Thế nhưng, sau những "show diễn" ấy, đến nay phong trào văn nghệ Phật giáo chịu không biết bao lời "bàn ra, tán vào" từ công chúng. Bởi lẽ, các chương trình văn nghệ Phật giáo vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thật sự đi vào lòng công chúng, nếu không muốn nói là "lượng nhiều chất ít".
Tìm lại chút… hương xưa
Cùng với sự đi lên của đất nước, Phật giáo Việt Nam ngày càng phát huy sức mạnh và vai trò của văn hóa Phật giáo trong cộng đồng dân tộc; tính nhập thế của Phật giáo ngày càng được lan tỏa. Một trong những nhân tố tạo nên sự kết nối giữa cộng đồng với Phật giáo đó là các hoạt động biểu diễn nghệ thuật Phật giáo, cụ thể là ca nhạc Phật giáo.
Lĩnh vực ca nhạc Phật giáo từng có một thời hoàng kim. Đó là khoảng thời gian từ đầu thập niên 1970. Tuy các ca khúc Phật giáo thời điểm ấy ra đời không đáng kể nhưng lại sớm đi vào lòng người. Có thể nêu một vài tác phẩm âm nhạc điển hình: Trầm hương đốt (bài Nguyện hương), sáng tác của Bửu Bác, Ca khúc Phật giáo Việt Nam, sáng tác của Lê Cao Phan hay Nhớ mùa Phật đản, ca sĩ Bảo Yến hay các ca khúc Chắp tay hoa (Phạm Duy - thơ Phạm Thiên Thư), Lạy Phật con về (Lê Mạnh Cương) và Nam mô Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật (Thẩm Oánh)… Và, gần 10 năm trở lại đây, các chương trình biểu diễn văn nghệ Phật giáo đã thực sự lan tỏa vào công chúng. Tuy nhiên, đó là chuyện trước đây, giờ chỉ còn là hoài niệm…
Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, nhạc sĩ Giác An nhớ lại, trước năm 1975 đã từng có nhiều chương trình văn nghệ Phật giáo thu hút khá đông quần chúng nhân dân và Phật tử. Anh vẫn nhớ như in một chương trình làm tắc nghẽn con đường trước tháp Việt Nam Quốc Tự do Phật giáo tổ chức vào rằm tháng 4 năm 1973. Thời kỳ đó, nhà hát Hòa Bình chưa được xây dựng và không gian nơi này chỉ có tháp Việt Nam Quốc Tự. Một sân khấu khá quy mô được dựng lên dưới chân tháp và khoảng sân rộng xung quanh đã không đủ chỗ cho hàng vạn khán giả đến thưởng thức những tiếng hát khá nổi lúc bấy giờ như Thoại Miêu, Đông Phương và cả những tiết mục được anh chị em Gia đình Phật tử dàn dựng. "Lần đầu tiên trong đời, tôi được chứng kiến khung cảnh chen chật để đến với văn nghệ Phật giáo như thế. Phải nói rẳng, sự đầu tư và trau chuốt cho đêm diễn đã kéo khán giả đến với chương trình. Đến nỗi các con đường xung quanh Việt Nam Quốc Tự không còn chỗ bước chân và đến tận khuya mọi thứ mới trở lại bình thường", nhạc sĩ Giác An nhớ lại.
Hẳn trong lòng giới mộ điệu thành phố vẫn còn dư âm, ấn tượng đêm văn nghệ chung kết trao giải Hội thi văn nghệ Phật giáo diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM vào ngày 5-5-2008, chào mừng Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008. Chương trình do đạo diễn Xuân Phước dàn dựng. Đây là một chương trình ca múa nhạc Phật giáo được tổ chức nghiêm túc và công phu với sự chuẩn bị hơn 2 tháng. Biết được điều khó khăn khi chuyển tải hình ảnh Phật giáo đến công chúng nên toàn bộ êkíp của chương trình đã tận lực để mang đến những điều tốt nhất cho công chúng. Và sau đó, thật sự là tuyệt vời vì chương trình đã thu hút khá đông khán thính giả, nhiều khán giả tỏ ra hối tiếc khi không có được chiếc vé vào xem. "Cũng khó có chương trình nào có thể lặp lại sự ấn tượng ấy", TT. Thích Thiện Bảo, Trưởng ban Văn hóa THPG TP.HCM nhìn nhận.
Một dư âm khá sâu sắc, đã thực sự đi vào tâm trí của mọi người dân Việt Nam cũng như Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước về đêm văn nghệ chào mừng Đại lễ Vesak 2008 tại Việt Nam. Ngay đêm biểu diễn đầu tiên trong số các chương trình phục vụ đại biểu quốc tế trong thời gian Đại lễ Phật đản LHQ tại Hà Nội tổ chức ở Trung tâm Hội nghị quốc gia đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm. Sân khấu văn nghệ được thiết kế chủ yếu bằng các màn hình lớn và mô hình hai đóa hoa sen được họa sĩ Đinh Công Đạt cách điệu từ các họa phẩm Phật giáo. Đặc biệt nhất là đêm nhạc giao hưởng với chủ đề "Khai giác" của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, đây là một chương trình văn nghệ Phật giáo được dàn dựng rất công phu với sự tham gia của 500 nhạc công, trong đó có 54 Tăng Ni. Ý nghĩa của "Khai giác" đưa đến cho khán thính giả thông điệp về con đường giác ngộ từ Thái tử Shiddharta trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni...
