Tự tứ - ngày tập hợp giới thân, huệ mạng của chư Tăng

NSGN - Đối với hàng xuất gia, an cư kiết hạ vô cùng cần thiết, vì đó chính là chất liệu để duy trì Phật pháp cửu trụ thế gian. Tuy nhiên, nếu việc an cư chỉ được chú trọng trên mặt hình thức, chưa đủ. Phần nội dung, thực chất tu học của từng cá nhân để gặt hái được quả vị, mới quan trọng. 

Thật vậy, với phần thực tu, thực chứng sau quá trình ba tháng cấm túc, đến ngày Tự tứ, mỗi hành giả đều đạt được quả vị lớn nhỏ khác nhau, tập hợp lại thành công đức lớn lao trong ngày Tự tứ. Và đàn việt phát tâm cúng dường trong ngày này để nương vào quả vị Hiền Thánh của chư Tăng mà được phước lạc cho bản thân. Hoặc nhờ lực đạo đức thánh thiện ấy cầu nguyện cho hương linh người thân của họ được vãng sanh. 

Điều này thể hiện rõ nét qua lời Đức Phật dạy Mục Kiền Liên trong kinh Vu lan bồn: “Muốn cho cứu được mạng người, phải nhờ thần lực của mười phương Tăng... Bèn kêu Mục Thị đến gần, truyền trao Diệu pháp ân cần thiết thi. Rằm tháng Bảy là ngày Tự tứ, mười phương Tăng đều dự lễ này. Phải toan sắm sửa chớ chầy, thức ăn trăm món, trái cây năm màu... Vì ngày ấy Thánh Tăng đều đủ, dầu ở đâu cũng tụ hội về, như người Thiền định sơn khê, tránh điều phiền não chăm về Thiền na. Hoặc người đặng bốn tòa đạo quả, công tu hành nguyện thỏa Vô sanh. Hoặc người thọ hạ kinh hành, chẳng ham quyền quý ẩn danh lâm tòng. Hoặc người đặng Lục thông tấn phát và những hàng Duyên giác, Thanh văn. Hoặc chư Bồ-tát mười phương, hiện hình làm sãi ở gần chúng sanh... Đều trì giới rất thanh rất tịnh, đạo đức dày chánh định chơn tâm. Tất cả các bậc Thánh phàm, đồng lòng thọ lãnh bát cơm Lục hòa...”.

Anh VG (2).jpg

Đối thú tự tứ trước chư tôn đức

Đoạn kinh trên cho thấy hình ảnh các vị Thánh Tăng từ Sơ quả cho đến A-la-hán, Bích chi Phật, Bồ-tát đang trụ định, hay kinh hành an trụ trong pháp Phật, hoặc đang giáo hóa chúng sanh. Nói chung, hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát là mẫu người mô phạm, giới đức trong sạch, phạm hạnh thanh tịnh, trí tuệ siêu việt, mới có khả năng cầu nguyện, làm nơi nương tựa cho người cúng dường, tu tạo công đức, phước lành.

Trước tiên, trong hàng đệ tử Phật tiêu biểu cho người kiểu mẫu đạt được quả vị nhỏ nhất là Tu-đà-hoàn. Bước vào hàng Dự lưu, hành giả sống với thế giới ly sanh hỷ lạc, không bị tứ đại ngũ uẩn chi phối, vui buồn vinh nhục thế gian không còn khả năng tác động. Ý này được kinh diễn tả rằng người chứng quả Tu-đà-hoàn đi hỏng mặt đất. Nói cách khác, danh lợi, tài sắc không cám dỗ được hành giả, cho đến chông gai thế gian không thể nào làm thương tổn hạnh nguyện của vị Tu-đà-hoàn. Tâm hành giả cao thượng, vượt hơn cuộc đời. Từ tâm thanh tịnh, hành giả đem pháp Phật vào lòng. Dùng pháp Thiền duyệt thực và pháp Hỷ thực làm mạng sống, mở đầu cho việc phát triển giới thân, huệ mạng. Bấy giờ, đói khát nóng lạnh không thể bức bách thân vật chất và cũng không tác động đời sống tâm linh hành giả.

