Cái đẹp của tình, cái đẹp của ý cũng vậy. Cho nên xem thơ, nghe thơ cũng giống như đến với một cuộc hòa tấu của ba, bốn nhạc cụ hoặc của hàng trăm nhạc cụ. Sự hòa âm, hòa nhịp đạt thì thành thơ, càng cao thì giá trị thơ càng cao, nói nôm na tức là thơ hay. Thơ hay thì muôn màu muôn vẻ, bao nhiêu câu thơ, bài thơ hay có bấy nhiêu cái hay khác nhau. Cũng như người ta thường nói: “Giống nhau như những giọt nước” nhưng thật ra không giọt nước nào giống giọt nước nào.
Thí dụ:
Mẹ là cô gái truân chuyên
Hai mươi tuổi ngọc vui miền hương quê
Sáng đi buôn, chiều lại về
Ngày ngày hai lượt gót mê phận nghèo.
Là những câu thơ hay về cô gái quê thuần hòa, tần tảo.
Nước nhà gặp thuở can qua
Chiến chinh máu lửa chan hòa lệ dân
Vì tình chung gác tình thân
- Em ơi! Hãy nhớ duyên trần trăm năm.
Thế là biền biệt xa xăm
Bóng người đi tận mù tăm sương ngàn
Tiễn đưa mắt đẫm châu tràn
Mau về, con khóc đợi chàng đó nghen.
Là những câu thơ hay về buổi chia tay, vợ ở lại nuôi con, chồng lên đường làm việc nước.
Nếu trên là những câu thơ hay về nỗi sinh ly thì dưới đây là những câu thơ hay – thật hay – về niềm từ biệt:
Con gái hai mươi thành thiếu phụ
Khóc tình chưa cạn lệ chia ly
Rồi nay lại khóc thân đơn lẻ
Anh hỡi! Sao mà vội sớm đi?
Dòng máu anh còn ở trong em
Từng đêm thương nhớ, tưởng từng đêm
Từng đêm sầu mộng, đêm tình sử
Em đã trao anh trọn nỗi niềm
Bào thai hai tháng em nguyền giữ
Giọt máu tình anh là của em
Rồi mốt rồi kia hoa sẽ nở
Hài nhi là hạnh phúc êm đềm.
Những đoạn thơ hay rất nhiều. Tôi chỉ dẫn vài câu thơ hay làm thí dụ, không thể dẫn nhiều. Nhưng cũng không dừng được, mà phải dẫn thêm mấy vần thơ kỳ lạ diễn tả tình yêu xóa nhòa biên giới tử sinh:
Phảng phất cành lan quế vấn vương
Cha về hôn mẹ ấm hơi sương
Cho con nửa nụ tình hoa nắng
Phảng phất cành lan quế vấn vương.
Trần Quê Hương viết những câu thơ như nói chuyện bình thường vậy – cái hay là ở chất chân tình.
Nhưng có cái hay của ý tứ thâm viễn, uyên áo:
Mật hiển êm đềm xuôi nước bích
Đạo mầu huyền diệu ẩn non Tây
Biết bao giờ gặp tông tôn Thích
Dĩ ấn tâm truyền: - mây gởi mây
Gót nhỏ đường dài không chán nản
Tự vô lượng thọ dựng hình hài
Tự vô lượng nghĩa tìm chân đế
Nhất quán vô thường: - nhặt cành mai
Địa ám triệu năm nào rúng động
Thiên hôn vạn kiếp dễ hề lai
Hư hư, thực thực, minh minh… bóng
Dõi ánh chơn như, ấy Thiện Tài.
Trần Quê Hương làm một cuộc du ký – tôi không biết dùng danh từ này có xúc phạm đến tính chất trang nghiêm của tín ngưỡng hay không? Thực tế thì người đọc được cùng với tác giả làm một cuộc du lịch rất nên thơ; du lịch trong thời gian, trong không gian và trong tâm linh, từ khổ đến lạc, từ một người đến nhân loại.
