Sáng 21-12, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xác nhận: "Chúng tôi đã có chỉ đạo trong nội bộ rồi. Các đơn vị chức năng đang triển khai thực hiện, tìm kiếm". Khi được hỏi về mức độ nghiêm trọng của vụ việc, ông Minh cho biết: "Tìm kiếm và kiểm tra xong rồi mới đánh giá được".
Trước đó, tại buổi lễ tổng kết năm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm hôm 19-12, trong báo cáo tổng kết có đưa thông tin viện bị mất 25 cuốn sách so với danh mục sách được giao quản lý ghi trong biên bản bàn giao năm 2013.
Một trang trong bộ Toàn Việt thi lục - Ảnh: NVCC |
Là người lên tiếng về vụ việc này trên mạng xã hội từ tối 20-12, ông Nguyễn Xuân Diện, Phó Trưởng phòng Văn bản học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết việc mất sách đã được phát hiện từ tháng 7-2022, khi kiểm kê. Con số sách không có trên giá sách lúc đó là 29 cuốn. Sau một tháng tìm ra được bốn cuốn, còn 25 cuốn chưa tìm thấy và được báo cáo lãnh đạo Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hôm 19-12.
Ông Diện cho biết, kho sách mà Viện Nghiên cứu Hán Nôm được Nhà nước giao quản lý là tài sản quốc gia quý giá. Kho sách này kế thừa các kho sách cổ mà Viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tập được.
Bởi sự quý giá, kho sách cổ chỉ giao chìa khóa cho một người và chỉ Viện trưởng có quyền cho phép đưa sách cổ ra khỏi kho hoặc cho phép ai tiếp xúc trực tiếp với các bản sách cổ tại phòng đọc. Để đảm bảo an toàn cho kho sách cổ, từ lâu, chính cán bộ nghiên cứu của viện cũng không được sờ vào những cuốn sách này, mà chỉ được phục vụ bản copy. Nếu có nhu cầu nghiên cứu về chất liệu giấy, mực của những cuốn sách cổ thì phải làm đơn, Viện trưởng ký đồng ý sách mới được xuất khỏi kho.
Ông Diện đánh giá 25 cuốn sách cổ bị mất lần này là những cuốn "cực kỳ quan trọng của văn hiến dân tộc", trong đó có 4 cuốn Toàn Việt thi lục thuộc 3 bộ khác nhau.
Sách Nhị độ mai được viết chữ Nôm trên giấy dó, trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam - Ảnh: T.Điểu |
Toàn Việt thi lục là bộ sách lớn do nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) sưu tập và biên soạn theo lệnh của nhà vua. Bộ sách này hoàn thành năm Mậu Tý (1768), dâng lên vua Lê Hiển Tông đọc, nhưng chưa được khắc in.
Toàn Việt thi lục có quy mô đồ sộ gồm 2.303 bài thơ của 173 tác giả từ thế kỷ X đến thế kỷ XVI, với số lượng văn bản còn lại lớn nhất (trên 11.000 trang nguyên bản, kể cả các dị bản), chưa từng được biên dịch và công bố toàn bộ.
"Là sách viết tay, bộ sách là kho báu của nền văn hóa dân tộc Việt Nam, đỉnh cao về quy mô sưu tập và tính khoa học. Toàn Việt thi lục là một trong những bộ sách gốc về thơ chữ Hán của Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XVI, là một tài liệu hết sức quý để nghiên cứu văn hiến Việt Nam. Với 2.303 bài thơ của nhiều triều đại, Toàn Việt thi lục chuyển tải thông điệp, hồn cốt, tình tự, khí phách, tiếng lòng của cổ nhân tới hậu thế", ông Diện đánh giá.
Toàn Việt thi lục hiện còn 11 bộ, trong đó riêng Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ 10 bộ, bộ còn lại hiện lưu trữ tại Hiệp hội Châu Á ở Paris (Pháp).
Danh sách các cuốn sách bị mất còn có Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên đời Trần là sách độc bản, hai cuốn địa chí ghi chép địa lý, cương vực, bờ cõi rất quý liên quan đến cương vực chủ quyền tổ quốc…
Theo nguồn tin của báo Giác Ngộ từ Hà Nội, việc Viện Nghiên cứu Hán Nôm bị mất 25 cuốn sách cổ quý hiếm trong lưu trữ của mình là hoàn toàn chính xác. Nguồn tin của báo Giác Ngộ cũng xác nhận việc mất tư liệu đã từng xảy ra từ năm 2020. Các đơn vị chức năng đang triển khai tìm kiếm, điều tra. Nhiều ý kiến cho rằng sự việc trên là "rất nghiêm trọng" trong vấn đề bảo tồn, nghiên cứu di sản dân tộc.
Cũng theo nguồn tin trên, hiện đã tìm thấy quyển sách Nam quốc địa dư chí vẫn tồn tại trên giá, do nhóm kiểm kê đã ghi là ST.48/3, thực chất sách này kí hiệu ST.49.
Báo Giác Ngộ sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về sự việc này.