Ước mơ và hiện thực

NSGN - Lý tưởng của Đức Di Lặc là cứu khổ ban vui, luôn hướng nhân loại đến một tương lai tuyệt đẹp...

Di Lặc là mùa xuân

Theo truyền thống văn hóa Việt Nam, Trung Quốc hay các nước Á Đông, Tết Nguyên Đán cụ thể là ngày mùng Một tháng Giêng âm lịch, là  ngày vía của Đức Di Lặc đản sinh. Thế nên, trong  ngày Di Lặc  hạ sinh, con người cầu phước cầu an, mong phúc lộc đầy nhà, gia trạch yên vui, con cháu sum vầy hạnh phúc, lo buồn gác lại, mong được tự tại an nhiên trong cuộc sống. 

anh cong wee.jpg

Ngày mùng Một tháng Giêng âm lịch, là  ngày vía của Đức Di Lặc đản sinh

Mùa xuân luôn gắn liền với đức hạnh từ bi và trí tuệ của vị Bồ-tát có hiệu là Di Lặc - theo  các kinh như Trường bộ và Trung bộ, là vị Phật đương lai sẽ thị hiện ở cõi Ta-bà này. Nhân loại trông chờ  Di Lặc xuất hiện với ý nghĩa như tên gọi - Từ Thị, là lòng từ bi rộng lớn, đem đến nguồn hạnh phúc cho chúng sanh. Danh từ Di Lặc được phiên âm ra nhiều ngôn ngữ với những tên gọi khác nhau như: Maidari (Mông Cổ), Jhampa (Tây Tạng) Di Lặc hay Milo (Trung Hoa), Miryek (Triều Tiên), Miroku (Nhật Bản)... Tất cả những từ này đều là phiên âm của chữ Maitreya (Pali: Metteyya) trong tiếng sanskrit.

Chữ Maitreya bắt nguồn từ gốc Maitri có nghĩa là sự bao dung, lòng từ ái, sự êm dịu. Đây được xem là tâm đầu tiên trong Tứ vô lượng tâm. Trong Phật giáo chữ Từ còn có nghĩa là ước vọng, mong muốn cho mọi sinh linh được sống an lành, hạnh phúc. Tâm từ được tỏa ra từ công năng quán chiếu, tu tập thiền định và thường được xem là một nguồn lực to lớn trong vũ trụ. Kinh điển thường mô tả lòng từ của Đức Phật luôn toát ra từ kim thân của Ngài.

Kinh Thí dụ thì dạy rằng lòng từ có diệu dụng chuyển hóa và trị liệu những tâm thức bệnh hoạn và yếu đuối của chúng sinh. Hạnh nguyện của Đức Di Lặc là biến thế gian đau khổ và đầy tội ác thành cảnh sống an lạc; biến thế giới hổn loạn thành thế giới đại đồng; biến thế gian ô trược thành cõi Tịnh Độ. Lý tưởng của Đức Di Lặc là cứu khổ ban vui, luôn hướng nhân loại đến một tương lai tuyệt đẹp, xây dựng nếp sống hạnh phúc chân thật. Vì lẽ đó, mùa xuân được mang tên là Xuân Di Lặc là tâm nguyện chung của mọi người.  

Nếu như người Ấn tín ngưỡng Đức Di lặc không chỉ bằng niềm tin mà còn bằng ký ức về một nhân vật có thật trong lịch sử, ngài Matreya (có sách cho rằng ngài là thầy truyền thụ Duy thức học cho ngài Vô Trước), thì ở Trung Quốc, người ta đã tiến tới hình tượng hóa nhân vật theo văn hóa Trung Hoa, dựa trên hành trạng của một nhà sư thời Ngũ Đại (907 - 959) tên là Khế Thử, thường được dân gian gọi là Hòa thượng Túi Vải - Bố Đại Hòa thượng- theo sự tích được chép lại trong Cảnh Đức truyền đăng lục: Quê ở Minh Châu, huyện Phụng Hóa, trong vùng Chiết Giang ngày nay.

