau, xây đắp và cùng vun vén...

Những lần "giá như" chắc chắn sẽ được đặt ra đối với những ai xem phim như: giá như Vy đừng quá ham kiếm tiền, bỏ bê gia đình trong thời gian dài; giá như Vy đừng quá khô khốc, cứ suốt ngày trách móc chồng; giá như Huy có thể thẳng thắn hơn với vợ, nói cho cô ấy hiểu mong muốn của mình; giá như Huy có thể giữ được mình trước chân dài, gái trẻ để không đi quá xa gia đình như đã làm...

Cuộc sống không như ta nghĩ. Motip của cuộc đời là sự sai lầm mà mỗi khi nhìn lại có thể ta cũng không chấp nhận được chính mình. Thật vậy, Vy đã ân hận và kịp sửa dẫu chỉ là khoảng thời gian ngắn ngủi cuối đời; Huy đã nhận ra tình yêu đích thực bị che mờ bởi quá nhiều nỗi khổ niềm đau của cả hai trong guồng quay cuộc sống, đến khi trở về thì đã không còn cơ hội cho một niềm vui trọn vẹn...

Với Uyên, giá như cô không mù quáng và ích kỷ yêu Huy, cố đẩy Huy vào chỗ bất nghĩa với vợ thì có lẽ cô sẽ có được niềm vui hơn. Đó là điều thật tuyệt (nếu ai làm được) nhưng lòng tham, sự si mê, khát ái của con người không phải bao giờ cũng được rọi soi bằng mắt thương, và nếu thấy được - chưa chắc cái thấy đúng đắn thắng thế trước lửa ham muốn đang chiếm lĩnh mình lúc ấy - nên hướng rẽ tốt/xấu đối với mỗi người trong tình yêu thật là một "ranh giới mong manh".

3 - Mừng là phim có cái kết bi nhưng nhẹ nhàng vì được gửi gắm thông điệp: hãy trân quý hiện tại, những gì mình đang có, luôn trao yêu thương và tha thứ... Khi ở vào thế tận cùng của nỗi đau thì người ta sẽ thấy được mình cần làm gì để tự giải thoát cho mình. Như Vy chẳng hạn, khi quá đau, quá rối, cô đã tìm tới thiền để dưỡng tâm, dẫu bệnh nơi thân không thể cứu chữa được nhưng bằng phương pháp thiền (dừng lại, quán chiếu nhân duyên, rải lòng từ) thì cô đã cứu được tâm hồn mình khỏi lún sâu thêm vào đau khổ.

Không những thế, nhờ nhìn lại mà Vy chọn nói lời xin lỗi vì mình đã từng sai lầm, đồng thời còn cầu mong người yêu - người chồng của mình hạnh phúc, thật sự hạnh phúc không phải với mình nữa, mong người đó sẽ bình yên, giữ gìn được hạnh phúc với người tình của chồng, mong người vợ sau của chồng đừng sai lầm như cô...

Huy có thể sẽ còn ăn năn, Uyên có thể sẽ còn hối tiếc dài lâu... Nhưng, mỗi người sau những chuyện xảy ra - đã nhận được về cho mình một bài học (tôi nghĩ thế), dù đó là bài học được trả giá đắc - đó là hạnh phúc phải được kiến tạo mỗi ngày, từ tình thương và sự hiểu biết, hạnh phúc không thể nào có được từ sự chiếm lấy hay lòng tham, càng không thể có được khi nó được xây trên nỗi đau của một người thứ ba nào đó.

Thiết nghĩ, bộ phim sẽ còn thời sự hoài, vì trong mỗi con người ai cũng có tham-sân-si, ba món độc ấy che mờ ta - trong nhiều lúc khiến ta điên, ta say, ta phúng phí hạnh phúc của mình. Và quan trọng hơn, trong mỗi gia đình, hôn nhân vốn như một lời nguyền - là mồ chôn tình yêu - với đa số, vì đa số đàn ông "muốn cộng chứ không muốn trừ" và đa số đàn bà khi đã là của nhau thì không còn biết chăm sóc, nhẹ nhàng như xưa...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.