Tự tứ và năng lực cứu độ

Thiết kế bài trên giai phẩm Báo Giác Ngộ Vu lan PL.2565 (2021)
Thiết kế bài trên giai phẩm Báo Giác Ngộ Vu lan PL.2565 (2021)
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tội lỗi, dù nặng dù nhẹ, đều do tâm khởi. Nếu đem hết lòng thành sám hối thì tâm sẽ trở lại thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì mọi tội lỗi tiêu trừ. Đó là bản chất của lễ Tự tứ và cũng là cách thức để tự cứu độ lấy mình và tha nhân.

Rằm tháng Bảy là ngày Tăng tự tứ

Theo Tăng nhất A-hàm (phẩm Thiện tụ, kinh Thọ tuế), bấy giờ vào ngày rằm tháng Bảy, Đức Phật trải tòa ngồi giữa khoảng đất trống, đại chúng Tỳ-kheo ngồi vây quanh trước sau. Khi ấy, Phật bảo Tôn giả A-nan: “Hôm nay, tại khoảng đất trống này, Thầy hãy mau đánh kiền chùy. Vì sao? Vì ngày rằm tháng Bảy là ngày thọ tuế”.

Tôn giả A-nan liền hỏi thọ tuế là thế nào? Phật bèn dạy: “Thọ tuế là làm sạch ba nghiệp của thân, miệng, ý. Cứ mỗi hai vị Tỳ-kheo đối diện với nhau mà tự trình bày nhược điểm, sai trái của bản thân mình, đồng thời tự xưng pháp danh của mình và nói rằng: ‘Hôm nay Tăng chúng thọ tuế, tôi cũng muốn thanh tịnh nên thọ tuế, xin tha thứ cho lỗi lầm của tôi’”.

Tôn giả A-nan lại hỏi, việc này là pháp của chư Phật hay chỉ của Đức Thế Tôn? Đức Thế Tôn cho biết hằng sa chư Phật quá khứ và tương lai đều có pháp này. Tôn giả A-nan hoan hỷ hết sức, tức thì lên giảng đường đánh kiền chùy và nói: “Nay tôi đánh kiền chùy này để truyền tín lệnh của Thế Tôn. Tất cả chúng đệ tử Như Lai đều phải vân tập đầy đủ!”.

Tăng chúng tập hợp cả rồi, Đức Thế Tôn nhìn mà nói: “Nay Như Lai muốn thọ tuế! Đối với đại chúng, Như Lai có lỗi gì không? Thân, miệng, ý có phạm lỗi gì không?”.

Đức Thế Tôn nói đến ba lần như vậy, rằng “Hôm nay Như Lai muốn thọ tuế. Như Lai có lỗi gì với Tăng chúng không?”.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối, chắp tay bạch Thế Tôn: “Các chúng Tỳ-kheo đều xét thấy thân, miệng, ý của Như Lai không có lỗi gì cả. Vì sao như vậy? Bởi vì Thế Tôn đã độ người chưa được độ, giúp người chưa giải thoát được giải thoát, giúp người chưa Niết-bàn sẽ thành tựu Niết-bàn, cứu hộ người chưa được cứu hộ, làm mắt sáng cho người mù, là thầy thuốc giỏi chữa trị cho kẻ bệnh tật, là bậc tôn quý bậc nhất trong ba cõi, không ai có thể sánh bằng, là bậc đáng kính, đáng quý, giúp người chưa phát đạo tâm được phát đạo tâm, giúp người chưa thức tỉnh được thức tỉnh, giúp người chưa nghe pháp được nghe pháp mầu, giúp người mê lầm thấy được lối đi, dẫn họ về Chánh pháp. Do duyên sự này nên Thế Tôn không có lỗi đối với mọi người. Thân, miệng, ý của Thế Tôn không có lỗi lầm”.

Rồi Xá-lợi-phất lại bạch Thế Tôn: “Nay con xin hướng về Như Lai, xin tự phát lồ. Không biết đối với Như Lai và chúng Tỳ-kheo, con có lỗi gì không?”.