Việc đưa hình ảnh nhà sư có nguồn gốc bản địa vào đời sống tín ngưỡng cộng đồng là một sáng tạo hay đúng hơn “chuyển hóa” tín ngưỡng theo văn hóa người Hán. Qua đó, Di Lặc được mô tả bằng hình tượng một vị sư béo tròn, mặc áo hở ngực đưa cái bụng to tròn ra bên ngoài, tay trái cầm xâu chuỗi ngắn, tay phải xách túi càn khôn, chân không dép, miệng nở nụ cười. Tượng được tạc trong nhiều tư thế đi, đứng, nằm, ngồi với nhiều hình mẫu khác nhau nhưng đều toát lên vẻ rạng rỡ, vui tươi và bình dị. Như thế, Di Lặc hóa thân Bố Đại Hòa thượng, xuất hiện như một Thiền Tăng cuồng ngạo và vui tươi như ước mơ nhân loại về một đời sống thanh bình với những tiếng cười ròn rã.

Đức Phật Di Lặc trong trí tưởng tượng của mọi người là Đức Phật hoan hỷ, hình ảnh này toát lên niềm hạnh phúc và sự may mắn, rất phù hợp cho biểu tượng mùa xuân.  

Đường Minh Châu Phụng Hóa huyện Khế Thử truyện có chép lại rằng: Sự xuất hiện của vị Hòa thượng thường mang túi vải dạo khắp thiên hạ, người đời quen gọi là Bố Đại Hòa thượng. …  Vị Tăng nhân kỳ lạ này, miệng  thường nở nụ cười, bụng rất to, nói năng hoạt bát, đi tới đâu lấy đất làm nhà ngủ nghỉ. Ngài đi đây đó vô định, tùy chốn mà an, có lúc vùi thân trong tuyết mà ngủ, tuyết không bám vào thân, sống đời rất tiêu diêu tự tại. Thuở  ấy có người cư sĩ họ Trần hỏi Ngài rằng: Hòa thượng có Pháp hiệu là gì? Ngài liền đáp rằng:

Ngã hữu nhất bố đại, hư không vô quái ngại

Đã khai biến thập phương, nhập thời quán tự tại.”

(Ta chỉ có túi vải, như hư không vô ngại

Mở ra trùm khắp mười phương, nhập vào thấy tự tại).

 Người thời bấy giờ gọi là "Trường Đinh Tử Bố Đại sư", tức là "ông sư túi vải cây đinh dài". 

Nhất bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

Thanh mục đỗ nhơn thiểu

Vấn lộ bạch vân đầu

 (Một  bát cơm ngàn nhà

Thân côi muôn dặm xa

Mắt xanh nào ai có

Hỏi đường mây trắng qua)

Đời Lương, niên hiệu Trinh Minh thứ hai, năm Bính Tý, tháng Ba, khi sắp thị tịch, Ngài có nói bài kệ:  

Di lặc chân Di lặc

Phân thân thiên bách ức

Thời thời thị thời nhơn

Thời nhơn tự bất thức

(Di lặc thiệt Di lặc

Hóa thân trăm nghìn ức

Thường hiện cho người đời

Người đời không ai biết).

Nói kệ xong, Ngài yên lành mà tịch. Theo kinh, Đức Phật Di Lặc là vị Phật thứ năm trong Hiền kiếp (Bốn vị Phật trong Hiền kiếp đã ra đời đó là: Đức Câu Lưu Tôn, Đức Câu Na Hàm, Đức Ca Diếp và cuối cùng là Đức Thích Ca Mâu Ni) để nối tiếp Phật Thích Ca, ra đời mà giáo hóa chúng sanh. Nhưng số kiếp chưa đến, Ngài còn ở trên cung trời Đâu Suất, thường hay hóa thân trong mười phương thế giới mà thuyết pháp độ sanh.

Ứơc mơ có thật của con người

Vì sao con người lại luôn mơ ước đến mùa xuân Di Lặc? Phải chăng vì trong cuộc sống bộn bề những khó khăn vật chất, căng thẳng tinh thần, xã hội còn nhiều bất ổn…, người ta mơ về một thời đại lý tưởng, nơi chỉ có bác ái và bình đẳng, nơi tình yêu đâm hoa kết trái nhân ái?

