Phép mầu yêu thương

GN - Kìa, trông ai như thằng Sinh, con ông Đồng bà Tâm thế nhỉ?

- Hình như là thế. Có phải thằng Sinh ra tù rồi không?

- Mọi người nhìn xem, hình như trên tay nó đang bế cả đứa trẻ nữa thì phải?

- Ừ… đúng là đứa trẻ đang giãy giụa khóc kìa! Hay là… nó lại trốn tù, bắt cóc trẻ con… định tống tiền gia đình nào đó?

- Chắc không đâu. Nhìn cái cách nó bế đứa trẻ thì biết.

- Thôi. Thôi. Tất cả mọi người đều đã thấy thằng Sinh vừa bế trên tay một đứa trẻ về nhà rồi nhé. Kìa… bà Tâm đã ra mở cửa. Nhìn khuôn mặt thất thần của bà ấy kia kìa… - Nhưng… bà ấy đã bế lấy đứa trẻ. Cánh cửa cổng đã đóng. Họ đã bước nhanh vào nhà rồi… Sẩm tối, bà Nhung, bà Lan và chị Hoa rủ nhau đi tập thể dục. Gần đến cổng ngõ nhà bà Tâm thì thấy sự tình. Cả ba cùng dừng lại để ý và không khỏi tò mò.

- Là một bé gái. Sinh, đứa trẻ này…? Sao con lại đem nó về đây. Có phải con… con… - Ông Đồng bàng hoàng, đứng ngồi không yên, đôi mắt nhìn chằm chằm vào Sinh với tất cả sự ngạc nhiên, sững sờ, không thể cắt nghĩa.

- Có phải con bắt cóc đứa bé này từ một người mẹ tội nghiệp nào đó không? Nó hãy còn đỏ hỏn thế này… Sao con nỡ… - Bà Tâm nước mắt ngắn dài, tay bồng, tay dỗ đứa trẻ đang khóc ré lên.

- Ba mẹ… Con… con sẽ kể cho ba mẹ nghe đầu đuôi câu chuyện sau. Bây giờ thì phải kiếm sữa cho nó uống đã. Hình như nó đang rất đói. - Ông Đồng đưa tay bế đứa trẻ cho vợ, còn bà Tâm thì cầm cái ly nhỏ chạy tức tốc sang gõ cửa nhà hàng xóm. Bà nghĩ bụng, đứa bé mới sinh thế này chắc đang rất nhớ sữa mẹ, mà cạnh nhà thì có cái Hương cũng vừa sinh con đầu lòng được chừng nửa năm. Qua đấy xin chút sữa cho con bé bú tạm đã rồi tính tiếp. Một lúc sau thấy bà Tâm chạy về, trên tay cầm luôn cả bình sữa nhỏ được chị Hương cho mượn. Bà gượng cười, trên mặt vẫn chưa hết vẻ lo lắng, bần thần. Chiếc bình có núm vú, vừa để vào miệng con bé, tức thì nó im bặt và bú lấy bú để. Hẳn là nó khát lắm. Bà Tâm nghĩ thầm. Bà tìm cái khăn mềm, quấn thêm cho con bé đỡ lạnh. Sau một hồi bú sữa, nó thiêm thiếp ngủ. Trộm vía, con bé cũng ngoan. Bà đặt nó ở giường mình, lấy thêm hai cái gối đặt hai bên để con bé không bị giật mình. Xong rồi, bà nhẹ nhàng bước ra phòng khách, nơi ông Đồng và Sinh nãy giờ vẫn còn ngồi im như phỗng đá.

- Con bảo hai tháng nữa con mới ra tù cơ mà? Sao bây giờ con lại… - Bà Tâm gặng hỏi con trai chẳng khác nào một vị quan tòa đang chất vấn phạm nhân.

- Cả chuyện đứa trẻ này nữa. Con nói đi. Ba mẹ nãy giờ muốn điên cả đầu rồi. Con… con có muốn cho ba mẹ sống nữa không hả Sinh? - Ông Đồng nói như chẳng còn thể kìm nén được cơn tức giận.