Ở vị trí Sơ quả, Thanh văn tiến tu, trải qua bốn giai đoạn, chuyển đổi tầm nhìn, phát huy trí tuệ, đạo đức từ Tu-đà-hoàn sang Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Đạt đến quả vị A la hán, phá được kiến hoặc, hay nhận thức bằng trí óc không còn sai lầm và tư hoặc hay nhận thức bằng con tim cũng bị tận diệt. Khi nhận thức chính xác và tình cảm nhiễm ô bên trong đã dứt sạch, tâm hồn thanh thoát, an tĩnh, tạo cho hành giả có sức tập trung tư tưởng cao, luôn sống trong thiền định. Từ đó, huệ sanh, nhìn đời sáng hơn, thấy rõ diễn biến của cuộc đời, kinh thường diễn tả là đắc Lục thông. Và tâm khế ngộ nguồn chơn, thấy được con người bất sanh bất diệt của mình là Phật tri kiến. Trên nền tảng đó tu tập phát huy Phật tri kiến, không còn phạm lỗi lầm trên cuộc đời, tâm hồn giải thoát.

Bên cạnh hành giả đắc bốn tòa đạo quả là hàng Duyên giác đã từng bố thí, cúng dường, sống với pháp, có trí tuệ và cuộc sống cao, nhưng luôn khao khát hiểu biết chân lý. Các ngài thường quán Thập nhị nhân duyên, nhận rõ mối tương quan tương duyên tạo nên sự hiện hữu, biến chuyển, sanh diệt của các pháp. Tất cả đều theo quy trình mắt xích luân hồi, đều không có thực thể. Bấy giờ dùng lửa chánh định đốt sạch, không còn gì tồn tại trong tâm, đắc quả Bích chi Phật.

Sau cùng, Bồ-tát là hàng đệ tử Phật, mang chí lớn muốn đạt đến Phật trí và dìu dắt mọi người cùng đến bờ giác. Bồ-tát đi trên vạn nẻo đường đời, hành Lục độ ba-la-mật, gieo rắc tình thương và trí tuệ, làm lợi ích cho người, hoàn toàn vì người, lòng không bợn chút lợi danh, phiền não nhiễm ô. Đó là việc làm kiểu mẫu của ba hàng đệ tử Phật là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát được Đức Phật khẳng định rằng các ngài là phước điền của chúng sanh, đầy đủ năng lực cho người nương tựa tu tạo phước lành, cúng dường trong ngày Tự tứ.

Đối với chúng ta, những người xuất gia, chưa đạt được cứu cánh Phật quả, chưa gặt hái được quả vị Hiền Thánh nào, thiết nghĩ ít nhất cũng thực hiện phần nào lời Phật dạy qua mô hình trên. Mỗi người tự cố gắng khắc phục các nhược điểm trong lòng, nhất là tánh ích kỷ, ganh tỵ với người, nặng cho đến tìm cách nói xấu, phá hoại việc làm tốt của người. Khi tâm còn đố kỵ hơn thua như vậy thì bản thân không có đạo, làm sao dạy đạo cho người. Phải nỗ lực phát huy đạo đức càng cao, càng tốt.

Mỗi mùa hạ, tự bản thân chúng ta đặt ra từng mục tiêu phải đạt cho được. Kinh nghiệm riêng tôi, từ thuở nhỏ, ở nhà quê nghèo khổ, lặn lội lên Sài Gòn tu học trong cô thân độc thế. Đời sống thực kham khổ, nhưng tôi không nản lòng vì không để ý đến ăn mặc. Phấn đấu vượt khó nhờ đặt trọn niềm tin nơi Phật. Tôi muốn nhắc nhở các anh em, khi ta nỗ lực tu, chắc chắn Phật hộ niệm, Hộ pháp Long thiên che chở; nhưng nếu tự thân chúng ta thiếu phấn đấu, dù có được bên ngoài giúp đỡ bao nhiêu, cũng không lên được. Thực tu, chúng ta ép mình trong khuôn khổ thiền quy, sống với Chánh pháp sẽ thấy không cần cơm ăn, áo mặc, chỗ ở. Dù hoàn cảnh hẩm hiu, vẫn thấy vinh quang, vì đối với chúng ta, đạo là trên hết. Trái lại, trong ba tháng an cư, cảm nhận toàn cực khổ, tất nhiên không thể nào thấy đạo. Cổ nhân có dạy: “Tôn mạc tôn hồ đạo, chỉ kỳ đạo vô vi nhân phục”. Đạo là cái gì cao quý vượt ngoài suy tư, hiểu biết hạn hẹp của con người. Ai tìm được, sống được với đạo, thì không cần làm mà vẫn thuyết phục, cảm hóa được người.

