Trước Đại lễ, Hòa thượng Thích Lệ Trang, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Nghi lễ Phật giáo TP đã dành cho Báo Giác Ngộ cuộc trao đổi, về các thông tin liên quan đến Phật sự đặc biệt này. Nói về Đại lễ kỳ siêu sắp tới sẽ cử hành vào sáng 18-11, Hòa thượng cho biết:
- Theo sự chỉ dạy của Trưởng lão Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM và chư tôn đức Ban Thường trực Ban Trị sự, sau khi nhận được ý kiến từ các cơ quan chức năng, Đại lễ kỳ siêu đồng bào tử vong vì Covid-19 sẽ tổ chức theo hình thức không tập trung đông người, một trong hai phương án mà Ban Nghi lễ Phật giáo TP đã trình bày trong các phiên họp trước đây.
Như chúng ta biết, đại dịch Covid-19 đã để lại nhiều đau thương, mất mát lớn lao cho nhân loại, không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Theo quan niệm Phật giáo, tử vong trong hoàn cảnh dịch bệnh như vừa qua, là cái chết không bình thường, được gọi là “hoạnh tử”, do vậy rất cần tới sự trợ duyên của mọi người về mặt tinh thần.
Đó là lý do để Trưởng lão Hòa thượng Trưởng ban cùng Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM quyết định tổ chức Đại lễ kỳ siêu tại Việt Nam Quốc Tự. Do tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nên đáng tiếc là chúng ta không thể tập trung quá số lượng cho phép, đồng bào có thân nhân qua đời không thể đến tham dự trực tiếp; thay vào đó, để tùy duyên, Giáo hội đã giao Ban Thông tin - Truyền thông và Báo Giác Ngộ thực hiện truyền hình trực tuyến Đại lễ, để kết nối năng lượng, hiệp lực cầu nguyện, hồi hướng cho người đã mất.
Chư Tăng tụng kinh cầu nguyện - Ảnh: Tâm Nghiêm/BGN |
Bạch Hòa thượng, do được tổ chức hạn chế tập trung, mọi người không thể tham dự cầu nguyện trực tiếp tại Việt Nam Quốc Tự, vậy hình thức tham dự trực tuyến sẽ như thế nào để lợi lạc?
- Như quý Hòa thượng đã quyết định, Đại lễ kỳ siêu dự kiến bắt đầu cử hành vào lúc 8 giờ sáng ngày 14 tháng 10 năm Tân Sửu (18-11-2021) tại Việt Nam Quốc Tự với số lượng tham dự hạn chế. Nội dung sẽ bao gồm hai phần: Trước tiên là nghi lễ đại chúng với sự tham dự của chư tôn đức giáo phẩm Trung ương Giáo hội, Giáo hội TP và đại diện các quận, huyện cùng lãnh đạo TP; sau đó là nghi lễ truyền thống, tâm linh do chư Tăng thực hiện với thời tụng kinh Di Đà, dâng sớ kỳ siêu và chúc thực (cúng cơm cho chư hương linh), kết thúc chừng 10 giờ 30 phút cùng ngày.
Với khung giờ trên, tất cả mọi người, đặc biệt là quý vị có thân nhân qua đời vì dịch bệnh, hoặc qua đời vì các nguyên do khác trong lúc dịch bùng phát có thể nương theo, tham dự cùng chư Tăng qua các phương tiện kết nối thông tin liên lạc (truyền hình trực tuyến, zoom) chính thức mà Giáo hội đã chỉ định, cùng đọc, tụng với chư Tăng.
Ở tư gia của mình, mọi người có thể sửa soạn hoa quả dâng cúng lên bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên hay người thân đã qua đời, tùy duyên các pháp môn mà mình thường thực tập để hành trì, có thể niệm Phật, tụng chú, thiền tọa… Điều quan trọng hơn cả là mỗi người “đại vị” (thay mặt) thân nhân đã mất để tọa thiền, niệm Phật, trì chú, lạy Phật. Bởi, người đã chết không như chúng ta, không có miệng để nói, không còn thân để hành động, chỉ có ý thân mà thôi.