- Ba… mẹ!

anhmh.jpg

Sinh ngồi đối diện. Đôi mắt ngập đầy tâm trạng. Bộ áo quần mặc khi ra tù được Sinh cởi ra và thay bằng cái quần lửng, cái áo thun ngắn tay đến sát vai. Sau mấy năm ở tù, Sinh khác hẳn. Đầu cắt gọn ba phân. Khuôn mặt trông già giặn, chững chạc hơn rất nhiều. Chỉ có trên đôi cánh tay, những hình xăm rồng phượng là vẫn còn rõ mồn một. Sinh ngồi, đầu hơi cúi xuống đất, hai tay đan chặt vào nhau vẻ nghĩ ngợi. Anh bắt đầu giải thích:

- Lẽ ra đến tháng 9 là tròn 5 năm, con mới được ra tù. Nhưng vì con cố gắng cải tạo tốt nên được trại cho về sớm hai tháng. Con muốn đem đến bất ngờ cho ba mẹ nên đã giữ kín, không báo trước. Còn chuyện đứa trẻ thì… - Sinh ấp úng khiến vợ chồng ông Đồng không hết nghi ngờ, căng thẳng.

- Nếu không phải là con bắt đứa trẻ này thì… nó ở đâu ra?

- Là con nhặt được đứa trẻ ấy trên đường về, dưới gầm cầu Mới đầu thôn mình đó. Đang đi ngang qua đây thì con nghe có tiếng trẻ con khóc. Con dừng lại quan sát thì thấy một đứa trẻ được đùm trong tấm vải mỏng, đặt ở thành xi-măng sát chân cầu. Nhìn ngó xung quanh không thấy ai, con nghĩ ai đó đã bỏ đứa trẻ nên bế nó về nhà.

- Làm gì có người mẹ nào lại vứt bỏ đi đứa con mình dứt ruột đẻ ra cơ chứ!

- Con cũng không biết nữa, nhưng những lời con nói là sự thật. Ba mẹ có tin con không thì tùy... - Giọng Sinh đầy xúc động. Ông Đồng nhìn con trai, nửa tin nửa ngờ. Cái thằng bấy lâu vốn bị mọi người xem như nghịch tử sao nay nó lại biết thương người đến thế? Kỳ thực, ông chẳng thể hiểu nổi…

Sinh là đứa con Trời con Phật của vợ chồng ông Đồng. Cũng chính vì nuông chiều con quá mức ngay từ khi còn trong trứng nước nên càng lớn Sinh càng ngỗ nghịch. Thích gì, muốn gì là đòi ba mẹ phải mua, phải sắm cho bằng được. Bà Tâm tính hay mủi lòng. Cứ thấy chồng dạy bảo con bằng cách quát nạt, đánh đập mỗi khi nó sai phạm là lại đứng về phía con trai vuốt ve, bênh vực. Được thể, Sinh lại càng hư hỏng. Lê lết mãi cũng mới học xong cấp 3, Sinh nghe theo lời bạn bè rủ rê, xin tiền bà Tâm đi xăm trổ đầy mình. Ông Đồng trách móc, Sinh gầm gừ “Thế này mới bắt kịp xu thế”, rồi thì “Bạn bè nó thế. Con cũng phải thế. Khác, nó lại nghĩ mình khinh nó, không tôn trọng nó. Với lại, nhà mình có điều kiện,… phải thể hiện cho người ta biết”. Cứ thế, Sinh ngày một sa ngã, không chỉ nghiện game mà còn chích hút. Hễ có tiền là trác táng ngày đêm. Hết tiền thì rủ nhau trộm cướp. Dù có bị ông Đồng cho đòn roi, chửi mắng hay khuyên bảo thế nào, Sinh vẫn phớt lờ, làm theo ý mình. 5 năm tù là cái giá mà Sinh phải trả trong một lần bị bắt xử vì tội trộm cắp tài sản của người khác. Ông Đồng bà Tâm đã khổ sở biết mấy, vì Sinh mà  bị xóm làng xem thường, người nhà xa lánh. Từng ấy năm Sinh đi tù, vợ chồng ông bà sống chẳng một ngày an ổn, thư thái. Dù vậy, ông bà vẫn không thôi tin tưởng, mong một ngày nào đó con sẽ biết nhận ra những lỗi lầm của mình.

Đứa trẻ được Sinh nhặt về đã ba ngày. Sau khi suy nghĩ cặn kẽ, ông Đồng bàn với vợ con đặt tên cho nó là An, với hy vọng cuộc đời nó sau này sẽ bình an, vui vẻ. Sau mấy ngày trình báo lên chính quyền xã vẫn không có người nhà đến nhận đứa trẻ, Sinh bàn với ba mẹ sẽ nhận An làm con nuôi của mình. Mới đầu bà Tâm chột dạ. Còn ông Đồng thì cứ ngỡ Sinh nói đùa. Thế nên ông cứ hỏi đi hỏi lại con trai đến mấy lần. Và rồi, vợ chồng ông lại mừng thầm:

- Có lẽ thằng Sinh nhà mình đã thay đổi thực sự rồi. Việc nó nhận một đứa trẻ bị bỏ rơi làm con. Việc nó hứa sẽ có trách nhiệm với chính quyết định của mình. Cách mà nó nói. Ánh mắt mà nó nhìn đứa trẻ… Chúng ta có thể tin con đã trưởng thành thực sự từ những lầm lỗi đã qua rồi, ông ạ.