Như lời kinh xưa còn vọng:

 Khi ấy, các đại chúng, dứt chướng trừ nghi hoặc, siêu việt dòng sinh tử, hay tu hạnh trong sạch. Khi ấy, các đại chúng, lìa nhiễm xả của báu, không lòng ngã, ngã sở, hay tu hạnh trong sạch. Khi ấy, các đại chúng hủy phá lưới tham ái, trọn vẹn lòng vắng lặng, hay tu hạnh trong sạch.

Từ Thị thiên nhân tôn, thương xót loài hữu tình, hẹn sống sáu muôn tuổi, nói pháp độ quần sanh, hóa đạo trăm nghìn ức, khiến qua biển phiền não, có duyên được chẩn tế, mới vào Niết-bàn.

Từ Thị đại bi tôn, vào Niết-bàn về sau, Chánh pháp trụ thế gian, cũng đủ sáu muôn năm, nếu ở trong pháp ta, thâm tâm tin chịu được, ngày hạ sanh sau này, được thờ Đại Bi Tôn.

Nếu có người thông tuệ, nghe nói việc như thế, ai lại chẳng vui mừng, nguyện gặp Đức Từ Bi. Nếu cần người giải thoát, trông gặp hội Long Hoa, thường cúng dường Tam bảo, siêng năng đừng phóng dật."

Khi ấy, Đức Thế Tôn vì Xá Lợi Tử, đại chúng, thọ ký việc Từ Thị đương lai hạ sanh rồi, lại kêu Xá Lợi Tử dùng diệu âm nói rằng:

"Nếu có người thiện nam, thiện nữ nào, nghe pháp này rồi thọ trì đọc tụng và giảng nói cho kẻ khác nghe, y như lời của ta mà tu hành, dùng hương hoa cúng dường, hoặc chép kinh này mà lưu bố, thì những người ấy sau này ắt được gặp Đức Từ Thị hạ sanh, và ở trong ba hội mà nhờ phần cứu độ." (kinh Di Lặc hạ sanh thành Phật)

Đối với kẻ trí người ngu, người giàu kẻ nghèo, người sang kẻ hèn, Ngài đều có tâm bình đẳng không chấp trước. Hình ảnh Bố Đại qua mẫu tượng Ngài ngồi cười tự tại có sáu trẻ con trèo lên trên thân mình đùa giỡn rất hồn nhiên khiến ta cảm thấy gần gũi. Hình ảnh một ông lão bụng phệ, nét mặt tươi cười trẻ thơ, có các em bé leo trèo trên vai trên cổ… tượng trưng cho những giác quan và các đối tượng của giác quan. Với người thường, chúng là những kẻ khuấy động, chọc phá tạo cho con người biết bao phiền não khổ đau…

“Phật Di Lặc trẻ trung tươi mát vì ngài đã đạt đến bản tâm của mình, đó cũng là bản tâm của vũ trụ, muôn loài tự do đối với các giác quan. Ngài tự do chơi đua vời trần thế hay để trần thế chơi đùa nơi ngài mà chẳng dinh mắc chút gì… Đây là một hình ảnh biểu trưng cho sự tự do giải thoát an vui của đạo Phật. Đã hết rồi Khổ, Tập, Diệt, Đạo, đã hết rồi sanh-lão-bệnh-tử, chỉ còn sự tự do lồng lộng, tình thương bao la… Kinh Đại bát Niết-bàn có chương Anh nhi hạnh, tức là hạnh bé thơ, hạnh trẻ thơ… Cội nguồn an vui và trẻ trung bất tử này chính là Phật tánh mỗi chúng sanh đều có…” (Nguyễn Thế Đăng –Hạnh trẻ thơ).

