Truyện ngắn Trầm Thanh Tuấn: Đôi dép

0:00 / 0:00
0:00
GN - Căn chung cư năm tầng được xây từ những năm sáu mươi giờ đã xuống cấp nhiều. Mấy váng rêu chiếm gần hết bức tường phía ngoài. Tường đổ một màu đen, xám, xanh quện lại thành một hỗn hợp đậm màu xưa cũ. 

Vậy đó mà chung cư cũng gồng mình che chở cho bao nhiêu con người. Ở chung cư này có duy nhất một cái cầu thang đi lên xuống. Lối đi giữa các căn hộ tối om được thắp sáng bằng thứ đèn tròn nặng điện. Ánh sáng cứ mờ mờ. Những căn hộ được xây đối diện với nhau. Đây là nơi chung sống của nhiều gia đình công nhân viên chức, làm thuê, tạp dịch,... và rất nhiều nghề khác nữa. Họ đi làm từ sáng đến tối mịt mới về. Họ quần quật với cái con cơm nước.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chung cư này nhìn kỹ giống như một cái hộp lớn, trong cái hộp lớn là những cái hộp con. Trong những cái hộp con lại là những thế giới, những ốc đảo bị vây bọc bởi muôn trùng sóng biển. Vậy nên nhà ai cũng im ỉm khóa. Mở cửa có đụng mặt, họ sẽ cười cười rồi quay thật nhanh vào đóng cửa lại. Hôm trước, cô Giang nhà số 419 gặp bà Tư nhà 420 bên cầu thang:

- Bác bệnh sao con thấy nước da bác không được mạnh?

- Ừ, tôi nằm viện hai tháng nay rồi, mới xuất viện ba tuần trước.

Hôm qua anh Hải gặp bé Bông, anh hỏi:

- Em đi kiếm ai?

- Nhà con ở số 434 cách hai căn với nhà chú mà! Con mới đi học về!

- Ờ ờ… con mau lớn quá!...

Ngày hôm kia, anh Xuân gặp bà Hồng… Ngày hôm kìa chị Loan gặp chị Thảo… Khu chung cư này hay có những câu hỏi và những câu trả lời ngồ ngộ như vậy. Hình như rất lâu rồi những con người ở đây đã xem nhu cầu “hỏi thăm” chỉ như là một thứ thủ tục để khỏi sượng sùng khi phải cùng đi với nhau trên cái cầu thang chung.

Nhà chị Đan Tâm nằm ở số 451, chồng chết sau cuộc vật lộn mỏi mòn với căn bệnh ung thư nan y. Cô về sống tại căn hộ cũ cùng với đứa con 10 tuổi. Rồi cánh cửa nhà cô cũng im ỉm đóng. Cô chọn cho mình một tuyến thời gian riêng, một mảng không gian riêng. Và tất nhiên chúng sẽ tạo cho cô một thế giới riêng, tách bạch khỏi những cái nhìn. Lâu dần, mẹ con chị Đan Tâm rơi tõm xuống miền Quên. Nhưng rồi có một lần người ta vớt chị lên và đặt chị vào vị trí trung tâm của miền Nhớ. Người đầu tiên dang tay vớt chị lên là bà Béo, một người đàn bà luống tuổi, mặt nần nẫn, môi thật đỏ nhưng không mọng vì đã qua nhiều lần biến cải quy luật của tạo hóa bằng kỹ thuật laser. Khi đi, hai tay bà đánh xa mỗi bên hơn nửa mét. Vạch cho bà Béo một đường thẳng, bà không mảy may đi chệch bao giờ. Tuy tốn khá nhiều tiền cho các thẩm mỹ viện có tiếng, nhưng khi nhìn bà, người ta vẫn rất dễ nhận ra những nét xộc xệch thiếu tự nhiên. Mấy hôm nay bà Béo làm được một công việc vĩ đại. Bà bắt đầu nối kết tình làng nghĩa xóm ở khu chung cư này bằng một câu chuyện được tô vẽ công phu, càng về sau càng đặc sắc. Xung quanh câu chuyện ấy luôn được đơm thêm những cái nhếch môi khe khẽ, và cả những tiếng thì thầm trên cái cầu thang chung.