Muốn tìm được cái cao quý của đạo để tu học, chúng ta phải chấp nhận những thử thách trên bước đường tu. Thiền sư Sato khuyên tôi rằng muốn đắc đạo, phải lập chí như cá hóa long chạm trên mõ. Nghe tiếng mõ gợi nhắc chúng ta cố gắng vươn lên, ví như cá vượt thác biến thành rồng, tung hoành ngang dọc. Chúng ta ở trần gian tu hành, từ thân phận phàm phu khổ đau, nỗ lực tu cho thành đức, học cho thành tài, đạt đến Phật quả, hành đạo tự tại khắp mười phương.

Trong cuộc đời tu, từ mùa an cư đầu tiên cho đến nay, từng mùa, tôi tự đặt cho mình thời khóa tu tập để rèn luyện bản thân, nên từng bước trưởng thành trên đường đạo. Đối với tôi, quả Tu-đà-hoàn được thực tế hóa bằng cách tu sao cho thân tâm không bệnh. Điều chỉnh vấn đề ăn uống, tụng kinh, thiền quán cho thích hợp với cơ thể để mạnh khỏe mà gánh vác Phật sự. Kế đến điều tâm cho an vui. Tâm có an vui mới giúp cơ thể chúng ta thêm khỏe và ngược lại thân khỏe tác động cho chúng ta nguồn vui sống. Tôi suy nghĩ về thành quả của các vị A-la-hán, không bị vật chất và hoàn cảnh bên ngoài chi phối mà áp dụng pháp tu cho bản thân tôi. Nhập chúng an cư tu học, ta phải sống chung với người thuận lẫn nghịch. Tôi thường tìm những người làm tôi không an vui để gần gũi, nhằm lấy đó làm đối tượng tu, không cho cái xấu của họ tác động vào ta, khắc phục phiền não nổi dậy trong ta. Trụ được tâm thì dần dần chúng ta mới trở thành người tốt thực, cho đến cái tốt của ta tác động ngược lại họ, chuyển họ trở thành người bạn tốt. Đối với hoàn cảnh nghịch thuận, lòng vẫn an nhiên mới có thể truyền bá Chánh pháp. Vì vậy theo tôi, phải tập chúng an cư, Tăng Ni mới có điều kiện khắc phục nhược điểm, thực hiện Lục hòa cộng trụ.

Sống chung nhưng không chống trái phiền muộn, thể hiện đúng ý nghĩa Tăng-già, tạo thành cộng đồng sống hòa hợp an vui, mới giữ được Chánh pháp tồn tại trên thế gian. Trong đêm dài sanh tử tăm tối mà luyện được tâm không dao động, cho đến mức tâm lắng yên ở trạng thái cao nhất, sẽ lóe sáng bầu trời chân lý cho chúng ta ở cuối đường hầm sanh tử. Đó là thoại đầu mà tôi tham thiền ở tổ đình Tổng Trì, Nhật Bản. Thoại đầu khác của Pháp Hoa tông Nhật Bản, theo đó hành giả mở rộng lòng, bao dung được tất cả mọi người thì thế giới mới thực sự đẹp. Sở dĩ bầu trời không trong sáng, xã hội không đẹp, vì chúng ta tự cô lập mình trong định kiến nào đó, không chấp nhận người, muốn bắt người theo tham vọng của mình. Tôi tâm đắc thoại đầu của Pháp Hoa tông, dùng đó làm kim chỉ nam dấn thân hành Bồ-tát đạo. Bước chân hoằng hóa đến nơi nào và tiếp xúc với ai cũng luôn tâm niệm và dẹp bỏ sự chấp trước, mở rộng tâm hồn, đón nhận lấy cái hay đẹp của người và đem cho người những gì tốt nhất của ta, không bắt ép người theo mình. Nhờ đó gặt hái được kết quả ở trụ xứ nào cũng an vui, hành đạo được.

Tóm lại, tôi cầu nguyện cho Tăng Ni thực tu, thực chứng, đạt được sở đắc trong pháp Phật để phát huy đạo đức, tăng trưởng huệ mạng, giới thể thanh tịnh trang nghiêm. Tất cả những thành quả này tập hợp lại, tạo nên lực dụng bất tư nghì của cộng đồng Tăng lữ thánh thiện, đạo đức trong ngày Vu lan Tự tứ, xứng đáng cho hàng Phật tử tại gia cúng dường tu tạo phước lạc và có đủ năng lực tâm linh để cứu độ siêu sanh những tâm hồn đau khổ. Thành tựu như vậy, chúng ta đáp đền được bốn ơn, cứu khổ được tam đồ, thẳng tiến trên con đường Hiền Thánh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.