Viết Bát-nhã tâm kinh trên gỗ mít

GN - Người viết là ĐĐ.Thích Tịnh Trí, UV BTS GHPGVN tỉnh Quảng Nam, Chánh Thư ký BTS GHPGVN TP.Tam Kỳ. Tác phẩm của thầy vừa được trao kỷ lục “Bức thư pháp viết bài Bát-nhã tâm kinh trên tấm sáo bằng gỗ mít có kích thước lớn nhất” có chiều dài 4m, bề ngang 1m.

anh 3, PGTT, GN 747.JPG


ĐĐ.Thích Tịnh Trí bên tác phẩm của mình - Ảnh: A.Q

ĐĐ.Thích Tịnh Trí còn là CTV thường xuyên của Giác Ngộ ở Quảng Nam. Dưới đây là chia sẻ của thầy:

- Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật đa được trì tụng trong 6 thời khóa tại các chùa Việt Nam. Kinh này có 260 chữ được rút ra từ tinh yếu của bộ Đại Bát-nhã gồm 600 cuốn. Ma-ha có nghĩa là lớn, Bát-nhã là trí tuệ, Ba-la-mật là đáo bỉ ngạn hay là sự cứu cánh. Tạm hiểu nghĩa: Kinh trí tuệ siêu việt. Nếu hành giả đọc tụng kinh này và thực tập lời Phật dạy thì đem lại rất nhiều lợi lạc.

Cách đây gần 20 năm, lúc tôi mới vào chùa hành điệu (đúng vào ngày rằm tháng 4) thì bài kinh đầu tiên học thuộc đó là Bát-nhã tâm kinh. Hồi ức lại những ngày mới tập tu ở ngôi chùa quê, tôi tìm những cây gỗ mít của các Phật tử quanh chùa và viết kinh Bát-nhã bằng thư pháp trên đó. Thời gian thực hiện cũng khá lâu vì phải cưa, cắt gỗ thành những thanh nhỏ kích thước 10 x 25 phân, rồi khoan lỗ và kết lại thành 26 tấm sáo.

Nhân dịp Đại lễ Vesak vừa qua, Ban Văn hóa Phật giáo tỉnh tổ chức triển lãm nghệ thuật Phật giáo đất Quảng, tôi đã trưng bày tại đó.

 Điều thầy tâm đắc nhất khi thực hiện bộ kinh bằng thư pháp trên gỗ mít? Có gặp khó khăn gì không?

- ĐĐ.Thích Tịnh Trí: Ở Quảng Nam có rất nhiều cây gỗ quý nhưng tôi chọn cây mít vì có sự liên quan nho nhỏ trong phát âm tiếng Phạn từ “Paramita” (Ba-la-mật) và cây mít của Việt Nam. Gỗ mít còn được dùng để làm các pháp khí trong chùa như chuông, mõ, bê, tích, bàn thờ…

Để có được 260 tấm gỗ đẹp tôi phải chọn lựa rất nhiều những thanh có vân đẹp, chỉ có phần lõi, không bị giác, như thế thì mới giữ gỗ được lâu không bị mối mọt ăn. Sau khi chọn gỗ xong, tới giai đoạn viết chữ: mỗi buổi sáng sau giờ công phu, khi ban mai vừa mới ló dạng, tôi chế một ấm trà nhấm nháp và bắt đầu viết. Khoảnh khắc đó thật bình yên.

Mỗi lần di chuyển tấm sáo mít này không phải dễ dàng, trong đợt triển lãm vừa rồi tôi phải dùng cả xe cộ để chở lên trung tâm văn hóa. Các Phật tử trong chùa tôi cười bảo kỷ lục của thầy phải chở bằng xe cộ.

 Việc sử dụng tác phẩm sau khi được xác lập kỷ lục? Tương lai thầy có tính làm các tác phẩm tương tự?

- Sau khi nhận được kỷ lục, tôi nhận được rất nhiều sự động viên mọi người, tôi rất vui vì một phần công sức nhỏ của mình chung tay cùng với quý thầy mảng văn hóa Phật giáo tại Quảng Nam. Một số đơn vị du lịch văn hóa tại TP.Hội An có nhã ý mượn tấm sáo bằng gỗ mít này để trang trí trong các hoạt động của họ nhưng tôi nghĩ đây là lời kinh của Đức Phật, cần phải treo ở những nơi tôn nghiêm hơn. Tôi hứa là sẽ thực hiện tấm sáo có nội dung phù hợp với công việc của họ. 

 Khi làm, thầy có nghĩ tới “kỷ lục”?

- Việc thực hiện tấm sáo này mục đích để chào mừng Đại lễ Vesak lần thứ 2 được Việt Nam đăng cai tổ chức. Tôi đã chuẩn bị từ rất lâu và khi tiến hành làm thì được sự giới thiệu, động viên của quý thầy nên tiến hành đăng ký với tổ chức kỷ lục Việt Nam để được công nhận.

Đỗ Thị Hiền thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.