Đại sư Huyền Giác (665-713) họ Đới, người xứ Vĩnh Gia, Ôn Châu (thuộc Chiết Giang), 8 tuổi xuất gia, đọc khắp 3 Tạng, chuyên tu thiền quán từng tham bái Lục tổ Tuệ Năng (638-713). Trứ thuật có: Chứng đạo ca, Thiền tông ngộ tu viên chỉ, Vĩnh gia tập. Cũng như Chứng đạo ca, Thiền tông ngộ tu viên chỉ cũng được nhập Tạng (ĐTK/ĐCTT, tập 48, No 2013, 1 quyển). Tác phẩm Chứng đạo ca được viết theo thể thất ngôn (câu 7 chữ), thỉnh thoảng xen vào câu 6 chữ (đều phân làm 2 vế, mỗi vế 3 chữ), tổng cộng tất cả là 267 câu (kể luôn câu mở đầu có 3 chữ). Như thế tức: 1 câu 3 chữ, 52 câu 6 chữ, 214 câu 7 chữ tổng cộng là 267 câu. Trúc Thiên trong bản Việt dịch của mình (NXB.Lá Bối, S, 1970, tr.69) vì không tính câu mở đầu, nên ghi là 266 câu, phân làm 56 đoạn. Bản Việt dịch của Lý Việt Dũng, trong Cảnh Đức truyền đăng lục (quyển 30, Sđd, tr.788-797) thì phân làm 60 đoạn. Phật Quang đại từ điển (tr.2015B) thì ghi: Hoặc 4 câu, hoặc 6 câu là 1 giải (đoạn) cộng phân là 51 đoạn. Bản Việt dịch của Lý Việt Dũng tất nhiên là căn cứ theo nguyên bản chữ Hán trong Cảnh Đức truyền đăng lục, so với bản chữ Hán được Trúc Thiên chép ra nơi sách kia (Sđd, tr.93-104. Không ghi rõ là chép theo sách nào) đại thể là như nhau, chỉ có một vài chữ chép khác nhưng nghĩa không khác mấy. Song có một chữ nơi câu thứ 91 (kể luôn câu đầu), bản của Trúc Thiên chép:闃寂安居實蕭灑 (Sđd, tr.96). Phiên âm: Quých tịch an cư thực tiêu sái, Sđd, tr.114) và dịch: Cảnh lặng lòng yên thanh thoát lạ, Sđd, tr.115). Bản của Lý Việt Dũng chép: (Chữ đầu tiên gồm bộ 門, bên trong là chữữ 具, do hạn chế của font máy tính nên không nhập vào văn bản được, nv), và sau đó tiếp tục là 寂安居實蕭灑, phiên âm:... Tịch an cư thật tiêu sái (Sđd, tr.782. Tức bỏ trống chữ đầu câu) và dịch: Lặng lẽ ở yên tiêu sái quá (Sđd, tr.791). Hai chữ 闃 và chữ gồm bộ 門, bên trong là chữữ 具, chúng tôi tra nơi Tân tu Khang Hy tự điển (Khải Nghiệp thư cục ấn hành, Đài Bắc, 1998, 2 tập), không có chữ vừa dẫn, mà chỉ có chữ 闃 (tr.2079B, tập hạ) và giải thích: * Âm: Đường vận: Khổ khích thiết, đọc là khích, tập vận: Cầu Hoạch thiết, âm là khích. * Nghĩa: Vắng lặng không người. Tra nơi Hán ngữ đại tự điển (Kiến Hoành xuất bản xã, Đài Bắc, 1998) thì có cả 2 chữ cùng mang nghĩa như nhau. Nơi chữ 闃 (tr.1792, cột 2) giải thích: * Âm: Quảng vận: Khổ kích thiết, đọc là khích. * Nghĩa: Nơi chốn tịch tĩnh. Vậy chữ 闃 hay chữ gồm bộ 門, bên trong là chữữ 具 nên đọc là khích. (Khích tịch an cư thật tiêu sái).
Nội dung của Chứng đạo ca là rất phong phú. Phật Quang đại từ điển (tr.2015B-C) ghi tóm tắt: Nêu rõ về chỗ yếu chỉ của quá trình ngộ cảnh (Yết thị kỳ ngộ cảnh chỉ yếu chỉ) rồi cho: Tác phẩm dùng văn thể lưu lệ, nêu thuật về chân tủy của Thiền tông, chính là 1 bản tuyệt xướng của văn học Thiền (Bản thư dĩ lưu lệ chi văn thể, tự thuật Thiền tông chân tủy, nãi thiền văn học chi tuyệt xướng). Dịch giả Trúc Thiên viết: “Chứng đạo ca là một bản hòa tấu đồ sộ kết hợp bằng thơ và đạo. Thơ đem đến cho đạo những màu sắc âm thanh trào ra từ vô thức, cháy bỏng theo tình người. Đạo đem đến cho thơ những chân trời bao la, huyền diệu, như có như không, bàng bạc trong ánh sáng thuở ban đầu” (Sđd, tr.57). “Chứng đạo ca là một khối pha lê đúc kết lại tinh hoa của Phật giáo mà cốt tủy là Thiền tông” (Sđd, tr.59).
Bản Việt dịch của Lý Việt Dũng, vì là Việt dịch toàn bộ bộ Thiền sử Cảnh Đức truyền đăng lục, nên nơi Chứng đạo ca, chỉ thỉnh thoảng, nêu một vài ghi chú thuộc loại: Chữ này, câu này có bản chép là v.v… Cũng không nói gì về bản Việt dịch Chứng đạo ca đã có từ trước. Bản Việt dịch của Trúc Thiên, vì có phần dẫn nhập, giới thiệu, nên đã căn cứ theo 266 câu của Chứng đạo ca, phân làm 19 chân trời Thiền với những diễn đạt, biện giải, quảng diễn về từng chân trời thiền ấy. 19 chân trời Thiền nơi Chứng đạo ca, theo Trúc Thiên là:
Như Lai vô thượng thiền: câu 1-12.
Cảnh giới tự chứng: câu 13-28.
Đại ý chỉ: câu 29-40.
Con đường Niết-bàn: câu 41-56.
Chuyển phẩm Chướng đạo thành phẩm Trợ đạo: câu 57-64.
Tông thông thuyết thông: câu 65-72.
Tâm ấn Tào Khê: câu 73-80.
Tự giác: câu 81-98.
Giác tha: câu 99-110.
Đất Như Lai: câu 111-130.
Hành Như Lai sự: câu 131-138.
Vô trụ Niết-bàn: câu 139-164.
Truyền tâm pháp yếu: câu 165-182.
Ma chướng thời mạt pháp: câu 183-192.
Khí tượng Phật thừa: câu 193-200.
Pháp viên đốn: câu 201-208.
Chứng tích cá nhân: câu 209-234.
Duy Ma sư tử hống: câu 235-248.
Pháp vương vương pháp: câu 249-266. (Sđd, tr.106-129)
Trước đấy, dịch giả đã dành hơn 20 trang sách (tr.69-89) để lần lượt biện giải, quảng diễn rất đạt, rất sâu về những diệu nghĩa hàm chứa nơi 19 chân trời Thiền kia. Tuy nhiên, có một vài dẫn chứng, một vài từ ngữ, thuật ngữ Phật học được nêu dẫn, được giải thích chưa chính xác, chưa rõ, cần được góp ý làm rõ để bảo vệ sự thật. Và đây là phần việc của chúng tôi xin thực hiện tiếp sau đây, cũng là nhằm giúp cho dịch phẩm có được sự thành tựu trọn vẹn.
1- Nơi trang 42, dịch giả Trúc Thiên viết: “Cuộc sống Thiền không phải là tự nhiên hoặc siêu nhiên mà là thường nhiên:
Sanh lão bệnh tử
Vị chi thường nhiên”.
(Trần Thái Tông)
Phần góp ý làm rõ: Hai câu ấy là 2 câu đầu nơi bài kệ Thị tịch gồm 8 câu của Ni sư Diệu Nhân (1042-1113) đời Lý, chứ không phải của vua Trần Thái Tông (1218-1277) đời Trần. Bài kệ Thị tịch ấy gồm 8 câu như sau:
Sanh lão bệnh tử
Tự cổ thường nhiên
Dục cầu xuất ly
Giải phược thiêm triền
Mê chi cầu Phật
Hoặc chi cầu thiền
Thiền Phật bất cầu
Đỗ khẩu vô ngôn.
(Theo Thơ văn Lý-Trần I, NXB.KHXH, 1977, tr.399).
Sở dĩ, trước 1975, ở miền Nam, một vài nhà nghiên cứu Phật học, đã nhầm cho bài kệ kia là của vua Trần Thái Tông là vì: Sách Khóa hư lục của vua Trần Thái Tông (1215-1277) theo truyền bản 2 quyển do chùa An Ninh, huyện Chí Linh khắc in vào năm 1883 (Bản này đã được Hội Phật giáo Bắc kỳ hợp tác với Trường Viễn Đông Bác Cổ sử dụng để in lại trong bộ Việt Nam Phật điển tùng san, xuất bản vào năm 1943 ở Hà Nội) phần cuối có bài kệ: “Thái Tông hoàng đế khuyến chúng”, chính là bài kệ Thị tịch của Ni sư Diệu Nhân, như nơi sách Thiền uyển tập anh đã ghi. (Các nhà nghiên cứu đều xác nhận bài kệ ấy là của Ni sư Diệu Nhân)(3).
2- Nơi trang 50, dịch giả Trúc Thiên viết: “Cái siêu thực ấy, nhà thơ Trần Quốc Tảng cực tả như sau qua mối lái của hoa và trăng:
Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt
Tân niên hoa phát cựu niên hoa”.
Phần góp ý làm rõ: Đấy là 2 câu thơ thứ 3 và thứ 4 nơi bài thơ Đường thất ngôn bát cú nhan đề là Đốn tỉnh (Chợt tỉnh) của Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung (1230-1291), con trưởng của An Sinh Vương Trần Liễu, anh ruột Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1232-1300), chứ không phải là của Trần Quốc Tảng (1252-1313) vốn là con trai của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Bài thơ Đường luật Đốn tỉnh của Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung như sau:
“Đoạn tri không hữu bất tương soa
Sanh tử nguyên tùng nhất phái ba
Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt
Tân niên hoa phát cố (cựu) niên hoa.
Tam sinh thúc hốt chân phong chúc
Cửu giới tuần hoàn thị nghĩ ma
Hoặc vấn như hà vi cứu cánh
Ma ha Bát-nhã Tát-bà-ha”.
Dịch:
Có không biết chẳng khác chi mà
Sống chết cùng chung đợt sóng ra
Trăng rọi đêm nay trăng đêm trước
Hoa cười năm mới hoa năm qua.
Ba đời chóng vánh như phong chúc
Chín cõi xoay vần tợ nghĩ ma
Vì hỏi thế nào là cứu cánh
Ma-ha Bát-nhã Tát-bà-ha.
(Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục,
Lý Việt Dũng dịch giải, NXB.Mũi Cà Mau, 2003, tr.477-478).
Trước năm 1973, tức trước khi tập sách Việt Nam Phật giáo sử luận I của Nguyễn Lang được xuất bản, học giới ở miền Nam (và cả miền Bắc) đều xem Tuệ Trung Thượng Sĩ là Trần Quốc Tảng theo như Bùi Huy Bích (1744-1816) đã ghi chép trong Hoàng Việt văn tuyển. Chính tác giả sách Việt Nam Phật giáo sử luận I là người đầu tiên đã phát hiện: Tuệ Trung Thượng Sĩ tên là Trần Quốc Tung…(4)
3- Nơi phần đầu nói về 19 chân trời Thiền (tr.69), dịch giả Trúc Thiên giải thích từ vô vi trong câu thơ thứ 1 (Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân):
Vô vi: Không làm nhưng không gì mà chẳng làm (Lão Tử).