Đức Thế Tôn bảo: “Này Xá-lợi-phất! Thân, miệng, ý của thầy không làm những việc trái với phạm hạnh. Vì sao vậy? Bởi vì thầy có trí tuệ không ai sánh bằng, đầy đủ các loại trí tuệ, như là trí tuệ vô lượng, trí tuệ vô biên, trí không gì sánh bằng; có trí nhạy bén, có trí nhanh nhẹn, có trí sâu xa, có trí bình đẳng; ít muốn, biết đủ, thích nơi yên vắng, có nhiều phương tiện, tâm không tán loạn, đạt tam-muội tổng trì, đầy đủ căn nguyên, thành tựu giới, thành tựu tam-muội, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến, dũng mãnh, khéo nhẫn, không nói lời ác, không làm điều phi pháp, tâm tánh an tường cẩn trọng, không vội vàng khinh suất. Giống như thái tử lớn của Chuyển luân Thánh vương, sẽ nối ngôi vua, chuyển bánh xe pháp. Xá-lợi-phất cũng vậy, chuyển bánh xe pháp vô thượng mà chư thiên, loài người, cho đến rồng, quỷ, ma và thiên ma đều không thể chuyển. Những lời nói của Thầy về nghĩa lý luôn đúng với Chánh pháp, chưa từng trái lý”.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất liền bạch Phật: “Năm trăm Tỳ-kheo này cũng muốn thọ tuế. Năm trăm Tỳ-kheo này đều không có lỗi gì đối với Như Lai chăng?”.

Thế Tôn dạy: “Những việc làm từ thân, miệng, ý của năm trăm Tỳ-kheo này cũng không có gì đáng quở trách. Vì sao vậy? Này Xá-lợi-phất, đại chúng trong đây rất mực thanh tịnh, không chút nhiễm ô. Vị ngồi ở chỗ thấp nhất trong đại chúng này cũng đã chứng quả Tu-đà-hoàn, nhất định sẽ tiến đến pháp bất thoái chuyển. Vì vậy, nên Như Lai không chê trách gì đại chúng này”.

Đoạn kinh trên cho biết nội dung của một buổi lễ Tự tứ. Buổi lễ ấy thực hiện một việc làm đơn giản nhưng vô cùng khó khăn đó là thỉnh cầu người khác chỉ điểm những lỗi lầm, khuyết điểm của mình. Sự chỉ điểm này được căn cứ trên ba trường hợp kiến, văn, nghi, tức do được thấy, được nghe và được nghi là có tội.

Thói thường, chúng ta thường thấy và chỉ trích những lỗi lầm của người khác, ít ai chịu lắng nghe và chấp nhận những khuyết điểm, lỗi lầm của mình, huống là thỉnh cầu người khác chỉ điểm cho. Vì vậy, Tự tứ trở thành một nghi thức sinh hoạt cố định đặc thù của Tăng đoàn Phật giáo. Trong ngày Tự tứ, chúng Tăng tập họp, từng vị một ra trước đại chúng cầu xin được đại chúng soi sáng bằng cách chỉ cho mình thấy những lỗi lầm, những khuyết điểm, mà vì vô tình hay cố ý, mình đã sai phạm, nhưng do vô tri, không thể tự thấy biết. Sau khi đại chúng chỉ cho thấy rồi thì thành tâm sám hối. Sám hối rồi thì sẽ được thanh tịnh. Tâm thanh tịnh tự nhiên phát sinh hoan hỷ, nên gọi là Tự tứ. Sau khi Tự tứ, vị Tỳ-kheo được thêm một tuổi giới, nên Tự tứ cũng gọi là thọ tuế, nhận thêm một tuổi đạo, mà ta thường gọi là hạ lạp.