Phật tử có thể tham dự qua tiện ích zoon, nương duyên chư Tăng, thay mặt thân nhân đã qua đời để niệm Phật, lễ Tam bảo... |
Khung thời gian cử hành Đại lễ kỳ siêu là từ 8 giờ đến khoảng 10 giờ 30 sáng 18-11-2021 (nhằm ngày thứ Năm trong tuần), có thể một số người sẽ phải đi làm, vậy họ có thể thực hiện việc cầu nguyện vào lúc khác trong ngày được không, bạch Hòa thượng?
- Vâng, nếu sắp xếp để cùng cầu nguyện trong khung thời gian trên là tốt nhất, nhưng nếu không thể thì vẫn có thể cầu nguyện sau đó cũng được. Mọi người có thể nương theo nội dung của buổi lễ đã được truyền thông để nghe lại, khởi tâm và tùy hỷ thay mặt các hương linh thực hành các pháp môn như đã nói ở trên để cầu nguyện cho người đã mất.
Với người chưa từng có kinh nghiệm thực hành một pháp môn nào, thì trong thời gian đó, hoặc ngày trên, trang nghiêm bàn thờ bằng hoa quả, phẩm vật thanh tịnh, tùy hỷ và duyên theo lời kinh, nghi lễ mà chư Tăng đã cử hành, tập trung nghĩ đến thân nhân đã mất, hoặc niệm danh hiệu Đức Phật Di Đà (Nam-mô A Di Đà Phật).
Chúng ta cầu siêu, nhưng lấy gì để giúp cho thân nhân được siêu độ? Đó chính là năng lượng do sự tập trung vào một cảnh, giữ tâm thanh tịnh, nghĩ thân nhân của mình đang cùng chúng ta nghe kinh, lạy Phật, niệm Phật. Với lòng hiếu kính, tình thương của mọi người sẽ cảm ứng với thức thân của người mất, vì ngay lúc đó người thân làm gì thì người mất cũng nhìn đó mà làm theo.
Buổi lễ sẽ được truyền hình trực tuyến trên Giác Ngộ Online và các nền tảng số của Báo Giác Ngộ, bắt đầu lúc 8g sáng ngày 18-11-2021 |
Có phải chư Tăng sẽ cầu nguyện cho tất cả những người đã qua đời trong đại dịch Covid-19, bạch Hòa thượng? Mọi người có thể gởi tên thân nhân qua đời về để cầu nguyện trong Đại lễ hay có giới hạn nào không?
- Đại lễ kỳ siêu do Giáo hội Phật giáo TP tổ chức không có giới hạn mà hướng đến tất cả những người đã qua đời vì đại dịch Covid-19. Chúng tôi được biết Trưởng lão Hòa thượng Trưởng ban Trị sự đã giao cho quý Thầy trong Ban Thư ký liên lạc với cơ quan chức năng để xin danh sách của tất cả người qua đời và sẽ phụng thờ tại Việt Nam Quốc Tự trong Đại lễ, đồng thời sẽ có phương thức để mọi người có thể gửi phương danh thân nhân về Ban Tổ chức để cầu nguyện.
Chúng tôi xin lưu ý, thông tin phương danh người qua đời gửi về xin ghi đầy đủ họ và tên, pháp danh (nếu có), năm sinh và ngày tháng năm mất (theo Âm lịch).
Sự mất mát do đại dịch là quá lớn, cho người qua đời cũng như thân nhân còn lại. Do đó, Đại lễ kỳ siêu không chỉ tổ chức như vậy, mà còn tiếp tục bằng nhiều hình thức khi nhân duyên hội đủ. Chẳng hạn như chúng ta biết ngay ngày sau đó, 19-11, nhằm ngày rằm tháng 10-Tân Sửu, Thành phố sẽ tổ chức đại lễ tưởng niệm với quy mô rất lớn. Đồng thời, nhiều địa phương, các tự viện cũng sẽ tùy duyên cử hành nghi lễ truyền thống trong mục đích hồi hướng mong ước sự an lành, lợi lạc cho kẻ mất người còn.
Xin chân thành cảm ơn Hòa thượng đã chia sẻ.