Để có được các chương trình văn hóa, nghệ thuật như vậy, Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc và các tổ chức, nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công… đã tích cực chuẩn bị từ nhiều tháng liền. Những người thực hiện chương trình mong muốn được đem tâm sức, trí tuệ, tài năng của mình để gởi gắm thông điệp của Đức Phật về hòa bình, hòa hợp và lòng yêu thương, đồng thời góp phần khắc họa hình ảnh Việt Nam thân thiện và giàu bản sắc văn hóa đến với bạn bè quốc tế.
Cách đây vài năm, chúng tôi từng xem một buổi biểu diễn hòa nhạc Phật giáo đặc biệt tổ chức tại thành phố biển Nha Trang, trong khuôn khổ Tuần văn hóa Phật giáo do Ban Văn hóa Trung ương phối hợp với Ban Trị sự PG Khánh Hòa tổ chức. Chương trình được các giảng viên, nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ thuộc Học viện Âm nhạc Huế dàn dựng và luyện tập khá công phu, với những tác phẩm âm nhạc mang âm hưởng Phật giáo sâu sắc qua các thời kỳ được biểu diễn kéo dài khoảng 120 phút. Ý tưởng chủ đạo của chương trình là con đường dẫn đến âm nhạc tâm linh Phật giáo mà đỉnh cao là bản Đạo ca "Phật giáo Việt Nam". Toàn bộ chương trình biểu diễn gồm các tiết mục đơn ca, song ca, hòa tấu, độc tấu, tam tấu... được dàn dựng theo một ý tưởng chủ đạo trang nghiêm mà thanh thoát, nhẹ nhàng mà sâu lắng bởi các cung bậc của nhạc cụ piano, nhóm đàn dây, saxophone… đã khiến tất cả thính phòng cảm thụ và thăng hoa theo từng giai điệu trầm lắng và trong sáng. Được biết đây là một trong những thể nghiệm mới do các nghệ sĩ Phật tử tại Học viện Âm nhạc Huế, bắt đầu từ sự kiện Tuần Văn hóa Phật giáo lần thứ 1 tại đất cố đô giàu văn hiến. Tiếng hát đi qua… chẳng gì đọng lại Trong gần 10 năm trở lại đây, không khí hoạt động văn nghệ Phật giáo khá sôi nổi, các chương trình ca múa nhạc Phật giáo được diễn ra khá đều đặn trong các dịp Lễ Phật đản, Vu lan hay các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề của Phật giáo. Và, show diễn có tính hoành tráng hay buồn tẻ cũng tùy thuộc tính quy mô của từng chương trình. Chẳng hạn như, các chương trình ca nhạc Phật giáo"Vầng trăng mẹ" do Ban Văn hóa THPG TP.HCM tổ chức vào dịp Lễ Vu lan hàng năm, các đêm diễn văn nghệ chào mừng Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới lần thứ 11 tại Việt Nam được tổ chức tại Hội trường Nhà Truyền thống-Văn hóa tại TP. Hồ Chí Minh, đêm văn nghệ Phật giáo chào mừng Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang, gần đây nhất là chương trình ca múa nhạc Phật giáo "Mừng ánh Đạo" được cho là hoành tráng nhất, tổ chức tại Sân vận động Gò Đậu, Bình Dương - chương trình chào mừng Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2011... Nhìn chung, các chương trình biểu diễn cũng xuất hiện nhiều tiết mục được dàn dựng khá công phu. Thế nhưng, tất cả chỉ dừng lại ở tính hình thức nếu không muốn nói là kém chất lượng nghệ thuật, thiếu chuyên nghiệp, thiếu sự thống nhất trong nội dung, ý tưởng… Rất nhiều khán thính giả không còn mặn mà khi xem các chương trình văn nghệ Phật giáo. Nguyên nhân dẫn đến sự "nhàm chán" này là do chương trình không đáp ứng sự mong mỏi của khán thính giả hay nói khác hơn, không có công chúng. Các buổi trình diễn văn nghệ (dù không bán vé) nhưng vẫn ít người đến xem. Các ca sĩ lại không mấy mặn mà với các ca khúc Phật giáo mà chính bản thân mình phải hát đi hát lại. Như ca khúc Đêm tụng kinh Pháp Hoa được thể hiện qua tiếng hát của ngôi sao ca nhạc, ca sĩ Phương Thanh, nghe rất truyền cảm. Nhưng đáng tiếc là hầu hết các chương trình sân khấu ca nhạc Phật giáo diễn ra tại TP.HCM hay các tỉnh lân cận nếu trong chương trình có ca khúc này thì chắc chắn có sự xuất hiện của… ca sĩ Phương Thanh! Tại các buổi biểu diễn văn nghệ Phật giáo, thành phần khán thính giả ngoài Tăng Ni, Phật tử, có thêm một số doanh