Phần góp ý - làm rõ: Giải thích như thế là chưa rõ, vì đấy là vô vi theo Lão Tử, không phải là vô vi theo Phật giáo. Nơi bài viết Về từ vô vi trong bài kệ Quốc tộ của Thiền sư Pháp Thuận (Nguyệt san Giác Ngộ số 189, tháng 12-2011, tr.92-96), chúng tôi đã căn cứ theo Từ Hải, bộ Đại từ điển nổi tiếng của Trung Hoa để làm rõ vấn đề. Ở đây xin được nhắc lại: Từ Hải, Tối tân tăng đính bản, 4 tập, Đài Loan, 1994, tập trung, tr.2846A, đã giải thích: 1- Nghĩa là trị hóa theo vô hình gọi là vô vi. Sách Luận ngữ, thiên Vệ Linh Công: Vô vi mà thiên hạ được bình trị là vua Thuấn đấy chăng? 2- Là nghĩa thuận theo tự nhiên: Lão Tử: Đạo thường là vô vi nhưng không gì là không làm. Sử ký, Lão Tử truyện: Lão Tử vô vi tự hóa, thanh tịnh tự chánh. 3- Thuật ngữ nhà Phật. là tên gọi khác của chân lý, chân lý. Chân lý không do nhân duyên tạo tác mà thành nên gọi là vô vi. Cũng gọi là Pháp vô vi. Hoa nghiêm kinh thám huyền ký: Chân lý vô tánh nên gọi là vô vi (Phật gia ngữ. Chân lý chi dị danh. Chân lý phi do nhân duyên tạo tác nhi thành, cố viết vô vi, dục viết vô vi pháp. Hoa nghiêm kinh thám huyền ký(5). Vô tánh chân lý danh viết vô vi).
Như thế là đã khá rõ: Phật giáo truyền vào Trung Quốc, các nhà dịch thuật kinh điển Phật giáo trong buổi đầu hẳn là đã mượn từ vô vi nơi sách của Khổng, Lão, để dịch từ Asamskrta của tiếng Phạn nhưng chuyên chở một nội dung hoàn toàn khác, sự khác biệt ấy như Từ Hải đã giải thích nêu dẫn. Như vậy, từ vô vi nơi câu thơ ấy, hoặc để nguyên rồi chú thích, hoặc dịch là giải thoát, giác ngộ v.v… (Bản Việt dịch của Lý Việt Dũng: Dứt học chẳng làm nhàn đạo nhân. Vô vi: dịch là chẳng làm, tức vẫn hiểu vô vi theo nghĩa của Lão Tử!).
Cũng xin nói thêm về từ Đạo nhân trong câu thơ ấy. Phật Quang ĐTĐ (tr.5621C) giải thích: Đạo nhân là người tu hành Phật đạo. Lại gọi là Đạo giả, Đạo sĩ. Tại Thiền tông tức riêng chỉ cho hạng đồng hành: có chí, vào chùa xuất gia, nhưng chưa được thế độ. Từ sau đời vua Thái Vũ Đế nhà Bắc Ngụy (339-534), các danh xưng Đạo sĩ, Đạo nhân, mới dần dần dành để chỉ cho những vị tu theo Đạo giáo.
4- Nơi trang 86, dịch giả Trúc Thiên mở ngoặc ghi chú: Quán Tự Tại: Đạo hiệu của Bồ-tát Quán Thế Âm.
Phần góp ý làm rõ: Quán Tự Tại không phải là đạo hiệu của Bồ-tát Quán Thế Âm. Đấy chỉ là một dị danh, hay đúng hơn là một dị dịch. Xin nói rõ thêm:
Trong kinh Pháp hoa: Vị Bồ-tát có tên tiếng Phạn Avalokitesvara đã được lần lượt Hán dịch: + Pháp sư Trúc Pháp Hộ (226-304) trong bản Hán dịch kinh Pháp hoa của mình (kinh Chánh Pháp hoa. ĐTK/ĐCTT, tập 9, No 263, 10 quyển) đã Hán dịch là Bồ-tát Quang Thế Âm (Quang Thế Âm Bồ-tát) với hàm nghĩa là vị Bồ-tát luôn hiện bày ánh sáng (Quang) ứng hợp với mọi âm thanh nơi thế gian.
