TV Trúc Lâm Hàm Rồng trên vùng đất thiêng Thanh Hóa (*)

Thiền Viện Trúc Lâm (TVTL) Hàm Rồng tại núi Hàm Rồng, phường Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa vừa được tổ chức đặt đá xây dựng có diện tích 9ha. Với vị trí trên đồi cao, bên bờ sông Mã, TVTL Hàm Rồng sẽ tạo cho Thanh Hóa một nét nhẹ nhàng, thanh thản, một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn.

truclam.jpg

Thanh Hóa còn gọi là xứ Thanh, là vùng đất địa linh nhân kiệt, đã cống hiến cho đất nước bao anh tài kiệt xuất được ghi trong lịch sử nước nhà với các vua, chúa, và danh nhân như: Lê Hoàn, Triệu Trinh Nương, Lê Lợi, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ, và ngày nay là nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Thanh Hóa có những vùng đất anh linh như: Lư Sơn, Bà Dinh, nổi tiếng với đỉnh Ngàn Nưa (Bà Triệu), Lam Kinh (nhà Lê), thành nhà Hồ, lũy Đào Duy Từ, Bồng Báo (chúa Trịnh), Gia Miếu (chúa Nguyễn).

Xét về mặt văn hóa, thành phố Thanh Hóa là nơi tập trung nhiều di tích, có hơn 20 di tích cấp quốc gia và hơn 30 di tích cấp tỉnh. Khu vực núi Hàm Rồng có làng Đông Sơn nơi phát hiện trống đồng Đông Sơn (năm 1929), nền văn hóa Đông Sơn đã có cách đây gần 3.000 năm. Trong hang Mắt Rồng có nhiều bài thơ khắc vào vách núi như thơ Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Lê Hiển Tông. Ngày nay, cầu Hàm Rồng vừa là một thắng cảnh vừa là một di tích lịch sử ghi lại chiến công hiển hách của quân và dân ta.

Xét về hình thể, thành phố Thanh Hóa có núi Hàm Rồng (Long Hàm) liên tiếp uyển chuyển, xa xa trông như con rồng chín khúc, cuối dãy có ngọn núi cao trông như đầu con rồng. Núi Hàm Rồng (Sơn Long) với dòng sông Mã (Thủy Long) giao nhau, nếu nhìn từ phương Bắc, toàn cảnh trông giống như đầu rồng đang hút nước sông Mã. Trên cao có động Long Quang, động có 2 cửa ăn thông, trông giống như 2 mắt rồng nên gọi là long nhãn. Dưới núi có tảng đá lởm chởm trông như hàm rồng đang hút nước sông Mã.. Núi sát bờ sông có mỏm đá nhô ra như mũi rồng, nên gọi là Long Tị. Bên kia sông có chỏm núi trông như viên ngọc nên gọi là núi Hỏa Châu, từ xa trông giống như rồng đang vờn ngọc (Long Hý Châu).

Xét về dân số và chùa chiền, Thanh Hóa chỉ đứng sau thủ đô Hà Nội. Ngày nay Thanh Hóa có hơn 3 triệu dân, xưa kia có hơn 500 ngôi chùa, nên có thể nói đất Thanh Hóa một thời thấm nhuần Phật pháp. Trong thời gian chiến tranh, đình chùa bị tiêu hủy, vắng bóng nhà sư, đến thời kỳ mở cửa hội nhập chùa chiền được từng bước trùng tu tôn tạo lại, song song đó thì ngoại đạo tà giáo cũng du nhập vào xứ Thanh làm mê hoặc lòng dân…

Hôm nay Thanh Hóa làm lễ đặt đá xây dựng TVTL Hàm Rồng, góp phần tôn tạo danh thắng núi Hàm Rồng trở thành một danh lam thắng tích, một nơi du lịch văn hóa tâm linh, góp phần xây dựng kinh tế cho địa phương nói riêng và cho đất nước nói chung. TVTL - Hàm Rồng còn là nơi khôi phục lại dòng thiền của dân tộc, do Phật hoàng Trần Nhân Tông khai sáng. Ngài là một vị vua anh minh đã lãnh đạo quân và dân 2 lần đánh thắng đế quốc Nguyên Mông, một đế quốc hùng mạnh nhất thời bấy giờ, nhân dân tán thán biết ơn, thế giới ca tụng Ngài. Đến năm 35 tuổi là tuổi thanh niên, trai tráng sung sức, ham hưởng thụ ngũ dục, ham chức quyền, thì Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái thượng hoàng (cố vấn), đến năm 41 tuổi, khi vua Trần Anh Tông thạo việc trị nước, Ngài vào núi Yên Tử tu. Sau khi ngộ đạo, Ngài đi khắp nơi trong nước dạy dân tu Thập thiện, dẹp bỏ những dâm từ. Ngài đi tu không phải vì yếm thế chán đời hay để cầu nhàn. Ngài đi tu là vì nước thương dân còn mê muội, là để xây dựng nền đức lý cho dân, dạy dân cách sống để được an lạc hạnh phúc ngay trong hiện đời, chứ không mong cầu ở kiếp sau, hay ở cõi nào xa xôi. Đối với người tu Thiền, Ngài dạy "phản quan tự kỷ" - soi rọi lại tâm mình, để buông bỏ mọi vọng tình đảo điên. Vì Phật khác với chúng sinh là ở cái tâm - Tâm chúng sinh thì tham sân si, phiền não, vui buồn thương ghét đảo điên suốt ngày, tâm Phật thì an lạc, thanh tịnh, thường biết rõ ràng. Người tu là người thực hành làm Phật, suốt ngày thường nhận biết mọi vọng niệm khởi lên để buông bỏ, chuyển hóa, đưa nó trở về trạng thái thanh tịnh, an lạc. Giây phút nào tâm được thanh tịnh, an lạc, rõ biết, thì giây phút đó mình đang là Phật.

