Tuy nhiên, để tâm quan sát, lắng nghe, đồng hành cùng con lại là điểm chung giữa các phụ huynh trong quá trình giáo dục con mình.
Yêu con bằng tình thương và lý trí (chị Phan Thị Minh Lý, TP.HCM)
Tôi trở thành mẹ ở tuổi 37. Do lớn tuổi nên từ khi mang thai đến khi sanh và nuôi dưỡng, tôi luôn tâm sự với con. Khi con làm gì đó sai, tôi không bao giờ quát mắng, vì điều đó rất dễ gieo vào đầu con trẻ những suy nghĩ, tư tưởng không tốt.
Tôi dạy con theo giáo lý nhà Phật, luôn đồng hành cùng con nhưng không nuông chiều con thái quá. Lẽ đương nhiên, tôi phải luôn là tấm gương cho con, khi tôi sai, tôi tự “kỷ luật” bản thân mình, và con sai thì con cũng phải sửa lỗi.
Đối với con, tôi luôn dạy cháu nói thật, nói đúng và có điều gì cũng nên chia sẻ với mẹ. Câu nói quen thuộc tôi hay nói với con là “hãy xem mẹ là người bạn, người chị để con tâm sự”, và tôi luôn dành thời gian, đồng hành cùng con từ ăn, học, ngủ nghỉ.
Chị Phan Thị Minh Lý và con gái |
Bên cạnh giáo dục từ gia đình thì khi bé 3 tuổi, tôi đã thường đưa bé tới chùa để lạy Phật, thường kể cho bé nghe về Đức Phật, các vị Bồ-tát, và giải thích cho bé hiểu những việc nên làm, những điều phải tránh. Khi bé tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Thanh thiếu nhi Phật tử tại chùa Thiên Tôn (quận 5, TP.HCM), đến ngày là tôi chở con đi, con sinh hoạt, mẹ công quả. Sau mỗi lần sinh hoạt về, cả mẹ và con đều vui.
Từ khi cho con tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, được nghe quý thầy giảng pháp, được vui chơi múa hát, được học kỹ năng sống, con có những suy nghĩ rất tích cực, càng ngày càng quan tâm nhiều hơn tới mọi người, yêu thương sẻ chia với các bạn, kính trọng lễ phép với người lớn. Có lần hai mẹ con dừng xe ngay đèn đỏ, tôi nói bé xuống cho tiền cụ già xin ăn. Mặc dù tôi không dạy, nhưng con rất lễ phép khi trao tiền cho cụ già bằng hai tay và thưa rằng: “Bà ơi! Mẹ con gởi tặng cho bà ạ”. Sau việc làm đó của con, tôi rất vui và cảm động.
18 năm, con luôn là học sinh giỏi, hiếu thảo và biết lắng nghe. Tôi rút tỉa được rằng, thương con, phụ huynh nên bỏ tính ích kỷ và áp đặt của cá nhân, những gì là mơ ước của mình chưa chắc là mơ ước và hạnh phúc của con trẻ. Hãy cho con được phát triển tự nhiên, dưới sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ, và gia đình.
Bên cạnh giáo dục từ gia đình thì khi bé 3 tuổi, tôi đã thường đưa bé tới chùa để lạy Phật, thường kể cho bé nghe về Đức Phật, các vị Bồ-tát, và giải thích cho bé hiểu những việc nên làm, những điều phải tránh.
Dạy con tính độc lập trong tư duy và nuôi dưỡng cảm xúc tích cực (chị Lê Thị Cẩm Tú, TP.Tân An, Long An)
Tôi không so sánh con với bất kỳ ai, không tạo áp lực cho con phải bằng bạn này hay giống bạn kia. Tôi tôn trọng, trao quyền cho con ngay từ nhỏ, giúp cho con hiểu được bản thân là một cá thể độc lập và tự chủ trong cuộc đời. Nhờ vậy mà các con luôn có sự chủ động, khi các con muốn làm một việc gì hay có những suy nghĩ gì thì cũng xin ý kiến ba mẹ, khi ấy cả nhà cùng nhau thảo luận và chia sẻ, tình cảm gia đình càng thêm gắn kết.
Vợ chồng tôi đưa ra một quy tắc, mỗi ngày gia đình tôi đều dành ra ít nhất 30 phút để trò chuyện cùng nhau, chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn hay bất kỳ điều gì trong ngày. Chúng tôi luôn để tâm bồi dưỡng những cảm xúc tích cực cho con ngay từ nhỏ, chẳng hạn như giúp con xây dựng niềm yêu thích với việc đọc sách, có ý thức bảo vệ môi trường, yêu thương động vật, biết cách quan tâm, chia sẻ và thể hiện tình cảm với người thân trong gia đình. Tôi luôn khuyến khích các con tham gia các hoạt động xã hội mang nhiều ý nghĩa, cho con những trải nghiệm thực tế để phát triển kỹ năng xã hội.
