Từ kinh Ngưu giác sa la lâm I, nhìn về sách Luận ngữ


NSGN -  Kinh Ngưu giác sa la lâm I là kinh số 184 trong số 222 kinh thuộc kinh Trung a hàm (Madhiama Àgama) do Đại sư Tăng Già Đề Bà (thế kỷ IV TL) Hán dịch vào đời Đông Tấn (317-419) gồm 60 quyển (ĐTK/ĐCTT, tập 1, No26). Kinh này tương đương với kinh Mahàgosinga suttam (Đại kinh Rừng sừng bò) là kinh số 32 trong số 152 kinh thuộc kinh Trung bộ (Majjhima Nykàya). HT.Minh Châu (1920-2012), nơi tác phẩm “So sánh kinh Trung a hàm chữ Hán và kinh Trung bộ chữ Pàli(1), phần ba: Nêu dẫn 15 mẫu nghiên cứu so sánh giữa các kinh Pàli và chữ Hán tương đương, trong ấy có nghiên cứu số 26, đã đối chiếu rất đầy đủ giữa 2 kinh chữ Hán và chữ Pàli nêu trên (sđd, tr.364-373). Chính từ việc đọc qua phần đối chiếu ấy mà chúng tôi chợt nhớ đến sách Luận ngữ - một trong Tứ thư của Nho giáo. Sách Luận ngữ, Thiên XI: Tiên tiến, đoạn 25, là đoạn dài nhất, và theo học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), cũng là đoạn hay nhất trong tác phẩm ấy (Xem Luận ngữ, Nguyễn Hiến Lê dịch, NXB.Văn Học, 1993, tr.191-194). Nội dung của hai kinh Phật kia so với đoạn 25 của Thiên Tiên Tiến nơi sách Luận ngữ này hầu như có ít nhiều đồng dạng.

Bài viết này xin nêu tóm lược nội dung của kinh Ngưu giác sa la lâm I cùng toàn văn đoạn 25 nơi Thiên Tiên Tiến của sách Luận ngữ - theo bản Việt dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê, sau đấy là có một vài nhận xét, đối chiếu.

8535066833_3eab14f484_b.jpg
Nêu tóm lược nội dung của kinh Ngưu giác sa la lâm I

Phần Nêu tóm lược này, chúng tôi dựa theo bản Việt dịch của HT.Tuệ Sĩ, có tham khảo phần Đối chiếu của HT.Minh Châu như đã nói ở trên.

“Một thời, Đức Thế Tôn du hóa đến vùng Bạt Kỳ Sấu, ngụ trong khu rừng Sa La Sừng Bò (Ngưu giác sa la lâm)(2) cùng với 7 vị đại đệ tử(3) là các tôn giả: Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, Đại Ca Chiên Diên, A Na Luật Đà, Ly Việt Đa, A Nan. Vào buổi sáng sớm, 6 vị tôn giả kia cùng đi đến chỗ ngụ của Tôn giả Xá Lợi Phất. Tôn giả Xá Lợi Phất vui vẻ chào đón, khen ngợi Tôn giả A Nan, là vị thị giả của Đức Phật, hiểu được ý nghĩa, thường được Đức Thế Tôn và các đồng phạm hạnh có trí ngợi khen. Nên hỏi Tôn giả A Nan trước: “Khả ái thay khu rừng Sa La Sừng Bò này, ban đêm có trăng sáng, các cây sa la đều tỏa hương thơm ngát, ví như hoa trời. Vậy theo Hiền giả A Nan thì những Tỳ-kheo nào làm rực sáng khu rừng Sa La Sừng Bò này?

- Tôn giả A Nan đáp: “Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất. Tỳ-kheo học rộng nghe nhiều, nhớ mãi không quên, tích lũy sự nghe nhiều, với các pháp phần mở đầu vi diệu, khoảng giữa vi diệu và kết thúc cũng vi diệu, có nghĩa lý có văn chương, toàn vẹn thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh. Những pháp như vậy được vị ấy học rộng nghe nhiều, tụng tập đến ngàn lần, chuyên ý tư duy, kiến giải thông suốt. Vị ấy thuyết pháp gọn gàng, lưu loát, hoàn toàn tương ưng với mục đích đoạn trừ các kiết sử. Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất, vị Tỳ-kheo như thế là làm rực sáng khu rừng Sa La Sừng Bò này”.

