“Ve chai” kết nối yêu thương

GN - Những mẩu giấy vụn, những chai nhựa hư hỏng tưởng là đồ bỏ đi, nhưng các bạn sinh viên Hội Từ thiện 6789 đã gom nhặt, bán lấy tiền, nấu cơm phát từ thiện…

Theo đó, đều đặn 300 phần cơm thơm thảo, làm cho ông cụ, bà lão ấm bụng vào cuối tuần lại được tạo ra từ những đôi bàn tay cần cù, chịu thương, chịu khó. Chỉ mới thành lập trong thời gian ngắn nhưng từ đầu năm 2013 đến nay, các bạn đã thực hiện được rất nhiều công việc có ích cho cộng đồng. Rác mà các bạn nhặt, không chỉ đem đến những bữa cơm ngon cho người khó khăn mà còn làm cho môi trường xanh sạch, đẹp.

anh PGTT 716, bai cua Hanh Y.jpg

Chung tay chuẩn bị bữa cơm cho cụ già, trẻ em mưu sinh trên phố - Ảnh: H.Ý

Cho đi không phải là mất mà là nhận lại nhiều hơn. Hãy cho chúng tôi mượn đôi bàn tay của bạn và chúng tôi sẽ trả lại cho bạn nụ cười. Hãy cho chúng tôi mượn đôi vai bạn và chúng tôi sẽ trả lại cho bạn niềm yêu thương. Hãy cho chúng tôi mượn trái tim bạn và chúng tôi sẽ trả lại cho bạn ý nghĩa sống của cả một đời người…

Nghe người quen gọi điện thoại báo là có giấy vụn, các bạn thành viên nhóm liền phân công nhau đi thu gom về điểm tập kết. Anh Bình, trưởng nhóm kể: “Lúc đầu, thành viên nhóm thường phải xuống đường, vào công viên thu gom rác thải, rồi đi đến các tiệm tạp hóa xin thùng giấy, vào tận nhà người dân xin từng cái xô, chậu mủ bể, cả dép đứt để bán làm kinh phí. Dần dần, bà con thương, có giấy vụn, một số người quen kêu mình qua lấy. Mỗi lần đi nhặt rác cực lắm, các bạn phải đi bộ, kiên trì dù nắng nóng nhưng cực nhiều thì vui nhiều. Khi cân giấy, cân lon nhựa bán, có được tiền mua gạo, mua thực phẩm nấu cơm thì vui lắm. Mồ hôi chảy mà hồ hởi vô cùng. Tụi mình thấy, có nhiều cụ già sức yếu mà phải mưu sinh cực nhọc nhưng cơm mắc quá, cơm vỉa hè, có nhiều người không dám ăn, dành dụm tiền nuôi con, nuôi cháu; thương quá, vậy là chúng mình chung tay chia sẻ yêu thương”.

Mỗi tuần, vào ngày Chủ nhật, 1 giờ khuya là các bạn chia nhau ra chợ đầu mối Bình Điền xin rau củ, quả và đến đúng 7 giờ sáng là các bạn tập trung đầy đủ về địa chỉ quen thuộc 21/3A, ấp Chánh 2, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn (TP.HCM) để nấu cơm. Không ai nhắc nhở ai, đến nơi là các bạn xắn tay áo, vo ống quần lên “lăn” vào bếp. Nếu có dịp đến đây, bạn sẽ cảm thấy khâm phục các bạn tình nguyện viên lắm, vì những vật dụng từ xoong, chảo, nồi nấu cơm… hầu như tất cả đều được mua từ tiền bán giấy vụn. Chị Ngọc, thành viên nhóm kể: “Thương các em lắm, trời nắng mưa gì cũng nấu cơm. Tháng trước còn nấu bằng củi, thấy các em thương vô cùng; đang nấu mà trời mưa, các bạn thay phiên nhau cầm tấm bạt, 4 bạn căng ra 4 góc đứng che cho củi không ướt, đứa thì quạt cho bếp không tắt, để nồi cơm chín đều. Thấy vậy, mạnh thường quân hỗ trợ cho cái bếp ga nấu đỡ cực, giờ thì các em đỡ vất vả hơn mấy tháng trước rồi đó”.

Đến với ngày nấu cơm, từ các anh thanh niên đến các bạn sinh viên, ai cũng hồ hởi, hết mình. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ chung tay nấu nướng, 300 phần cơm nóng hổi, thơm lừng được các bạn cho vào hộp tinh tươm. Bao giờ cũng vậy, trước khi tặng cơm, các anh chị luôn nhắc các bạn vừa mới tham gia là “trao tận tay các cụ, nhớ nói chuyện xưng hô lễ phép, đàng hoàng nhen mấy đứa”. Và dĩ nhiên những phần cơm được nấu bằng cả tấm lòng cũng được các bạn trao tặng bằng cả tấm lòng.

Trong cơn mưa lạnh ngắt, những nụ cười trao nhau, những lời cảm ơn chân thành dường như trở thành phép màu xua tan đi cái lạnh giá. Chú Nam, 75 tuổi chia sẻ với PV: “Cô biết không, cứ khoảng 11 giờ ngày Chủ nhật là tôi đứng ở Bệnh viện Hóc Môn này để nhận cơm của các cháu nấu cho. Tuần nào cũng nhận, riết quen rồi, tầm giờ này hoặc trễ hơn chút là các cháu đến phát”.

“Sống bằng tình cảm”. Đó chính là khẩu hiệu và cũng là những gì mà tôi cảm nhận được từ các bạn. Lòng từ bi, tình thương trong các bạn đã được khơi dậy và ngày càng nẩy mầm tươi tốt, bởi những công việc có ích cho cộng đồng, không những được duy trì mà các bạn còn lên nhiều kế hoạch mới, để chia sẻ nhiều hơn nữa.

Ngoài việc phát cơm từ thiện, số tiền có được từ mạnh thường quân hỗ trợ, các bạn rủ nhau đi đến vùng sâu, vùng xa tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn. Mỗi thành viên 6789 đều tâm niệm: “Cho đi không phải là mất mà là nhận lại nhiều hơn. Hãy cho chúng tôi mượn đôi bàn tay của bạn và chúng tôi sẽ trả lại cho bạn nụ cười. Hãy cho chúng tôi mượn đôi vai bạn và chúng tôi sẽ trả lại cho bạn niềm yêu thương. Hãy cho chúng tôi mượn trái tim bạn và chúng tôi sẽ trả lại cho bạn ý nghĩa sống của cả một đời người…”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.