Đối với người tu Tịnh độ, Ngài dạy:

"Tịnh độ là lòng trong sạch

Đâu còn ngờ hỏi đến Tây phương"

Di Đà là tánh sáng soi

Mựa phải cầu về Cực lạc".

Với Ngài khi tâm thanh tịnh, trong sạch, thường sáng soi rõ biết thì ngay đó mình là Phật rồi, đâu cần gì phải tìm về Tây phương Cực lạc ở nơi đâu. Ngài đã dạy đến chỗ tột cùng của lý Tịnh độ…Tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm đến nay vẫn xứng đáng là ngọn đuốc sáng, soi đường cho đất nước đi lên hòa nhập với năm châu…

Việc xây dựng TVTL Hàm Rồng, xét về mặt văn hóa còn có ý nghĩa bảo tồn phát huy di sản văn hóa đạo đức của dân tộc, qua đó tôn vinh giá trị phi vật thể của Thiền phái Trúc Lâm, là niềm tự hào của dân tộc, đưa Phật giáo Việt Nam sánh ngang tầm Phật giáo thế giới. Vì thế giới chưa có một vị hoàng đế nào đang tại chức đi tu, ngộ đạo thành Phật, thành Tổ như Phật hoàng Trần Nhân Tông. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một dòng Thiền nhập thế, theo tinh thần "Phật pháp bất ly thế gian giác". Cư sĩ tại gia vẫn tu hành ngộ đạo như người xuất gia (vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ.). Lịch sử minh chứng Thiền phái Trúc Lâm đã làm cho đất nước trở nên hưng thịnh.

Không ít người lo ngại xây dựng thiền viện tại núi Hàm Rồng sẽ làm cho phong thủy ở đó xấu đi hay làm ảnh hưởng đến "vận nước, vận của tỉnh". Đây là một điều lo xa của những người quan tâm đến vận nước. Thực tế đã trả lời cho sự lo xa nêu trên, chúng tôi xin phép lược nhắc lại. Trước năm 1975, vùng đất TV.Thường Chiếu, thuộc xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, là vùng đất khô cằn cây cỏ xác xơ, tưởng chừng không mọc nổi, chỉ toàn cỏ tranh, tre gai, cây mắc cỡ (trinh nữ), ô rô,… Khi TV.Thường Chiếu về xây dựng, vùng đất này như nhận được sinh khí, cây cỏ lá xanh tươi, dân cư đông đúc, bán buôn tấp nập. Vùng đất trước khi xây dựng TVTL Đà Lạt - hồ Tuyền Lâm vắng vẻ, chùa Lân - TVTL Yên Tử, TVTL Tây Thiên, TVTL Sùng Phúc, TVTL Cái Bầu cũng như thế. Khi có thiền viện, các vùng này trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh, là điểm đến của du khách trong và ngoài nước…Thực tế những năm gần đây, nơi nào có thiền viện thì vùng đất đó trở thành đất thiêng, vì có Tam bảo, có Long thần Hộ pháp về đấy hỗ trợ. Nếu không có Long thần Hộ pháp hỗ trợ dẫn dắt Phật tử đến cúng dàng, thì chư Tăng làm gì có kinh phí để xây dựng… Từ xưa đến nay, nơi nào có người tu hành chân chính thì nơi đó có sinh khí, vùng đất đó vượng khí tăng thêm, từ đó chuyển hóa long mạch, phong thủy từ xấu thành tốt. Ai đã từng đến chùa Vạn Phật Thành của Hòa thượng Tuyên Hóa ở California đều biết, ngày xưa chùa này nguyên là một bệnh viện tâm thần nằm dưới chân một dãy núi, không có mạch nước ngầm, người Mỹ đã khoan tìm nước nhiều nơi mà không tìm được nước, cuối cùng họ phải dời bệnh viện đi nơi khác, bán cơ sở này cho Ngài Tuyên Hóa với giá tượng trưng 2 đô la Mỹ, thay vì cho không. Khi Ngài Tuyên Hóa về ở, Ngài khoan tìm nước, thì ngay mũi khoan đầu đã gặp ngay mạch nước phun lên…

Ngày nay chùa Vạn Phật Thành trở thành một trung tâm tu học Phật giáo tầm cỡ quốc tế.

Hôm nay TVTL Hàm Rồng đầy đủ duyên lành tổ chức lễ đặt đá xây dựng, nhân đây chúng tôi xin công bố danh sách Ban Hưng công xây dựng TVTL-Hàm Rồng đã được Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm chấp thuận.

1. Trưởng ban hưng công: Đại đức Thích Kiến Nguyệt

2. Phó ban hưng công kiêm Thủ bổn: Đại đức Thích Trúc Thông Tánh

3. Tri sự: Đại đức Thích Trúc Thông Vĩnh.

Sau cùng, chúng tôi xin chân thành cảm niệm ân đức của chư tôn thiền đức Tăng Ni, quý đại biểu, chư vị khách quý cùng nhân dân, Phật tử gần xa đã dành thời giờ quý báu, đến chứng dự cho Phật sự mang nhiều ý nghĩa trọng đại lịch sử hôm nay.

Nam mô Hoan Hỉ Tạng Bồ Tát tác đại chứng minh.

(*) Trích Diễn văn khai mạc tại lễ đặt đá khởi công xây dựng TVTL Hàm Rồng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.