Ngày Tự tứ, như vậy, là biểu hiện sự thanh tịnh và hòa hiệp của chư Tăng - yếu tố sống còn của Phật pháp. Nhờ vào bản thể thanh tịnh và hòa hiệp của chư Tăng mà mọi lỗi lầm vụng dại hoặc vô tình hay cố ý gây nên trong cuộc sống hàng ngày được tẩy trừ khi được phơi bày, phát lộ, sám hối trước đại chúng. Chính hành động tự tỏ bày lỗi lầm và ăn năn sám hối này đã phát sinh năng lực thù thắng tự giải tỏa tâm lý mặc cảm tội lỗi và trở nên thanh tịnh. Tự tâm khi đã thanh tịnh thì phát sinh sức mạnh tinh thần uy nghiêm, uy đức khó lường.

Năm xưa, vì nghe theo lời xúi giục của người xấu, vương tử A-xà-thế đã vô tình gián tiếp phạm tội giết hại vua cha. Do tội lỗi này, A-xà-thế đã trải qua những ngày tháng bất an. Mặc cảm tội lỗi luôn giày vò tâm trí, ông đã tìm đến tôn giáo, tìm đến những bậc thầy tâm linh là giáo chủ của nhiều tôn giáo hiện thời ở Ấn Độ để mong được cứu độ nhưng không một ai có thể giúp vua nguôi ngoai được nỗi niềm. Cuối cùng, ông đã tìm đến Đức Phật.

Khi đi đến tinh xá để gặp Đức Phật, đối diện với khung cảnh u tịch, thanh vắng của chốn thiền môn, bậc đế vương dày dạn chiến chinh và bản tính kiêu hùng như A-xà-thế cũng không khỏi rùng mình khiếp đảm. Phải chăng, sức mạnh của uy quyền, quân lực không thể sánh bằng sức mạnh của nội tâm vắng lặng sâu thẳm? Thế rồi, được đại thần động viên, A-xà-thế tiến đến diện kiến Thế Tôn và được ban pháp nhũ cam lồ. A-xà-thế như được trút bỏ gánh nặng trong lòng, phủ phục sát đất, hôn lên chân Đức Thế Tôn mà sám hối: “Kính mong Đức Thế Tôn nhận sự sám hối lỗi lầm của con. Con vì điên cuồng ngu muội, tối tăm không hiểu biết. Cha của con là vua Bình-sa nước Ma-kiệt-đà dùng Chánh pháp để cai trị, không gây oan uổng lỗi lầm, vậy mà con lại chìm đắm trong năm dục, thật sự con đã làm hại phụ vương. Cúi xin Thế Tôn rủ lòng thương xót, nhận sự sám hối lỗi lầm này của con”.

Thật mầu nhiệm thay, đối trước Tam bảo, trước Đức Thế Tôn Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi, A-xà-thế tự tỏ bày sám hối và tội lỗi giết cha được giảm trừ. Đức Phật ấn chứng: “Tội lỗi của vua A-xà-thế giờ đã được giảm bớt, đã trừ được trọng tội. Nếu vua A-xà-thế không giết cha thì ngay lúc ấy đã xa lìa trần cấu, được Pháp nhãn thanh tịnh. Thế nhưng, hôm nay vua A-xà-thế tự mình giãi bày sám hối nên tội lỗi đã vơi bớt phần nào, đã trừ được trọng tội”.

Tội lỗi, dù nặng dù nhẹ, đều do tâm khởi. Nếu đem hết lòng thành sám hối thì tâm sẽ trở lại thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì mọi tội lỗi tiêu trừ. Đó là bản chất của lễ Tự tứ và cũng là cách thức để tự cứu độ lấy mình và tha nhân. Phải chăng đây mới là ý nghĩa đích thực của thắng pháp Vu lan? Bởi bản chất của lễ Vu lan là nương nhờ thần lực hay sức mạnh tâm linh của ngày lễ Tự tứ, tức là ngày tha thứ giữa những người còn sống với nhau, là ngày mà mọi người biết cởi bỏ hận thù ràng buộc, biết buông bỏ lỗi lầm, biết lắng nghe và soi sáng cho nhau để sống vui an lạc. Nếu đúng vậy thì trong ngày lễ Vu lan, việc cần làm, phải làm và làm ngay của những người con là hãy nói lời xin lỗi với mẹ, với cha, vì ai trong chúng ta mà không hơn một lần có lỗi với đấng sinh thành?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.