Dâng hương tưởng niệm có chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, chư tôn đức giáo phẩm Chứng minh GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế; chư tôn đức Thường trực Ban Trị sự tỉnh cùng Tăng Ni các tổ đình, tự viện và Phật tử.
Chư Hòa thượng niêm hương tại Tổ đường |
Tại tổ đường, Hòa thượng Thích Quán Chơn niêm hương tưởng niệm. Tiếp đó, lễ cúng ngọ được cử hành theo nghi thức thiền môn cố đô Huế.
Cố Hòa thượng Thích Chánh Trực thế danh Hoàng Văn Trung, Pháp danh Tâm Trung, pháp tự Chánh Trực, thuộc dòng thiền Lâm tế đời thứ 43. Ngài sinh ngày 7 tháng 8 năm Tân Mùi (1931) tại làng Trà Trì, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Vốn xuất thân trong một gia đình thâm tín Tam bảo, có người anh cả xuất gia, năm 1947 với sự cho phép của song thân, ngài đã đầu sư học đạo với Trưởng lão Hòa thượng Thích Hưng Dụng tại chùa Phật Học Quảng Trị. Năm 1950, ngài được Hòa thượng bổn sư cho đăng đàn thọ giới Sa-di và được nhập chúng tu học tại Phật học đường Báo Quốc ở cố đô Huế.
Hòa thượng Thích Chánh Trực (người đầu tiên từ bên trái sang), cùng các học Tăng Phật học viện Trung Phần Nha Trang với Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ |
Năm 1952, ngài được trao truyền Đại giới - Cụ túc tại giới đàn Nha Trang. Sau đó năm 1957, ngài được chuyển vào học tại Phật học viện Trung phần Nha Trang. Năm 1960, Tổng hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm ngài lên hoằng hóa ở vùng cao nguyên Trung Phần, trú trì chùa Di Linh và làm giảng sư chính thức cho Tỉnh hội Lâm Đồng.
Cũng trong yêu cầu công việc và với những năng lực đặc biệt, do yêu cầu của tình hình phát triển Phật sự, ngài đã được chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo điều chuyển về Từ Đàm và được cử làm Phó Hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên kiêm giảng sư lúc tuổi mới bốn mươi.
Trong mùa Pháp nạn 1963, Hòa thượng đã thể hiện hết vai trò của một giảng sư và một Phó Hội trưởng, một phụ tá tín cẩn của Hòa thượng Chánh Hội trưởng - Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang, vị đã phát động và lãnh đạo phong trào Phật giáo năm 1963.
Hòa thượng Thích Chánh Trực cắt băng trường Bồ Đề Quảng Trị (1959) |
Đến năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập, ngài được Giáo hội tin tưởng cử vào chức vụ Đặc ủy Thanh niên của Ban Đại diện Phật giáo tỉnh Thừa Thiên. Năm 1968, ngài được bổ nhiệm vào vị trí Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Quảng Trị.
Năm 1975, đất nước thống nhất, ngài bước đầu trở về chốn tổ Tịnh Quang, cùng các Pháp hữu dựng lại ngôi chùa tôn đơn sơ giữa cảnh ngổn ngang đổ nát của Tổ đình do hoàn cảnh chiến tranh để có nơi thờ phượng, làm nơi nương tựa tâm linh cho bà con Quảng Trị.
Năm 1978, ngài chủ trương trùng tu tháp phần của chư Tổ và xây dựng được ngôi tổ đình bằng công sức, tâm nhiệt thành của hàng Phật tử tranh thủ ngồi giờ lao động trong khốn khó mưu sinh. Ngài đã xây dựng ngày kỵ Tổ Sắc Tứ - chùa Tịnh Quang trở thành ngày hội tôn giáo, ngày gặp mặt của tất cả thầy trò các thế hệ trong tỉnh Quảng Trị, những người Quảng Trị sinh sống ở khắp nơi, được duy trì cho đến nay.
