Vài tỷ dụ về thời gian trong Phật điển

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Thời gian như bóng câu qua cửa sổ . Câu nói ví von đó trong văn chương Việt Nam dường như đã khái quát thành công luận giải về thời gian của triết học Trung Hoa thời cổ đại 1 .

Với nhân loại, thời gian là khái niệm mà thật khó quy về một định nghĩa chung cùng. Với Phật giáo nói chung, thời gian là thực tại nhiệm mầu mà bất kỳ ai hiểu rõ về chúng thì cánh cửa bất tử có thể sẽ mở ra.

Trong kho tàng Phật điển sâu xa, có nhiều tỷ dụ về thời gian được Đức Phật tùy thuyết sinh động. Nhân đây, chúng tôi xin được trình bày một vài tỷ dụ tiêu biểu nhất.

Tỷ dụ vắt sữa bò

Trong xã hội Ấn Độ thời cổ đại, con bò vừa là tín niệm thiêng liêng vì là vật cưỡi của thần Shiva khả kính, đồng thời là nguồn cung cấp sữa cho mọi tầng lớp, bất kể giàu nghèo. Từ món cháo sữa thượng vị của nàng Sujāta dâng lên nhà khổ hạnh Siddhatta cho đến món trà sữa Masala Chai được bày bán ven đường ở Ấn Độ ngày nay, đều có sự góp mặt của sữa bò. Trong xã hội Ấn Độ, sữa bò là một trong những nguồn dinh dưỡng đặc hiệu được sử dụng từ rất sớm và tồn tại mãi đến hôm nay. Cũng bởi lý do này mà hoạt động thu gom sữa, nôm na gọi là việc vắt sữa bò, cũng là một hình ảnh sinh động và thường thấy ở khắp mọi nơi. Do tính phổ biến này, cho nên trong kinh điển khi đề cập về thuộc tính nhanh chóng của thời gian đã chọn hình ảnh nhanh như khoảnh khắc vắt sữa bò2.

Tỷ dụ về lực sĩ co duỗi cánh tay

Trong chế độ tập cấp (varṇa) của Ấn Độ thì có một giai cấp gắn liền với vương quyền, bao gồm các võ tướng và cả những người chuyên luyện võ, là giai cấp thứ hai sau giai cấp Bà-la-môn. Ngay như bản thân Đức Thế Tôn, trong giai đoạn còn là thái tử, Ngài đã trải qua những năm tháng luyện tập võ thuật, nghệ thuật bắn cung và đã có những thành công tuyệt bậc, được ghi lại trong các bản kinh liên quan đến lịch sử của Đức Phật như Phật bản hạnh tập, Phật sở hành tán

Ngoài ra, trong kinh điển Phật giáo còn ghi nhận có bộ tộc rất giỏi về đấu vật như bộ tộc Mạt-la3. Theo Từ điển Anh - Pāli của A.P. Buddhadatta Mahathera thì những người giỏi đấu vật này được gọi là Muṭṭhika, tức là những người lực sĩ. Và, cũng chính vì vậy, nơi ở của những người này được kinh điển Hán tạng gọi là quê hương của lực sĩ4. Đã là một lực sĩ thì khoảng thời gian co duỗi của cánh tay diễn ra rất nhanh. Chính vì vậy mà kinh điển đã dùng tỷ dụ này, gọi là: Ví như khoảnh khắc lực sĩ co duỗi cánh tay5.

Tỷ dụ búng ngón tay

Trong kinh điển Phật giáo, khi nói về khoảng thời gian cực ngắn thì có lẽ tỷ dụ sinh động nhất là khoảnh khắc búng ngón tay. Trong kinh Tăng chi bộ, khoảnh khắc búng ngón tay được ngôn ngữ Pāli gọi là accharāsaṅghātamatta (A.1.0-I.11) và kinh điển Hán tạng cũng đồng thời ghi nhận là: Khoảnh khắc búng ngón tay (彈指頃). Xem ra, giữa kinh tạng Pāli và Hán tạng đều giống nhau khi đề cập về khái niệm này. Trong cảm nhận thực tế, khoảnh khắc búng ngón tay được xem như cực ngắn trong những khái niệm biểu đạt về thời gian. Để chứng minh quan điểm này, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Georgia (Hoa Kỳ) đã dùng máy gia tốc với cảm biến hiện đại kiểm tra và đã xác định rằng: Cái búng tay chỉ diễn ra trong 7 phần nghìn giây, nhanh hơn 20 lần so với cái chớp mắt - là khoảng 150 phần nghìn giây6.

Như vậy, đều biểu đạt về thời gian nhưng tùy theo từng vấn đề, từng lãnh vực mà kinh điển Phật giáo đã có những tỷ dụ cực kỳ sinh động. Nếu so với những khái niệm thường dùng để chỉ về khoảng thời gian nhanh chóng qua mau, như trong cổ thư Trung Quốc hay trong văn chương Việt Nam thì những khái niệm như: khoảnh khắc vắt sữa bò, khoảnh khắc lực sĩ co duỗi cánh tay khoảnh khắc búng ngón tay trong Phật điển có lẽ khá gần với thực tiễn. Vì lẽ, một trong những tỷ dụ này đã được chứng minh bởi những thành tựu của khoa học thực nghiệm ngày nay.

-----------------------

1 Có khả năng câu ví von: Thời gian như bóng câu qua cửa sổ có những liên hệ cội nguồn với tác phẩm Nam Hoa chân kinh (南華真經) của Trang Tử (莊子), ở chương Tri bắc du (知北遊). Nguyên tác: Đời người sống giữa trời đất, như ngựa trắng lướt qua khe hở, thoáng chốc đã vụt mất (人生天地之間,若白駒之過郤,忽然而已).

2 Cấu ngưu nhũ khoảnh (搆牛乳頃). Cú ngữ này có thể xem tại kinh Trường A-hàm, số 22, kinh Chủng đức; kinh Tạp-A-hàm, số 1253.

3 Mạt-la (末羅, Malla).

4 Lực sĩ sanh xứ (力士生處).

5 Thí như lực sĩ khuất thân tí khoảnh (譬如力士屈伸臂頃).

6 Dẫn lại theo báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 13.12.2024. Xem đầy đủ tại: https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/kham-pha-thu-vi-dang-sau-cai-bung-tay-20211118071815290.htm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.