Nghe vợ nói, ông Đồng cũng thấy ngùi ngùi.

Từ ngày Sinh được mãn hạn tù sớm trở về, mọi người trong xóm, trong thôn đều biết rõ sự tình, ai nấy đều đến chung vui với gia đình bà Tâm. Hàng xóm láng giềng lại gần gũi, thân thiết như trước. Có người còn đem quần áo, đem trứng gà, rồi góp tiền mua sữa mua bột đem đến cho bé An. Họ bảo, thương đứa trẻ tội nghiệp nhưng cũng mừng và chúc phúc cho con bé đã gặp được người tốt như gia đình ông Đồng bà Tâm. Họ cũng mừng cho Sinh, vì anh đã thay đổi, biết hướng thiện. Bà Tâm thấy phấn chấn trong người. Nghĩ về hiện tại, bao nhiêu nỗi buồn tủi của những ngày đã qua bỗng nhiên tan biến. Bà mỉm cười, lòng tự nhủ: “Phải chăng đứa trẻ bị bỏ rơi kia đã xuất hiện đúng lúc trong cuộc đời con trai bà? Phải chăng sự tin tưởng của ông bà dành cho con trai bấy lâu đã được đền đáp?”. Bà lẳng lặng ngồi ở mép giường, nhìn Sinh bế bé An trên tay, đôi mắt hiền từ, tươi rói của con trai khi trò chuyện với bé, rồi bà sụt sùi, lén quay đi lau vội hai hàng nước mắt. Bà bước đến bên bàn thờ, thắp nén nhang thơm khấn vái ông bà tổ tiên, lòng rưng rưng một niềm thành kính, biết ơn.

- Anh Sinh!

- Ơ… Hiền! Sao Hiền biết Sinh ra tù mà đến?

- Em nghe mẹ gọi điện báo. Em… em mua ít đồ cho bé An.

- Hiền… Hiền cũng biết chuyện Sinh nhận nuôi bé An sao?

- Em…

- Mẹ kể với cái Hiền đấy. Mẹ giấu con, chuyện cái Hiền nó tuyệt tình với con. Thực ra, kể từ ngày con vào trại, Hiền cũng lên phố tìm việc làm. Mỗi lần về thăm nhà, nó lại sang thăm ba mẹ, lại hỏi thăm tình hình của con. Tình cảm của con bé dành cho con bấy lâu nay vẫn không hề thay đổi.

- Hiền… Sinh… Sinh xin lỗi Hiền nhiều lắm.

Sinh và Hiền vốn là bạn học từ hồi cấp 2 rồi lên cả cấp 3. Khi Sinh bị bạn bè lôi kéo thành người xấu, Hiền là người cuối cùng ở bên để động viên, để níu kéo anh. Có chuyện buồn, vui, Sinh cũng tìm đến Hiền để kể. Sinh đi tù suốt 5 năm, Hiền vẫn chờ đợi. Hiền từng nhủ lòng, nếu Sinh ra tù, biết sống lương thiện và còn thương Hiền thì Hiền vẫn sẽ đến với Sinh. Hiền nhìn Sinh rồi bước đến bên bà Tâm đang bế bé An. Cô xin được bế bé.

Ánh mắt cô đong đầy tình yêu thương khi cưng nựng, nắm lấy bàn tay bé xíu của đứa trẻ. Hiền khẽ liếc nhìn Sinh, hai má cô tự nhiên ửng hồng, bẽn lẽn. Trong lòng Sinh rưng rưng niềm hạnh phúc khó tả. Ngoài tình yêu thương của ba mẹ thì Hiền chính là người khiến anh nhận ra lẽ phải, nhận ra chân lý cuộc đời, để anh sớm được trở về đoàn tụ với mọi người như ngày hôm nay.

Hôm nay, gia đình ông Đồng bà Tâm có đại tiệc. Đó là ngày Sinh và Hiền nên duyên chồng vợ. Mọi người đến rất đông. Ai nấy đều chăm chú vào đôi vợ chồng trẻ. Họ ăn mặc giản dị với bộ áo dài khăn đóng và còn bế cả một đứa trẻ trên tay. Nhìn vợ chồng con trai hạnh phúc bên bé An cùng tràng vỗ tay giòn giã của mọi người, bà Tâm lại tin rằng, cuộc đời luôn tồn tại những phép màu nếu ta biết yêu thương…

Truyện ngắn Thu Đình

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.