Câu hỏi ấy lại tiếp tục hỏi chư vị tôn giả còn lại, theo thứ lớp: Tôn giả Ly Việt Đa, Tôn giả A Na Luật Đà, Tôn giả Đại Ca Chiên Diên, Tôn giả Đại Ca Diếp, Tôn giả Đại Mục Kiền Liên.

- Tôn giả Ly Việt Đa đáp: Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất! Tỳ-kheo ưa thích tĩnh tọa, bên trong tu hành nội tâm tĩnh chỉ, không bỏ tọa thiền, thành tựu quán tưởng, thường thích nhàn cư, ưa chốn yên tịnh. Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất, vị Tỳ-kheo như vậy là làm rực sáng khu rừng Sa La Sừng Bò này”.

- Tôn giả A Na Luật Đà trả lời: “Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất! Tỳ-kheo đạt được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, ở trong một ngàn thế giới, theo một ít phương tiện, vị ấy trong chốc lát có thể thấy tất cả. Tôn giả Xá Lợi Phất! Ví như người có mắt, ở trên lầu cao nhìn xuống khu đất trống có hàng ngàn gò nổng, theo một ít phương tiện, vị ấy trong chốc lát có thể thấy tất cả. Tôn giả Xá Lợi Phất! Cũng vậy, Tỳ-kheo có được thiên nhãn, thành tựu thiên nhãn, ở trong một ngàn thế giới, theo một ít phương tiện, vị ấy trong chốc lát có thể thấy tất cả. Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất, vị Tỳ-kheo như vậy là làm rực sáng khu rừng Sa La Sừng Bò này”.

- Tôn giả Ca Chiên Diên đáp: “Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất! Ví như hai Tỳ-kheo Pháp sư cùng bàn luận về A Tỳ Đàm thâm diệu. Những điều nêu hỏi đều được thấu hiểu tường tận, những lời giải đáp thì thông suốt, sự việc thuyết giảng pháp thì lưu loát. Tôn giả Xá Lợi Phất! Vị Tỳ-kheo như thế là làm rực sáng khu rừng Sa La Sừng Bò này”.

- Tôn giả Đại Ca Diếp trả lời: “Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất! Tỳ-kheo tự mình sống nơi rừng vắng, khen ngợi ở nơi rừng vắng. Tự mình có thiểu dục, khen ngợi sự thiểu dục. Tự mình tri túc, khen ngợi sự tri túc. Tự mình thích sống theo hạnh xa lìa, khen ngợi hạnh xa lìa. Tự mình tu hành tinh tấn, khen ngợi sự tu hành tinh tấn. Tự mình lập chánh niệm chánh trí, khen ngợi sự lập chánh niệm chánh trí. Tự mình đắc định, khen ngợi sự đắc định. Tự mình có trí tuệ, khen ngợi sự có trí tuệ. Tự mình các lậu đã dứt sạch, khen ngợi các lậu đã dứt sạch. Tự mình khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, khen ngợi sự khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất! Vị Tỳ-kheo như thế là làm rực sáng khu rừng Sa La Sừng Bò này”.

- Tôn giả Đại Mục Kiền Liên đáp: “Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất! Vị Tỳ-kheo có đại Như ý túc, có đại oai đức, có đại phước báo, có uy thần lớn, được vô lượng như ý túc tự tại, thực hành vô lượng như ý túc, có thể biến một thân thành nhiều thân, hợp nhiều thân làm thành một thân, một thì trụ trên một, có đủ tri kiến, không bị trở ngại do vách đá, cũng như đi trong hư không. Chìm xuống đất như chìm trong nước. Đi trên nước như đi trên đất. Ngồi xếp kiết-già mà bay trên không như chim bay liệng. Đối với mặt trời mặt trăng kia vốn có đại như ý túc… nhưng có thể đưa tay nắm bắt, thân cao đến trời Phạm thiên. Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất! Vị Tỳ-kheo như vậy là làm rực sáng khu rừng Sa La Sừng Bò này”.