Hiện thực hóa mùa xuân Di Lặc

Thực ra thuyết Di Lặc hạ sanh cũng có điểm tích cực, giúp con người nuôi ước mơ, nhưng phải đến hàng tỷ năm nữa thế giới mới thấy Hội Long Hoa. Chúng ta thấy nỗi khát khao của con người về hạnh phúc là vô tận khi chiến tranh, bệnh tật, môi trường ô nhiễm khiến tính mạng con người lơ lửng trước lưỡi hái vô tri của sự hủy diệt. Sống là đếm từng ngày qua trong thống thiết, với bao điêu linh và nỗi cô đơn vây quanh khiến con người bơ vơ cần một điểm tựa tâm linh như một chốn quay về  để an trụ tâm hồn trước gió bão cuộc đời đầy oán thù giết hại nhau đủ kiểu. Đầu năm chúng ta ai cũng chúc nhau một năm hạnh phúc. Chúc hạnh phúc mà rồi phiền muộn không tan thì chỉ là chúc suông thôi nếu không thực hiện một phương tiện cứu độ đó là hành trì lòng từ, là tình thương yêu và sự cảm thông nhau trong hiện tại. Ý nguyện được sinh lên cung trời Đâu Suất hay được dự trong hội Long Hoa như trong kinh điển khi Di Lặc hạ thế tại nhân gian cũng là những mục đích của những tín ngưỡng khác như Cao Đài hay Phật giáo Hòa Hảo. Nhưng cũng chính vì vậy mà Phật giáo cho rằng, chúng ta phải tìm thấy Niết-bàn ngay trong cõi thế này.

Bài kệ 18 ( kinh Pháp cú - phẩm Nê Hoàn)

Chư khổ pháp dĩ tận                     

Hành diệt trạm nhiên an              

Tỷ khưu ngô dĩ tri                      

Vô phục chư nhập địa                  

(Nếu khổ đau đã hết và các hành đã diệt

Thì hạnh phúc sẽ có mặt một cách lặng lẽ và sẽ có bình an

Này các vị Tỳ-kheo, tôi đã thực chứng điều này

Cho nên tôi không cần phải tìm đi vào một cõi nào nữa).

Quan điểm này có mâu thuẫn với những quan điểm phổ biến từ trước đến nay về Đức Di Lặc chăng? Thật ra, xét đến tận cùng, không có gì mâu thuẫn cả vì chúng ta thấy Di Lặc vẫn rất gần gũi, dù thời đại của Ngài còn cách xa hàng tỷ năm theo những luận giải trong kinh sách.

 Ở Nam bộ, nhiều bậc cha mẹ, khi ẵm con nhỏ đến chùa, có thể đặt con mình trên bụng, trên chân hay tay của tượng Di Lặc mà không hề cảm thấy đó là việc làm xúc phạm hay thiếu chuẩn mực bởi vì trong tâm thức của họ, Di Lặc là biểu tượng của hoan hỷ. Nhưng cũng không chỉ là hoan hỷ mà còn là lòng nhân hậu, tính khoan dung, độ lượngsự gần gũi. “Ngài ở trong hiện tại. Ngài ở trong lòng chúng ta để làm gì? Từ đầu thế kỷ thứ VI, Lương Hoàng sám đã nói: để cho chúng ta năng lương từ bi mà sống hòa hợp với nhau trong xã hội, mà làm “bồ-đề quyến thuộc” với nhau, mà chân thành xin lỗi và tha thứ cho nhau trong chính xã hội mà chúng ta đang sống. (Cao Huy Thuần - Lời giới thiệu Bồ-tát Di Lặc – Đức Phật đương lai). Với tâm nguyện sáng ngời, Đức Di Lặc đã đến với đời bằng tâm từ vô lượng, bằng tình thương đại đồng với mong ước rằng những nguồn sống hạnh phúc, những tình thương dạt dào, những tư tưởng thanh cao sẽ đến với mọi chúng sinh. Nhân loại hy vọng ở Ngài  về một viên cảnh an lạc trong tương lai. Trong kinh Nhất Dạ hiền giả Đức Phật đã khuyên chúng đệ tử hãy sống và an trú trong hiện tại. Con người chỉ thật sự sống khi sống với những cái gì đang hiện hữu và trôi chảy trong dòng thời gian hiện tại, không thể lo lắng băn khoăn với quá khứ và ảo ảnh mù mịt của tương lai, theo lời  Đức Phật dạy: “Quá khứ không truy tìm, vị lai không ước vọng, chỉ có hiện tại”. Quá khứ và vị lai không cần biết đến, chỉ cần thực hiện một việc lành ngay trong thời hiện tại thì quá khứ và tương lai là hạnh phúc. Tập sống buông xả, không còn chấp thủ và tham ái.

