Uống nước nhớ nguồn

Đức Pháp chủ dâng hương mặc niệm Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh tại tổ đình Long Quang (H.Hóc Môn, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Toàn/BGN
Đức Pháp chủ dâng hương mặc niệm Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh tại tổ đình Long Quang (H.Hóc Môn, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Toàn/BGN
0:00 / 0:00
0:00

Tại đây, ngài đã có lời huấn thị trước Tăng Ni, Phật tử. Giác Ngộ lược ghi giới thiệu cùng bạn đọc đạo từ ý nghĩa này.

"Là những người kế thừa lịch sử, chúng ta cần phải hiểu rõ Giáo hội bắt nguồn từ đâu.

Phật giáo được truyền vào Việt Nam từ rất sớm, tuy nhiên, trước đây, đất nước ta chỉ trải dài từ Thanh Hóa trở vào. Đến đời nhà Trần, chúng ta tiến tới vùng Thuận Hóa và sang thời nhà Nguyễn, lãnh thổ đất nước mới kéo dài tới miền Nam. Thời nhà Nguyễn cũng là thời kỳ gắn với cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp, Phật giáo cũng chung số phận với dân tộc Việt Nam, nằm dưới ách thống trị của thực dân. Từ duyên cớ đó, tất cả các sĩ phu yêu nước cũng như các nhà tu hành chân chánh cùng gặp nhau, kết hợp một cách nhuần nhuyễn để đưa đất nước chúng ta đến ngày độc lập, thống nhất hôm nay. Và từ sự độc lập, thống nhất đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới ra đời mà chúng ta là người thừa hưởng sự nghiệp của các vị tiền nhân.

Tổ Đạt Thanh là một người vừa có tinh thần cách mạng, vừa có tinh thần mộ đạo rất cao. Cho nên bấy giờ, ngài mới kết hợp với các vị Hòa thượng thực hiện ba lĩnh vực. Lãnh vực thứ nhất do Hòa thượng Khánh Hòa chủ trương. Ngài có nói một câu mà tất cả chúng ta cần phải nhớ và suy nghĩ, đại ý rằng có chùa mà không có Tăng thì cũng như không có, có Tăng mà Tăng thất học lại càng nguy hiểm hơn. Do vậy, ngài hạ quyết tâm mở trường đào tạo Tăng tài. Khi chưa mở trường được thì ngài tổ chức học hạ, tức là năm nay tập hợp ở chùa này để mở trường hạ đào tạo chư Tăng, năm sau lại mở trường hạ khác. Đó là mặt thứ nhất về học hành giáo lý.

Lãnh vực thứ hai do Hòa thượng Đạt Thanh chủ trương. Ngài nghĩ rằng giáo lý của Phật thì rộng mênh mông, ứng dụng được giáo lý vào trong cuộc sống mới là điều quan trọng. Ứng dụng vào trong cuộc sống cụ thể là cái gì nhân dân Việt Nam cần thì Phật giáo Việt Nam phải đáp ứng. Cho cái gì mà người cần chứ không phải cho cái gì mà mình có. Cái mình có mà người không cần thì có cho người cũng không quý được. Giáo lý thì vô biên. Nhiều thầy chuyên học, ra trường làm giảng sư nhưng không có sức thuyết phục, tập hợp quần chúng cũng coi như không thành công.

Do đó, Hòa thượng Đạt Thanh mới mở ra khoa ứng phú đạo tràng. Bởi theo ngài, ứng phú đạo tràng gần gũi với quần chúng hơn, đó là cái ai cũng cần mà mình cần phải tìm cách cho. Đó là lý do Hòa thượng tổ chức đào tạo những người chuyên môn đi vào quần chúng bằng khoa ứng phú đạo tràng.

Chân dung Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh do một họa sĩ người Pháp thực hiện

Chân dung Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh do một họa sĩ người Pháp thực hiện

Ở tại vùng Hóc Môn - Bà Điểm này, chùa Long Quang trở thành trung tâm đào tạo ứng phú đạo tràng mà một trong số đó các vị tham gia mà tôi biết có Hòa thượng Long Huê. Ngài là một trong những học trò nổi tiếng của Hòa thượng Đạt Thanh, thời đó tôi quen gọi là Sư chú “Khách Tràng”. Sư chú có kể cho tôi rằng mình vừa ứng phú đạo tràng, vừa đi cúng, nhưng phải làm sao đưa những bài cúng này vào lòng người được và đưa vào lòng người tinh thần yêu nước lại là điều quan trọng hơn.

Các thầy theo ứng phú đạo tràng hồi đó còn vừa đi cúng còn vừa luyện võ. Đó là điều đặc biệt. Luyện võ vừa để phòng thân và khi gặp cường hào ác bá, các ngài cũng sẵn sàng xả thân, đó chính là tinh thần cách mạng. Hòa thượng Đạt Thanh có kết hợp với cách mạng ở khu vực Mười tám thôn Vườn Trầu nên mới phải chịu lưu đày ra Côn Đảo.

Trong lúc đó, trong số những người học trò của Hòa thượng Đạt Thanh có Hòa thượng Long Thiền. Hòa thượng Long Thiền phát triển mọi thứ mạnh thêm bước nữa. Ngài tổ chức ứng phú đạo tràng kèm theo hát bội. Ai muốn cúng thì vô chùa cúng, người nào muốn xem hát thì ra trước sân có tổ chức xem hát. Bằng mọi cách để tập hợp được quần chúng. Đó là điều tôi được nghe và hôm nay nói lại cho các vị để hiểu được khó khăn của các vị tiền nhân. Cách này không được thì có cách khác.

