GNO - Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, người dân làng Tiên Nộn (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) lại tất bật với việc thu hoạch các loại hoa để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Từ nhiều năm nay, làng hoa chất lượng cao Phú Mậu đã khẳng định thương hiệu, uy tín của mình, đáp ứng một phần đáng kể về nhu cầu sử dụng hoa của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Ông Lê Văn Lự bên giàn lan mokara - loài hoa có xuất xứ từ Thái Lan
Nhìn những luống hoa thẳng tắp, xanh mướt đang đung đưa, “nô đùa” với gió, những nông dân đang cần mẫn lao động với ánh mắt, nụ cười tràn trề niềm tin tưởng, phấn khởi đã trở thành hình ảnh đẹp của làng quê nơi đây. Nào là cúc đại đóa, tu-líp; nào là hoa ly, hoa huệ, hoa hồng, thược dược hay những giàn phong lan ngoại được chăm chút, uốn tỉa bởi bàn tay khéo léo, công phu của những nghệ nhân trồng hoa làng Tiên Nộn. Với vẻ đẹp dung dị của cúc đại đóa, mỹ miều của cánh thược dược, mạnh mẽ của vạn thọ, sang trọng của tu-líp, sự quý phái của lan mokara đã thực sự “hút hồn” du khách. Khung cảnh làng quê vốn yên bình nay đã trở nên sôi động hơn, tràn ngập tiếng cười nói, nhộn nhịp cảnh mua-bán hoa và cả sự hy vọng, lạc quan của dân làng về một năm mới Quý Tỵ 2013 sung túc, thịnh vượng. |
Ông Lê Văn Lự, một nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Thừa Thiên Huế (ở Phú Mậu) chia sẻ: “Mấy sào hoa chất lượng cao (gồm ly, tu-líp, lan) của nhà tôi đang sinh trưởng, phát triển tốt, đầu tư cả trăm triệu để mua cây giống, phân thuốc, giàn lưới… Mỗi mùa Tết, gia đình tôi cũng có lãi từ 30 - 50 triệu đồng”.
Được biết, bên cạnh hoa cúc vàng là giống chủ đạo của khu trồng hoa chất lượng cao ở Phú Mậu, nhiều hộ nông dân ở đây còn mạnh dạn đầu tư nhiều giống mới như ly, hoa tu-líp, phong lan ngoại… Năm 2012, Hợp tác xã Phú Mậu II đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất hơn 1.100 vạn giống hoa cúc có chất lượng, hiệu quả cao.
Ông Trần Hiếu Cơ, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho biết: “Năm nay toàn xã trồng được 9 ha hoa cúc. Ngoài ra, các xã viên còn mạnh dạn trồng thêm 6.000 cây hoa ly, 5.500 thược dược lùn, 500 gốc lan mokara. Ông Lê Văn Lự là nông dân đầu tiên trên địa bàn huyện Phú Vang trồng thử nghiệm 500 cây lan mokara - loại hoa có xuất xứ từ Thái Lan, ông Lự vào mua giống và tập huấn kỹ thuật ở Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh”.
Cùng các loại hoa truyền thống như: cúc đại đóa, hoa huệ, hoa hồng, vạn thọ, thược dược… thì năm nay nông dân Phú Mậu còn trồng thêm loài hoa ly xứ lạnh. Hiện có hơn 6.000 cây hoa ly ở đây đang phát triển khá tốt, báo hiệu về một vụ mùa bội thu. Cây hoa ly có xuất xứ từ Hà Lan được viện nghiên cứu hoa ở Hà Nội mang về Việt Nam và bắt đầu trồng thử nghiệm ở làng hoa Phú Mậu từ năm 2008.
Theo người trồng hoa, đây là loại hoa cao cấp nên cần có chế độ chăm sóc đặc biệt với các loại phân bón cao cấp và hệ thống lưới bảo vệ cây cũng khá đặc biệt để vừa tránh được nắng nóng, vừa ngăn mưa, giữ cho hoa luôn ở trong trạng thái bảo hòa: không nóng không lạnh. Vườn hoa ly lớn nhất ở Phú Mậu là vườn hoa của ông Lê Văn Lự với gần 3.000 cây, hiện ông Lự đang sử dụng các biện pháp kỹ thuật đã được tập huấn ở huyện, tỉnh để chăm sóc đặc biệt vườn hoa của gia đình.
Khu trồng hoa tập trung ở HTX nông nghiệp Phú Mậu II với quy trình khép kín từ bờ đê bao bọc xung quanh, hệ thống tưới tiêu chống úng, giàn lưới, điện thắp sáng cho đến trang trại ươm cây giống đều được người trồng hoa ở đây thực hiện kỹ lưỡng như đã được tập huấn ở huyện, tỉnh.
Theo ông Hà Út, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú Mậu II: “Mặc dù đất tập trung cho trồng hoa chỉ khoảng 1,5 ha nhưng đã góp phần giải quyết đời sống kinh tế cho hàng chục hộ dân. Ngoài ra, người dân còn tận dụng triệt để các mảnh đất trong vườn, ngoài ruộng để trồng hoa”.
Dân Phú Mậu có truyền thống trồng hoa lâu đời, giữa họ luôn có mối quan hệ gắn bó thân thiết, có ý thức học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trồng hoa cho nhau, giúp nhau tiến bộ, phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy, nông dân ở đây ngày càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý, không ít người đã thành thạo trong việc áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào các quy trình sản xuất hoa như: ươm cây giống, trồng, chăm sóc hoa cho đến việc chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Vẻ đẹp dung dị của cúc - Ảnh: Võ Văn Dần
Trên khuôn mặt rạng ngời, phấn khởi về thành quả lao động của gia đình, ông Lự tâm sự: “Hiện thị trường có nhu cầu rất lớn về loại lan mokara, vườn hoa của tôi cứ trổ hoa ngần nào thì thương lái tìm về đến vườn mua hết ngần ấy. Bán sướng thiệt!”.
Ưu điểm vượt trội của lan mokara là thời gian từ lúc nở đến lúc tàn gần một tháng nên chủ nhân của nó có thể dự trữ để bán cho được giá vào những thời điểm thích hợp như mùa cưới, các lễ hội lớn của các tôn giáo, Tết Nguyên đán.
Nét mới, năm nay là năm đầu tiên người trồng hoa Phú Mậu đưa vào trồng thử nghiệm 5.000 cây thược dược lùn, trồng trực tiếp trong chậu để phục vụ nhu cầu chưng Tết của cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong huyện, tỉnh.
Những ngày giáp Tết, làng quê Tiên Nộn thường chứng kiến một hình ảnh khá quen thuộc: du khách trong nước, quốc tế tìm về làng hoa Phú Mậu rất đông để được tận mắt chiêm ngưỡng, thưởng thức vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ của các loài hoa ở đây. Và họ thỏa thích được chụp ảnh, quay phim, được trao đổi, trò chuyện với người trồng hoa.
Anh Vũ Thanh Tùng, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Ở thủ đô cũng có nhiều làng hoa nổi tiếng của cả nước nhưng khi đến đây, tôi thực sự ngỡ ngàng về làng hoa Phú Mậu, có thể nói, không thua không kém ở quê tôi từ việc chọn giống hoa cao cấp, chế độ chăm sóc đặc biệt cho đến sự lao động cần mẫn, chăm chút của người dân nơi đây”.
Còn bà Phan Thúy Kiều Oanh - một việt kiều Mỹ về quê ăn Tết thì tấm tắt khen: “Đẹp thật! Đẹp thật! Những vườn hoa bạc ngàn xanh tươi đã góp phần tô điểm cho làng quê thêm sắc xuân cũng như đem đến sự trù phú, no ấm cho dân làng”.
Nhìn những luống hoa thẳng tắp, xanh mướt đang đung đưa, “nô đùa” với gió, những nông dân đang cần mẫn lao động với ánh mắt, nụ cười tràn trề niềm tin tưởng, phấn khởi đã trở thành hình ảnh đẹp của làng quê nơi đây. Nào là cúc đại đóa, tu-líp; nào là hoa ly, hoa huệ, hoa hồng, thược dược hay những giàn phong lan ngoại được chăm chút, uốn tỉa bởi bàn tay khéo léo, công phu của những nghệ nhân trồng hoa làng Tiên Nộn.
Với vẻ đẹp dung dị của cúc đại đóa, mỹ miều của cánh thược dược, mạnh mẽ của vạn thọ, sang trọng của tu-líp, sự quý phái của lan mokara đã thực sự “hút hồn” du khách. Khung cảnh làng quê vốn yên bình nay đã trở nên sôi động hơn, tràn ngập tiếng cười nói, nhộn nhịp cảnh mua-bán hoa và cả sự hy vọng, lạc quan của dân làng về một năm mới Quý Tỵ 2013 sung túc, thịnh vượng.