Chị Đan Tâm vẫn quen với việc mình đang ở miền Quên nên đột nhiên người ta lại lôi chị về miền Nhớ, chị thấy không quen, chị thấy ngộp như con cá nước ngọt bị quẳng xuống nước mặn. Bao bọc chị lúc này là những ánh nhìn. Cái nhìn của con người nhiều khi tàn nhẫn đến lạ lùng, tàn nhẫn đầm sâu hơn cả những lời đau. Chị không hiểu, chị cảm thấy chới với.

Hãy để tôi yên!

Chị muốn vùng vẫy thoát khỏi những ánh nhìn đang vây bủa nhưng vô vọng. Những cái nhìn cứ ám chị. Những tiếng rì rầm khi lên cầu thang cứ văng vẳng bên tai chị. Nhưng họ đồn cái gì chứ, họ rì rầm cái gì chứ. Chị đã sống như một cái bóng mờ trong ngần ấy năm kể từ khi chồng chị mất. Cái bóng ấy chưa từng một lần sóng bước cùng bất cứ một cái bóng nào ở khu chung cư này. Vậy họ đồn đại cái gì? Cuối cùng rồi thì chị cũng hiểu. Họ nói chị hồi xuân. Bà Béo đã nói như đinh đóng cột: “Bà thấy một đôi dép đàn ông to bành bành đặt ngay trước cửa căn hộ của chị không chỉ một lần mà rất nhiều lần”. Và mọi người bắt đầu để ý thì: “Ờ ờ… hình như tôi cũng thấy vậy”. Khốn nạn cho thân chị. Chị uất nghẹn lời.

Tháng Mười trời mưa, mưa tầm tã. Một tiếng kêu thất thanh vọng lại từ căn hộ 451. Mọi người chạy xổ về hướng căn hộ của chị Đan Tâm. Sau bao nhiêu năm mọi người mới lại được vào cái khoảng không gian riêng của chị. Trước cánh cửa căn hộ mọi người cũng lại thấy một đôi dép to bành bành. Cửa mở toang, mọi người bước vội vào. Vẫn những thứ đồ đạc của ngày xưa cũ, như khi chồng chị còn sống, giản dị, thanh nhã. Mỗi món đồ trong căn hộ nhỏ này đều lẩn khuất những nét thâm u, trầm mặc như chính cuộc đời của chủ nhân nó. Chị nằm đó, sóng sượt trên chiếc giường cũ. Tóc tai rũ rượi, chị xanh như tàu chuối. Nhưng hai mày vẫn nhíu lại. Hình như những bận bịu trần gian vẫn còn chưa tiêu tan trong lòng chị, ngay cả khi chị sắp làm một chuyến đi xa. Bên cạnh chị là một dáng vóc đàn ông cao lớn có đôi bàn chân to: thằng Đức Phương, con trai duy nhất của chị. Và trong căn phòng này mọi người không thấy ai khác ngoài nó và mẹ nó đang rũ rượi nằm kia. Nó lớn nhanh quá. Ai cũng nhìn nó như nhìn một sinh thể lạ. Vậy mà sinh thể lạ ấy đã và đang tồn tại bên cạnh họ trong từng bấy nhiêu năm. Thằng Đức Phương nhìn trân, thảng thốt vào lồng ngực của mẹ khi những nhịp thở cuối cùng hổn hển, nhè nhẹ, rồi lịm tắt. Nó ôm mẹ nó vào lòng. Bờ vai chị đầm đìa ướt. Bà Béo là người đầu tiên khóc. Giọt nước mắt rỉ ra làm cho khuôn mặt và bờ môi cắt sửa trở nên tự nhiên hơn bao giờ hết.

Những căn hộ trong khu chung cư lúc này, giữa các lối đi ánh sáng của cái đèn nặng điện vàng vàng vẫn tỏa sáng, bóng sáng mờ mờ, các cánh cửa mang số 1, 2, 3, 4,… 412, 413,… vẫn đóng im ỉm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.