GN - Vừa qua, trong một bản tin liên quan tới việc Trung ương Giáo hội tiếp phái đoàn truyền thừa Drukpa, PV đã căn cứ quy cách giới thiệu trong văn bản mà Văn phòng II TƯGH chuyển đến tòa soạn - gọi ngài Gyalwang Drukpa thứ 12 là Hòa thượng, một vài ý kiến phản hồi về tòa soạn cho rằng cách gọi đó là “thiếu lễ độ”, lẽ ra phải gọi là “Đức Pháp vương”, hay “Bậc Toàn tri Tôn quý”.
Để rộng đường dư luận, Tuần báo Giác Ngộ tổng hợp giới thiệu một số ý kiến của chư Tăng và Phật tử về các danh xưng trên.
- (… ) Chúng ta bị choáng ngợp bởi từ “Pháp vương”, mà thực chất là do dịch không đúng, hoặc cố ý tôn sùng, nên cứ tưởng rằng đó là “Pháp vương = Phật” thật.
“Drukpa” là từ khá phổ biến trong văn hóa Tây Tạng, nó có nghĩa là “rồng”. Về nguồn tích của việc dùng từ này cho dòng truyền thừa của họ thì trang thông tin điện tử của dòng truyền thừa này cũng có nói rõ. Đó là do vị khai sáng dòng tu này (Tsangpa Gyare Yeshe Dorje) thấy chín con rồng bay lên trời nên nhân đó đặt tên với ý nghĩa là dòng truyền thừa của rồng. Rồng là một biểu tượng cao quý trong truyền thống Tây Tạng, nó còn có ý nghĩa là “tiếng sấm sét”.
Ngài Gyalwang Drukpa tại Hồng Kông - Ảnh Drukpa Hongkong
Từ “Gyalwang” có nghĩa là “người chiến thắng”.
Nếu ghép hai từ này thành “Gyalwang Drukpa”, thì dù dịch thoáng, dịch xa, dịch gần, dịch sát, tìm hết tất cả các từ liên quan đến “dịch” cũng không thể cho ra nghĩa “Pháp vương”.
Pháp vương là từ chỉ cho các Đức Phật, không ai, dù là hóa thân của Phật, có thể dùng từ đó để gọi. (…)
Thích Thanh Hòa
- Với những gì đang diễn ra, là Phật tử, tôi cảm thấy rất hoang mang. “Phật sống”, “hóa thân chân thật của Bồ-tát Quán Thế Âm”, “Bậc Toàn tri Tôn quý” đến ban phước lành cho đất nước Việt Nam, cầu siêu anh linh liệt sĩ, v.v… Chúng tôi không biết đâu là thật, đâu là tương tợ. Ai là “hóa thân chân thật”, ai là “hóa thân không chân thật”…
Đa số người tôi quen biết đều cho rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã mời các phái đoàn đó đến, nên có sự đón tiếp rất trọng thị, quý vị Hòa thượng cấp trung ương ra tận thang máy bay cung đón, hơn cả các hình thức cung nghinh các vị giáo phẩm lãnh đạo cao nhất của Giáo hội mà Phật tử chúng tôi đã từng được thấy qua hình ảnh.
Ban Thông tin - Truyền thông của Giáo hội đăng thông tin chư tôn đức Giáo hội
ra sân bay đón ngài Gyalwang Drukpa khiến Phật tử hoang mang
trước cảnh "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" - Ảnh: Ban TTTT T.Ư
Đọc các trang mạng Phật giáo thì cũng thấy quá nhiều thông tin trái ngược nhau, người thì ca ngợi cao vượt chín tầng mây xanh, người thì cho rằng đó chỉ là hiện tượng lạm xưng, thiếu tính chân thật, có nhiều bài viết, nhận định, nghiên cứu dùng nhiều từ rất nặng mà chúng tôi không muốn nhắc lại…
Cùng thông tin trên, tiếng nói của Giáo hội cũng không đồng nhau. Đọc bài phỏng vấn HT.Thích Thiện Tánh, Trưởng ban Kiểm soát của Giáo hội thì thấy lên án, nhưng website của Ban Thông tin - Truyền thông Giáo hội lại ca ngợi… Như vậy, không hoang mang sao được trước cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược, chúng tôi biết dựa vào đâu bây giờ?
Nguyên Hảo
- Tôi có nhân duyên được đến Ấn Độ nhiều lần và trong những lần đó đoàn chúng tôi cũng đã gặp phái đoàn Drukpa (sở dĩ tôi dùng phái đoàn vì trong đoàn có cả quý Tăng/ Ni) do ngài Gyalwang Drukpa thứ 12 dẫn dắt và thuyết pháp tại Vườn Nai, cùng thời điểm đó cũng có nhiều đoàn từ các nơi trên thế giới về chiêm bái tại thánh tích và các đoàn Phật giáo các nước họ xem sự kiện này rất bình thường chứ không trọng thị quá lố như ở Việt Nam ta đã và đang làm trong thời gian qua.
Kính mong các bạn đồng tu hãy nương theo pháp môn mình đang tu và tu tập ngày càng tinh tấn và luôn là hải đảo tự thân cho chính mình để thân tâm luôn thường được an lạc và giữ được Chánh kiến, Chánh pháp.