Đến Pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413), trong bản Hán dịch kinh Pháp hoa của mình (Kinh Diệu pháp liên hoa. ĐTK/ĐCTT, tập 9, No 262, 7 quyển) đã Hán dịch là Bồ-tát Quán Thế Âm (Quán Thế Âm Bồ-tát) là chuẩn.
Sau đấy, Pháp sư Huyền Tráng (602-664) trong bản Hán dịch Tâm kinh Bát-nhã ba-La-mật-đa của mình (ĐTK/ĐCTT, tập 8, No 251, 1 quyển) đã Hán dịch là Bồ-tát Quán Tự Tại. (Quán Tự Tại Bồ-tát). Cũng nên kể thêm: Đại sư Trí Tuệ Luân (đời Đường) nơi bản Hán dịch Tâm kinh Bát-nhã của mình (ĐTK/ĐCTT, tập 8, No 254, tr.850) đã Hán dịch là Bồ-tát Quán Thế Âm Tự Tại (Quán Thế Âm Tự Tại Bồ-tát). Về hàm nghĩa của Bồ-tát Quán Tự Tại, Phật Quang ĐTĐ (tr.6954A) đã giải thích: Nhân nơi cảnh của lý Sự vô ngại, quán đạt tự tại nên gọi là Bồ-tát Quán Tự Tại(6).
5- Trang 109, câu thơ: Như Lai tạng lý thân thâu đắc. Dịch là: Như Lai kho ấy thâu trọn hết.
Phần góp ý - làm rõ: Như Lai tạng mà dịch Như Lai kho là không chính xác.
Phật học Đại từ điển của Đinh Phúc Bảo (tr.1086C) giải thích: Như Lai tạng: Thuật ngữ. Chân như ở trong phiền não, gọi đó là Như Lai tạng. Chân như ra khỏi phiền não, gọi đấy là Pháp thân.
Phật Quang Đại từ điển (tr.2361B-C) thì định nghĩa: Như Lai tạng: Phạn ngữ là Tathàgata-garbha, chỉ cho ở trong thân phiền não của tất cả chúng sanh đã ẩn chứa Pháp thân Như Lai xưa nay vốn thanh tịnh (tức tự tánh thanh tịnh). Như Lai tạng tuy bị che giấu ở trong phiền não nhưng hoàn toàn không bị phiền não làm cho ô nhiễm… “Căn cứ riêng theo kinh Thắng Man, chương Không nghĩa che giấu chân thật, Như Lai tạng có thể phân làm 2 loại:
+ Như Lai tạng siêu việt phiền não hoặc cùng với phiền não chẳng đồng, cũng tức ở trong Như Lai tạng, phiền não là không, xưng là Như Lai tạng không.
+ Như Lai tạng gồm đủ tất cả pháp, (Như Lai tạng nơi câu thơ trên được hiểu theo nghĩa này), mà cùng với phiền não không lìa không thoát không khác. Đây tức là Như Lai tạng bất không. Chương Pháp thân của kinh ấy cũng nói: Như Lai tạng hãy còn có thể phân làm hai nghĩa:
Ở tại triền (phiền não): Là trạng thái còn bị phiền não vây buộc, bao hàm hai thứ Như Lai tạng không, bất không.
Ra khỏi triền: Chỉ cho trạng thái thoát ly khỏi sự vây buộc của phiền não… (tr.2362A-B).
Đối với các câu thơ kệ có từ Như Lai tạng, người Việt dịch nên để nguyên rồi chú thích là thuận hợp hơn hết.
6- Trang 119, câu thơ: Long tượng xúc đạp nhuận vô biên. Dịch là: Voi rồng giẫm bước nhuận ân sâu.
