"Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin Tỳ-kheo-ni Kusuma (92 tuổi) đã an nhiên viên tịch sau một cơn bạo bệnh. Những nghi thức trong lễ tang sẽ được thực hiện theo yêu cầu của gia đình. Cầu nguyện cho Ni sư đạt được Niết-bàn vô thượng". Một thông điệp từ thế quyến của Ni sư đã được chia sẻ trên mạng xã hội vào cuối tuần qua.
Tỳ-kheo-ni Kusuma |
Năm 1996, Ni sư Kusuma đã trở thành vị Tỳ-kheo-ni đầu tiên sau mười thế kỷ Phật giáo có mặt tại Tích Lan; được truyền cảm hứng từ vị thầy của mình là Ni sư Ayya Khema (1923-1997). Ni sư đã được công nhận là người tiên phong trong việc phục hồi giới Tỳ-kheo-ni theo truyền thống Theravada tại Tích Lan.
Trong suốt cuộc đời của mình, Ni sư đã dành thời gian để thành lập các trung tâm thiền, viết sách và thuyết giảng Phật pháp khắp nơi trên thế giới.
Trước khi xuất gia, Kusuma Devendra là một học giả, nghiên cứu ngành Sinh học phân tử tại Hoa Kỳ, đồng thời, giảng dạy các môn khoa học và tiếng Anh cho các sinh viên đại học. Vì cảm thấy rằng khoa học không thể giải đáp tất cả những nghi vấn và thắc mắc của bản thân nên Kusuma Devendra đã chuyển sang nghiên học và thực hành Phật pháp.
Những gì trong kinh và luật của Phật giáo đã chỉ ra rằng những người phụ nữ đã được xuất gia và thọ giới Tỳ-kheo-ni kể từ thời của nữ tôn giả Mahapajapati thời Đức Phật tại thế. Mặc dù truyền thống đó đã biến mất tại Tích Lan nhưng vẫn còn tồn tại và phát triển ở những nơi khác. Hiểu được điều đó, Kusuma Devendra đã đến Hàn Quốc và Đài Loan để tham học và nghiên cứu về những dòng truyền thừa ấy.
Vào năm 1996, Kusuma Devendra và 9 nữ Phật tử khác đã chính thức được thọ giới Cụ túc tại Sarnath, Ấn Độ dưới sự chứng minh của các Tỳ-kheo-ni người Hàn Quốc, trở thành Tỳ-kheo-ni đầu tiên tại Tích Lan.
Năm 88 tuổi, Ni sư thành lập Trung tâm Thiền Ayya Khema. Ngoài ra, Ni sư còn là người đại diện cho Tích Lan tham dự nhiều hội nghị Phật giáo thế giới và được tôn vinh như một tấm gương sáng mẫu mực cho các Tỳ-kheo-ni Nam tông trên thế giới.
Mong muốn lớn nhất của Ni sư Kusuma là các Tỳ-kheo-ni, không những ở Tích Lan mà trên khắp thế giới sẽ được giáo dục, tu tập, giảng dạy và truyền bá những kinh nghiệm tu học Phật Pháp cho mọi người trên khắp thế giới.