Tôn giả Đại Mục Kiền Liên lại đem câu hỏi ấy hỏi Tôn giả Xá Lợi Phất và Tôn Giả Xá Lợi Phất đáp: “Này Tôn giả Đại Mục Kiền Liên! Tỳ-kheo tùy dụng tâm tự tại chứ không phải lệ thuộc tâm. Nếu muốn trụ nơi định nào, vị ấy vào buổi sáng an trụ nơi định ấy. Nếu muốn an trụ nơi định vào buổi trưa hay buổi chiều, tức thì vị ấy đều an trụ như ý. Này Tôn giả Đại Mục Kiền Liên! Ví như y phục của vua và các quan có rất nhiều màu sắc rực rỡ, nếu họ muốn mặc thứ nào vào buổi sáng, liền lấy mặc vào. Nếu họ muốn mặc thứ nào vào buổi trưa hay buổi chiều, liền lấy mặc vào. Tôn giả Đại Mục Kiền Liên! Cũng vậy, Tỳ-kheo tùy dụng tâm tự tại chứ không phải lệ thuộc tâm. Nếu muốn trụ nơi định nào, vị ấy vào buổi sáng an trụ nơi định đó. Nếu muốn trụ nơi định ấy vào buổi trưa hay buổi chiều, tức thì vị ấy đều an trụ như ý. Này Tôn giả Đại Mục Kiền Liên! Vị Tỳ-kheo như vậy là làm rực sáng khu rừng Sa La Sừng Bò này”.

Sau đấy, theo đề xuất của Tôn giả Xá Lợi Phất, chư vị Tôn giả cùng đi đến chỗ Đức Thế Tôn thưa hỏi để biết trong những điều vừa luận bàn, vị nào là khéo nói. Tôn giả Xá Lợi Phất thay mặt cả nhóm, thưa trình lại với Đức Thế Tôn về những sự việc đã diễn ra. Đức Phật rất hoan hỷ và tuần tự khen ngợi:

- Tỳ-kheo A Nan đã thành tựu đa văn.

- Tỳ-kheo Ly Việt Đa ưa thích tọa thiền.

- Tỳ-kheo A Na Luật Đà đã thành tựu Thiên nhãn.

- Tỳ-kheo Ca Chiên Diên là Pháp sư phân biệt.

- Tỳ-kheo Đại Ca Diếp thường tu hạnh vô sự (trụ nơi A Lan Nhã).

- Tỳ-kheo Đại Mục Kiền Liên có đại Như ý túc.

- Tỳ-kheo Xá Lợi Phất tùy dụng tâm tự tại.

Đức Thế Tôn khen ngợi tất cả chư vị đều khéo nêu bày. Vì sao? Vì các pháp ấy chính là những điều Đức Thế Tôn đã giảng nói. Rồi Đức Phật bày tỏ ý kiến của mình: Này Tôn giả Xá Lợi Phất! Tỳ-kheo tùy theo chỗ ở, hoặc chốn thành thị hoặc nơi thôn ấp, vào buổi sáng sớm mang y cầm bát vào thôn xóm khất thực, khéo thủ hộ thân, khéo thâu giữ các căn, khéo buộc giữ tâm niệm. Vị ấy khi khất thực xong, sau giờ ngọ, thu xếp y bát, rửa chân tay, lấy tọa cụ vắt lên trên vai, đến chỗ vô sự, hoặc bên gốc cây hay chốn thanh vắng, trải Ni sư đàn mà ngồi kiết-già, ngồi luôn cho tới chứng đắc lậu tận mới giải kiết-già. Vị ấy không giải kiết-già cho đến khi nào chưa chứng được lậu tận. Này Xá Lợi Phất! Tỳ-kheo như vậy là làm rực sáng khu rừng Sa La Sừng Bò này”. (Kinh Ngưu giác sa la lâm I, in trong kinh Trung a hàm T.3, Tuệ Sĩ dịch và chú, NXB.Phương Đông 2009, tr.249-262).