Mất cha từ trong bào thai, nhà thơ chào đời ở nhà thương Chúa. Sự ra đời của một con người là rất đẹp, những tôi được đọc rất ít lời thơ về sự kiện này và thường chỉ là những lời bóng bẩy, xa xôi, dùng sự ví von để hình dung cái thực trạng. Chưa lần nào tôi được đọc những câu thơ như ở đây:
Rồi một ngày con lớn đòi ra
Là ngày mẹ đau đớn xót xa
Hỡi ơi! Rêm nhức cùng da thịt
Mẹ lại vì con cam chịu mà
Phút giây thầm tưởng cũng qua mau
Con biết không? Lệ mặn tuôn trào
Chết ngất đói giờ cho con mẹ
Lọt lòng ra khỏi bến tình nhau.
Chuyện thật nói ra cảm động xiết bao. Chỉ mẹ đối với con mới được như thế thôi. Phải những câu thơ máu thịt như vậy mới thể hiện được tình mẹ con máu thịt.
Tuổi thơ của nhà thơ là những năm nhân dân ta chống chiến tranh xâm lược. Chiến tranh là một tai ương khủng khiếp của nhân gian. Biết bao nhiêu máu đã đổ, biết bao nhiêu nước mắt đã rơi, biết bao nhiêu dòng mực đã ghi chép mà chưa tương xứng với những gì chiến tranh đã gây ra. Thế nhưng, chỉ hiện lên mơ hồ trong ký ức non nớt của một em thơ, con quỷ chiến tranh lại hiện hình rất rõ với bộ mặt rùng rợn của nó:
Thuở ấy chiến chinh tràn khắp nẻo
Quê nghèo, giặc hủy phá nghèo thêm
Cum cum mồn một vang canh vắng
Xé gió “cành nông” rợn bóng đêm
Con nhớ mang mang trong trí não
Đêm nào cũng có giặc về làng
Đêm thì súng nổ trên đầu xóm
Đêm đánh mõ, thùng… giặc cuối trang
Con nhớ mỗi lần nghe súng, mõ
Đầu đàn ngoại gọi: - Dậy con ơi!
Dậy liền xuống đất chun hầm trốn
Lo lắng nằm run… vái Phật Trời
Con nhớ mỗi lần nghe súng, mõ
Đầu đàn ngoại gọi: - Dậy con ơi!
Tức thì mẹ bế con nằm cạnh
Ôm ấp trong lòng, có mẹ đây
Con nhớ mỗi lần nghe súng, mõ
Đầu đàn ngoại gọi: - Dậy con ơi!
Cả nhà hoảng hốt chui hầm trốn
Niệm Phật chờ mong ánh mặt trời.
Nếu không có ấp ủ ấm áp tình mẹ, tấm lòng bao dung của ngoại, làm sao đứa hài nhi sống sót được qua cái cảnh:
Một, hai, ba, bốn mùa xuân thắm
Tuổi ngọc ngà xinh đẹp nụ cười
Mà nước non yêu tràn khói lửa
Đạn bom tang tóc lệ vơi vơi…
Hòa bình được lập lại. Mầm vui cơ hồ tàn lụi lại đâm chồi, xanh lá trong mọi trái tim. Tôi thấy niềm vui hiện thân trong những vần thơ reo ca:
Hóa biển ngời mưa tạnh mây tan
Đất đen huyền diệu hiện kim hoàn
Không gian còn có ngày xoay chuyển
Trận giặc nào – giặc chẳng thời gian?
Hóa biển ngời thăm thẳm thảm xanh
Đêm trăng sao lóng lánh long lanh
Ngọc bích lưu ly thay lệ máu
Việt Nam cười ngưng dứt chiến tranh.
Những hình ảnh thật đẹp: đất đen huyền diệu kim hoàn, đêm trăng sao lóng lánh long lanh; ngọc bích lưu ly thay lệ máu… Tiếp đó là một khúc ca hòa bình đầm ấm biết bao. Đây là thơ, cũng là nhạc, cũng là ca. Cái điệp ngữ: mừng hòa bình hát reo vang dội láy đi láy lại… mới chỉ đọc lên mà đã thấy cả sự rộn ràng, tấp nập, hồ hởi: mẹ đón con, vợ đón chồng, người thương đón người thương, con đón cha… và cả cuộc sống lại hồi sinh: lúa trổ, chim hót, mẹ ru con, may cho con áo mới, dắt con dạo công viên, thăm mộ người đã khuất… Và hòa bình bảo đảm cho em nhỏ lớn lên, được sống làm người.
