Vài suy nghĩ về tín đồ Phật giáo: Thích nghi hay truyền thống?

NSGN - Sinh hoạt tôn giáo là điều kiện bắt buộc để tôn giáo tồn tại. Mỗi tôn giáo có tôn chỉ khác nhau và cách thức tổ chức quản lý cũng có phần dị biệt. Tuy nhiên, tôn giáo nào cũng phải dựa trên nền tảng để tồn tại là tín đồ. Tín đồ ở đây được hiểu là những người theo một tôn giáo như tín đồ Phật giáo, tín đồ Thiên Chúa giáo và thường chỉ cho người tại gia, cư sĩ trong Phật giáo, tín hữu, giáo dân trong Thiên Chúa giáo… 


buddha-purnima-child-nepal.jpg

Tín đồ Phật giáo phải có đức tin sâu vào Tam bảo và chân lý nhân quả - Ảnh minh họa


Nói một cách bao quát, tôn giáo nào cũng cần phát triển tín đồ với mục đích khác nhau tích cực hay tiêu cực và có phương pháp để quản lý hay nhận biết số lượng tín đồ tăng giảm. Từ đó, Giáo hội đưa ra đường hướng để ổn định và phát triển tôn giáo của mình. Trong phạm vi bài viết, người viết muốn đề cập trường hợp của Phật giáo Việt Nam về mặt tín đồ trong giai đoạn hiện nay.

Đặc trưng của Phật giáo về tín đồ

Sau khi giác ngộ thành Phật, Đức Phật Thích Ca bắt đầu truyền bá Chánh pháp và tiếp nhận đệ tử. Tăng đoàn được thành lập vài tháng sau đó và được xem là Giáo hội Phật giáo đầu tiên dưới sự hướng dẫn của Đức Phật và sự trợ giúp của các vị đệ tử lớn. Nhìn chung, Tăng đoàn được quản lý chặt chẽ bằng pháp và luật do Đức Phật chế định. Về tín đồ tại gia, Đức Phật nhận đệ tử tại gia qua việc truyền Tam quy và sau này có thêm năm giới hay năm điều đạo đức và tám giới. Sau khi trở thành đệ tử tại gia, họ tự nguyện tu tập bằng cách nghe pháp, áp dụng lời Phật dạy trong cuộc sống và không bị bắt buộc sinh hoạt theo một đoàn thể nào để có thể thống kê số lượng. Điều đó cũng dễ hiểu vì Đức Phật không chủ trương quản lý tín đồ được chứng minh qua hình thức du tăng nay đây mai đó, không ở cố định một nơi trong thời gian dài nhất định. 

Đặc điểm tự giác phóng khoáng ấy vẫn tiếp tục duy trì cho đến ngày nay. Ban đầu Phật giáo không chủ trương lập chùa và có trụ trì nhưng theo thời gian thì điều đó trở thành hiển nhiên trong Phật giáo. Các bộ phái, các tông phái, các dòng thiền lần lượt ra đời được xem như các giáo hội nhỏ. Tất nhiên, họ có hệ thống cơ sở tạm gọi là chùa chiền trực thuộc và có lượng tu sĩ cũng như tín đồ nhất định. Số lượng chùa chiền và tu sĩ quản lý nhiều sẽ là điều kiện phát triển lượng tín đồ đông. Tuy vậy, cũng không có tổ chức nào công bố lượng tín đồ cụ thể tăng giảm theo thời gian. Ở Trung Quốc, từ khi ra đời quyển Sắc tu Bách Trượng thanh quy do Tổ Bách Trượng-Hoài Hải (720-784) biên soạn vào đời Đường thì sinh hoạt thiền môn (trong chùa) được quy định, hướng dẫn rõ ràng cho người xuất gia. Theo nội dung của sách, trụ trì có thể được xem tương đương chức vụ của viện trưởng một viện Phật học quản lý học viên là người xuất gia. Việc phát triển và chăm lo tín đồ tại gia không phải là đối tượng của sách.

