GN - Đó là manh động. Đây có lẽ là tập khí (thói quen) tiềm tàng trong mỗi người chúng ta. Gặp hay thậm chí chỉ nghe thấy một điều gì đó không hợp với mình (chưa chắc sai, nhiều khi đúng) thì ta liền phản ứng mạnh, có ý định loại bỏ, lên án.
Phản ứng lại những điều trái với suy nghĩ hay đường hướng mình đang đi là một cách bảo vệ cho cái tôi cá nhân, đôi khi chỉ là bảo vệ cho lợi ích ích kỷ của bản thân, của một nhóm nhỏ.
Gìn giữ giới để có định & tuệ, từ đó suy nghĩ, nói và làm những điều thiện lành
Thời nào thì con người cũng còn tham-sân-si, rồi nghĩ đủ cách để thỏa mãn những nhu cầu của mình. Tất nhiên, nếu sự thỏa mãn ấy hài hòa trong các mối quan hệ, trong biên độ cho phép (được chấp nhận) thì xung đột không hoặc ít xảy ra.
Có câu nói rất hay: nếu mình làm sai một lần thì chắc chắn sẽ tiếp tục làm sai nhiều lần nữa để bảo vệ cho cái sai lần đầu. Theo đó, một người đi ngoại tình thường sẽ nói dối, và tìm cách nói dối để tiếp tục đi ngoại tình nữa...
Do vậy, lỗi lầm thì ai cũng có nhưng nhận ra để dừng lại, sửa đổi mới là người mạnh mẽ. Còn người manh động thường sẽ nhảy đổng lên khi có người sắp chạm vào chỗ dở hoặc cái sai của mình nhằm bảo vệ, che giấu.
Như vậy, hễ còn nổi sân khi ai đó tác động tới mình, chắc chắn chúng ta còn chỗ dở, có cái sai muốn che giấu hoặc chí ít, chưa thực sự điềm tĩnh để đón nhận giông gió, khổ đau.
Học Phật, chúng ta được dạy: quán chiếu nhân-duyên trong mọi tình huống. Tuy nhiên, đôi khi đã được dạy, cũng có thấm nhưng thực tập chưa sâu nên chúng ta vẫn cứ manh động, chống lại hay phản ứng tiêu cực trước những bất như ý mà mình trải qua, nhìn thấy, nghe thấy... Nếu quan sát và thấy mình còn thói quen này nghĩa là mình còn rất... tầm thường, còn phải lên xuống trong sáu đường ngay khi thọ thân này chứ không đợi chết rồi mới sanh vào các cõi.
L.Đ.L