Nêu dẫn toàn văn đoạn 25 nơi Thiên Tiên Tiến của sách Luận ngữ

KT4.jpg

Tử Lộ, Tăng Tích, Nhiễm Hữu và Công Tây Hoa ngồi hầu. Khổng Tử bảo: “Các anh cho rằng ta có chỗ lớn hơn các anh một ngày(4) mà ngại, nhưng đừng ngại gì cả! Ở nhà các anh thường nói: Chẳng ai biết ta. Nếu có người biết thì các anh đem tài năng gì ra dùng? Tử Lộ vội vàng đáp: “Ví như một nước có một ngàn cỗ xe(5), bị ép giữa hai nước lớn, lại thêm có nạn chiến tranh, nhân đó dân chúng đói khổ. Do (Tử Lộ họ Trọng tên Do. Tử Lộ là Tự) tôi mà cầm quyền nước ấy thì vừa đầy ba năm, có thể khiến cho dân chúng dũng cảm mà biết đạo lý nữa. Khổng Tử mỉm cười. Rồi hỏi: Cầu (Tức Nhiễm hữu), còn anh thì sao? Đáp: “Như có một nước vuông vức, sáu bảy chục dặm hoặc năm sáu chục dặm(6), Cầu tôi cầm quyền nước ấy thì vừa đầy ba năm, có thể khiến cho dân chúng được no đủ. Còn về Lễ Nhạc thì xin đợi bậc quân tử. Xích (Tức Công Tây Hoa) còn anh thì thế nào: Đáp: Về Lễ Nhạc tôi không phải là giỏi, nhưng xin được học. Trong việc tế tự ở tôn miếu hoặc trong hội nghị các chư hầu, Xích tôi mặc áo lễ  huyền đoan, đội mũ chương phủ mà xin làm một tên tiểu tướng(7)”. Điểm (Tức Tăng Tích) còn anh thì thế nào? Lúc đó Tăng Tích gảy đàn sắt vừa ngớt, đặt đàn xuống - keng! Mà đứng dậy đáp: Chí của tôi khác hẳn với ba anh đó. Khổng Tử bảo: “Hại gì? Cũng là ai nấy tỏ chí của mình ra mà thôi”. Thưa: “Như bây giờ là tháng cuối xuân, y phục mùa xuân đã may xong(8), năm sáu người vừa tuổi đôi mươi(9) cùng với sáu bảy đồng tử dắt nhau đi tắm ở sông Nghi, rồi lên hứng mát ở nền Vũ Vu(10) vừa đi vừa hát kéo nhau về nhà”. Khổng Tử trầm ngâm một chút rồi than: “Ta cũng muốn như Điểm vậy”.

Ba môn sinh kia ra rồi, Tăng Tích ở lại, hỏi: Thầy nghĩ sao về lời nói của ba anh kia? Đáp: “Cũng đều là cho biết chí của mình vậy thôi”. Hỏi: Nhưng tại sao nghe anh Do nói, thầy lại mỉm cười? Đáp: “Người trị nước phải có lễ nhượng, mà lời anh ấy không khiêm tốn, cho nên ta mỉm cười”. Lại hỏi: “Lời anh Cầu nói chẳng phải là việc trị nước sao?(11) Đáp: “Một địa phương vuông vức sáu bảy chục dặm hay năm sáu chục dặm, chẳng phải là một quốc gia thì là gì? Lại hỏi: “Thế lời anh Xích chẳng phải là việc trị nước sao?(11) Đáp: “Việc tôn miếu và việc hội nghị chẳng phải là việc của nước chư hầu thì là gì?”. Anh Xích khiêm tốn xin dự làm tiểu tướng, vậy chứ ai làm đại tướng?”.

(Luận ngữ. Nguyễn Hiến Lê dịch chú, giới thiệu, NXB.Văn Học, 1995, tr.192-194).

Nêu một vài nhận xét

* Đây là lần thứ hai, chúng tôi đã đề cập đến sách Luận ngữ theo cái nhìn của người học Phật. Lần trước, nơi một bài viết ngắn bàn về Hình ảnh dòng nước trong thơ thiền (đăng trên nguyệt san Giác Ngộ khoảng trước 2000), chúng tôi đã cho người học Phật đọc sách Luận ngữ thích nhất là đoạn văn ngắn, đoạn thứ 16 nơi Thiên IX, Thiên Tử Hãn: “Tử tại xuyên thượng viết: Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ” (Khổng Tử đứng trên bờ sông nói: Nước chảy đi hoài, ngày đêm không ngừng). (Luận ngữ, sđd, tr.161)(12)

Trong sách Cổ văn Trung Quốc, học giả Nguyễn Hiến Lê đã nhận xét đấy là câu văn diễn tả “Những cảm xúc triền miên”(13). Chúng tôi nghĩ thêm rằng: Trong trạng thái cảm xúc triền miên ấy hẳn đã hàm chứa sự thức tỉnh về tính chất vận hành của sự vật, về lẽ biến dịch của cuộc đời. Nói theo ngôn ngữ Phật học thì đó là một phát hiện về tính chất vô thường của vạn pháp. Vì thế mà hình ảnh Đức Không Tử đứng trên bờ sông ấy đã trở nên gần gũi đáng mến đối với người học Phật.

