Phạm Phú Hải đã lặng thầm sống và trung thành với những điều mà chính anh đã cảm nhận một cách trọn vẹn trong vòng quay sớm tối của kiếp nhân sinh. Tôi là bạn sau cùng trước khi Hải quy tịch, có trong tay tập "Lâm thâm ngâm", bản thảo của Phạm Phú Hải do Hồ Công Khanh cho mượn, và tập "Một hôm núi khóc" do gia đình tặng cùng một số bài trong tập "Gánh nước tưới sông". Cõi thơ của Phạm Phú Hải dễ cảm nhận bằng ý thức chủ quan, nhưng lại khó thấu hiểu qua nội dung ý nghĩa. Cõi thơ ấy đa mang với nhiều từ ngữ ẩn dụ, đa nghĩa, thần bí, đã được thấm sâu vào hồn mạch tác giả bằng những vật liệu kỳ bí. Tôi đã thao thức nhiều đêm với cõi miền thơ đó, để cố tìm cho ra cái gì đã thực sự tác động đến đời sống và mạch thơ của anh bao gồm quá nhiều thể loại khác nhau, từ tứ tuyệt đến lục bát, từ tự do đến thất ngôn bát cú, từ truyền thống đến hiện đại. Anh khai thác nhiều đề tài, nhiều hiện tượng hữu chất và tâm linh. - Tôi đi tôi xách theo tôi Tôi về tôi thả tôi rơi dọc đường - Tôi về chép lại chiêm bao Đốt câu thơ cũ bỏ vào ống xương - Nếu mặt đất này mai kia Vì chiến tranh mà chết hết Hãy gởi lại mây trắng một nụ cười. - Mây kia sẽ rơi mau Rửa sạch những hận thù nhỏ bé. - Hành tiêu muối ớt tỏi gừng Lạy ông ngàn lạy xin đừng giết tôi. Trong thơ Phạm Phú Hải, người ta không tìm ra những định nghĩa cho bất cứ một dòng sinh diệt nào, có lẽ theo anh định nghĩa không phải là một biểu tượng của tâm linh, của những cảm xúc hồi quang phản chiếu, mà định nghĩa chính là sự trói buộc khả năng, động lực sáng tạo. Định nghĩa theo anh chỉ là một bến đò, mà dòng sông nào trên đường ra biển lớn cũng không thể nấn ná dừng lại dù ở đó là chốn trăng thề ước hẹn. Cõi thơ anh như chịu sự xô dạt từ những ước vọng khôn nguôi về một cõi miền uyên viên (tên bài thơ) để hòa vào cái đại thể, cõi thơ đó như một khát khao sang sông, một thúc đẩy lên đường. Những câu thơ hay của anh là kết quả kỳ ngộ, đắm đuối của những trải nghiệm tâm linh. Tôi có đọc bài thơ Bách ngôn tuyệt cú của anh mới hay rằng anh đã thâm thúy đến độ hồn nhiên, như Tagore và Lý Bạch đến khi bạc tóc vẫn có những vần thơ của mùa dậy thì con chữ. Dĩ nhiên, thơ không có những đại lộ cùng chiều cho tất cả mọi thi nhân, thơ chính là số phận, là linh cảm định hướng ngôn ngữ trong mỗi nhà thơ. Thơ Phạm Phú Hải là đường vào thâm u: Phổ Hiền, Phổ Diệu kim hà tại? Tuyết mãn trường thiên hoa mãn chi! (Của một thiền sư…) Đường của thơ là con đường mây trắng mà cũng là con đường của muôn kiếp tái sinh và cũng là con đường của kiếp sống hiện tiền. Phạm Phú Hải đã vận dụng loại ngôn ngữ nào đây? Tất nhiên chúng ta không thể giải đáp bằng một dạng định nghĩa, mà hãy tạm đặt tên cho phạm vi cần quan sát, cảm nhận ngôn ngữ được anh sử dụng. Ngôn ngữ Phạm Phú Hải có nhiều chỗ khó hiểu nhưng không phải là ngôn ngữ độc thoại: anh nói một mình, nói với người khác và nói cả với muông thú. Nhưng xác định ai là đối tượng ngôn ngữ của anh không phải là việc dễ, khó phân biệt giữa độc thoại, song thoại hay hội thoại! Ngôn ngữ phương tiện hay ẩn ngữ vì có điều chưa thể nói, chưa phải cơ duyên hoặc không tiện nói thẳng? (xem bài Phúng điếu). Thơ Phạm Phú Hải hay trong ngôn ngữ sáng tạo, kỳ lạ. Nhưng còn hay ngoài ngôn ngữ nhờ "thặng dư giá trị" (Plus valeur - Francois Ost) của ẩn ngữ tâm linh, vượt lên cao hơn cả giá trị con người thế tục. Cái u tà, cái ngờ ngợ, rù rì, i i trong thơ, cái âm thanh la la, nga nga, phương phương, của nhạc, của gió? Từ trong tâm hay trong rừng? Khó phân biệt, cái miệng của con đường cười hay lòng vui? Tâm linh hướng thượng tạo ra cái đẹp, cái lạ đi vào ngôn từ, tạo ra cảm xúc thặng dư, ngôn ngoại: Sư ở triền non gánh lửa về Tôi tìm tuyệt cốc đốt u mê Gặp nhau mây vẫn là mây trắng Băng tuyết theo nguồn lướt xuống khe. Gần 60 năm tra vấn "một" vấn đề, Bồ Đề Đạt Ma, Ngài là ai? Lão chân râu là ai? Duy Ma Cật hay Tịnh danh nghĩa là thế nào? "Lửa đốt lửa". "Tôi nuốt hết bóng tối" và "Tôi nuốt luôn tôi", những trải nghiệm tâm linh đó được biểu hiện qua thơ, thể hiện qua những âm thanh A bất tận… Chừng đó những khát khao trên đường tìm về cái tôi đích thực đủ để thi sĩ Bùi Giáng có lần đã từng nói: anh là một nhà thơ thiên tài của đất Quảng: Cầu gãy hai bờ xưa tương ngộ Trùng phùng từng hạt cát xôn xao. Khi tôi viết những dòng này thì anh đã là người quá cố trong cuộc sống hôm nay. (Và, vì sao anh đã cạo sạch râu tóc?) nhưng tôi luôn hy vọng những bài thơ của anh sẽ bất tử.