GN - Những ngày đầu sống chung với bệnh, cô gái nhỏ nhắn ấy đã không khỏi vật vã, khổ sở, nhưng giờ đây bạn đã biết cách biến những cơn đau thành hy vọng và lấy tình thương làm chất liệu, sáng lập nên quỹ “Em ước mong sao - Vì trẻ em ung thư”, góp cho đời những tia nắng ấm.
Nhật ký “gói” những cơn đau
Diệu Thuần bắt đầu điều trị ung thư máu ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương từ năm 18 tuổi - độ tuổi được xem là đẹp nhất, trẻ trung, mơ mộng nhất. Vật lộn với những cơn đau hơn 7 năm, cuối cùng Diệu Thuần cũng được ghép tủy do anh trai hiến tặng. Sau 2 tháng cách ly và thực hiện phẫu thuật, bạn lại tiếp tục điều trị thêm 2 năm nữa, đó là cuộc hành trình rất dài. Ai đã và đang trải qua giai đoạn này đều cảm nhận được, ung thư máu giày vò con người ta khủng khiếp, đến tận cùng khổ đau - sống còn khó hơn chết.
Thời sinh viên của cô gái trẻ học khoa Tài chính Ngân hàng (Đại học Quốc gia Hà Nội) phần lớn được lấp đầy bởi những lần xạ trị, truyền thuốc, truyền kháng sinh, hóa chất. Nhưng với tính cách năng động vốn có, Diệu Thuần đã tự tạo ra niềm vui bằng cách tham gia vào hội những người yêu thơ, thời gian rảnh viết sách và đặc biệt viết nhật ký như một cách giải phóng nỗi buồn, những trăn trở và sự đau mệt.
Nhật ký của một bệnh nhân ung thư không thể không có những lo lắng, những nỗi sợ hãi khi thấy mình trong gương, những khoảnh khắc cô đơn và cả những lúc gần như tuyệt vọng trong khi chứng kiến bệnh nhân cùng phòng ra đi. Thế nhưng, chính những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần khi ấy lại càng thổi bùng lên sự kiên cường, mạnh mẽ của một cô gái đôi mươi.
Nhớ lại dáng vẻ bản thân khi đó, Diệu Thuần kể: “Mẹ trêu mình giống Gollum - nhân vật yêu tinh trong phim Chúa tể của những chiếc nhẫn vì quá còm cõi, gầy mòn và mái đầu trọc chỉ còn vài sợi tóc mai. Da mình đen thui như cột nhà cháy, chân tay teo nhỏ lại, co quắp, đi không vững. Mồm sưng viêm, lở loét đến nỗi không thể há miệng đủ to để cho một quả nho bé nhất vào mồm”.
Dù vậy, “đóa hoa hướng dương nhỏ bé, còi cọc” cuối cùng cũng được trải qua những khoảnh khắc hạnh phúc ngọt ngào khi hồi phục. Như những gì Diệu Thuần đã từng viết trong nhật ký của mình: “Tôi không phải là người mang căn bệnh nặng nhất, càng không phải là người nỗ lực nhất, tôi không còn cách lựa chọn nào hết là phải cố gắng, thật cố gắng”. Sự cố gắng đó đã giúp bạn bình an vượt qua giai đoạn thử thách khốc liệt nhất mà cuộc đời dành cho bạn.
Sau khi lành bệnh, Diệu Thuần xuất bản quyển tự truyện dài gần 200 trang với tên gọi Muôn ánh mặt trời. Đó cũng chính là lời tri ân gửi đến những người đã yêu thương, đồng hành cùng Diệu Thuần trên chuyến hành trình nhọc nhằn đằng đẵng hơn 9 năm ấy. Ngoài ra, những suy tư, trải nghiệm điều trị ung thư còn là món quà tinh thần Diệu Thuần gửi tặng những ai đang trong “chiến trận” như bạn đã từng.
Diệu Thuần cùng các bệnh nhi |
Đổi đau thương lấy kiên cường
Với tất cả những tâm tư, trải nghiệm có được trong 9 năm điều trị ung thư, Diệu Thuần trở lại bệnh viện, nơi ghi dấu mọi sự mệt mỏi, nặng nề, nơi từng khiến cô gái nhỏ tự thú nhận mình là người “yếu đuối nhất trong những kẻ yếu đuối”. Nhưng lần trở lại này là để mang niềm vui và hy vọng của tuổi trẻ qua một vai trò mới: tình nguyện viên.
