Về từ "Vô vi" trong bài kệ "Quốc Tộ" của Thiền sư Pháp Thuận

NSGN - Chúng tôi, qua bài viết này, với tư cách là người học Phật, có những nghiên cứu về Văn học Phật giáo Việt Nam, xin được góp phần biện minh làm sáng rõ thêm về từ "vô vi" nơi câu thứ 3 của bài thi kệ "Quốc Tộ" của Thiền sư Pháp Thuận...

Nơi bài viết: Hai Thiền sư, thi sĩ mở đầu lịch sử văn chương cổ điển Việt Nam, Giáo sư Trần Thanh Đạm đã cho bài kệ Quốc Tộ của Thiền sư Pháp Thuận (915-990) là một trong 2 bài thơ mở đầu của nền văn chương cổ điển nước ta, và đánh giá: “Có thể nghĩ rằng phải qua hơn một ngàn năm mất nước và kiên trì đấu tranh giành lại nước, từ đó thâu thái tinh hoa của thiền học, thiền tông, thì trí tuệ Việt Nam mới nảy sinh một tư tưởng uyên thâm và uyển chuyển, đồng thời lại chung đúc trong một hình thức súc tích mà hùng hồn như vậy…”, cùng đề xuất: “Theo tôi, hàm nghĩa và hàm ý của khái niệm thái bình, vô vi trong bài kệ này đòi hỏi sự thăm dò, phân giải sâu sắc của các nhà triết học Việt Nam hiện đại, không chỉ đơn thuần là những khái niệm có sẵn trong Tam giáo (Nho Phật Lão). Ở đây đã có sự vận dụng sáng tạo, đã có sắc thái, phong thái Việt Nam(1).

3.png

Chúng tôi, qua bài viết này, với tư cách là người học Phật, có những nghiên cứu về Văn học Phật giáo Việt Nam, xin được góp phần biện minh làm sáng rõ thêm về từ "vô vi" nơi câu thứ 3 của bài kệ trên.

Đây là nguyên văn chữ Hán của bài kệ, chép theo sách Việt Nam Phật giáo Sử luận I của Nguyễn Lang (NXB. Lá Bối, in lần thứ 1, S, 1973):

Quốc tộ như đằng lạc

Nam thiên lý thái bình

Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh.

Nguyễn Lang đã dịch:

“Vận nước như dây quấn

Trời Nam ôm thái bình

Đạo đức ngự cung điện

Muôn xứ hết đao binh”.

Và giải thích tóm tắt: “Ý thiền sư muốn nói sự đoàn kết nương tựa lẫn nhau và sự thực hành đạo từ bi sẽ khiến cho ngôi vua vững bền cùng hòa bình trường cửu”(2).

Xin nêu dẫn thêm một số bản dịch cùng những chú thích, ghi nhận.

• Thượng tọa Mật Thể (1912-1961) trong sách Việt Nam Phật giáo sử lược (NXB. Tân Việt, in lần thứ 1 năm 1943) đã dịch:

Ngôi nước như dây quấn

Trời Nam mở thái bình

Trên điện không sinh sự

Đâu đó dứt đao binh(3).

Tuy không giải thích hoặc chú thích, nhưng vô vi là không sinh sự, tức đã hiểu vô vi theo nghĩa của Lão Trang.

• Sách Thơ văn Lý Trần II, sau phần đằng tả, phiên âm bài kệ, đã dịch nghĩa:

Ngôi nước như dây leo quấn quýt

Ở góc trời Nam mở ra cảnh thái bình

Dùng đường lối vô vi(*)

ở nơi cung điện

Thì khắp mọi nơi đều tắt hết đao binh.

Dịch thơ:

Ngôi nước như mây quấn

Trời Nam mở thái bình

Vô vi trên điện gác

Chốn chốn tắt đao binh.

(Ðoàn Thăng)

Phần chú thích ghi: (*) Vô vi: Thuật ngữ trong sách Lão Tử, nhằm chỉ một thái độ sống thuận theo tự nhiên, không bị ràng buộc vào những khuôn phép đạo đức nhân tạo. Về sau, khái niệm này được các nhà Nho dùng rộng rãi, nhưng cũng có hiểu khác đi ít nhiều(4).

• Nếu như nơi sách Thơ văn Lý Trần I chỉ nói vô vi là thuật ngữ trong sách Lão Tử… thì ông Nguyễn Tài Thư, nơi bài viết: Phật giáo và thế giới quan người Việt Nam trong lịch sử đã khẳng định: “Lý thuyết của Phật giáo không nói tới chính trị, nên mỗi khi nhà sư bước sang lĩnh vực chính trị xã hội, họ phải sử dụng các tư tưởng, khái niệm của nhà Nho hay của Lão Trang. Như nhà sư Đỗ Pháp Thuận nói:

Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh.

(Nếu đường lối vô vi ngự trị trong triều đình, thì nơi nơi sẽ chiến tranh) trong đó vô vi là khái niệm của Lão Trang, dù khái niệm đó đã được giải thích theo quan niệm của nhà Phật(5).