Những kỷ niệm thời thơ ấu bao giờ cũng gieo vào lòng người những niềm xúc động. Câu chuyện nồi cơm đổ làm tôi rưng rưng lệ vì thương, vì vui. Nó “thực” làm sao! Sự hồn nhiên của tuổi thơ vốn là nguồn thơ:
Bảy tuổi chưa từng biết nấu cơm
Thế mà thương mẹ, khiến con khôn
(thương mẹ, khiến con khôn! Hay quá!)
Hôm sau nắng xế ngang cành mận
Con lấy nồi vo gạo nấu cơm.
Rồi bếp cao mà em thì thấp, với lên chắt nước cơm, nồi cơm đổ. Thế là cái hy vọng thổi cơm để mẹ chạy chợ về có cơm ăn ngay khỏi đói, cái mộng ấy tan vỡ “cơm đổ như tim con mộng vỡ”. Thật trẻ em mà cũng thật lớn lao! Đúng như tác giả viết:
Kỷ niệm cuộc đời hằng triệu kỷ
Chuyện nồi cơm đổ vẫn hàng đầu!
Ảnh: Nhuận Thường |
Tôi suy nghĩ nhiều về những gì nhà thơ kể lại có liên quan đến thời trứng nước của mình: chiến tranh cha mất khi nằm trong bụng mẹ, chào đời trong nhà thương Chúa, được bà phước đỡ, mẹ ngất xỉu lúc sanh con, những lời châm chọc của những miệng độc ác, những đêm tránh đạn bom, nồi cơm đổ. Phải chăng những sự việc đó đã ghi những vết hằn trong tâm hồn ngây thơ của em nhỏ, xây nền cho một tấm lòng nhân ái sau này, để khi gặp đức từ bi của Phật, thì chàng thanh niên đón ngay lấy như chân lý bao năm tìm kiếm một địa chỉ dày công thăm dò.
Có một sự kiện xảy đến và có thể là sự kiện đưa tới chỗ quẹo trên con đường sau này của nhà thơ. Khi tác giả 13 tuổi thì mất người mẹ hiền.
Trong tập thơ, nhiều nhất là những vần thơ về Mẹ và có nhiều câu đáng kể là những câu thơ hay trong những câu thơ hay nhất về Mẹ. Thời gian Mẹ ngã bệnh rồi qua đời được thuật lại rất cảm động trong ngót 200 câu thơ. Đó là cả một nỗi đau thương nói lên thành lời. Nếu chỉ lấy nguyên những câu thơ viết về Mẹ trong tập thơ, đã có cả một bản trường ca về tình mẫu tử rất rộng, rất sâu của dân tộc Việt Nam:
Cha chết khi tôi còn là máu
Mới tượng hình, trí não chưa gom
Mẹ đùm bọc đảm đương gầy tạo
Mẹ muôn đời phát khởi nguồn thơm
…
Mẹ mãi muôn đời mẹ của con
Dù Nam Hải cạn, Thái Sơn mòn
Trái tim in bóng thời thơ mộng
Tuổi ngọc ngà vương nét lệ son.
“Từ ngày mẹ mất, con thôi học…”, chặng đường mới, chặng đường quan trọng của nhà thơ bắt đầu từ đây:
Không học ở trường, con tự học
Tự tâm, tự tánh, tự tìm cầu
Vì con thầm nhủ trong trời đất
Mỗi kiếp người là hạt ngọc châu
Phải tự lòng mình trau luyện lấy
Tự mình thức tỉnh trước đời mình
Trăm năm hồ dễ ai còn thấy
Sinh giả danh hề, tử giả sinh?
Quá trình tự giác nhi giác tha bắt đầu như vậy. Bắt đầu là bài học của phố phường; những tiệm vàng, tiệm bánh, tiệm giày, tiệm dép… mọi con người ai cũng xinh đẹp và… bà lão ăn mày ngoại lục tuần mù lòa tàn tật, các chị bán hàng rong vất vả, chiếc xe thổ mộ con ngựa ráng kéo…
“Quán người rồi tự vấn thân ta”, người thanh niên lên đường.