* Nhưng lần này thì thú vị hơn nhiều. Vì đây là đoạn văn dài nhất mà cũng được xem là hay nhất trong sách Luận Ngữ. Học giả Lương Khải Siêu (1873-1929), nơi bài viết Bàn về bốn bộ A-hàm, đã đưa ra 6 điểm để nhấn mạnh về tầm quan trọng của 4 bộ kinh ấy. Đây là điểm thứ ba: A-hàm mang thể tài của một loại Ngôn hành lục, tính chất đại khái giống với sách Luận ngữ, nên muốn thể nghiệm về nhân cách hiện thực của Đức Thế Tôn thì không thể không nghiên cứu A-hàm(14). Nhận xét tổng quát là như vậy, nhưng chắc vị học giả họ Lương không ngờ rằng, trong số gần hai ngàn một trăm bản kinh nơi bốn bộ A-hàm kia, lại có một bản kinh thuộc Trung A-hàm, với một nội dung được cấu trúc phải nói là đồng dạng với đoạn văn dài nhất và hay nhất nơi sách Luận ngữ ấy. Hy hữu và thú vị là ở đấy.

* Nói hay nhất là đã ghi nhận theo tiêu chuẩn văn học. Đúng là đoạn văn ấy nơi sách Luận ngữ đã đủ vóc dáng của một truyện ngắn rất ngắn có giá trị: Gọn mà đủ, lại sâu. Hàm súc mà lan tỏa, vươn cao. Chúng ta chưa có thể nói như thế đối với bản kinh Ngưu giác sa la lâm I kia, vì kinh văn được kết tập thời đó đã bị chi phối nhiều từ cách đọc tụng thuộc lòng qua nhiều lượt, nên các chi tiết của kinh thường được lặp lại, nhắc lại. Tuy nhiên, ba yếu tố là không gian, thời gian và nhân vật nơi bản kinh ấy vẫn đủ tính chất sinh động để có thể viết gọn lại thành một truyện ngắn hay. Ở đây cũng nên nhắc tới ý kiến của Lương Khải Siêu và nhất là của Nguyễn Hiến Lê. Lương Khải Siêu đã nói đến đặc điểm thứ hai nơi bốn bộ A-hàm: “Phần lớn kinh Phật đều là tác phẩm văn học, A-hàm vẫn theo hướng ấy nhưng ít hơn, mang đậm tính chất phác đơn giản...(14a) Còn Nguyễn Hiến Lê, trong Sử Trung Quốc I, phần nói về Tiểu thuyết, đã cho: “Nhờ đọc kinh Phật, trong đó chép đời nhiều vị Phật, nhiều truyện tưởng tượng, nên văn nhân Trung Quốc bắt chước lối viết truyện của Ấn”(15).

* Bốn vị đệ tử của Đức Khổng Tử nơi đoạn văn kia, mỗi người đều bày tỏ chí hướng của mình, tuy riêng tư nhưng kết hợp lại, có thể xem đấy là tiêu biểu cho quan điểm nhập thế xây dựng quốc gia xã hội vốn rất nổi bật của Nho giáo (B vị đầu). Quan điểm của vị thứ tư (Tăng Tích) có người cho đấy là một tóm kết, một thừa hưởng từ thành quả của ba lĩnh vực trên: Quân sự (Tử Lộ), kinh tế (Nhiễm Hữu), văn hóa (Công Tây Hoa). Nói rõ hơn, để có một cuộc sống “vào tháng cuối xuân, y phục mùa xuân đã may sẵn, năm sáu người vừa tuổi đôi mươi, cùng với sáu bảy đồng tử dắt nhau đi tắm ở sông Nghi, rồi lên hứng mát ở nền Vũ Vu, vừa đi vừa hát kéo nhau về nhà” thì phải xây dựng đất nước ấy giàu mạnh về kinh tế, quân sự và dân chúng đều có văn hóa, lễ nghi. Nơi đoạn cuối bài Hát nói chữ Nôm Kẻ Sĩ, Nguyễn Công Trứ (1778-1858) cũng đã nói đến giai đoạn sau cùng của Kẻ Sĩ theo chiều hướng ấy:

Nhà nước yên mà Sĩ đượcthung dung

Bấy giờ Sĩ mới đi tìm ông Hoàng Thạch

Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch

Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn

Nào thơ nào rượu nào địch nào đờn

Đồ thích chí chất đầy trong một túi

Mặc ai hỏi mặc ai không hỏi tới

Gẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh

Này này Sĩ mới hoàn danh.

