Một góc hang động Long Môn, Lạc Dương
Sau khi Phật giáo từ Ấn Độ truyền nhập vào Trung Quốc, quan chức địa phương xây dựng chùa Bạch Mã đầu tiên nên Lạc Dương trở thành thánh địa của Phật học. Hai anh em nhà sáng lập Lý học nổi tiếng của Lạc Dương là Trình Hạo và Trình Di cũng là người Lạc Dương nên nhân sĩ và dân chúng khắp nơi tụ tập về Lạc Dương để học và truyền bá Lý học. Ngoài tư tưởng triết học, Lạc Dương còn là nơi sản sinh ra những nhà phát minh sáng chế nổi tiếng thời xưa, như “nghề làm giấy Thái hầu” do ông tổ Thái Luân, và máy định vị thiên thể, máy đo động đất, máy dự báo khí hậu thời tiết do Trương Hoàng sáng chế, hay xe chỉ nam, xe Thủy long cốt của Mã Câu phát minh đều là những thành công có giá trị của người Lạc Dương.
Trong lĩnh vực nghiên cứu thư tịch cổ xưa người Lạc Dương cũng có những đóng góp nổi tiếng, làm vẻ vang lịch sử văn hoá thời buổi xa xưa, như sự ra đời tác phẩm “Thuyết văn giải tự” của Hứa Thân, “Luận hoành” của Vương Sung, “Hán thư” của Ban Cố, Ban Siêu, và “Tam quốc chí” của Trần Thọ. Đất Lạc Dương cũng là nơi sản sinh ra và nuôi dưỡng các nhà tư tưởng, văn học gia lớn của nhân loại như Tư Mã Thiên, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Đường Huyền Trang, Tư Mã Quang v.v…
Thời Hán - Đường Lạc Dương là một trung tâm Phật giáo lớn của Trung Quốc. Vì vậy “Phật giáo Lạc Dương” là một khái niệm rất phổ biến thời đó. Thời kỳ đầu thời Đông Hán, vua Hán Minh Đế sau khi nằm mộng thấy người thần, đã sai sứ thần sang Ấn Độ “cầu pháp”, và đây được coi là tiêu chí xác định thời điểm chính thức Phật giáo từ Ấn Độ truyền nhập vào Trung Hoa là vào đời Hán. Điều này được ghi chép sớm nhất trong sách “Lý hoặc luận” của Mâu Tử đầu thời Đông Hán: “Vua nằm mộng nhìn thấy người thần” và giải thích rằng: “Xứ Thiên Trúc (tức Ấn Độ) có kẻ đắc đạo, gọi là “Phật” bay vào khoảng hư không, mình phát ra ánh sáng”. Vua Minh Đế “bèn sai Trương Khiên, Vũ Lâm Lang trung cùng 12 người cầu kinh Phật”. “Khi đó ngoài cửa Long Môn ở phía Tây thành Lạc Dương cho xây chùa Phật”.
Đến thời Tây Hán, vua nhà Hán cho người sang Thiên Trúc tìm hiểu Phật giáo và trở về Lạc Dương dịch và in “Kinh Bốn mươi hai chương”. Sử sách còn nói vào năm Vĩnh Bình thứ 7 (tức năm 64), vua sai người đi sứ và 3 năm sau trở về Lạc Dương. Chùa Phật được đổi tên là chùa Bạch Mã (Bạch Mã tự). Dựa vào hai cứ liệu là “dịch kinh” và “chùa Bạch Mã” có thể khẳng định Lạc Dương là một trung tâm Phật giáo lớn mà người có công lớn trong việc truyền bá Phật giáo ở Trung Quốc là vua thời nhà Hán.
Tên “chùa Bạch Mã” xuất hiện tương đối muộn. Theo sách “Ngụy y thư, mục Thích Lão chí”, thì sau khi Thái Âm trở về Lạc Dương đã đặt tên này. Nhưng theo sách “Cao tăng truyện” thì quốc vương ngoại quốc thời xưa, sau khi chùa cũ hư nát, khi xây chùa mới đã lấy tên là “Bạch Mã” (ngựa trắng). Thời Lưỡng Tấn các nơi như Trường An, Tương Dương, Kiến Khang đều có chùa mang tên Bạch Mã, nhưng chùa Bạch Mã ở Lạc Dương là sớm nhất. Từ sau thời Đông Hán, một loạt chùa Bạch Mã xuất hiện đều dựa vào nguyên mẫu chùa ở Lạc Dương.
