Một người bạn vong niên, gia đình có đến 5 đời ở Huế gợi ý giờ đến Huế nên đến khu Trung tâm Văn hóa Huyền Trân để đánh những tiếng chuông Hòa Bình. Tôi gật đầu. Cuộc hành trình bằng xe đạp hướng về núi Ngũ Phong bắt đầu…
Anh bạn vong niên của tôi kể rằng thuở xưa, Vua Chiêm Thành Jaya Simhavarman III (Chế Mân) để cưới được Công chúa Huyền Trân đã đem hai châu Ô, Lý dâng lên vua Trần sính lễ. Vâng lời vua cha là Trần Nhân Tông và vua anh Trần Anh Tông, Huyền Trân đã gác tình riêng, gạt lệ xuống thuyền theo chồng, lập mối hòa hiếu và mở mang bờ cõi của đất nước về phương Nam. Đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế cũng được khai sinh từ đó, đến nay đã hơn 700 năm. Để ghi nhớ công ơn của công chúa, triều đình nhà Nguyễn (1802-1945) đã lập miếu Đại Đế Vương ở làng Lịch Đợi, phường Đúc, TP. Huế, thờ các vị khai quốc công thần, trong đó có Công chúa Huyền Trân. Tiếc là miếu thờ này ngày nay không còn. Cho đến đầu năm 2006, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân được khởi công xây dựng. Một năm sau đó, ngày 26.3.2007, công trình khánh thành nhân kỷ niệm tròn 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân. Lòng tri ân của người dân Huế nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung với Công chúa Huyền Trân đến khi đó mới thực sự được cụ thể hóa bằng vật chất.
Trung tâm Văn hóa Huyền Trân rộng đến 28ha, nằm dưới chân núi Ngũ Phong thuộc thôn Ngũ Tây, xã Thủy An (nay là phường An Tây), TP. Huế. Đây là khu vực đồi núi thoai thoải, rừng thông xung quanh, bốn mặt là trùng điệp ngàn non. Không gian thâm nghiêm, kỳ vĩ, phù hợp với những công trình văn hóa mang tính tâm linh, về nguồn. Từ ngoài dẫn vào là bốn trụ biểu lớn, dưới chân có nghê đá phục chầu, tiếp đến là ba bậc sân rất rộng lát gạch Bát Tràng, có hồ nước và cầu bắc qua tương tự như cầu Trung Đạo bắc qua hồ Thái Dịch trước điện Thái Hòa của Đại Nội Huế; tiếp nữa là tam quan, trong cùng là đền thờ Huyền Trân công chúa. Tất cả nằm trên một trục thẳng. Bên trong đền thờ có pho tượng Công chúa Huyền Trân ngồi trên ngai được đúc bằng đồng. Tượng cao 2,37m, do các nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của phường Đúc, TP. Huế cẩn tác. Tiếp theo đền thờ Huyền Trân là đền thờ vua Trần Nhân Tông, phụ hoàng của Công chúa Huyền Trân, là vị vua anh minh, có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, là vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Ở đây có bức tượng thờ vua Trần Nhân Tông bằng đồng đỏ nguyên chất, cao 3m, nặng 2 tấn được đúc theo phiên bản lấy từ đền thờ các vua Trần cũng do các nghệ nhân đúc đồng tại phường Đúc Huế thực hiện. Trước ngôi đền uy nghi là đôi rồng chầu đạt kỷ lục dài nhất Việt Nam
Trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa Huyền Trân còn có nhiều công trình kiến trúc lớn nhỏ khác, nổi bật là tháp chuông Hòa Bình cao 7m được dựng trên đỉnh Ngũ Phong với chuông đồng nặng 1,6 tấn cũng do các nghệ nhân phường Đúc thực hiện. Trên đường dẫn lên tháp chuông Hòa Bình, ta còn gặp bức tượng Phật Di Lặc khổng lồ với nụ cười viên mãn thường trực trên môi. Bát nhang trước tượng luôn nghi ngút trầm hương của du khách thập phương kính cẩn dâng với nguyện ước vạn sự cát tường như ý…
Tự tay cầm dùi đánh những tiếng chuông vào chuông Hòa Bình trên đỉnh núi Ngũ Phong, thấy lòng tự nhiên thanh thản. Ngồi nói chuyện với cụ già canh giữ tháp chuông, càng thấy nơi đây bình yên đến lạ. Giữa ngàn thông reo, nhìn về phía Nam, dãy Bạch Mã ẩn mình trong mây trời và sương núi, uy nghi nhưng cũng có chút gì thân thương lắm. Quay lại đằng sau lưng, phóng tầm mắt ra xa, núi Ngự vẫn làm nhiệm vụ là bức bình phong bảo vệ thành phố Huế. Cầu mong sao những tiếng chuông Hòa bình nơi đây vang lên sẽ mang lại niềm hạnh phúc, yên bình cho khắp năm châu bốn bể.