Bởi lẽ, chúng con biết rằng sinh ra làm thân người đã là rất khó, được nghe Phật pháp lại càng hiếm hoi, và hy hữu hơn nữa là đầy đủ phước duyên, từ bé đã gặp Sư cụ, Sư ông và sống trong vòng tay bảo bọc của quý ngài - những bậc minh sư dẫn lối cho chúng con trên con đường kế thừa và tiếp nối mạng mạch của Thiền tông Việt Nam.
Ngẫm lại một chút về nhân duyên thành lập La Vân Tuệ Uyển, ban đầu chỉ có vỏn vẹn bốn chú điệu thôi. Sư cụ không cho Sư ông nhận nuôi, vì sợ rằng các huynh đệ còn quá nhỏ, khó có thể chịu và theo được quy chế, thời khóa của viện. Nhưng sau, vì lòng từ bi, thương những ánh mắt hồn nhiên, ngây ngô nhưng có tâm tu và ham ở chùa, Sư cụ cũng mềm lòng chấp nhận cho Sư ông nhận nuôi mấy huynh đệ nhưng không cho ở chung với chúng mà có nơi sinh hoạt và thời khóa riêng.
Sư cụ đặt tên là “La Vân Tuệ Uyển”. Một lần Sư cụ hỏi: “Mấy chú có biết ý nghĩa của hai chữ La Vân là gì không?”. Huynh đệ nhanh nhảu thưa Sư cụ: “Mô Phật, Sư cụ! La Vân là tên của Tôn giả La Hầu La ạ!”. Sư cụ cười rồi dạy chúng con: “Tôn giả La Hầu La là Mật hạnh Đệ nhất. Các con được xưng tên của Tôn giả thì cũng phải học và hành như hạnh của Tôn giả. Còn nhỏ tuổi, nhưng khi Đức Phật dạy điều gì thì Tôn giả đều nghe và thực hành theo”.
Lời nói của Sư cụ vô cùng giản dị và thân thuộc, nhưng đó là một trong những bài học đầu tiên và khắc sâu trong tâm hồn các chú điệu La Vân từ thuở ấy. Không ai sống mà không mắc phải lỗi lầm, nhất là lứa tuổi hồn nhiên trẻ thơ chưa biết chi về cuộc đời, nhưng quan trọng nhất là phải biết sửa chữa, không được dễ duôi và tự khắc, tự hứa cố gắng thay đổi, tu học theo những gì Sư cụ đã tận tâm chỉ dạy.
Chúng con nhớ mỗi dịp Sư cụ từ thiền viện Trúc Lâm về thăm Thường Chiếu, huynh đệ chúng con cũng được tham gia vào đội ngũ “hàng chào danh dự” đón Sư cụ cùng Sư ông và đại chúng. Chúng con được ưu tiên xếp thành hai hàng đứng tiên phong, háo hức mặc chiếc hậu vàng trang nghiêm như màu nắng sớm, trong lòng chỉ mong chờ thấy được bóng dáng hiền từ của Sư cụ. Vừa thấy Sư cụ thấp thoáng từ xa là chúng con cùng nhau la lớn: “Mô Phật! Chúng con kính chào Sư cụ!” rồi cùng nhau nối bước theo sau, đứa nắm tay, người níu áo. Lần nào cũng thế nên câu hét này nghiễm nhiên trở thành khẩu hiệu của chúng điệu La Vân.
Khi xếp hàng ăn cơm đi ngang qua thất Sư cụ, hay mỗi lần Sư cụ xuống La Vân thăm, chúng con đều đồng thanh la câu khẩu hiệu này rân trời. Mỗi lần như vậy, Sư cụ đều vui vẻ cười và hay bảo tụi con: “Mấy chú không phải tiểu La Vân mà là tiểu “La Rân”!”. Những ngày này, khi sám hối về, chúng con được phép vào thất Sư cụ để đảnh lễ, cùng nhau hát cho Sư cụ nghe những bài mà chúng con tâm đắc. Khi đảnh lễ, đứa nào cũng muốn nhìn thấy Sư cụ nên tranh nhau chen lên trước, đến khi lạy xuống thì chật ních, đầu đập xuống nền nhà kêu lộp cộp.
Sư cụ thường hỏi chúng con:“ Các con có học giỏi không? Các con có nghe lời quý thầy không? Có thương yêu, giúp đỡ nhau không?..”, chúng con đều mạnh mẽ đồng thanh trả lời “Mô Phật! Thưa Sư cụ, có ạ!”. Nhưng đến câu này thì chẳng ai còn mạnh dạn trả lời: “Các con có đánh nhau không?”. Câu hỏi này lần nào Sư cụ cũng nhắc đi nhắc lại và dặn dò chúng con kỹ lưỡng.