Không chỉ dành thời gian định kỳ hàng tuần để gặp gỡ, vui chơi và sẻ chia cùng các em, Diệu Thuần còn kêu gọi sự giúp đỡ từ xã hội thông qua nguồn quỹ “Em ước mong sao - Vì trẻ em ung thư”. Ngân sách từ nguồn quỹ được trích ra để mua quà tặng, hỗ trợ trang trải cuộc sống cho các em mắc ung thư và cả những em có hoàn cảnh khó khăn vì cha mẹ mắc ung thư.
Sở hữu trái tim nhân hậu và tinh thần “thép” đáng ngưỡng mộ như thế, nhưng cô gái ấy hầu như không nói về bản thân mình. Lướt xem trang Facebook cá nhân của cô, cứ mỗi 3 bài đăng là có ít nhất 1 bài viết về các em nhỏ ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, và những cập nhật về nguồn quỹ của dự án “Em ước mong sao - Vì trẻ em ung thư”.
Tại Viện Huyết học, có một thư viện nhỏ, đó là nơi Diệu Thuần và các bạn cùng chí hướng chăm chút, tạo ra “thế giới thần kỳ” đón chào các “độc giả” đặc biệt. Phòng tuy bé nhưng đầy đủ các gian hàng trò chơi, nhiều sách thiếu nhi bổ ích, và không thiếu bút tô màu, giấy để các em vẽ bầu trời của riêng mình. Đó cũng là nơi mà mọi người đều có thể thấy Diệu Thuần ở đây cả ngày, chơi cùng các em, và cùng các em học chữ, viết tiếp ước mơ đang dang dở.
Thay vì trốn chạy bằng đôi mắt nhắm nghiền đau khổ và để cho giấc mộng ngã nhào, tôi lựa chọn chiến đấu, trở thành một người sống có ích... Hơn 5 năm gắn bó với công việc thiện nguyện, các bé chính là những tia nắng ấm trong cuộc đời tôi. Dù đôi khi, những tia nắng ấy vụt tắt lên trời cao, thì trong thâm tâm tôi biết, chúng tôi đã rất hạnh phúc và yêu thương khi bên nhau".
Diệu Thuần
Ngày qua ngày, tấm lòng và những hành động thiết thực từ Diệu Thuần đã lan tỏa thông điệp ý nghĩa, khơi dậy lòng trắc ẩn trong nhiều người, để rồi sau đó nhiều tình yêu thương đã gửi đến như mệnh lệnh từ trái tim. Mạnh thường quân, các phụ huynh đang và đã từng có con điều trị tại đây mỗi người thường đóng góp chút ít để tạo niềm vui cho các em trong quá trình chiến đấu với bệnh tật. Có phụ huynh chia sẻ bằng số tiền có được từ buôn bán nhỏ, cũng có người trích phần ăn sáng gửi năng lượng thiện lành tiếp sức đến các em nhỏ đang điều trị, chiến đấu với căn bệnh quái ác.
Để có nguồn kinh phí cho các em, sau khi thành lập nguồn quỹ “Em ước mong sao - Vì trẻ em ung thư”, Diệu Thuần ấp ủ và lên kế hoạch phát triển một doanh nghiệp xã hội “Vì trẻ em ung thư”, để có thể chủ động trong nguồn tiền, giúp các em nhiều hơn. Dẫu biết chặng đường đó không mấy dễ dàng, nhiều chông chênh và thử thách, nhưng Diệu Thuần bảo: “Tình yêu thương đã cho tôi sức mạnh và niềm tin”. Có lẽ, chính nghị lực ấy đã giúp cho bạn không chùn lại cả những lúc bệnh tật và khi đã được chữa lành, không chùn lại cả lúc chiến đấu vì mình, lẫn lúc chiến đấu vì người khác.
Ở tuổi 34, Diệu Thuần đúc kết: “Sống hết mình, góp những tia sáng tích cực, đó là cách tôi đang làm cho cuộc đời; luôn có niềm tin mãnh liệt vào tình yêu thương và cho đi là cách tôi đóng góp cho cuộc sống”. Tinh thần sống tích cực và sống không chỉ vì mình của Diệu Thuần phải chăng rất cần được lan tỏa?!