Đó là hướng đi của Phật giáo vào lòng người. Trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng sống được, tu được và hành Bồ-tát đạo được. Đó chính là ý hướng của Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh mà khi ngài còn sanh tiền, tôi từng có dịp được nghe ngài chỉ dạy.

Đến khi tổ chức giới đàn ở chùa Linh Nguyên, Hòa thượng Đạt Thanh được cung thỉnh chứng minh và tôi có may mắn được làm thị giả cho ngài. Tôi cũng thọ Sa-di ở giới đàn này, cho nên sự gắn kết của tôi với tổ đình Linh Nguyên cũng từ duyên do đó. Trong khi làm thị giả cho Hòa thượng, ngài có nói với tôi một điều mà tôi muốn nhắc lại với các huynh đệ, đó là khi nào Giáo hội cần, khi nào mọi người cần thì ta sẵn lòng làm. Nhưng khi có tranh chấp thì chúng ta không có. Đây là tâm nguyện rất đặc biệt. Làm thì hết lòng xả thân và khi thành công rồi thì sẵn sàng xả bỏ nếu người khác muốn làm. Đó cũng là lý do mà ngài thoái vị Pháp chủ Giáo hội Tăng-già Nam Việt.

Ngài là Pháp chủ lâm thời của Giáo hội Tăng-già Nam Việt, là người sáng lập Giáo hội. Nhưng khi ngài lập Giáo hội Tăng-già Nam Việt xong rồi, đại diện cho miền Nam ra Huế, gặp các Hòa thượng ở Huế mà đứng đầu là Hòa thượng Tịnh Khiết để bàn cách thống nhất Tăng-già cả nước và ra Bắc gặp Hòa thượng Mật Ứng. Ba Hòa thượng mới thống nhất với nhau thành lập Giáo hội Tăng-già toàn quốc.

Khi thành lập Giáo hội Tăng-già toàn quốc xong, cả ba vị này đều không nhận ngôi Pháp chủ. Vị nào cũng hết sức khiêm nhường. Cũng do đó, Giáo hội Tăng-già toàn quốc không có Pháp chủ mà chỉ có thỉnh một vị tôn trưởng làm Thượng thủ. Đó là bài học lớn để chúng ta nhìn vào trong việc xây dựng Giáo hội của chúng ta, rút ra từ đức khiêm tốn của các ngài.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng huấn thị chư Tăng Ni tại lễ tưởng niệm 50 năm Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh viên tịch, tổ chức tại tổ đình Long Quang - Ảnh: Bảo Toàn/BGN
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng huấn thị chư Tăng Ni tại lễ tưởng niệm 50 năm Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh viên tịch, tổ chức tại tổ đình Long Quang - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Khi trở về miền Nam, nhận thấy nhiều người muốn có sự thay đổi, Hòa thượng đã thoái vị Pháp chủ. Từ bài học đó, khi làm việc, chúng ta phải quan sát xung quanh xem đại chúng muốn ai làm. Đại chúng muốn ta làm thì ta làm, nếu đại chúng không muốn ta làm thì ra sẵn lòng rời đi. Lúc đó, Phật giáo miền Nam có hai phái là Cổ truyền và Tân học.

Trong khuynh hướng phát triển thời bấy giờ thì phái Tân học mạnh hơn, vì vậy Hòa thượng Đạt Thanh thoái vị và Hòa thượng Huệ Quang lên làm Pháp chủ. Hòa thượng Huệ Quang là một người chuyên dạy học và những vị xuất phát từ Lưỡng Xuyên Phật học là những người đứng đầu, vì vậy ngài được thỉnh lên làm Pháp chủ và Hòa thượng Đạt Thanh thoái vị. Câu chuyện này tôi được nghe chính Hòa thượng Đạt Thanh kể lại. Các huynh đệ cần nhớ kỹ rằng khi nào cần thì mình hết lòng, khi nào không cần thì nhẹ gót ra đi.

Hòa thượng Đạt Thanh là người sáng lập chùa Giác Ngộ, tuy nhiên khi ngài thoái vị Pháp chủ thì ông đội Hữu, người cúng đất xây chùa có ý rằng ông cúng mảnh đất này cho Giáo hội Tăng-già để làm chùa chứ không cúng cho cá nhân Hòa thượng Đạt Thanh. Ngay lập tức, Hòa thượng đã trả lại chùa Giác Ngộ cho Giáo hội Tăng-già.

Trở về ngôi chùa cũ thì mọi thứ đã hư hoại, phải xây dựng lại. Chính khi Hòa thượng Đạt Thanh trở về bắt tay xây dựng lại chùa Long Quang thì Hòa thượng Long Thiền là người đã đứng ra vận động xây dựng lại ngôi chùa này.

Ngày nay, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải hỗ trợ tôn tạo ngôi chùa này trở thành di tích lịch sử. Chúng ta không cần xây dựng to lớn nhưng cần thêm một vài hạng mục để nơi đây xứng đáng trở thành di tích lịch sử ghi dấu một vị thầy có công lớn với Phật giáo miền Nam, ghi dấu một nơi đã góp phần trùng hưng cho Phật giáo miền Nam mà chúng ta cần duy trì và phát triển".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.