Phần góp ý - làm rõ: Long tượng mà dịch là voi rồng là không đúng. Long tượng là voi đẹp, voi quý chứ không phải là voi rồng. Đây là giải thích của Từ Hải (tập Hạ, tr.5139C): Voi tốt, quý gọi là Long tượng. Kinh Duy Ma, phẩm Bất tư nghị: Ví như voi quý giẫm đạp thì loài lừa không thể chịu nổi. Triệu chú (Đại sư Tăng Triệu chú giải): Loại voi hơn hết gọi là long tượng. (Tượng chi thượng giả, vi long tượng dã). Lại gia tường sớ: Ở đây nói long tượng: chỉ là 1 voi thôi. Như ngựa tốt quý gọi là long mã, voi tốt quý gọi là long tượng(7). Phật Quang Đại từ điển (tr.6392A) định nghĩa: Nguyên chỉ cho thứ voi thù thắng trong loài voi, dụ cho năng lực uy mãnh của Bồ-tát… (Đoạn tiếp theo dẫn kinh Duy Ma, Triệu chú, Gia tường sớ như nơi Từ Hải).
7- Nhân đây cũng xin được góp ý - làm rõ về một giải thích của dịch giả Trúc Thiên nơi tác phẩm Sáu cửa vào động Thiếu Thất do ông Việt dịch (dịch từ sách Thiếu Thất lục môn: ĐTK/ĐCTT, tập 48, No 2009, 1 quyển).
Nơi trang 132 của sách Sáu cửa vào động Thiếu Thất (NXB.An Tiêm, S, 1971), phần nói về Cửa thứ 6: Huyết mạch luận, luận về bài kệ Tâm động dụng động… Dịch giả Trúc Thiên viết: “Nên kinh nói: Lời nói làm cho đạo dứt. Tâm động làm cho giác ngộ tiêu (Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt)”.
Phần góp ý-làm rõ: Đây là một giải thích hết sức sai lạc! Đúng là trong kinh có nói câu ấy nhưng không phải với nghĩa như Trúc Thiên đã giải thích. Chữ đạo trong câu “Ngôn ngữ đạo đoạn” là con đường, là đường đi, chứ không phải là đạo pháp, để cho là “làm cho đạo dứt”. Còn Tâm hành xứ là nơi chốn của tâm hành (tâm niệm), và diệt là toàn bộ nơi chốn tâm hành ấy đã dứt bặt, không thể hiện bày, chứ không phải là “Tâm động làm cho giác ngộ tiêu”. Chúng tôi xin nêu dẫn 3 giải thích để làm rõ vấn đề.
* Giải thích của Từ Hải (tập Hạ, tr.4052C:
Ngôn ngữ đạo đoạn: Thuật ngữ nhà Phật. Nghĩa là diệu đế vô thượng nên không thể ngôn thuyết. Kinh Anh Lạc: Đường ngôn ngữ dứt. Xứ tâm hành diệt. Kinh Duy Ma, phẩm A Súc Phật: “Tất cả con đường nói năng đều bị cắt đứt”(8) (Nhất thiết ngôn ngữ đạo đoạn).
* Giải thích của Phật học Đại từ điển (Đinh Phúc Bảo):
Ngôn ngữ đạo đoạn, Tâm hành xứ diệt: (Thuật ngữ) Còn gọi là Tâm hành xứ diệt, Ngôn ngữ đạo đoạn. Tức chân lý cứu cánh thì đường đi của ngôn ngữ đoạn dứt vì không thể ngôn thuyết. Nơi chốn của tâm niệm diệt mất vì không thể tư niệm. Tâm hành là tên gọi khác của tâm niệm… Phần tiếp theo nêu dẫn kinh Anh Lạc, kinh Duy Ma, phẩm A Súc Phật thì như nơi Từ Hải. Lại dẫn thêm sách Ma-ha-chỉ-quán, quyển 5, thượng: Ngôn ngữ đạo đoạn, Tâm hành xứ diệt, nên gọi là cảnh giới không thể nghĩ bàn. (Tập Thượng, tr.1101A).
