Ước vọng đầu năm của người Phật tử

 Ảnh: Thế Phong
Ảnh: Thế Phong
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Với nhiều Phật tử trong và cả ngoài TP.HCM, được tham gia Pháp hội Dược Sư đầu năm Giáp Thìn - 2024 tại Việt Nam Quốc Tự là điều thiêng liêng, là ước vọng đầu năm và là hạnh phúc lớn lao khi Xuân về.

Niềm hỷ lạc của Phật tử

Cô Hoa Đạo vui mừng khi được tiếp tục tham gia Pháp hội Dược Sư - Ảnh: H.Ý
Cô Hoa Đạo vui mừng khi được tiếp tục tham gia Pháp hội Dược Sư - Ảnh: H.Ý

Trong ngày khai mạc Pháp hội Dược Sư, cô Hoa Đạo, 77 tuổi, từ nước ngoài trở về Việt Nam ăn Tết chia sẻ với phóng viên Giác Ngộ: “Năm nay cô về Việt Nam tham gia kịp Pháp hội. Ngày 25 tháng Chạp là cô về đến Việt Nam rồi, mừng và vui rất nhiều. Tuổi này đâu có niềm vui gì hơn”. Trong những ngày diễn ra Pháp hội, suốt 3 thời kinh và các buổi giảng pháp, cô Hoa Đạo đều có mặt tham gia cùng đại chúng. Có lúc đến trễ, hội trường hết chỗ ngồi, chỉ cần tìm được cho mình một vị trí để tụng kinh, với cô đó đã là hạnh phúc rất lớn.

Với nhiều Phật tử lớn tuổi, có lẽ Pháp hội Dược Sư là sự kiện mà được trông chờ nhất trong mùa xuân. Không chỉ vui xuân, đây còn là dịp để mọi người dành thời gian lễ Phật, phát tâm tu tập để kiến tạo năng lượng an lành chia sẻ đến gia đình, quê hương, đồng bào, nhân loại khắp mọi nơi.

Lần đầu tiên được tham dự Pháp hội Dược Sư, cô Quảng Phước, 76 tuổi, quê ở Đà Nẵng cho biết: “Không biết diễn tả sao cho hết niềm phấn khởi, vui tươi trong lúc này, chỉ có thể nói là tôi rất sung sướng khi được cùng đại chúng tu học trong những ngày này, trong không gian thanh tịnh và lòng người đầy hoan hỷ, ai cũng hướng đến điều thiện, điều lành. Năng lượng lành này có lẽ tôi chỉ tìm thấy ở đây mà thôi”. Cũng như bao Phật tử khác, cô Quảng Phước mong muốn và ao ước năm sau lại tiếp tục được tham dự Pháp hội, được sống trong niềm vui hỷ lạc nơi cửa thiền vào những ngày đầu xuân năm mới.

Cô Hoa Đức (ngồi ghế) do chân bị đau khớp nên chọn một góc xa để không ảnh hưởng đến đại chúng - Ảnh: N.Danh
Cô Hoa Đức (ngồi ghế) do chân bị đau khớp nên chọn một góc xa để không ảnh hưởng đến đại chúng - Ảnh: N.Danh

Chọn một góc ngồi phía cuối giảng đường để tham dự Pháp hội Dược Sư, cô Hoa Đức (69 tuổi, Q.Bình Thạnh) cho biết do chân bị khớp, rất đau, không thể ngồi nghiêm trang trong đàn tràng được, nên cô chọn ngồi sau để không làm ảnh hưởng đến hội chúng. Cô Hoa Đức chia sẻ: “Được tham dự Pháp hội Dược Sư đầu năm, tôi thấy rất phấn khởi, nhẹ nhàng. Dù mang bệnh của thân, nhưng tôi luôn ý thức mình phải tự tu tự chuyển hóa cho chính mình”.

