Truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của GHPGVN được thể hiện trong mọi giai đoạn lịch sử

Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng - Ảnh: Bảo Toàn
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng - Ảnh: Bảo Toàn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong 40 năm qua, GHPGVN không chỉ kế thừa trọn vẹn truyền thống mấy nghìn năm của Phật giáo mà còn thúc đẩy hơn nữa sự ảnh hưởng tích cực và trách nhiệm xã hội của Phật giáo với đất nước, với dân tộc.

Bên thềm Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN (7-11-1981 – 7-11-2021), phóng viên Trung tâm Thông tin, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng về sự ra đời và những đóng góp của GHPGVN trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước suốt 40 năm qua.

PV: Kính thưa Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng, xin ông cho biết ý nghĩa của Hội nghị thống nhất Phật giáo toàn quốc tháng 11-1981 của GHPGVN?

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng: Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, nhu cầu thống nhất Phật giáo ba miền được đặt ra. Sau nhiều lần vận động, Ban vận động thống nhất Phật giáo được thành lập năm 1980 với sự tham gia của đại diện lãnh đạo 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo lúc bấy giờ.

Từ ngày 4 – 7-11-1981, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, đại diện lãnh đạo của 9 tổ chức, hệ phái, giáo hội thành viên đã tiến hành hội nghị thống nhất, thành lập GHPGVN. Hiện vẫn còn một số chức sắc là nhân chứng tham dự hội nghị năm 1981, như Hòa thượng Thích Trí Quảng, Hòa thượng Thích Như Niệm, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Hòa thượng Thích Giác Toàn, Hòa thượng Thích Huệ Văn.

Lần đầu tiên trong lịch sử mấy nghìn năm của Phật giáo Việt Nam, hình thức tổ chức giáo hội chung của chức sắc, tín đồ Phật giáo trên cả nước mới được thành lập. GHPGVN là nguyện vọng, mong mỏi của toàn thể Tăng, Ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam trong ngôi nhà chung, thống nhất.

Giáo hội ra đời đã thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, thống nhất việc thực hành giáo lý và quản lý hành chính đạo. Trong lịch sử, truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc luôn được Phật giáo Việt Nam phát huy, nhưng chỉ tới khi GHPGVN được thành lập thì đường hướng hành đạo “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” mới được khẳng định trong Hiến chương của Giáo hội.

Việc thống nhất Phật giáo cả nước trong ngôi nhà chung GHPGVN là điều kiện quan trọng để Phật giáo được củng cố và phát triển, các tổ chức tôn giáo trực thuộc Trung ương GHPGVN được kiện toàn 63/63 tỉnh, thành phố, song song với đó là việc tu học, hoằng pháp, xây dựng cơ sở thờ tự, hoàn thiện hệ thống đào tạo... cũng được thúc đẩy thực hiện.

Việc thống nhất, thành lập GHPGVN còn là kết quả hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước với Phật giáo, thể hiện sự đúng đắn trong chính sách của Đảng, Nhà nước và sự phù hợp với nguyện vọng chính đáng của chức sắc, tín đồ Phật giáo Việt Nam.

Với sự ra đời của GHPGVN, Tăng Ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước có cơ sở vững chắc để đoàn kết, chung tay cùng nhân dân cả nước huy động và tham gia hiệu quả vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo toàn quốc tháng 11-1981, tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội
Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo toàn quốc tháng 11-1981, tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội

PV: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về những đóng góp của GHPGVN trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước?

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng: Như tôi đã nêu trên, truyền thống yêu nước, hộ quốc, an dân, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam luôn được phát huy trong mọi giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, chỉ khi hình thành tổ chức Giáo hội chung thì vai trò xã hội của Phật giáo Việt Nam mới được khẳng định rõ nét nhất, cùng với đó, những đóng góp của GHPGVN với đất nước, với dân tộc ngày càng được phát huy.