Chắc có lẽ Sư cụ thấy chúng con còn nhỏ tuổi, chưa biết cách dùng ngôn từ diễn đạt, chỉ biết dùng tay chân để bày tỏ tình huynh nghĩa đệ, nên mới nhắc đi nhắc lại như thế. Những lời chỉ dạy của Người, chúng con sẽ mãi không bao giờ quên được: “Mấy con phải nghe lời Sư ông chỉ dạy, ngoan hiền, huynh đệ phải sống hòa hợp, thương yêu với nhau. Không có được đánh nhau, đánh nhau là côn đồ. Người tu thì không được đánh nhau!”, hay như “Các con chỉ cần im lặng, ngay ngắn, trang nghiêm xếp hàng đến trai đường thọ trai, hay là lên chánh điện tụng kinh là đã tu rồi”.
Đại diện Tăng sinh Trường Thiền Trúc Lâm dâng lời khánh chúc nhân lễ khánh tuế bách thọ của Sư cụ - Ảnh: Tư liệu TC |
Thời gian trôi, các chú điệu hồn nhiên, ngây ngô thuở ấy, giờ đây đã là những thiền sinh đang tu học trong Trường Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Không còn nhút nhát, e dè như trước mà nay đã khẳng khái, tin chắc vào pháp môn mà Sư cụ đã dày công phục hưng, tiếp nối. Càng ngày chúng con càng cảm thấu được lòng thương và kỳ vọng của Sư cụ, Sư ông đối với chúng con, cũng như trách nhiệm của chính mình đối với Tông môn và Thầy Tổ.
Từ “Mật hạnh” Sư cụ đã dạy từ lâu, nhưng chúng con đến tận bây giờ mới nhận ra rằng, Mật hạnh không phải là cố làm một hạnh gì đó bí mật, cao xa, mà chỉ cần bình lặng, an nhiên, khép mình vào quy chế, hòa kính với huynh đệ, sống đời thiền tăng bình thường, giản dị, tu học theo lời Sư cụ và Sư ông, đó mới là Mật hạnh đệ nhất.
Quãng đời làm điệu ấy giống như đi qua một cơn mưa to, dù cho bị ướt sạch hết nhưng ai cũng muốn tắm lại thêm lần nữa. Dẫu biết rằng “quá khứ bất khả đắc”, nhưng chúng con vẫn muốn một lần trở về những tháng ngày…; một lần lại được cùng đi dạo với Sư cụ, một lần xếp hàng ngang qua thất, được Người cho từng chiếc bánh, cái kẹo; một lần được quây quần bên võng, nghe Sư cụ kể chuyện đạo lý; một lần lại được cùng nhau hát cho Sư cụ nghe… Chúng con mai này dù có lớn đến đâu, nhưng với Sư cụ, cũng chỉ là những chú tiểu nhỏ ngây thơ ngày nào. Lòng tôn kính của chúng con đối với Sư cụ từ trước đến nay chưa từng thay đổi như ánh mắt từ bi, bao dung của Người nhìn đàn hậu học chúng con.
Một mùa xuân nữa lại về, đây cũng là dịp hàng con cháu chúng con được mừng ngày bách tuế của Sư cụ. Nhưng mùa xuân kia chỉ là mùa xuân của đất trời, là sự chuyển biến đổi thay của vòng vô thường sanh diệt. Đối với chúng con, những lần được nhìn thấy Sư cụ, được quỳ dưới chân Sư cụ, những ngày còn ở trong pháp hội của Sư cụ, Sư ông, đó mới là những ngày xuân thật sự.
Chúng con chỉ biết kính ngưỡng mong trên Tam bảo hằng gia hộ cho Sư cụ cùng Sư ông được thật nhiều sức khỏe, mãi trụ thế nơi cõi đời này, là nơi nương tựa của Tông môn, là hình ảnh quy hướng của toàn thể Tăng Ni, Phật tử. Chúng con nguyện hứa sẽ cố gắng, nỗ lực tu học để mai này tiếp nối mạng mạch Thiền tông Việt Nam và không phụ tấm lòng kỳ vọng, mong đợi của Sư cụ, Sư ông đối với những chồi xanh La Vân được ươm mầm trong khu vườn trí tuệ.