Phật giáo và tín đồ ở Việt Nam

Trước khi Thiên Chúa giáo vào Việt Nam, việc chủ trương phát triển tín đồ chưa xuất hiện. Dựa vào các tôn giáo, tín ngưỡng tồn tại lúc bấy giờ chúng ta có thể nhận biết điều đó. Tinh thần tam giáo đồng nguyên nên việc thực hành cùng lúc ba tôn giáo và nhiều hơn không có gì trở ngại. Do đó, không có việc thống kê tín đồ tôn giáo. Vào đời Lý và Trần, Phật giáo được xem là quốc giáo thì dân chúng là tín đồ Phật giáo nhưng không phải là họ không thực hành các nghi lễ của Nho và Lão giáo. Mục đích của Phật giáo là truyền bá chân lý, đạo đức cho tín đồ Phật tử mà không bận tâm việc tăng giảm tín đồ. Công việc của Tăng sĩ là giáo dục đạo đức, kiến thức… còn việc tổ chức sinh hoạt lễ hội, văn hóa… có sự trợ giúp của tín đồ tại gia. Vì không có sự cạnh tranh về tín đồ nên nhu cầu thống kê tín đồ chưa cần thiết.

Việc phân biệt tín đồ bắt đầu khi Thiên Chúa giáo được truyền vào Việt Nam (thế kỷ XIV) và tồn tại đến ngày nay khi có thêm các tôn giáo mới khác. Những tôn giáo có cách quản lý tín đồ chặt chẽ như Thiên Chúa giáo thì số lượng tín đồ tăng giảm được biết rõ. Khi nhà nước điều tra dân số và đưa ra con số thống kê tín đồ các tôn giáo thì những tôn giáo có khả năng kiểm soát tín đồ tốt sẽ dễ dàng đối chiếu so sánh. Về phía Phật giáo, tín đồ Phật giáo có hai dạng cơ bản là đã quy y có pháp danh (Bắc tông) và chưa quy y nhưng có niềm tin Tam bảo qua việc đi chùa lễ Phật. Đối với tín đồ đã quy y thì số lượng được ghi chép còn đối với tín đồ có niềm tin thì chỉ ước lượng khi thấy họ đi các chùa. Dù danh sách quy y các chùa có lưu nhưng chưa có sự thống kê hàng năm nên con số cụ thể khó xác thực.

Số lượng tín đồ Phật giáo khi được công bố hoàn toàn phụ thuộc vào sự thống kê của nhà nước. Ở các nước Phật giáo Nam truyền như Thái Lan, Miến Điện…, số lượng tín đồ Phật giáo được thống kê chính xác bởi người dân được hướng dẫn khai một tôn giáo mình theo. Không có tình trạng lo sợ khi khai báo là tín đồ của một tôn giáo. Ở Việt Nam, vì nhiều lý do khác nhau, rất nhiều tín đồ Phật giáo đã quy y có pháp danh vẫn ghi ở mục tôn giáo là "không" khi họ làm các lý lịch hay thẻ công dân. Các trẻ chưa thành niên thì cũng sẽ tính là không tôn giáo dù truyền thống gia đình là Phật giáo. Nhà nước khi thống kê dựa vào cơ sở này để đưa ra kết quả nên không có gì ngạc nhiên khi số lượng tín đồ Phật giáo càng lúc càng giảm. 

Số liệu thống kê về tín đồ Phật giáo có đáng tin cậy và có ý nghĩa tích cực? Nếu xét về mục đích điều tra xã hội học thì công tác thống kê về tín đồ tôn giáo thất bại vì số lượng tín đồ Phật giáo không được phản ánh trung thực và từ đó không thể đưa ra chính sách nào đó đúng đắn. Nếu thực sự tín đồ giảm thì những câu phát biểu của đại diện chính quyền ca ngợi Phật giáo phát triển chỉ mang tính xã giao lịch sự. Nếu tín đồ Phật giáo giảm thì việc quản lý Phật giáo cũng sẽ giảm theo tỷ lệ thuận. Thực tế những gì diễn ra dường như ngược lại.

Do đặc điểm chung của Phật giáo xưa nay nên dù có Giáo hội thì Phật giáo cũng chỉ dừng lại ở mức quản lý người xuất gia. Giáo hội chưa có chương trình thống kê số lượng tín đồ theo tiêu chí là đã quy y có pháp danh nên không thể có con số tín đồ cụ thể để so sánh với số liệu thống kê của nhà nước. Theo thống kê năm 1999, dân số Việt nam 76 triệu dân và tín đồ Phật giáo là 7,1 triệu. Đến năm 2009 dân số là 86 triệu và tín đồ Phật giáo giảm còn 6,8 triệu. Và năm 2019 dân số Việt Nam tăng lên 96 triệu thì tín đồ Phật giáo giảm còn 4,6 (tất cả con số làm tròn). Trong khi dân số Việt Nam tăng 20 triệu trong 2 thập kỷ qua thì tín đồ Phật giáo lại giảm 2,5 triệu. Hàng năm số tín đồ quy y tăng và số tín đồ bỏ đạo trong mọi trường hợp bao gồm cải đạo không nhiều đến mức 2,5 triệu thì kết quả của việc thống kê phản ánh sự không chính xác trên thực tế. Có nhiều nguyên nhân đưa đến sự không chính xác. Một là tín đồ Phật giáo không tự nhận mình là Phật tử nên không ghi vào mục tôn giáo là Phật giáo. Hai là họ không khai tín đồ Phật giáo vì họ sợ bị ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống. Ba là họ bị hướng dẫn ghi không tôn giáo ở mục tôn giáo khi họ làm lý lịch. 

