Dấu ấn lịch sử
Đầu thế kỷ XX, Phật giáo được giới trí thức, các nhà hoạt động yêu nước xem là căn bản, động lực cho khát vọng chấn hưng tinh thần dân tộc, giữa lúc nước nhà đang chìm trong đêm trường nô lệ. Chí sĩ cách mạng Phan Chu Trinh, một nhà tư tưởng lớn của dân tộc đã từng nhận định:
“Nước Đại Nam chúng ta ngày nay sở dĩ yếu hèn là vì thiếu tinh thần tôn giáo. Tôn giáo luyện cho ta đức hy sinh, coi nhẹ tính mạng, phá sản vì đạo; không có tinh thần tôn giáo chúng ta không biết cương cường xả thân vì nghĩa, chỉ bo bo giữ cái lợi riêng của mình. Này bà con thử xét đời Trần sao dân tộc ta hùng dũng như vậy; quân Nguyên thắng cả Á cả Âu, nuốt trọn Trung Hoa mà qua đến nước ta thì bại tẩu, nào bị cướp sáo ở Chương Dương độ, nào bị bắt trói ở Hàm Tử quan, rồi ôm hận ở trận Vạn Kiếp, chịu nhục ở trận Bạch Đằng, như vậy chẳng phải là nhờ đạo Phật ở ta thời đó rất thịnh ư, nhờ cái tinh thần tôn giáo của ta ư?” (dẫn theo Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh Nghĩa Thục, Lá Bối xuất bản, Sài Gòn, 1968, tr.80).
Vùng đất Sài Gòn - Gia Định là nơi ra đời của tạp chí Pháp Âm, sau đó là Phật hóa Tân Thanh niên do ngài Khánh Hòa và vị Tăng trẻ Thiện Chiếu chủ trương. Đó là một trong những hoạt động khởi xướng trong công cuộc chấn hưng Phật giáo, cụ thể bằng ý chí và hành động thể hiện qua việc lập hội Phật giáo, dịch kinh điển từ Hán sang Quốc ngữ, mở trường đào tạo Tăng sĩ và xuất bản báo chí làm cơ quan ngôn luận chính thức.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1154 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn |
Đây còn là nơi khai sinh của nhiều tổ chức, hội đoàn Phật giáo, đặc biệt là Phật học đường Nam Việt, Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm… góp phần đào tạo nên những thế hệ lãnh đạo của Phật giáo VN, nhiều vị học tăng trong môi trường đào tạo Tăng tài ấy, về sau, trở thành các bậc tôn túc đã và đang có ảnh hưởng tư tưởng, là lãnh đạo giới luật và đạo hạnh của GHPGVN hiện nay.
Sài Gòn cũng chứng kiến sự hình thành của Đại học Vạn Hạnh, một đại học Phật giáo đa ngành, có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội đương thời và là dấu son trong lịch sử Phật giáo, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, biểu hiện cho tinh thần Phật giáo gắn bó với tinh thần dân tộc, cởi mở tiếp nhận cái mới, nỗ lực hiện đại hóa các giá trị truyền thống.
Pháp nạn 1963 xuất phát từ Huế, nhưng Sài Gòn mới là trung tâm của cuộc đấu tranh bất bạo động phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền họ Ngô, trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của thế giới với ngọn lửa vị pháp thiêu thân của Bồ-tát Thích Quảng Đức vào ngày 20-4 năm Quý Mão (1963). Sự kiện ấy đã làm chấn động địa cầu, để lại Trái tim bất diệt, một lần nữa xác tín cho tâm từ bi và đức tin bất hoại của người Phật tử.
Sau khi nước nhà được hoàn toàn độc lập, thống nhất, TP.HCM được chọn làm địa điểm cho cuộc gặp gỡ lịch sử giữa các vị giáo phẩm uy tín tiêu biểu ở ba miền, để thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, đi tới sự kiện khai sinh Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7-11-1981), tổ chức thừa kế lịch sử, đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.
Quyết tâm mới
Chỉ sau 2 tỉnh Bình Trị Thiên và Quảng Nam - Đà Nẵng vài ngày, từ ngày 2 đến mùng 4-6-1982, 355 đại biểu là chư tôn đức giáo phẩm Tăng Ni, cư sĩ, Phật tử tiêu biểu ở 17 quận huyện của TP.HCM lúc bấy giờ đã cùng tập trung về chùa Xá Lợi, để thực hiện nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử trong bối cảnh xã hội mới, thành lập Thành hội Phật giáo, nay là Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM với 25 thành viên do Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Trưởng ban, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào làm Phó Trưởng ban Thường trực.
Từ sự kiện lịch sử được Tăng Ni, Phật tử không chỉ của thành phố mà cả nước tin tưởng và hoan hỷ đón chờ như mong gặp làn gió xuân mát mẻ, tính đến tháng 6-2022 sắp tới, GHPGVN TP.HCM sẽ tròn 40 năm thành lập. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Giáo hội vừa tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập vào tháng 11-2021, Phật giáo TP.HCM đã có nhiều bước tiến, thay đổi và phát triển ngoạn mục trên nhiều phương diện.
40 năm, trải qua gần 9 nhiệm kỳ với 3 vị giáo phẩm lãnh đạo: Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014) ở nhiệm kỳ đầu tiên, sau đó là Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào (1911-1997) từ nhiệm kỳ II trở đi; Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng kế tục từ năm 1997 cho tới nay, Phật giáo thành phố đã có nhiều thành tựu, diện mạo mới mang dấu ấn của từng vị giáo phẩm, sự đồng tâm nhất trí của Tăng Ni, Phật tử trong sứ mệnh lịch sử được định hướng từ ngày thành lập.
Định hướng ấy đồng thời cũng là nguyện vọng, ước mong của tất cả Tăng Ni và Phật tử không chỉ tại thành phố này mà của cả nước. Bởi trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc cũng như trong dòng chảy 300 năm Gia Định - Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh đã minh định vùng đất này là một phần cơ thể của đất nước không thể chia cắt, nơi mà bất cứ ai cũng dành nhiều tình thương yêu ruột thịt.
Tầm nhìn ấy, ý chí và tình cảm ấy đã được đặt làm sứ mệnh cho Giáo hội thành phố, được khẳng định trong lời phát biểu khai mạc của Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào tại Đại hội đại biểu Phật giáo TP.HCM nhiệm kỳ I:
“Vì Dân tộc và Đạo pháp, vì danh dự và quyền lợi lâu dài của Phật giáo thành phố nói riêng và cả nước nói chung, vì tinh thần đoàn kết dân tộc và Phật giáo, chúng ta quyết tâm siết chặt hàng ngũ, đưa Đại hội đến thành công viên mãn, một sự thành công mà Tăng Ni và Phật tử thành phố đang nóng lòng mong đợi. Một sự thành công mà ảnh hưởng của nó sẽ mở ra một Phật giáo thành phố trong tương lai tươi sáng, và góp phần to lớn vào việc hoàn thành ngôi nhà thống nhất Phật giáo Việt Nam”.