Năm Gia Bình thứ 2 (250) thời Tào Ngụy một cao tăng Thiên Trúc đến Lạc Dương phiên dịch sách “Tăng kỷ giới tâm”, và mời Phạn tăng làm giới sư, từ đó Trung Quốc mới có giới luật. Theo nghi thức này ở Lạc Dương có một Hán Tăng sát độ đầu tiên đó là Chu Sĩ Hành. Ông cũng là Hán Tăng quyết tâm đến Thiên Trúc để cầu pháp nhưng không thực hiện được mục đích. Năm Thái Khang thứ 3 (282) thời Tây Tấn, ông cho đệ tử mang bản thảo sách Phạn với 90 chương hơn 60 vạn chữ về Lạc Dương. Đến năm 80 tuổi vị cao tăng có công truyền bá Phật giáo nổi tiếng này đã qua đời. Năm Nguyên Khang thứ nhất (291), bộ kinh Phật dịch này có tên gọi là “Phóng quang Niết-bàn kinh”.
Thời Tây Tấn ở Lạc Dương xuất hiện đông đảo Tỳ-kheo-ni Hán tộc, đầu tiên mà tiêu biểu là Tỳ-kheo-ni Trọng Linh Nghi. Vị Ni này lấy giảng pháp làm Phật sự và có 23 phụ nữ theo học và sau đó xuất gia, tu hành ở chùa Trúc Lâm Lạc Dương. Thời kỳ này ở Lạc Dương có 42 chùa Phật. Sau thời Đông Tấn, bốn vị Tăng ở Lạc Dương đã mời vị Tăng người dân tộc Hồ (gọi là Hồ Tăng) kiến lập giới đàn và chính thức thừa nhận chế độ Tỳ-kheo-ni. Năm Thái Hòa thứ 18 (494) thời Bắc Nguỵ, kinh đô từ Bình Thành được dời về Lạc Dương.
Thời Bắc Nguỵ ở trong phạm vi nội thành Lạc Dương có 1.367 chùa Phật, trong đó có một số chùa do vua, hậu phi, quan lại và quý tộc xây dựng. Năm Hi Đình thứ nhất (516), Linh Thái hậu xây chùa Vĩnh Ninh, phòng ở cho các Tăng có hơn một ngàn gian, tòa tháp làm bằng gỗ lên đến 9 tầng, cao 90 trượng.
Không khí lễ hội Phật giáo, vui chơi giải trí và tâm linh ở Lạc Dương rất náo nhiệt, đặc biệt là ngày Phật đản (mùng 8 tháng 4) hàng năm, dân chúng và Tăng chúng ở đô thành cùng hoan hỷ chào đón, cảnh tượng tưng bừng chưa từng có. Chùa tháp, phố phường chong đèn kết hoa rực rỡ. Các chùa chiền, hang động người tập trung đông đảo, trật tự và trang nghiêm làm cho không khí của ngày Phật đản ở kinh thành càng thêm ý nghĩa. Đây cũng là ngày du hành, vui chơi, lễ hội đông vui mà ít có nơi nào có được ngay cả kinh đô Trường An.
Lạc Dương là nơi có nhiều Tăng nhân được đưa sang Thiên Trúc thỉnh kinh và tu nghiệp Phật giáo và khi trở về họ có nhiều đóng góp tích cực trong việc truyền bá đạo Phật ở khắp nơi. Tăng đoàn từ Lạc Dương không ngại khó khăn gian khổ đã đến Thanh Hải, Tân Cương, A Phú Hãn và lưu lại các nơi này trong vòng hai năm để tiếp thu Phật pháp. Năm Chính Quang thứ 3 (522) họ trở về Lạc Dương và mang theo rất nhiều bộ kinh Phật quý báu, trong đó có nhiều bộ kinh Phật Đại thừa mà ở Trung Quốc chưa có. Nhiều người ngoại quốc cũng thường xuyên đến Lạc Dương, có khi số người đông hơn ba ngàn. Nhà vua bố trí cho họ ở chùa Vĩnh Minh. Những người ngoại quốc này có ảnh hưởng nhất định đối với học phái Phật giáo và các tôn giáo khác.