(Dẫn theo Việt Nam thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm. Bản in 1968, tr.130).

* Nhìn sang bản kinh Ngưu giác sa la lâm I, thì những bày tỏ của các vị đại đệ tử kia không chỉ là những chí nguyện mà còn là những sở đắc, những thành tựu từ những con đường tu tập rất phong phú của Phật giáo. Và khi Đức Phật nêu lên ý kiến của mình, thì chúng ta đã thấy rõ, Phật giáo ở đây đã rất chú trọng đến vấn đề tu tập tự thân, trừ bỏ phiền não để đạt được giác ngộ. Tỳ-kheo như thế mới có thể gọi là “Làm rực sáng khu rừng Sa La Sừng Bò này” hay nói cách khác là “Từ tự giác tiến lên làm nghĩa vụ Giác tha”(16).  

 Chú thích

(1) Luận án Tiến sĩ Phật học của HT.Minh Châu, Thích nữ Trí Hải Việt dịch. NXB. TP.HCM, 1998.

(2) HT.Minh Châu, đối với bản kinh Pàli số 32 thuộc kinh Trung bộ: Kinh Mahàgosinga suttam đã dịch là Đại kinh Rừng sừng bò là chính xác. Chữ Hán, Ngưu là con bò, Thủy ngưu mới là con trâu. (Từ Hải đã giải thích rất rõ kèm theo ảnh chụp đầy đủ). Vậy Ngưu giác sa la lâm được dịch là khu rừng Sa La Sừng Bò.

(3) Bản kinh tiếng Pàli tương đương chỉ nêu có 6 vị tôn giả, không có Tôn giả Đại Ca Chiên Diên.

(4) Lời nói nhũn. Trong số môn đệ đó, Tăng Tích (cha Tăng Sâm) chắc không nhỏ tuổi hơn Khổng Tử bao nhiêu.

(5) Tức một nước chư hầu trung bình không vào hạng nhỏ.

(6) Tức một nước chư hầu nhỏ.

(7) Một chức quan nhỏ coi việc lễ.

(8) Nguyên văn: Ký thành. Có sách giảng là “Đã mặc xong”.

(9) Nguyên văn: Quán giả, nghĩa là người đã làm lễ đội mũ (Lễ gia quan): Thanh niên tới 20 tuổi thì làm lễ đó.

(10) Sông Nghi ở nước Lỗ. Vũ Vu là một cái đàn để tế, cao, trống, mát mẻ.

(11) Tăng Tích có ý cho Nhiễm Cầu và Công Tây Hoa cũng không khiêm tốn, vì muốn trị nước. Nhưng Khổng Tử chê thái độ của Tử Lộ, chứ không chê chí hướng của ai cả, mặc dù ông thích chí hướng của Tăng Tích hơn. (Các chú thích từ số (4) đến (11) là theo học giả Nguyễn Hiến Lê).

(12) Cần biết thêm là nhà thơ Nguyễn Gia Thiều (1741-1798) tác giả Cung Oán Ngâm Khúc, đã hình tượng hóa câu viết nơi sách Luận Ngữ kia (Thệ giả như tư phù…) qua câu thơ: Cầu Thệ thủy ngồi trơ cổ độ (Cung oán ngâm khúc, câu 97).

(13) Xem: Cổ văn Trung Quốc. NXB. Tao Đàn. S, 1967. Phần Mở đầu.

(14),(14a) Bài Bàn về Bốn Bộ A Hàm. Định Huệ dịch. Dẫn theo Đào Nguyên. Bài Giới thiệu tổng quát về hệ thống kinh điển Hán Tạng. In trong Phật học cơ bản tập 4, NXB.Tôn Giáo, 2008, tr.58.

(15) Xem: Sử Trung Quốc I. NXB.Văn Hóa, 1997, tr.351.

(16) Câu viết của sách Lịch Sử Việt Nam I khi bàn về Phật giáo. Xem: Lịch Sử Việt Nam tập I, Nxb. ĐH và THCN, 1983, tr.396.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.