Giã từ nhân thế trần gian giả
Năm tháng phiêu bồng thoảng tháng năm.
Từ đây là cuộc đời Khất sĩ.
Gót chân tác giả đã để dấu trên khắp các tỉnh miền Nam, miền Trung, xóm làng, thôn ấp, phố phường: nơi này “con sông nhỏ nước êm đềm”, chốn nọ “bát ngát bao la lúa vượt đồng”, nơi kia “xe cộ rộn rịp chen”, và… những vùng đất đau thương “chinh chiến tiêu điều nhà cửa tan”, “bão lụt dân tình làm đảo điên”. Đây là những trang thơ chứa chan hồn nước, tình người, ý đạo. Suối lệ… máu thơ trào… mười một năm!
Năm tháng dần phai năm tháng cũ
Bụi trần lấm tấm khách phong trần.
Để tìm lời đáp cho câu hỏi từ trăm ngàn kiếp:
Người về từ đâu
Về từ lao xao
Về từ chiêm bao
Hay từ cõi mộng?
Tôi nghĩ rằng lời đáp ấy đã tìm được, khi:
Len lén nhìn
Ca Diếp nở môi.
Ấy là năm thứ 25 vào đời của nhà thơ tác giả.
… Tình ca hai mươi lăm năm nhớ
Làm người bạn đồng hành với tác giả suốt một phần tư thế kỷ, một phần tư đời người, dù là trên đôi cánh lượn của Thơ, người đọc trải qua bao nỗi buồn vui mừng tủi, từ thể xác đến tâm tư chuyển vần trong tĩnh và động, tỉnh và mê liên tục… và quả là đã choàng thức với những câu:
Dậy dậy sáng rồi mau thức dậy
Người ơi hãy dậy sớm hồi quê
Đường xa chớ khá chần chờ mãi
Trễ chuyến đò ngang luống ủ ê.
Hồi quê! Quê nào? Quê của nhà thơ? Quê của mình? Mỗi người có một quê. Nhưng mọi người có một quê chung. Dường như vậy: đó là Cây Tùng.
Tôi thú nhận thấy mình chưa lĩnh hội được tất cả ý nghĩa ẩn hiện trong những dòng thơ của phần này, chỉ có một cảm tưởng rất rõ ràng là một sự trầm lặng từ Thơ đến Tâm, một sự trầm lắng trang nghiêm mà hiền dịu:
Có lẽ như thế chăng!
Tự vô lượng thọ dựng hình hài
Tự vô lượng nghĩa tìm chân đế.
Tìm chân đế thế nào?
Từ phương Đông lạy đến phương Tây
Nghìn dặm xa xôi vẫn miệt mài
Bắc phương quỳ lạy đến phương Nam
Đầu đường, xó chợ, bến đò ghe…
Hội trường, nhà giảng nơi nào có
Bồ-tát thuyết thiền… quỳ lạy nghe.
Cuối cùng phát hiện ra: đạo vốn tại kỳ trung!
Khắp cõi đời người rong kiếm đã
Cuối cùng Tâm ở trước Cây Tùng.
Đúng vậy! Đúng vậy! Phải “thức” bằng “tâm”.
Và tôi bỗng nhiên hiểu ra vì sao từ lúc nhận được tập thơ Suối về Hoa Nghiêm, tôi đọc, thấy có nhiều ý muốn nói lên nhưng viết ra thì không đạt được ý. Sau hết cứ quyết định viết. Viết rồi vẫn không bằng lòng, bỏ đi là hơn. Tôi chợt nghĩ ra vì sao Nguyễn Du sau khi đã viết một áng văn chương trác tuyệt là Đoạn trường tân thanh lại kết thúc bằng lời không xứng đáng chút nào:
Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh.
Để lúc khác than thở:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Thì ra, mặc dù thi hào đã từng nhắc nhủ: chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài, mà vẫn sợ rằng người đọc không đến với mình bằng “chữ tâm”. Và như vậy thì tất cả những tâm huyết của thi hào, diễn ra bằng lời châu ngọc sẽ không hơn những lời quê dông dài và chỉ mua vui được một vài trống canh thôi!
Có những nhà thơ phải đọc bằng tâm. Suối về Hoa Nghiêm trong số ấy.
Tháng 9-1986