Hiểu và dịch câu thứ 4 của bài kệ trên như ông Nguyễn Tài Thư là quá sai(6). Mà phần khẳng định mở đầu cũng không đúng. Phật giáo là đạo của giác ngộ, của giải thoát. Nhưng giác ngộ thì luôn bao gồm tự giác, giác tha. Còn giải thoát thì hoàn toàn không có nghĩa là lìa bỏ cuộc đời, nên Phật giáo hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đều có đề cập tới chính trị - xã hội. Cứ xem một số kinh nơi bộ A Hàm(6a) cũng đã thấy rõ điều ấy. Năm 1988, khi chủ biên bộ sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam, hẳn ông Nguyễn Tài Thư đã thấy được phần nào sự hỗ trợ của Phật giáo Việt Nam đối với các vương triều, nhất là thời thịnh Lý thịnh Trần.

• Sách Thiền Uyển Tập Anh do Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga dịch, mục Thiền sư Pháp Thuận, đã dùng lại bản dịch thơ của Đoàn Thăng trong Thơ văn Lý Trần I(7).

• Sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam, chương VII: Phật giáo thời Ngô Đinh Tiền Lê (phần này do Hà Văn Tấn viết), mục: cả phái thiền tiếp tục phát triển, cũng nói đến bài kệ của Thiền sư Pháp Thuận, và 2 câu 3-4 đã dịch: “Vô vi trên điện các, chốn chốn dứt đao binh”(8).

• Lê Mạnh Thát trong sách Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh, mục Thiền sư Pháp Thuận, 2 câu 3-4 của bài kệ ấy đã được dịch là:

Vô vi trên điện các

Xứ xứ hết đao binh(9).

Như vậy, qua những nêu dẫn trên, chúng ta thấy hầu như chỉ mỗi Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận I là đã dịch từ vô vi nơi câu thứ 3 của bài kệ trên là đạo đức (Đạo đức ngự cung điện) và giải thích theo quan điểm của Phật giáo. Chúng tôi xin dựa theo Từ Hải, bộ đại từ điển nổi tiếng của Trung Quốc, để biện rõ như sau:

Từ Hải: Nơi từ vô vi đã giải thích(10):

- Nghĩa là trị hóa theo vô hình gọi là vô vi. Sách Luận ngữ, Thiên Kệ Linh Công: Vô vi mà thiên hạ được bình trị, là vua Thuấn đấy chăng?(11).

- Là nghĩa thuần theo tự nhiên: Lão Tử: Đạo thường là vô vi nhưng không gì là không làm. Sử ký, Lão Tử truyện: Lão Tử vô vi tự hóa, thanh tịnh tự chánh(12).

- Thuật ngữ nhà Phật. Là tên gọi khác của chân lý. Chân lý không do nhân duyên tạo tác mà thành nên gọi là vô vi. Cũng gọi là pháp vô vi. Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký(13): Chân lý vô tánh nên gọi là vô vi. (Phật gia ngữ, chân lý chi dị danh. Chân lý phi do nhân duyên tạo tác nhi thành, cố viết vô vi. Diệc viết vô vi pháp. Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký: Vô tánh chân lý danh viết vô vi(13).

Như thế là đã khá rõ: Phật giáo truyền vào Trung Quốc, các nhà dịch thuật kinh điển Phật giáo trong buổi đầu hẳn là đã mượn từ vô vi nơi sách của Khổng, Lão để dịch từ Asamskrta của tiếng Phạn, nhưng chuyên chở một nội dung hoàn toàn khác. Sự khác biệt ấy như Từ Hải đã giải thích nêu dẫn. Do đó, từ vô vi nơi bài kệ của Thiền sư Pháp Thuận (Vô vi cư điện các) nêu trên, cũng như toàn bộ các từ vô vi nơi một số thi kệ của các thiền sư thời Lý Trần, kể cả thơ Nôm, như trong bài phú: Cư Trần Lạc Đạo của vua Trần Nhân Tông (1258-1308): “Chứng thật tướng, ngỏ vô vi, nào nhọc hỏi kinh Thiền Nam Bắc” (Hội thứ 4, câu 8) đều được nên hiểu theo nghĩa của Phật giáo: Tùy theo văn cảnh, hoặc hiểu là chân lý, hoặc hiểu là giải thoát, giác ngộ, thường trụ, bất sinh bất diệt v.v…

Như vậy, từ vô vi nơi bài kệ của Thiền sư Pháp Thuận có thể dịch là đạo pháp (đạo pháp ngự cung điện), hoặc để nguyên rồi chú thích. Và 2 câu sau của bài kệ ấy nên hiểu là: Nếu nhà vua (người lãnh đạo đất nước) trị nước theo ảnh hưởng của Phật giáo, tất sẽ tạo được thái bình an lạc lâu dài cho muôn dân. Thế nào là trị nước theo ảnh hưởng của Phật giáo? Vấn đề này cũng cần phải được bàn rộng và có sự tham gia của nhiều người, nhưng theo chúng tôi, nếu cần một sự tóm gọn thì đấy là trị nước theo tinh thần Bát chánh đạo(14). Đây là điều mà một số vị vua thời Lý Trần đã làm được. Thế nên, bài kệ của Thiền sư Pháp Thuận còn là một dự tri cho vị lai: đó là dự báo về thời kỳ thịnh Lý thịnh Trần của Lịch sử Việt Nam thế kỷ XI-XIV, đồng thời là một đề xuất về mô thức trị nước an dân cho các nhà lãnh đạo đất nước theo dòng chảy của lịch sử. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.