Đến thời Tùy - Đường Phật giáo Lạc Dương không ngừng phát triển và có vị trí quan trọng trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Năm Vũ Đức thứ ba (620), tức sau 2 năm nhà Đường được thiết lập (618), Đường Thái Tông sai con là Lý Thế Dân thảo phạt tướng Vương Thế Sung của nhà Tùy và chùa Trúc Lâm Lạc Dương là nơi hợp đồng tác chiến và nhiều Tăng nhân đã ủng hộ nhà Đường thống nhất đất nước. Năm Cao Tông thượng nguyên thứ 2 (675), sau khi điêu khắc tượng Phật ở Trùng xá Long Môn hoàn thành rất đẹp, hoàng hậu Võ Tắc Thiên đã quyên tiền giúp đỡ. Sau khi Cao Tông (Lý Trị) qua đời, bà Võ Tắc Thiên trở thành nữ hoàng đầu tiên của nhà Đường và quyết định trở về chấp chính tại Lạc Dương.
Vào năm Thiên Thục nguyên niên (690), Tiết Hoài Nghĩa và chín Tăng nhân hoàn thành việc biên soạn “Đại vân kinh” và nói rằng đời trước bà Võ Tắc Thiên đã mơ ước là người kế thừa sự nghiệp vĩ đại của Phật Thích Ca Mâu Ni, và vì để giải cứu chúng sinh ở đời bà đã biến thành nữ thần. Sau khi bà qua đời, dân chúng coi bà như Thánh vương muôn đời bất tử vì Phật giáo.
Bà Võ Tắc Thiên là người có công trạng to lớn trong việc lưu bố “Đại vân kinh” trong thiên hạ. Sau đó, khi triều Chu thiết lập Trường An và Lạc Dương thành hai kinh thành và các châu khác đều xây dựng chùa Đại Vân, chín vị Tăng được phong làm luyện công. Riêng ở Lạc Dương có xây chùa Lập Thụ Kí và có khắc chữ “Kim luân thánh thần hoàng đế”. Ngoài ra chùa còn có khắc 4 chữ “Từ Thị việt cổ”. “Từ Thị” có ý là để chỉ Di Lặc. Từ đó về sau các vị vua thống trị của nhà Đường là hậu duệ của Lý Nhĩ (Lão Tử), người khai sáng ra Đạo giáo.
Năm Chính Thánh nguyên niên (695) sau 25 năm du học ở Thiên Trúc trở về, Tăng nhân Nghĩa Hanh đã mang về những bản kinh Phật bằng tiếng Phạn và nữ hoàng Võ Tắc Thiên đã ra cửa cung ở phía Đông để nghênh tiếp và sắp xếp cho ông ở trong chùa Thụ Ki để dịch kinh Phật từ tiếng Phạn và viết bài tựa. Từ đó những Tăng nhân theo phái Bồ-đề của Thiên Trúc phát triển mạnh và rất nhiều người chịu ảnh hưởng. Các bộ Tăng pháp tạng của Trung Quốc đều được dịch từ các bộ kinh tiếng Phạn lưu hành ở Lạc Dương. Sau khi bản dịch mới “Hoa nghiêm kinh” được ban hành, các bản pháp tạng đều có sự hiệu đính, tu sửa và đều được bà Võ Tắc Thiên xem qua rất cẩn thận. Năm Thánh Lịch thứ 2 (699) bà Võ Tắc Thiên tuyên bố bắt đầu giảng ý nghĩa pháp tạng trong cung.
Loạn An Lộc Sơn nổi lên (755 - 763) tuy chưa đầy 10 năm nhưng trung tâm Phật giáo Lạc Dương bị uy hiếp nghiêm trọng. Quân phiến loạn tàn phá khắp nơi, dân chúng và Tăng nhân chết rất nhiều. Nhà thơ đời Đường là Giả Đảo đã từng ôm hận mà kêu lên rằng: “Không bằng như bò dê, còn được chiều tối trở về”(bất như ngưu dữ dương, do đắc nhật mộ quy).
Nhà thơ vĩ đại Bạch Cư Dị sau hơn 40 năm làm quan cho nhà Đường đã trở về làm bậc tu hành ở núi Hương Sơn Long Môn thuộc Lạc Dương, lập Tăng xá, “đàm thiền vịnh thi” và “du thưởng tiêu nhật” (tiêu khiển vui chơi qua ngày).