Người trẻ đến chùa

Từ sáng sớm, còn hơn 60 phút khóa tu mới bắt đầu nhưng hai em Phạm Quỳnh Nga, Phạm Quỳnh Anh đều sinh năm 2011 (Q.10) đã có mặt tại hội trường. Trong thời kinh hay khoảng thời gian thính pháp, cả hai bạn đều thành kính, trang nghiêm tham dự. Sau khóa lễ kinh Dược Sư, phóng viên Báo Giác Ngộ đã có buổi trò chuyện ngắn và được nghe những chia sẻ từ hai bạn trẻ: “Do mẹ bận bán hàng, nên khi có lễ là hai chị em sẽ tự rủ nhau đi đến chùa đọc kinh. Chúng em đi đọc kinh để hồi hướng cho bà nội và cầu an cho mẹ. Hồi trước bà nội em rất thích đi đến Việt Nam Quốc Tự tụng kinh, rất thích nghe pháp, nhưng bây giờ bà em mất rồi, nên tụi em tiếp nối”.

Phạm Quỳnh Nga, Phạm Quỳnh Anh chăm chú đọc kinh Dược Sư - Ảnh: N.Danh
Phạm Quỳnh Nga, Phạm Quỳnh Anh chăm chú đọc kinh Dược Sư - Ảnh: N.Danh

Quỳnh Anh và Quỳnh Nga kể, ở nhà hai chị em cũng đọc kinh và rất thích những câu chuyện kể trong các kinh, thuộc lòng 12 lời nguyện của Phật Dược Sư mặc dù chưa hiểu tường tận. Nhưng tại Pháp hội Dược Sư, được nghe chư tôn đức chia sẻ, thuyết pháp, hai bạn hiểu được nhiều hơn. Càng thấu hiểu lời kinh, hai chị em của Quỳnh Anh đều mong muốn cho bố mẹ và mọi người có sức khỏe, được nhiều an vui trong năm mới. Trong suy nghĩ của hai bạn trẻ, bình an là cội phúc lớn nhất của người Phật tử và không mong cầu điều gì nhiều hơn.

Nhà ở tận Hóc Môn, để tham dự Pháp hội Dược Sư, chị Khanh và con trai Nguyễn Minh Nhựt (sinh năm 2002) phải đi từ 5 giờ sáng để đến Việt Nam Quốc Tự, ở lại cả ngày để tham dự tất cả các thời khóa thuyết giảng bởi chư tôn đức và trì tụng kinh cùng đại chúng. Cả hai mẹ con đến chùa để cùng tu học, cùng tìm cho nhau năng lượng bình an và hơn hết là cùng đại chúng cầu nguyện cho người xung quanh mình.

Được may mắn tham dự Pháp hội Dược Sư là niềm hạnh phúc của hai mẹ con chị Khanh và em Nguyễn Minh Nhựt - Ảnh: N.Danh
Được may mắn tham dự Pháp hội Dược Sư là niềm hạnh phúc của hai mẹ con chị Khanh và em Nguyễn Minh Nhựt - Ảnh: N.Danh

Minh Nhựt bày tỏ: “Em rất xúc động với lời khai thị của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng về bổn nguyện của Đức Phật Dược Sư, ý nghĩa lớn lao của việc kiến lập Pháp hội Dược Sư tại Việt Nam Quốc Tự để được thành tựu đó là làm sao cho thân khẩu ý mình trong sạch thanh tịnh thì đàn tràng mới có kết quả. Khi đọc tụng kinh Dược Sư, suy nghĩ về 12 đại nguyện của Đức Phật Dược Sư và phát tâm tu, thực hành đúng giáo pháp Phật dạy trong cuộc sống, chắc chắn tất cả đệ tử Phật đều tiếp nhận được Phật lực gia bị, đều thoát khỏi khổ đau, đều được thăng hoa phước đức, trí tuệ. Em đã ghi âm lại và học thuộc lời dạy này”.