Trong 40 năm qua, GHPGVN không chỉ kế thừa trọn vẹn truyền thống mấy nghìn năm của Phật giáo mà còn thúc đẩy hơn nữa sự ảnh hưởng tích cực và trách nhiệm xã hội của Phật giáo với đất nước, với dân tộc. Có thể khái quát những đóng góp của GHPGVN qua các lĩnh vực như: xây dựng văn hóa, đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với văn hóa dân tộc, GHPGVN là lực lượng kế thừa, tiếp nối truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam và lan tỏa đến mọi tầng lớp xã hội. Những nội dung mang tính chất nhân văn, nhân bản, từ bi, cửu khổ, độ sinh, việc răn dạy người Phật tử báo đáp tứ trọng ân (quốc gia, thầy giáo, cha mẹ, nhân dân)… trong giáo lý Phật giáo đã góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc, trở thành những chuẩn mực ứng xử, thể hiện giá trị đạo đức của xã hội.

Nhiều cơ sở thờ tự Phật giáo, nhiều di sản vật thể và phi vật thể của Phật giáo đã được Nhà nước công nhận, trở thành nơi lưu trữ, tuyên truyền, giáo dục văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Với đoàn kết dân tộc, Tăng Ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam đã gắn bó, đoàn kết cùng đồng bào các tôn giáo và đồng bào không tôn giáo trong thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; đồng thời hưởng ứng cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện thành công các phong trào thi đua yêu nước.

Từ khi thành lập, GHPGVN luôn là thành viên nòng cốt trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với giáo lý đề cao sự bình đẳng, tôn trọng và yêu thương con người cùng tinh thần lục hòa cộng trụ trong hoạt động giáo hội, Tăng Ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam đã luôn đồng nguyện, đồng hành cùng chính quyền và nhân dân cả nước trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. GHPGVN là cầu nối, là nơi hướng về của Tăng Ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài, chung tay xây dựng quê hương, đất nước.

Với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, GHPGVN là một tổ chức tôn giáo nhập thế và thể hiện trách nhiệm xã hội. Giáo hội đã giới thiệu các chức sắc tiêu biểu ứng cử, tham gia Quốc hội và HĐND các cấp, góp phần xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân.

Đặc biệt, với tinh thần “phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật” GHPGVN đã vận động Tăng Ni, tín đồ Phật tử ở trong và ngoài nước đóng góp nhân tài, vật lực và tham gia có hiệu quả định hướng xã hội hóa các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo và các hoạt động xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trên cả nước.

Thành tựu và kết quả hoạt động xã hội của Phật giáo nói chung, hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo nói riêng biểu hiện rõ nét nỗ lực trách nhiệm xã hội của chức sắc, chức việc, tín đồ Phật giáo trong hưởng ứng, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát huy nguồn lực của tôn giáo cho công cuộc phát triển đất nước.

GHPGVN vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất nhân Đại lễ Kỷ niệm 35 năm thành lập

GHPGVN vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất nhân Đại lễ Kỷ niệm 35 năm thành lập

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, GHPGVN đã chủ động cử hàng trăm tăng, ni có chuyên môn y tế, chăm sóc sức khỏe tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19; đồng thời huy động mọi nguồn lực đóng góp cùng chính quyền và nhân dân cả nước trong công tác phòng, chống dịch để ổn định tình hình và đẩy lùi dịch bệnh.

Hình ảnh Tăng, Ni, Phật tử trong màu áo blouse nơi tuyến đầu chống dịch là minh chứng sinh động cho lý tưởng phụng sự chúng sinh, đồng nguyện đồng hành của Phật giáo Việt Nam với dân tộc.

Ngoài ra, GHPGVN còn hưởng ứng chính đối ngoại của Đảng, Nhà nước bằng việc cử đại diện tiêu biểu tham gia các Hội hữu nghị Việt Nam - nước ngoài, tham gia sáng lập và thành việc nòng cốt trong các cơ chế đa phương, song phương của Phật giáo thế giới, qua đó đã khẳng định chính sách đối ngoại và góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Có thể nói, qua 40 năm thành lập, GHPGVN đã có những đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy và phát triển văn hóa dân tộc, đóng góp xứng đáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.