* Giải thích của Phật Quang Đại từ điển:
Trang 1.400C: Tâm hành xứ diệt: Là xứ của tâm hành diệt tuyệt. Nghĩa là cảnh địa của tư lự phân biệt không thể đạt tới. Đại thừa khởi tín luận nghĩa ký, quyển Trung - bản, viết; lìa tâm duyên, thì không phải là ý ngôn phân biệt. Xứ tâm hành diệt, tức không phải là cảnh giới của tư tuệ. Đây tức là lý của pháp tánh chân như, không thể dùng ngôn ngữ thuyết minh. Cũng không phải là tư tuệ phân biệt có thể nhận biết.
Trang 3.007B: Ngôn ngữ đạo đoạn: Phạn ngữ: Sarvavàdacaryoccheda. Là dụng ngữ tán thán về chân lý thâm diệu không thể thuyết nêu. Thường cùng với câu Tâm hành xứ diệt liên kết sử dụng. Kinh Hoa nghiêm bản 60 quyển, quyển thứ 5 viết: Xa lìa thủ tướng, quán chân thật, đạt lực tự tại quyết định thấy, Đường ngôn ngữ dứt xứ tâm hành diệt. Luận Đại trí độ quyển thứ 5 nói: Ngôn ngữ đã dứt, tâm hành cũng diệt. Tức phần nhiều là để biểu thị cho thật tướng của Đệ nhất nghĩa, đoạn dứt hẳn các thứ ngôn ngữ, tự lự.
Đào Nguyên
_____________________
(1), (2) Xem: Cảnh Đức truyền đăng lục, Lý Việt Dũng dịch, NXB.Hồng Đức, 2013, 3 tập, quyển 30 ở cuối tập 3.
(3) Xem thêm bài viết của Đào Nguyên: Về từ Đỗ Khẩu nơi bài kệ Thị tịch của Ni sư Diệu Nhân đời Lý. Nguyệt san Giác Ngộ số 201, Tháng 12-2012.
(4) Xem: Việt Nam Phật giáo sử luận I của Nguyễn Lang, bản in 1992, tr.299-300.
(5) Hoa nghiêm kinh thám huyền ký là tác phẩm lớn nhất của Đại sư Pháp Tạng (643-712), Tổ thứ 3 của tông Hoa nghiêm - Trung Quốc, giải thích luận giảng về kinh Hoa nghiêm bản 60 quyển 34 phẩm. (ĐTK/ĐCTT, tập 35, No 1733, 20 quyển, 385 trang Hán Tạng). Tác phẩm này đã được chúng tôi (ký là Nguyên Huệ) Việt dịch. NXB.Phương Đông, 2012. Trọn bộ gồm 3 tập. Trên 2.100 trang Việt ngữ.
(6) Xem thêm bài viết của Đào Nguyên: Lại bàn về danh hiệu Bồ-tát Quan Thế Âm, Nguyệt san Giác Ngộ số 219, tháng 6-2014.
(6b) Về từ Như Lai tạng: Có thể tham khảo thêm:
- Kinh Thắng Man (Chương 7, Như Lai tạng), HT Trí Quang Việt dịch, bản in 1994, tr.63-64.
- Đại sư Cát Tạng trong tác phẩm Thắng Man bảo quật (Sớ giải kinh Thắng Man) phần sớ giải về chương Như Lai tạng (Chương 7) đã giải thích rất đầy đủ về nghĩa của Như Lai tạng (Xem: ĐTK/ĐCTT. Tập 37 No 17744. Trang 67).
(7) Kinh Duy Ma, bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập (No 475) đã được Đại sư Tăng Triệu chú giải (tập 38, No 1775, 10 quyển) và Đại sư Cát Tạng (Gia Tường) sớ giải (No 1781, 6 quyển).
(8) Câu Việt dịch ấy là của HT.Trí Quang, trong kinh Duy Ma, Trí Quang dịch, bản in 1994, tr.137.