Về vấn đề tái hiện hạnh khất thực hiện nay

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1168 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1168 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Khất thực là một hạnh tu, truyền thống của chư Tăng có từ thời Đức Phật. Phật giáo Việt Nam với đặc điểm riêng, từ khi du nhập cho đến hiện nay, không mấy phổ biến hạnh tu khất thực.

Để tái hiện lại hình ảnh khất thực cao đẹp của Tăng đoàn thời Đức Phật, một số chùa hay cá nhân thỉnh thoảng hành pháp khất thực. Tuy nhiên, cách thức khất thực như thế nào vẫn chưa được thống nhất và do đó đã gây ra một số tranh luận gần đây.

Tranh luận nhiều nhất là vấn đề chư Tăng đi khất thực có nên nhận tiền hay không? Có người cho rằng không nên nhận tiền vì truyền thống khất thực thời Đức Phật không nhận tiền mà chỉ nhận thức ăn; chỉ nhận đủ ăn cho một ngày. Có người thì cho rằng khi đi khất thực chư Tăng cũng có thể nhận tiền vì xã hội ngày nay khác với xã hội thời Đức Phật. Chư Tăng ngày nay không chỉ cần thức ăn mà còn cần phải có tiền để đi lại, mua sắm và thanh toán theo nhu cầu xã hội.

Thật ra ở đây không đề cập đến vấn đề đúng hay sai mà là ý nghĩa của việc đi khất thực? Như đã nói, khất thực không phải là truyền thống của Phật giáo Việt Nam - một quốc gia nông nghiệp. Chư Tăng ngày nay đi khất thực chỉ nhằm mục đích tái hiện lại truyền thống của Đức Phật và Tăng đoàn ngày xưa. Bấy giờ, các ngài đi khất thực là một hạnh tu, người ta cho gì nhận nấy, không phân biệt, nhận với lượng vừa đủ. Với ý nghĩa đó, thiết nghĩ, chư Tăng ngày nay đi khất thực không nên nhận tiền, chỉ nhận thức ăn, vì những lý do sau:

- Đã gọi là tái hiện lại cảnh khất thực của Đức Phật và Tăng đoàn thì cần lưu ý đến tinh thần cốt lõi của hạnh tu này. Ngày xưa Đức Phật và chư Tăng đi khất thực như thế nào thì ngày nay chư Tăng cũng làm y như vậy để mọi người nhìn vào mà hình dung được hạnh tu khất thực thuở xưa của Đức Phật và Tăng đoàn.

- Đi khất thực là một hạnh tu, nếu nhận tiền thì chư Tăng sẽ dùng tiền vào những việc có chủ ý, tức là không còn tùy duyên, vô phân biệt nữa.

- Tiền bạc là vấn đề nhạy cảm, tế nhị. Nói đến tiền người ta thường liên tưởng đến vật chất, đến lòng tham, và khó buông bỏ. Cho nên chư Tăng khi đi khất thực mà nhận tiền thì ý nghĩa cao thượng của khất thực cũng bị mất đi phần nào, ít nhất là trong cái nhìn của người ngoài.

- Một số người thấy Phật tử cúng dường chư Tăng với tâm sùng kính thì sanh lòng đố kỵ, ghen ghét và do đó họ sẽ tìm kẽ hở để công kích, nói xấu Phật giáo.

- Hiện nay nạn giả sư khất thực rất nhiều. Họ đi bất kể giờ giấc với mục đích là xin tiền. Tệ nạn này được phản ánh nhiều nhưng dường như vẫn chưa có giải pháp dứt. Nếu chư Tăng đi khất thực mà nhận tiền thì có khác gì những người sư giả đó.

Thật ra, việc một số nơi chư Tăng tổ chức đi khất thực, nhận tiền tuy không hay lắm nhưng cũng không phải là điều đáng bị chỉ trích, phê phán hay thậm chí bị thóa mạ như những gì đang diễn ra trong thời gian gần đây. Sở dĩ những điều đó xảy ra, trước hết do người trong cuộc chưa “hòa hợp với nhau như nước với sữa”, điều đó đã tạo cơ hội cho những người vốn có thành kiến với Phật giáo chỉ trích, đàm tiếu. Nhân danh bảo vệ Chánh pháp mà khiến cho đạo Phật bị tổn thương là có tội; đây cũng là điều mà những người liên quan cần suy ngẫm, phản tỉnh, sám hối và điều chỉnh kịp thời.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.