Phản ứng của Phật giáo

Số liệu thống kê tín đồ Phật giáo ít nhiều ảnh hưởng đến Phật giáo. Có ý cho rằng Giáo hội chưa có sự hướng dẫn cụ thể để thống kê tín đồ nên không có con số chính xác riêng. Có ý cho rằng con số ấy không phản ánh trung trực hiện thực khách quan. Tuy nhiên, trước số liệu tăng giảm đó, Giáo hội nói riêng và Phật giáo nói chung phải có phương hướng để tạo kết quả tích cực hơn. Cho đến nay, Phật giáo vẫn đi theo truyền thống phóng khoáng tự giác. Phật giáo không bắt buộc tín đồ tuân theo quy định sinh hoạt ngoại trừ truyền dạy các điều đạo đức và khuyến khích tu học. Nếu Phật giáo thống kê số lượng tín đồ theo danh sách quy y thì có thể đạt được kết quả về con số, nhưng kết quả về sự sinh hoạt tu tập cụ thể của tín đồ thì chưa đảm bảo. Tuy nhiên, nếu làm được việc thống kê số liệu thì cũng là nỗ lực của Phật giáo để đánh giá những chương trình, phương pháp hành đạo có phù hợp với thời đại để tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung cho thích hợp với thời đại.

Trong khi tín đồ các tôn giáo khác có ý thức cao đối với tôn giáo của mình thì tín đồ Phật giáo thiếu ý thức về tập thể hay tổ chức. Do đó, nói đến vai trò Phật giáo thì hầu như là nói đến Giáo hội, Tăng Ni mà ít khi là của tín đồ Phật giáo. Làm thế nào để tín đồ Phật giáo ý thức được hạnh phúc khi là Phật tử và cùng chung tay đưa Phật giáo phát triển về cả con số và chất lượng tu tập là vấn đề lớn. Đó là nhiệm vụ mà Phật giáo cần nghiên cứu để tìm ra các giải pháp hữu hiệu. 

Nếu như tín đồ của một số tôn giáo đi đến cơ sở tôn giáo của họ hàng tuần và thậm chí hàng ngày để sinh hoạt thì tín đồ Phật giáo cũng có đi đến chùa để tham dự khóa tu hay tụng kinh hàng đêm. Tuy nhiên, số lượng ấy ít hơn nhiều so với số lượng đi chùa vào các ngày sám hối nửa tháng một lần. Thế nhưng, những dịp ấy các chùa hầu như chỉ thực hiện nghi lễ sám hối thuần túy mà không có giảng pháp cho tín đồ. Phật giáo cũng không có cách thức sinh hoạt tu học nhất quán trong cộng đồng Phật giáo. Đó là điểm yếu trong tổ chức Phật giáo.

Để  khắc phục tình trạng giảm số lượng tín đồ dù là không trung thực, Phật giáo cần thực hiện các giải pháp đồng bộ. Một là các chùa phải đồng bộ thuyết giảng giáo lý nhân quả và các giáo pháp khác vào hai kỳ sám hối mỗi tháng. Hai là tín đồ Phật giáo phải có đức tin sâu vào Tam bảo và chân lý nhân quả. Đồng thời, hạn chế những tín đồ nói suông thiếu đức tin, thiếu sự tu học, lập bè phái tách rời Tăng đoàn. Ba là tín đồ phải ý thức và tri ân sâu sắc Đức Phật Thích Ca để không thể quên ngày Đản sanh linh thiêng của Đức Phật. Bốn là tạo động lực cho tín đồ đi chùa tu học, nhất là những vị đã quy y Tam bảo. Năm là làm cho tín đồ thấy được giá trị của sự tu tập bên cạnh những lễ hội mang tính vui chơi tạm thời. Phật giáo sẽ có những bước đi vững chãi nếu thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ. Làm cách nào để có sự thực hiện đồng bộ đang chờ câu giải đáp từ Giáo hội.

Thích Hạnh Chơn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.