Lần đầu tham dự Pháp hội Dược Sư đầu năm tại Việt Nam Quốc Tự, Sư cô Thích nữ Phước Định (chùa Vạn Phước, Q.Bình Tân) chia sẻ cảm nhận được rất nhiều niềm hoan hỷ, nhiều cung bậc cảm xúc. “Vì trong Pháp hội có chư Tăng Ni và Phật tử rất đông, vị nào cũng thanh tịnh trang nghiêm trong từng câu kinh, tiếng kệ cầu bình an đến mọi người, tạo nên một năng lượng an lành rất mạnh mẽ, rất an lạc. Mong rằng khi tham dự Pháp hội nghe những thời pháp của chư tôn đức và đọc tụng kinh Dược Sư, mỗi người sẽ biết cách quay về bên trong mình, cảm nhận những pháp vị trong kinh Dược Sư để mình thực hành, để đem lại an lạc cho mình trong đời sống hàng ngày, và mang niềm bình an đến muôn nơi”, Sư cô Thích nữ Phước Định chia sẻ.

Pháp hội Dược Sư tại Việt Nam Quốc Tự diễn ra trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh từ mùng 6 đến mùng 8 Tết Giáp Thìn
Pháp hội Dược Sư tại Việt Nam Quốc Tự diễn ra trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh từ mùng 6 đến mùng 8 Tết Giáp Thìn

“Hàng năm, tại đạo tràng Việt Nam Quốc Tự, tiếp nối truyền thống cao đẹp của Đại lão Hòa thượng Pháp chủ GHPGVN Thích Trí Quảng đã khai mở, chư Tăng trong Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM thành kính khai đàn Dược Sư cầu cho mưa thuận gió hòa, đất nước bình yên, và cầu nguyện cho đồng bào Phật tử, những người có cảm tình với đạo Phật, cũng như đồng bào các giới được sống an lành trong ánh từ quang của Đức Phật.

Từ ngày mùng 6 đến mùng 8 Tết, Pháp hội Dược Sư diễn ra trong không khí trang nghiêm thanh tịnh, đó là nhờ công đức hộ trì của Đại lão Hòa thượng chứng minh, chư tôn đức Tăng Ni, cũng như sự hiện diện của quý đạo hữu Phật tử xa gần đã dành thời gian về đây cùng nhau tu học. Tất cả công đức có được xin hồi hướng Tam bảo chứng minh, gia hộ cho chư tôn đức có sức khỏe, luôn được an lành trong Chánh pháp, cũng hồi hướng công đức đến quý đạo hữu Phật tử xa gần cùng gia quyến luôn được hạnh phúc an vui và trường thọ.

Đàn tràng Dược Sư sẽ được tiếp tục trì niệm suốt tháng Giêng vào buổi tối lúc 18 giờ, vì vậy quý Phật tử hãy dành thời gian, giữ thân tâm thanh tịnh, để cùng về đạo tràng tu tập. Chính năng lượng thanh tịnh mỗi người chúng ta chế tác ra được trong từng phút giây hiện tại là thắng dược, là diệu dược. Nhờ ba nghiệp thanh tịnh sẽ đưa đến khả năng chuyển hóa những bệnh tật, chuyển hóa những đau khổ vẫn còn tồn đọng trong cuộc sống.

Trên tinh thần cao quý, tất cả những lễ nghi Phật giáo đều mang một nội dung sâu sắc để cùng mời gọi mọi người về cùng nhau tu tập, chính công đức tu tập mới giúp chúng ta đối trị nghiệp lực khi nó đến.

Kính nguyện Tam bảo gia ân cho đất nước bình yên, nhân dân an lạc, đạo hữu Phật tử luôn được hạnh phúc trong tâm tư, an lạc trong đời sống, thành tựu trong việc làm, hòa bình trong xã hội”.

Hòa thượng Thích Lệ Trang

Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.