UNESCO kêu gọi hành động khẩn cấp để bảo tồn Di sản Lumbini

Lumbini, được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1997, là một địa điểm hành hương quan trọng đối với hàng triệu Phật tử trên toàn thế giới
Lumbini, được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1997, là một địa điểm hành hương quan trọng đối với hàng triệu Phật tử trên toàn thế giới
GNO - Vào ngày 25-7, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã đưa ra một quyết định quan trọng liên quan đến Lumbini, nơi đản sinh của Đức Phật theo truyền thống Phật giáo.

Dù đã có những lo ngại về tình trạng xuống cấp của địa điểm này, UNESCO quyết định không đưa Lumbini vào danh sách các di sản thế giới có nguy cơ tuyệt chủng, thay vào đó cho phép chính quyền Nepal có thêm thời gian để thực hiện các biện pháp khôi phục và tu bổ cần thiết đối với địa điểm này.

Lumbini, được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1997, là một địa điểm hành hương quan trọng đối với hàng triệu Phật tử trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của UNESCO, tình trạng của địa điểm này đã trở nên đáng báo động đến mức một số ý kiến đề xuất đưa nó vào danh sách di sản có nguy cơ tuyệt chủng. Danh sách này không phải là một hình phạt, mà nhằm mục đích huy động sự hỗ trợ quốc tế để bảo tồn các di sản văn hóa quan trọng. Tuy nhiên, nếu không có những cải thiện và tu bổ cần thiết thì việc xóa tên khỏi danh sách các di sản thế giới của UNESCO là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra.

Trong những năm gần đây, Lumbini đã phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, bao gồm sự xuống cấp của các khu vườn và đền đài, cơ sở hạ tầng yếu kém, suy thoái môi trường và thiếu kinh phí cho các hoạt động bảo tồn. Đặc biệt, ngôi đền Mayadevi, nơi đánh dấu sự kiện Thái tử Siddhartha Gautama đản sinh, cùng các khu vườn cổ và các cội linh thiêng đều đang trong tình trạng cần được bảo trì và bảo vệ khẩn cấp.

Quyết định của UNESCO đã đặt Chính phủ Nepal vào tình thế phải thực hiện những biện pháp quyết đoán để bảo tồn Lumbini. Điều này đòi hỏi phải có kế hoạch toàn diện từ việc sửa chữa các cấu trúc lịch sử, tăng cường phát triển cơ sở vật chất cho du khách, đến việc thực hiện các biện pháp bảo tồn bền vững. Cộng đồng quốc tế, bao gồm các tổ chức Phật giáo và các nhóm bảo tồn di sản nên chung tay hỗ trợ trong những nỗ lực này.

Tin mới

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.