Hai mẹ con chị Cẩm Tú |
Theo tôi, cha mẹ có thể cung cấp các kiến thức quan trọng cho con cái, nhưng không nên áp đặt suy nghĩ chủ quan lên trẻ. Ví dụ như trong việc cung cấp cho con những kiến thức về dinh dưỡng và sức khỏe, để con có được ý thức tự chăm sóc bản thân thông qua một chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Từ đó, các con tự quyết định việc muốn ăn gì và không muốn ăn gì, chủ động tránh xa các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe như là nước ngọt, thức ăn nhanh, bánh kẹo...
Và cuối cùng, bản thân người làm cha mẹ phải luôn ý thức được mình chính là tấm gương cho trẻ, mình dạy trẻ điều gì thì bản thân mình phải luôn thực hiện điều đó. Ví dụ như chúng ta không muốn các con dành nhiều thời gian chơi điện thoại thì cha mẹ cũng không nên “ôm” điện thoại suốt ngày. Có lẽ vì vậy mà cùng với việc giáo dục con cái, bản thân tôi cũng trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Dạy con kỹ năng sống, bồi đắp lòng yêu thương (chị Đỗ Thị Kiều Chinh, TP.Phan Thiết, Bình Thuận)
Có 3 kỹ năng quan trọng mà tôi đặc biệt chú trọng xây dựng cho con, đó là: kỹ năng độc lập, kỹ năng tự bảo vệ bản thân và kỹ năng quan sát. Để con có được tư duy độc lập, từ những việc rất nhỏ, tôi đều trao cho con quyền quyết định, ví dụ như tôi cho con lựa chọn quần áo con muốn mặc khi ra ngoài, hoặc lựa chọn món ăn con thích. Tất nhiên là sự tự do lựa chọn này nằm trong giới hạn nhất định, trong sự định hướng của cha mẹ.
Các bài học về kỹ năng bảo vệ bản thân vô cùng quan trọng, ngay từ nhỏ tôi đã hướng dẫn con cách để tránh những rủi ro như tai nạn, những khu vực nguy hiểm không nên lại gần, cách xử lý tình huống khi rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm, khi bị lạm dụng hoặc bạo lực. Thực tế con đã ghi nhớ và áp dụng những kiến thức kỹ năng này trong những tình huống cụ thể mà con gặp phải. Tôi cũng hướng dẫn con cách quan sát sự vật hiện tượng xung quanh, để tâm đến những gì mình thấy, mình nghe để có thể tự rút ra những bài học từ cuộc sống.
Chị Kiều Chinh và con trai |
Bên cạnh việc phát triển các kỹ năng mềm, tôi cũng chú trọng bồi dưỡng lòng trắc ẩn, tình yêu thương và trách nhiệm cho con. Thật sự, rất khó để dạy con về những điều này, bản thân cha mẹ phải là người thể hiện trước thì con mới có thể học theo.
Ví dụ như mỗi khi con phạm lỗi, trước khi phân tích cho con hiểu điều đó là chưa tốt, tôi luôn nhẹ nhàng nói với con “mẹ yêu con, mẹ rất thương con, mẹ muốn giúp con”, khi ấy con mình sẽ dễ tiếp nhận điều mình nói. Hoặc mỗi khi con làm việc nhà giúp mẹ, tôi đều nói lời cảm ơn tới con.
Khi con còn nhỏ, tôi dạy con tình yêu thương với động vật, như là không nên giết con kiến hay các con vật nhỏ khác, hoặc là biết chăm sóc cây cối, tưới nước mỗi ngày cho cây. Khi con lớn hơn chút xíu, tôi tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động thiện nguyện, để con tự nảy sinh lòng trắc ẩn, chủ động sẻ chia với những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Từ đó mà con cũng có ý thức hơn trong việc giữ gìn quần áo, đồ dùng học tập, đồ chơi, để khi con không còn dùng nữa thì những món đồ đó vẫn còn mới và tốt, có thể tặng lại cho các bạn nhỏ khác.
Con cũng biết tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng đồ nhựa để tiết kiệm nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tôi dạy cho con không nói dối, khi nói chuyện thì chú ý đến cảm xúc của người khác, biết trân trọng những điều người khác làm cho mình, giúp đỡ mình.
Mỗi ngày, trước khi đi ngủ, tôi đều dành thời gian để đọc truyện và trò chuyện với các con, đặt câu hỏi và chia sẻ cảm nhận, suy nghĩ của nhau. Thông qua đó, tôi cũng có thể “đo lường” được sự phát triển của con cả trong nhận thức và tình cảm.