nhân, vài sinh viên học sinh và… hết! Nhưng rồi không ít khán giả bỏ về khi chương trình chưa kết thúc. Một nguyên nhân khác dẫn đến sự "đơn độc" của văn nghệ Phật giáo là do thiếu tính truyền thông, chưa thực sự đi vào chuyên nghiệp. Nếu có, cũng chỉ là chuyện… xưa nay hiếm. Hầu hết, những buổi diễn văn nghệ chỉ mang tính "phục vụ cho vui" nên vấn đề "cây nhà lá vườn" đã phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng chương trình. Mặt khác, các đạo diễn hay nhà làm kịch bản các chương trình văn nghệ Phật giáo còn quá nghiệp dư, lại quá "hào phóng" khi đưa nhiều tiết mục và thể loại như: trích đoạn cải lương, hát bội… vào chương trình ca múa nhạc, kể cả những ca khúc không "ăn nhập" gì đến Phật giáo, nhưng vì bài hát ấy có "sao" biểu diễn. Gần đây, khi xem chương trình văn nghệ Phật giáo "Mừng ánh Đạo" chào mừng Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc tại Bình Dương, ngoài các tiết mục ca nhạc, sân khấu hóa, trích đoạn cải lương… vị đạo diễn chương trình còn "cho thêm thực đơn" bằng ca khúc "Và con tim sẽ vui trở lại"do ca sĩ Hiền Thục trình bày! Không thể nhầm lẫn giữa chương trình biểu diễn văn nghệ Phật giáo mang tính chuyên nghiệp có công chúng với một chương trình "cây nhà lá vườn". Nhiều đạo diễn quan niệm làm cho chương trình văn nghệ Phật giáo là để… cúng dường. Thành phần tham gia chương trình cũng không ngoài quan niệm ấy nên chương trình chỉ mang nặng tính phục vụ cho có chứ không đặt nặng đến tính nghệ thuật. Ca khúc Phật giáo "lượng nhiều hơn chất" Hơn bao giờ hết, thời gian gần đây, các ca khúc Phật giáo được "khai sinh" rầm rộ. Người ta còn "gắn" mác "kỷ lục sáng tác" cho một nhạc sĩ sở hữu nhiều ca khúc Phật giáo nhất. Nhưng rồi cơ quan cấp chứng nhận kỷ lục phải cáo lỗi công chúng và rút lại "danh hiệu" vì… trao nhầm! Và, các ca khúc Phật giáo mới ra đời cũng chỉ quanh đi quẩn lại vài tác giả như: Tâm Nguyên, Hằng Vang, Uy Thi Ca, Vũ Ngọc Toản, Giác An, Lâm Nguyễn, Quý Luân… Tuy nhiên, để có ca khúc "để lại đời" thì quả thật hơi… hiếm! Bên cạnh đó, các nhạc sĩ dù có tên tuổi vẫn không còn nhiệt huyết sáng tạo, thường lặp đi lặp lại hoặc của mình hoặc của người khác, rất ít ai phiêu lưu đi tìm cái mới: ý tưởng, phong cách thể hiện… Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận tài năng và chất lượng các ca khúc của một số nhạc sĩ thực sự có tài, có nhiệt huyết nhưng số nhạc sĩ dấn thân ấy lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đêm Đại nhạc lễ "Khai giác" mừng Đại lễ Vesak 2008 Cơ chế thị trường ngày càng có khuynh hướng ảnh hưởng, tác động đến sức sáng tạo của những người làm nghệ thuật. Một số nhạc sĩ lúc đầu sáng tác có chất lượng, dần dần với áp lực của thị hiếu khách hàng hay chạy theo "kỷ lục" đã "nhân bản tác phẩm" lúc nào không hay, chất lượng nghệ thuật giảm sút nghiêm trọng gây chán nản và mất lòng tin của khán thính giả khi tìm đến ca múa nhạc Phật giáo. Thực trạng khủng hoảng của văn nghệ Phật giáo sẽ không được hóa giải nếu không kịp thời chấn chỉnh. Sẽ chẳng bao giờ có lại thời hoàng kim nếu như nền văn nghệ Phật giáo vẫn "bó tay" trong việc tạo cho mình một công chúng trong nước; vẫn còn quá mập mờ, nhá nhem giữa cái chuyên nghiệp và cái bán chuyên nghiệp, cái sáng tạo với cái rập khuôn… Phải trả lại "không gian sống" cho văn nghệ Phật giáo về đúng với vị trí của nó bằng con đường tìm tòi, sáng tạo những hình thức nghệ thuật mới, những giá trị thẩm mỹ mới. Các ngành chức năng, cụ thể nhất là ngành văn hóa Phật giáo cần sớm có một tổng kết nghiêm túc về thực trạng của nền văn nghệ Phật giáo hiện nay, cũng như nhanh chóng hoạch định những mục tiêu cho sự phát triển của văn nghệ Phật giáo, bởi sự tiến bộ của nó góp phần không nhỏ vào sự phát triển của Giáo hội cũng như tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam.