GN - Là một nhà báo chuyên viết về nông nghiệp, những năm gần đây tôi được tham dự rất nhiều hội thảo về sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Ấn tượng bất ngờ, tại một hội thảo quốc tế Canh tác lúa giảm phát thải và thích ứng với BĐKH do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đối tác hỗ trợ ngành nông nghiệp (ISG) tổ chức vào cuối năm 2015, Ban Tổ chức phát cho mỗi đại biểu một cuốn sách tựa đề “Cuộc cách mạng một - cọng - rơm”.
Sở dĩ ngạc nhiên là bởi cuốn sách này không đề cập đến những kỹ thuật canh tác hiện đại, mà đầy ắp những tư tưởng thiền, minh triết Phật giáo được chiếu rọi vào nông nghiệp.
Nông nghiệp vô vi giúp cây trồng phát huy sức sống tự thân, hay nói theo
nhà Phật là phát huy diệu dụng của Phật tánh vốn có trong mỗi chúng sinh - Ảnh minh họa
Cảnh giới vô vi trong nông nghiệp
Tác giả của cuốn sách là ông Masanobu Fukuoka, một nhà nông người Nhật Bản, được coi là đã đạt đến cảnh giới vô vi trong nông nghiệp. “Cuộc cách mạng một - cọng - rơm” đã được dịch ra 25 thứ tiếng mang bút pháp giống như “Pháp bảo đàn kinh” của Lục tổ Thiền tông Huệ Năng, không hướng người đọc theo tư tưởng và quan niệm của người viết sách mà hướng người đọc vào chính bản thân họ trong mối quan hệ tương tác với môi trường sinh ra và nuôi dưỡng họ.
Các nhà Phật học coi phương pháp canh tác của ông Fukuoka là Thiền trong nông nghiệp, là sự ứng dụng Phật pháp trong nông nghiệp. Nông nghiệp vô vi giúp cây trồng phát huy sức sống tự thân, hay nói theo nhà Phật là phát huy diệu dụng của Phật tánh vốn có trong mỗi chúng sinh.
Đọc cuốn sách, ta sẽ hiểu vì sao trong những khu rừng tự nhiên cây cối vẫn phát triển xanh tốt cùng với thú hoang và côn trùng mà không cần ai chăm sóc, không cần đến thuốc thú y hay thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi chúng ta trồng trọt chăn nuôi lại phải cày xới đất đai và xả vào đó không biết bao nhiêu là hóa chất. Rất nhiều kỹ thuật canh tác tưởng như là hiện đại thực ra là trái tự nhiên, dẫn đến sản xuất ra những loại lương thực mất an toàn thực phẩm do nhiễm độc hóa chất, đồng thời năng suất bấp bênh.
Cuốn sách giúp nhận ra rằng, những tri thức mà lâu nay chúng ta được trang bị không phải để sống thuận với thiên nhiên mà để chống lại thiên nhiên. Những tri thức đó khiến cho đầu óc chúng ta bị mê chấp, không nghĩ rằng tạo hóa chỉ cho phép mỗi loài được nhận phần dành cho chúng để duy trì một sự sống cân bằng, nếu lạm dụng lập tức sẽ bị trả giá. Bệnh tật chính là lời cảnh báo đầu tiên, là sự phản ứng của cơ thể trước sự ăn ở trái với tự nhiên của con người.
Sự trải nghiệm của ông Fukuoka cho thấy rau quả trồng bằng kỹ thuật canh tác hiện đại có thể ăn được nhưng không có tác dụng phòng ngừa bệnh tật. Còn rau quả mọc tự nhiên hoặc trồng trong một môi trường tiệm cận với tự nhiên thì vừa là thức ăn vừa là những vị thuốc.
Theo ông Fukuoka, trên những cánh đồng cách đây 30 năm về trước, chuồn chuồn, bướm bay nhộn nhịp, ong mật vù vù bay từ hoa này sang hoa khác. Vạch lá cây ra sẽ thấy nhện, ếch, thằn lằn và nhiều con vật nhỏ khác đang hối hả ngược xuôi trong bóng mát. Chuột chũi và giun đất thì đào hang dưới đất. Đó là đồng lúa cân bằng sinh thái.
Thế nhưng ngày nay, cỏ được dọn sạch bằng thuốc diệt cỏ, những động vật sống dưới đất và côn trùng, sâu bệnh bị diệt bằng thuốc độc. Đất mất sạch chất hữu cơ và các vi sinh vật do sử dụng phân hóa học. Những cánh đồng lúa được trồng cấy đã hàng nghìn năm qua, nay bị tàn phá bởi cách thức làm nông tận thu của một thế hệ. Vì lòng tham muốn tăng cao vọt năng suất, mà người ta sử dụng các biện pháp gây kiệt quệ đất đai, bòn rút hết các dưỡng chất thiết yếu của đất, hậu quả là mỗi năm đất lại thêm cằn cỗi và ô nhiễm môi trường.
Nông dân không biết rằng, cỏ có vai trò trong việc tạo ra sự màu mỡ cho đất và trong sự cân bằng của quần thể sinh vật, vì vậy cần phải kiểm soát cỏ chứ không phải là loại bỏ bằng thuốc diệt cỏ. Nếu hạt giống được gieo trong khi cây vụ trước vẫn đang chín dần trên đồng thì những hạt giống này sẽ nảy mầm trước cỏ dại. Phải tính toán thời gian gieo hạt sao cho không có khoảng trống giữa các mùa vụ kế tiếp nhau, điều đó sẽ khiến cho cây trồng tự chiến thắng cỏ dại.
Côn trùng gây hại và các loại bệnh trên cây luôn hiện hữu, nhưng trong tự nhiên chúng không diễn ra đến mức phải dùng tới các hóa chất độc hại. Những con “sâu hại” đều có kẻ thù tự nhiên như ong, ếch, rắn… Nhưng chính việc phun các chất hóa học để diệt trừ sâu bệnh, cũng đã tiêu diệt luôn các loài thiên địch, khiến sâu bệnh càng phát triển mạnh ở vụ sau. Nếu nông dân ngừng sử dụng các “giống cải tiến” yếu đuối, dừng việc bón phân đạm cho đất, giảm lượng nước tưới để cho bộ rễ phát triển khỏe mạnh thì tất cả các bệnh cây trồng sẽ được khống chế, và việc phun xịt hóa chất sẽ trở nên không cần thiết.
Nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu
Ngày nay, nông nghiệp cũng được coi là một trong những “thủ phạm” gây BĐKH, vì phát thải nhiều khí nhà kính. Ở Việt Nam, riêng ngành lúa gạo phát thải 27,8 triệu tấn khí CO2 mỗi năm, chiếm 67% tổng lượng phát thải của toàn ngành nông nghiệp nước ta.
Ông Ngô Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, nông dân bón phân hóa học quá mức, khiến 60% lượng phân đạm không được cây trồng hấp thu, tồn dư làm suy thoái đất. Không chỉ lãng phí, bón đạm nhiều còn làm chua hóa đất, ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm và nông sản; làm tăng phát thải các khí chưa nitơ (NH3 và N2O), trong đó N2O là khí nhà kính có sức làm nóng gấp 310 lần so với CO2. Tình trạng lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật rất trầm trọng, đang gây ra mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe và gây nên những bệnh mãn tính. Tập quán đốt rơm rạ không chỉ gây phát thải khí CO2 lớn, mà còn tiêu diệt thiên địch, ảnh hưởng đến hệ sinh thái đất.
Hiện nhiều tổ chức quốc tế đang hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam triển khai nhiều dự án sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH. Nhiều kỹ thuật canh tác mới đã được chuyển giao cho nông dân như: phân nén dúi cho lúa, thâm canh lúa bền vững SRI, làm đất tối thiểu và che phủ đất, trồng các giống lúa chịu mặn, rau chịu nhiệt… Trong các mô hình, đã thay đổi tư duy, lối canh tác gây suy thoái môi trường bằng việc áp dụng công nghệ sinh học, nhất là sử dụng chế phẩm sinh học nhằm tăng năng suất và bảo vệ cây trồng, vật nuôi, tạo môi trường sinh thái.
Đặc biệt sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang trở thành phong trào phát triển mạnh. Ở các mô hình này, nông dân không còn bón phân hóa học cho cây trồng, chỉ sử dụng phân hữu cơ đã qua xử lý phù hợp và một loạt các biện pháp tự nhiên và sinh học để duy trì và nâng cao độ phì của đất. Nhờ vậy, đã giúp cây lúa cứng cáp, làm giảm thiểu mức độ tác hại của sâu bệnh. Nông dân trồng lúa hữu cơ không còn phun thuốc trừ sâu hóa chất kiểm soát dịch hại, mà thay bằng áp dụng các giải pháp trồng đúng thời vụ, kết hợp né rầy.
Ngoài ra, nuôi và thả vịt trong ruộng lúa để chúng ăn các loại dịch hại lúa như ốc bươu vàng, sâu, rầy các loại. Nông dân trồng lúa hữu cơ không sử dụng thuốc trừ cỏ hóa học, thay vào đó là luân canh, san lấp mặt bằng, quản lý nước và làm đất phù hợp là những cách chính để kiểm soát cỏ dại.
Tác giả bên mô hình trồng mướp hữu cơ, không sử dụng phân hóa học
và thuốc hóa học nhưng cho nhiều quả và không bị dịch bệnh - Ảnh: TGCC
Thạc sĩ Phạm Hoàng Ngân, cán bộ điều phối Dự án“Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp” (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý) cho biết, thời gian gần đây dự án có tham gia hỗ trợ một số mô trình trồng lúa hữu cơ. Cũng là một Phật tử, nên chị nhận ra rằng, lồng ghép kiến thức Phật pháp vào canh tác hữu cơ đem lại hiệu quả không ngờ, bởi có nhiều sự tương đồng về quan niệm, tri thức. Chẳng hạn, Phật giáo chủ trương không sát sinh, không tiêu diệt các loài sinh vật, cho dù đó là sinh vật gây hại.
Thực tế nhiều năm qua, nông dân dùng thuốc hóa học để diệt trừ sâu bệnh, nhưng đưa đến hậu quả là sâu bệnh biến đổi tạo ra những loài kháng thuốc trừ sâu, khiến dịch hại mỗi ngày càng nguy hiểm hơn. Giờ đây, thay vì dùng thuốc hóa học để diệt rầy nâu, thì nông dân đã áp dụng kỹ thuật “gieo sạ né rầy”, được Cục Bảo vệ thực vật công nhận là tiến bộ kỹ thuật mới. Gây dựng lại hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, bằng việc thúc đẩy sự hồi sinh của nhiều loài sinh vật cho đồng ruộng như ong, chuồn chuồn, chim chóc, bướm, ếch, rắn… cũng đang là hướng đi của trồng lúa hữu cơ.
Mới đây khi chúng tôi đem chuyện sản xuất nông nghiệp hữu cơ để kể với một vị thầy, thì được thầy chia rằng những suy nghĩ đó cũng tương đồng với quan niệm Phật giáo, qua truyền thống canh tác trong nhà chùa.
Làm nông trong nhà chùa không chỉ để tự túc lương thực, mà còn giúp Tăng Ni rèn luyện thân thể, lại vừa là pháp môn tu tập - “nông thiền”, khi chúng ta đặt hết tâm vào công việc, chăm sóc cây trồng như chăm sóc tâm mình, thì chắc chắn chất lượng của nó sẽ được nâng cao từng ngày, không lạm dụng các hóa chất gây hại vì sản lượng mà để lại nhiều di hại nghiêm trọng cho môi trường, cho bản thân và cho người tiêu dùng.