Chư vị pháp tử của Hòa thượng |
Đầu xuân năm Canh Thân - 1980, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam ra đời, đích thân Hòa thượng Trưởng ban - Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ mời ngài tham gia, làm Thành viên của Ban Vận động. Tháng 11 năm 1981, Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo cả nước được tổ chức tại Hà Nội, ngài đã được suy cử vào Hội đồng Trị sự GHPGVN. Tại địa phương, năm 1982 ngài được mời đảm trách Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Trị Thiên kiêm Chánh Đại diện Phật giáo huyện Triệu Hải.
Năm 1989, sau khi tách tỉnh, Đại hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị được tổ chức, ngài được Giáo hội và Tăng Ni Phật tử cung thỉnh làm Trưởng ban Trị sự.
Năm 1990, ngài đã xây dựng lại ngôi chùa Phật học Quảng Trị - một cơ sở tự viện bị chiến tranh tàn phá trở thành ngôi phạm vũ trang nghiêm, phục hồi một diện mạo của Phật giáo Quảng Trị.
Năm 1992, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ III, ngài được Đức Pháp chủ Hội đồng Chứng minh tấn phong giáo phẩm Hòa thượng.
Như linh cảm được sự sắp xả báo thân, đầu năm Ất Hợi - 1995 Hòa thượng về Tổ đình Báo Quốc lễ Tổ - đảnh lễ thù ân nơi đã trưởng dưỡng, đã trang bị bao nhiêu hành trang cho cuộc đời hành giả của một bậc xuất trần thượng sĩ.
Ngày 4 tháng 3 năm Ất Hợi, thị giả báo vào Huế cho biết ý Hòa thượng muốn vào tổ đình Kim Tiên, thế rồi chiều tối hôm đó hàng đệ tử của Hòa thượng đã rước ngài vào chùa Kim Tiên. Và đây là lúc Hòa thượng đã để lại đằng sau bao Phật sự của Quảng Trị để nhẹ nhàng về cõi Phật qua một đêm nghỉ ngơi ở chốn Tổ Kim Tiên, bên cạnh Bổn sư cùng với sự hầu hạ của hàng đệ tử. Hôm sau vào lúc 13 giờ 15 phút ngày 05 tháng 03 năm Ất Hợi, Hòa thượng đã an nhiên thị tịch, thọ 65 tuổi đời, 43 hạ lạp.
Bảo tháp Hòa thượng trong khuôn viên tổ đình Kim Tiên |
Cố Hòa thượng Thích Chánh Trực là một vị giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo qua các thời kỳ, trung kiên với lý tưởng phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, thiết thân với chư huynh đệ trong đạo tình pháp quyến. Với đạo hữu, Gia đình Phật tử, tín đồ, ngài là vị Thầy nổi bật với đức hy sinh tận tụy trong những lúc khốn khó nhất của quê hương, là nơi nương tựa an ổn cho Tăng Ni Phật tử tại Quảng Trị. Tinh thần đó được ngài truyền vào hàng đệ tử xuất gia cũng như những cư sĩ cận sự, tạo cảm hứng sống của mẫu người làm việc Phật, luôn nhiệt tâm, đến và đi trong an nhiên tự tại.
Được biết, cùng ngày, tại chùa Phật Học, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, chư Tăng và Phật tử tỉnh nhà đã trang nghiêm cử hành lễ húy nhật tưởng niệm một bậc Thầy đã hướng đạo cho quê hương.
Trước đó, ngày 3-4, chư Tăng Ni các tự viện thuộc tổ đình Kim Tiên đã vân tập về cùng trì tụng kinh Kim Cang, một bản kinh Đại thừa mà suốt cả cuộc đời Hòa thượng Thích Chánh Trực thọ trì, đảnh lễ tưởng niệm Ân sư.
Chư tôn đức cử hành lễ húy nhật theo truyền thống thiền môn |