Đối mặt với thực tại là đối mặt với muôn trùng khó khăn thử thách trong cuộc sống nhưng nếu chúng ta  biết quán chiếu và an trú vào hiện tại trong tâm thức không vọng tưởng, chấp trước, tham ái thì thời khắc quá khứ và tương lai dung thông và hiển hiện trọn vẹn trong từng khoảnh khắc của hiện tại... Chúng ta sẽ thấy Đức Từ Thị hiện lên trong chúng ta khi từng sát-na hiện tại mình đều quán niệm:

Ai muốn sinh lên

Đâu Suất nội viện

Thì hãy thực hành

Từ bi bất hại

Bất hại có hai

Một là nói rộng

Bất hại có nghĩa

Tương quan sinh tồn

Giúp nhau mà sống

Chứ không chủ trương

Sinh tồn cạnh tranh

Giành nhau mà còn

Hai là nói hẹp

Bất hại có nghĩa

Không hề sát sinh

Không hề sử dụng

Khí giới vũ khí

Ngay trong Pháp cú

Bất hại được Phật

Đưa lên ngang hàng

Với PHẬT-PHÁP-TĂNG.

(HT. Thích Trí Quang  - Lời tụng tôn kính Đức Phật đương lai )

Chúng ta liên tưởng đến bài kệ trong kinh Pháp cú

Bài kệ 2

Bất sát vi nhân

Thận ngôn thủ tâm

Thị xứ bất tử

Sở thích vô hoạn.

(Hành trì giới bất sát, đó chính là bản chất của từ bi, hành trì ngay trong lời nói thận trọng của mình và trong tâm ý chánh niệm của mình, do đó luôn luôn được cư trú trong thế giới bất tử và đi đâu cũng không gặp tai ương hoạn nạn).

Thế giới bình yên khi tâm con người bình yên. “Tâm bình, thế giới bình”. Di Lặc hiện thế khi lòng ta hoan hỷ, bao dung, từ ái, chia sẻ và cảm thông nhau. Nói như Thiền sư Nhất Hạnh:

“Hạnh phúc nằm ngay nơi mỗi khoảnh khắc: đó là bài học hiện đại quý giá nhất mà Phật giáo đem đến cho người Tây phương. Bây giờ thì tôi hiểu: mỗi người chúng ta đều có một sức dự trữ tâm linh mà ta không ngờ bởi vì chưa bao giờ sử dụng. Tôi sẽ trở lui lại điểm này - cuộc hành trình của ta tìm ta để chữa bệnh cho chính ta và chữa bệnh cho thời đại.”( Rong chơi trời phương ngoại)

Vâng, không chỉ cho người Tây phương mà cho toàn nhân loại khi mải theo đuổi ước mơ về một Niết-bàn sau khi qua đời hay về một thời đại Di Lặc ở hàng tỷ năm chưa đến. Tại sao chúng ta không tự cùng nhau kiến tạo mùa xuân trong tâm thức mỗi người để thấy cuộc đời đáng yêu và đáng sống biết bao khi Di Lặc vẫn ở trong ta, quanh ta, hiện thể và hộ trì ta theo những thiện ý, thiện nghiệp mà ta đang thực hiện trong từng giây phút tồn tại trên mặt đất này. Lời kinh xưa vẫn còn nguyên giá trị nhắc nhở ta.

Chiều sâu của triết lý Phật giáo không chỉ nằm ở khía cạnh nhân bản, đạo đức hay tín ngưỡng mà còn ở sự minh triết mà chúng ta cần thấu triệt và hành trì với tất cả sự tinh tấn và nhẫn nhục để vượt qua những rào cản định kiến về những ý thức hệ hay định kiến của mọi thứ  triết thuyết duy X hay duy Y… mà con người tự dựng lên, đào sâu hố ngăn cách và là nguồn cội của chiến tranh, oán thù, chia rẽ…

Hãy mở rộng tâm hồn hân hoan đón chào Xuân Di Lặc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.